Một chặng đường học vấn

Cuối năm 1952, sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ ở Thái Lan và Lào, Liên khu ủy Khu 4 triệu tập ông Đinh Văn Khoa và Nguyễn Văn Ngọ về để đi học ở nước ngoài. Sau Báo cáo công việc với Liên khu ủy và Sở Vô tuyến điện Khu 4, hai ông được nghỉ phép 2 ngày về thăm nhà, sau đó lên đường ra Việt Bắc dự lớp chỉnh huấn cho các học viên được cử đi học nước ngoài.

Nhớ lại thời điểm đó, GS Nguyễn Văn Ngọ chia sẻ: “Cuộc chỉnh huấn khá chặt chẽ, cuối cùng qua mấy vòng bình bầu từ tổ lên đoàn, gần 300 người được chọn đi. Số người được cử sang Trung Quốc nhiều hơn số đi Liên Xô. Ở Liên Xô thời gian học đại học là 5 năm, ở Trung Quốc chỉ 4 năm. Phần lớn anh chị em đã qua Toán học đại cương hoặc lớp Khoa học cơ bản ở Nam Ninh, hay tốt nghiệp chuyên khoa 12 năm, như Nguyễn Đình Tứ, Hà Học Trạc, Lê Thạc Cán, Đinh Ngọc Lân, Phạm Sỹ Liêm, Vũ Gia Hanh, Đặng Hữu, Phạm Văn Huân, Trịnh Văn Tự, Đỗ Quốc Sam, Phan Thanh Liêm, v.v. đều được cử đi học ở Trung Quốc. Xuất sắc như Nguyễn Đình Tứ, Nguyễn Bình Thành, Lê Thạc Cán lại được cử vào lớp chuyên tu 2 năm để về sớm hơn! Tuy vậy, hầu hết số anh em này về sau đều được đi học trên đại học ở Liên Xô và các nước Đông Âu”.

1. Học Trung văn ở Quế Lâm

 Giáo sư Nguyễn Văn Ngọ cho biết, trừ một số người lớn tuổi hơn như Mai Hữu Khuê, Trịnh Văn Tự đã học qua chữ Hán, gần như toàn bộ đoàn du học sinh khi qua biên giới mới chỉ có mấy chữ nhất, nhị, tam…, có lẽ là từng nhìn thấy trên cỗ bài tam cúc khi còn nhỏ. Ông còn nhớ hồi học phổ thông ở trường Quốc học Vinh, thầy Trần Quốc Nghệ giảng Việt văn, dạy cho rất nhiều thành ngữ và điển tích Trung Quốc đã được Việt hóa một cách tài tình, như “trúc chẻ ngói tan”, “thà làm ngọc nát còn hơn ngói lành”, “biết đâu Hợp phố mà mong châu về”, v.v. cho nên khi học tiếng Trung, ông chỉ “gờm” nhất là viết chữ Hán, còn các bài đọc dưới dạng text ông không lo lắm. Trước khi học tiếng Trung, Nguyễn Văn Ngọ có học tiếng Thái Lan, tưởng là không liên quan gì với nhau, nhưng hóa ra cũng có ích.

Đến Quế Lâm, bắt đầu học tiếng Trung, phải qua gần 2 tháng học phát âm, học “Chú âm Phù hiệu” (ký hiệu phiên âm), và học nói được những câu chuyện đơn giản rồi Nguyễn Văn Ngọ mới tra từ điển bằng “Chú âm Phù hiệu” để chuẩn bị và kể lại với thầy giáo Hoa Thung Niên câu chuyện “Bát Đao Phân Mễ Phấn, Thiên Lý Trọng Kim Chung”, cũng như ý tưởng của ông về việc phân tích chữ Hán theo bộ thủ để học cho dễ nhớ. Thầy giáo rất thú vị về câu chuyện của Nguyễn Văn Ngọ, nhưng thầy giải thích thêm rằng mỗi chữ Hán là một tập hợp bộ thủ, nhưng phải biết quy tắc tạo chữ thì mới thành chữ Hán. Còn tùy vào trình độ nói và đọc tiếng Trung của sinh viên Nguyễn Văn Ngọ thầy sẽ hướng dẫn cho tự nghiên cứu để học cách tạo thành chữ Hán theo những quy tắc nói trên. Thầy bắt đầu bằng chữ hình thanh và cho mượn một quyển từ điển Trung-Anh, yêu cầu tra một âm, chẳng hạn âm “hua” (ra chữ “hóa”, nghĩa là thay đổi), rồi xem tiếp chữ “hóa” đó khi thêm bộ “thảo” ở trên nghĩa là gì, thêm bộ “thập” ở dưới nghĩa là gì, thêm bộ thập ở dưới và bộ mộc ở bên cạnh nghĩa là gì, từ chỗ chỉ biết môt chữ mà thành ra biết được 4 chữ. Cứ thế, thầy cho một số chữ gốc đơn giản để ông về tra thêm theo kiểu đó và tuần sau đến báo cáo với thầy giáo. Sau khi xem lại, thầy yêu cầu dịch ra tiếng Việt, và cho phép ông rút ra những từ thông dụng nhất để báo cáo lại cho các bạn trong lớp, có thầy cùng dự. Tốc độ nắm mặt chữ của cả lớp ông vì thế tăng nhanh, các bạn trong lớp từ đó đua nhau phân tích các chữ hình thanh, có khi tranh luận quyết liệt, rất vui. Khi đã nắm được một lượng từ khá nhiều, ông tích cực đọc báo, ở đó có những dạng văn phạm khác nhau, tin tức đề cập đến nhiều khía cạnh của cuộc sống, vận dụng được nhiều từ đã học.

Cùng thầy Hiệu trưởng, các thầy cô giáo và các bạn cùng lớp Trung Văn ở Quế Lâm, Trung Quốc,

Nguyễn Văn Ngọ (thứ 4 từ trái qua phải, hàng đứng sau), 1954.

Cũng có những kỷ niệm rất đáng nhớ trong thời gian học Trung văn ở Quế Lâm mà theo GS Nguyễn Văn Ngọ nó ảnh hưởng ít nhiều đến việc học Đại học ở Nam Kinh. Chuyện chẳng là khoảng cuối học kỳ 1, trường có nhu cầu mở rộng mạng truyền thanh và nâng cao chất lượng truyền thanh nên phải cử người đi Quảng Châu mua máy và mua thêm loa. Hồi đó, từ Quế Lâm đến Quảng Châu phải đi xe lửa, xuống Nam Ninh rồi sang Quảng Châu, mất khoảng 20 tiếng. Lãnh đạo trường đề nghị một trong hai người (Nguyễn Văn Ngọ và Đinh Văn Khoa) đi cùng ông Trưởng đài truyền thanh nhà trường đi Quảng Châu. Ông Khoa đề nghị Nguyễn Văn Ngọ đi, vì tiếng Trung của ông chỉ đủ dùng trong giao tiếp thông thường, còn thuật ngữ chuyên môn về điện tử chưa biết, để ông Ngọ đi thì có thể trao đổi được bằng tiếng Anh.

Giáo sư Nguyễn Văn Ngọ còn nhớ, đến Quảng Châu, ông Trưởng đài truyền thanh đi đâu cũng giới thiệu là có chuyên viên Việt Nam đã từng làm việc ở Bangkok đi cùng! Khi đến các cửa hàng họ bảo phải đến các nhà máy, vì cửa hàng không có điều kiện kiểm tra đo thử để xác nhận chỉ tiêu kỹ thuật như ông yêu cầu. Đến hai nhà máy lớn, hai ông được đón tiếp linh đình. Vì mới giải phóng cho nên hàng thời Tưởng tồn lại cũng còn, hàng Hồng Kông cũng có. Họ vui lòng đáp ứng những yêu cầu của Nguyễn Văn Ngọ, kể cả thử nghiệm độ chịu rung xóc khi vận chuyển, nhưng giá cao hơn ngoài cửa hàng khá nhiều. Xem đi xem lại ở hai nhà máy, lại đánh điện tín về xin chỉ thị nhà trường, cuối cùng ông Đài trưởng cũng thỏa thuận được với một nhà máy. “Bây giờ nghĩ lại cũng buồn cười, mua có một cái máy tăng âm 5 kw mà cũng bắt đo kiểm nghiệm chỉ tiêu có ghi biên bản, trong biên bản phải ghi rõ dùng những máy đo gì, do hãng nào sản xuất, còn kiểm tra độ chịu rung xóc thì họ không có máy rung, cứ đóng vào thùng, ném huỳnh huỵch, rồi lại lấy ra đo lại chỉ tiêu kỹ thuật từ đầu! Nhà trường rất bằng lòng về chuyến đi mua tăng âm và khen ngợi tôi về trình độ tiếng Trung cũng như cách ứng xử với bạn hàng hợp với phong cách người Trung Quốc”, GS Nguyễn Văn Ngọ vui vẻ kể lại.

2. Học đại học ở Nam Kinh

Chuyện học Trung văn của Nguyễn Văn Ngọ cũng như chuyện đi mua máy tăng âm ở Quảng Châu đến tai thầy giáo Hiệu trưởng của trường, do đó khi bố trí học sinh đã hoàn thành học tiếng Trung vào các trường đại học chuyên ngành, ông Hiệu trưởng cho giới thiệu Nguyễn Văn Ngọ về trường Đại học Công nghệ Nam Kinh (Nam Kinh Công Học viện) khi đó là nơi đào tạo về Vô tuyến điện tốt nhất ở Trung Quốc.

Nam Kinh Công Học Viện dịch sát ra tiếng Việt là Học viện Công nghệ Nam Kinh nhưng để diễn tả đúng phải gọi là trường Đại học Công nghệ Nam Kinh, bởi vì theo cách tổ chức đại học ở Trung Quốc hiện nay học viện là cấp dưới của trường đại học, hơn nữa tên tiếng Anh trường dùng là Nanking University of Technology. Tiền thân của Nam Kinh Công Học viện là trường Đại học Quốc gia Trung ương của Trung Hoa Dân quốc, thành lập từ năm 1902, cùng với Đại học Bắc Kinh là hai trường đại học lâu đời nhất của Trung Quốc.

Những ngày đầu vào học

Sau khi chỉnh huấn được phân công đi học ở Trung Quốc, Nguyễn Văn Ngọ chấp hành nhưng trong lòng vẫn nghĩ, về khoa học kỹ thuật chất lượng đào tạo ở Trung Quốc sao bằng Liên Xô được! Vào đến lớp rồi mới ngớ người ra: chương trình, giáo trình, chế độ cho điểm, thậm chí cả quyển sổ điểm từ kích thước đến mẫu bảng điểm đều bắt chước Liên Xô, chỉ có chữ là chữ Hán. Sách giáo khoa dịch nguyên văn từ sách Liên Xô ra, ngành Radiotechnika ở trường Đại học Năng lượng Mátxcơva (MEI) môn nào dùng sách giáo khoa gì thì ở đây sinh viên dùng đúng quyển ấy. Ông nhớ lại, ông Vũ Văn Sang, người bạn cùng lớp Trung văn ở Quế Lâm, khi đó lại học cùng đại học, là người rất hài hước, có nói: “Thế này thì cũng chả khác gì đi học Liên Xô, chỉ có điều là từ nay ông Ampere nhớ gọi là ông An-bồi, còn ông Volt gọi là ông Phục-đặc”,để “cù” các bạn cùng lóp.

Tuy vậy, những lúc về phòng nói chuyện với nhau, hai anh em vẫn còn băn khoăn một điểm: chương trình, giáo trình, sách giáo khoa thì vậy, nhưng thầy giáo thì thế nào? Lại cũng chính ông Vũ Văn Sang tìm ra câu trả lời: “Thấy hai giáo sư đem áo veston vải ngoại rất sang sửa lại thành áo Tôn Trung Sơn để mặc lên lớp. Đích thị là giáo sư du học Âu Mỹ về, bây giờ mặc thế để “3 cùng” rồi!”. Sau này lần lượt các giáo sư và phó giáo sư mời đến nhà riêng ăn cơm chúng tôi mới biết sách Anh, Mỹ của các thầy đầy tủ, nhưng bắt buộc phải dịch và dạy theo sách giáo khoa Liên Xô. Có lần, Nguyễn Văn Ngọ hỏi giáo sư dạy Vật lý: Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mới thành lập năm 1949 làm thế nào đến 1954 đã có sách giáo khoa Liên Xô dịch và in ra đầy đủ cho các ngành như thế được? Thầy giáo trả lời là ở Bộ có Ban tu thư, các chuyên gia tiếng Nga dịch thô sau đó giao về cho các giáo sư có uy tín trong từng chuyên ngành hiệu đính, Ban tu thư duyệt và cho xuất bản. Hơn nữa, chương trình giảng dạy quy định sách giáo khoa như thế, nhưng thư viện nhà trường vẫn luôn luôn cập nhật đầy đủ những sách giáo khoa nổi tiếng trên thế giới, để các thầy tham khảo.

Giáo sư Nguyễn Văn Ngọ cho biết, điều đáng nể là tất cả giáo sư, phó giáo sư dạy các môn chính như: máy thu, máy phát, anten, kỹ thuật điện,… thời chống Nhật đều đã từng làm việc ở nhà máy và lên đến các chức vụ Tổng công trình sư, Phó Tổng công trình sư, Quản đốc nhà máy. Chính điều này làm cho ông khi về nước giảng dạy ở Đại học Bách khoa Hà Nội đã liên hệ ngay với Đài Tiếng nói Việt Nam và Tổng cục Bưu điện để tham gia công tác thực tế và đưa sinh viên đi thực tập ở các đài phát sóng.

Phụ đạo toán

Năm 1949, Nguyễn Văn Ngọ đã được học Toán học đại cương do thầy Nguyễn Thúc Hào dạy. Ngoài ra, ông cùng với ông Nguyễn Quang Côn còn tự học luôn chương trình Cơ học thuần lý (Mecanique rationelle) dưới sự hướng dẫn của thầy Hào.

Sinh viên cùng lớp với Nguyễn Văn Ngọ gồm cả những bạn trẻ từ các trường Cao Trung 12 năm lên, lẫn những bạn lớn tuổi là cán bộ, quân nhân chuyển ngành đi học. Học ngành Vô tuyến điện chương trình Toán khá nặng, gồm Giải tích, Hình học Giải tích, và Cơ Lý thuyết. Thầy dạy toán là GS Từ Bội Lâm, một nhà toán học có tiếng của Trung Quốc. Các bạn đồng học Trung Quốc và cả ông Vũ Văn Sang, tốt nghiệp hệ 10 năm ở trường phổ thông Yên Mô (Ninh Bình) đều gặp khó khăn với những môn toán, đặc biệt là môn Cơ Lý thuyết. Trên tinh thần tương trợ bạn, ban đầu Nguyễn Văn Ngọ chỉ phụ đạo riêng ông Sang và các bạn cán bộ, quân nhân lớn tuổi trong cùng lớp nhỏ Vô tuyến điện 2 (gọi tắt là tổ 2), nhưng sau đó các bạn bên tổ 1 và tổ 3 cũng sang nhờ giúp, và những hôm hướng dẫn giải bài tập Cơ Lý thuyết thì gần như là giảng cho cả lớp, các bạn đặt cho ông cái tên thân mật là “tiểu tiên sinh” (thầy giáo nhỏ).

Giáo sư Nguyễn Văn Ngọ kể: “Một hôm, người dự học đông quá, tôi không biết là GS Từ Bội Lâm và cả giáo viên trẻ lo việc phụ đạo cũng ngồi dự ở cuối lớp. Các bạn tản ra rồi, tôi nhìn thấy thầy, vội xuống xin lỗi. Thầy khen việc làm của tôi là tốt, và thầy rất thú vị về cách giải độc đáo một số bài toán giải tích mà tôi trình bày. Thì ra giáo viên phụ đạo theo dõi đã lâu và ghi lại đưa về cho GS Từ xem. Tôi đành phải báo cáo đầy đủ với thầy quá trình học Toán đại cương và Cơ thuần lý ở trong nước…”

Cũng từ sự kiện ấy, sau vài ngày, GS Từ tìm Nguyễn Văn Ngọ và thông báo là Phòng giáo vụ cho phép những môn ông đã học ở trong nước rồi thì có thể thi để lấy điểm ghi vào Học bạ mà không cần lên lớp. Từ đó, cứ đầu học kỳ là ông tự ôn mỗi môn đã được học vài ngày rồi đăng ký xin thi. Phải thi ngay từ đầu học kỳ để nếu không được điểm 5 thì xin theo học cùng lớp. Thời gian còn lại, thoạt đầu ông có ý định đăng ký học thêm toán ở Đại học Nam kinh để hoàn thành chương trình cử nhân toán, nhưng vì lúc đó ở Trung Quốc không có chế độ học theo tín chỉ, cho nên ông theo lời khuyên của GS Ngô Bá Tu -Chủ nhiệm Bộ môn Máy thu, xin học thêm Xác suất, Thống kê, Quá trình Ngẫu nhiên, Hàm tương quan,… ngay ở Khoa Toán của trường. Học theo kiểu một thầy một trò, hàng tuần Giáo sư giảng trước cho một số điểm chính rồi về tự đọc sách, làm bài tập, cuối học kỳ vẫn có thi rất nghiêm túc. Những môn học thêm này giúp ích nhiều cho ông trong công tác nghiên cứu khoa học về sau.

Một điều may mắn nữa của Nguyễn Văn Ngọ là hồi đó trong số chuyên gia Liên Xô sang giúp trường, có một bà vợ đi theo chồng nghe tin trường này có lưu học sinh Việt Nam liền ngỏ ý muốn làm một cái gì đó giúp Việt Nam. Khoa Vô tuyến điện đề nghị bà giáo người Nga dạy thêm tiếng Nga cho Nguyễn Văn Ngọ, một cô một trò. Nhờ sự giúp đỡ này, sau khi về nước, đến năm 1959 ông đã dịch được quyển sách Giáo khoa tiếng Nga “Thiết bị Máy Phát” dày 673 trang của tác giả C.A. Drubốp, năm 1960 nộp bản thảo và năm 1962 xuất bản. 

Thực tập, thiết kế tốt nghiệp ở Sở Nghiên cứu Rađa

Suốt 3 năm học tập, Nguyễn Văn Ngọ được điểm 5 với tất cả môn học, và được thưởng huy chương vàng “Đặc đẳng ưu tú sinh” (Sinh viên ưu tú hạng đặc biệt).

Vào học kỳ 2 của năm thứ ba, Trung Quốc không đào tạo rập khuôn theo chương trình của Liên Xô nữa, nhà trường cải tiến chương trình đào tạo, mở ra một số môn học mới. Nguyễn Văn Ngọ và ông Vũ Văn Sang thống nhất với nhau rằng, Việt Nam còn chiến tranh, nên xin học các môn hướng về quốc phòng. Thầy dạy các ông môn Kỹ thuật Rađa là GS Tiền Phượng Chương, một học giả nổi tiếng, và là một trí thức có nhiều cống hiến trong cuộc chiến tranh chống Nhật. Thầy rất quý hai sinh viên Việt Nam và đề nghị cho thực tập tốt nghiệp ở Sở Nghiên cứu Rađa Trung Quốc. Đó là một yêu cầu khó đáp ứng, vì Sở này thuộc Bộ Công nghiệp 2 (Công nghiệp Quốc phòng), hơn nữa hai ông lại là người nước ngoài.

Tuy vậy, nhờ tác động tích cực của Đại Sứ quán Việt Nam tới hai bộ hữu quan phía Trung Quốc, đề nghị đã được chấp nhận. Nguyễn Văn Ngọ và Vũ Văn Sang là những người nước ngoài duy nhất được đến đó thực tập.

Nguyễn Văn Ngọ (thứ 9 từ trái qua phải, hàng thứ 2) cùng các bạn học

trong ngày tốt nghiệp ngành Vô tuyến điện tại Nam Kinh Công học viện (khóa 1954-1958), Trung Quốc, 1958

Vào thời điểm đó Trung Quốc đang thiết kế và chế tạo thử rađa đầu tiên, một rađa cảnh giới tầm xa ở cự ly 400 km. Tổng công trình sư là một người Australia gốc Hoa, ông này chỉ hiểu một ít tiếng Trung, không biết chữ Hán, cán bộ phiên dịch lại không biết thuật ngữ chuyên môn. Công trình sư Tiết Quốc Vĩ, người hướng dẫn 2 sinh viên Việt Nam thực tập có thể đọc, nghe tiếng Anh tốt nhưng nói chưa thạo. Tài liệu về công nghệ được gửi về từ nước ngoài toàn bằng tiếng Anh, phần lớn công trình sư ở Sở chỉ xem sơ đồ và bản vẽ, đọc tiếng Anh còn vất vả. Khi đó, Nguyễn Văn Ngọ và Vũ Văn Sang có giúp đỡ và gây được cảm tình với họ. Nhưng 2 sinh viên Việt Nam chỉ được mọi người thực sự coi trọng từ khi Nguyễn Văn Ngọ phát hiện ra tại sao Maket thử nghiệm được phỏng tạo đúng như mẫu của nước ngoài, nhưng khi đóng điện, điều chỉnh mãi vẫn còn khác xa so với chỉ tiêu thiết kế. Nhớ về chuyện này, GS Nguyễn Văn Ngọ kể: “Anh Vũ văn Sang hỏi tôi: “Có cái kế Trạng Lợn nào không?” Tôi bật cười và bỗng nhiên nảy ra một ý: sao không thử thay cái “thủ lợn” đi. “Thủ lợn” là từ anh Sang hay dùng để chỉ cái đèn ba cực siêu cao tần công suất lớn, to bằng cái thủ lợn và có hai cái quai gắn vào bộ tỏa nhiệt để vận chuyển, nhìn cũng na ná như tai lợn thật! Tôi mới dè dặt gợi ý với Tổng Công trình sư, thì ông vụt nghĩ ra ngay: đèn do Trung Quốc chế tạo nội trở có thể khác đèn Mỹ, không phối hợp trở kháng với tải được. Ông lệnh cho thay đèn Mỹ vào, đúng là ổn ngay”.

Hai sinh viên Việt Nam được thực tập tốt nghiệp rồi làm tiếp thiết kế tốt nghiệp, luận án tốt nghiệp, được đánh giá vào loại Ưu (5 điểm). Theo đề nghị của trường Nam Kinh Công Học viện, Đại Sứ quán Việt Nam đề nghị Bộ Giáo dục Việt Nam cho Nguyễn Văn Ngọ và Vũ Văn Sang tiếp tục ở lại làm nghiên cứu sinh tại Sở Nghiên cứu Rađa Trung Quốc. Các ông đã nhận được Quyết định của Bộ do Thứ trưởng Hà Huy Giáp ký, phía Sở Nghiên cứu Rađa cũng đã chuẩn bị cho hướng nghiên cứu là rađa sóng centimet, nhưng sau đó trường Đại học Bách khoa Hà Nội xin các cán bộ này về giúp trường giảng dạy cho lớp Vô tuyến điện khóa 1 sắp lên năm học thứ 3 mà chưa có thầy giáo về các môn chuyên ngành, nên Nguyễn Văn Ngọ Và Vũ văn Sang đã tự nguyện về nước làm việc.

 Khóa học mà Nguyễn Văn Ngọ và Vũ Văn Sang theo học ở Khoa Vô tuyến điện thuộc Nam Kinh Công Học viện là khóa kỹ sư Vô tuyến điện hệ chính quy đầu tiên đào tạo dưới mái trường Xã hội chủ nghĩa của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Những bạn đồng học Trung Quốc về sau đều trở thành cốt cán trong các cơ sở khoa học, công nghệ và công nghiệp của Trung Quốc.

Sau này ở các Hội nghị khoa học quốc tế, trong các cuộc giao lưu giữa các trường đại học hai nước, và cả trong những chuyến đi dự hội chợ, triển lãm quốc tế, GS Nguyễn Văn Ngọ đã có nhiều dịp gặp lại các thầy và bạn đồng khóa, đã cùng nhau hợp tác để tổ chức một vài sự kiện khoa học lớn trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Và đó cũng là dịp để họ cùng nhau ôn lại những kỷ niệm về quãng thời gian cùng học, hồi tưởng lại để tri ân những người thầy đã cung cấp cho những kiến thức khoa học kỹ thuật cơ bản vững chắc để từ đó tự học thêm, tự nghiên cứu trở thành những chuyên gia đầu ngành trong các chuyên ngành thuộc lĩnh vực Vô tuyến điện.

Nguyễn Thanh Hóa