Một chặng đường, một sáng kiến của GS Văn Tạo đóng góp với việc giữ gìn di sản các nhà khoa học

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tiếp cận nghiên cứu lịch sử cuộc đời của GS Văn Tạo, một nhà sử học lão thành, từ cuối năm 2008. Trải qua hơn 6 năm , GS Văn Tạo không chỉ có nhiều gắn bó và tin tưởng gửi gắm Trung tâm một khối lượng lớn tài liệu, hiện vật liên quan đến lịch sử cuộc đời hoạt động khoa học của mình, chặng đường đó, thông qua việc dõi theo hoạt động của Trung tâm, ông còn thay đổi nhận thức về di sản của nhà khoa học, để từ đó dẫn đến sự sáng tạo độc đáo, rất hữu ích cho hoạt động của Trung tâm.. Hôm nay nhân dịp ông tròn 90 tuổi, Trung tâm tổ chức buổi sinh hoạt khoa học với chủ đề “Câu chuyện hành trình của GS Văn Tạo đến với Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam”, như một một nghĩa cử chúc mừng Đại thượng thọ Giáo sư.

Chúng tôi muốn công bố một sự kiện đặc biệt: Trong hơn ba nghìn tài liệu trao tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, GS Văn Tạo đã dành cho chúng ta một sự bất ngờ đặc biệt, đó là việc nhà sử học 90 tuổi này đã kể lại những trải nghiệm cuộc sống của mình bằng 118 băng ghi âm, với tổng cộng khoảng 8.000 phút. Đây là 118 băng do ông, tự ghi lại những lời tự bạch của ông dần dần trong suốt 5 năm, từ năm 2009 đến 2013. Bộ sưu tập băng ghi âm này được ông gọi là “Một thế kỷ qua những mẩu chuyện đời” và ông đã tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Bằng chính giọng ông kể lại, bộ tư liệu ghi âm là di sản của những ký ức thông qua nhiều trải nghiệm khác nhau dưới góc nhìn của một nhà sử học. Với 118 băng ghi âm, bộ tài liệu này đã tái hiện những câu chuyện về quê hương, về quá trình xây dựng Ban Văn – Sử – Địa và Viện Sử học, về các nhân vật lịch sử như Trần Huy Liệu, Trần Văn Giáp, Minh Tranh, Nguyễn Đổng Chi, Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh…, về những buổi làm việc với các vị lãnh đạo nhà nước như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… Bộ băng ghi âm cũng lưu giữ lại những suy tư của GS Văn Tạo về quá trình nghiên cứu khoa học, giảng dạy, về các vấn đề lớn của đất nước mà ông quan tâm, trăn trở. Tất cả những câu chuyện, những kỷ niệm, những suy nghĩ được GS Văn Tạo đặt trong một bối cảnh rộng lớn về lịch sử, dựa trên các nguồn tài liệu mà ông thu thập, sưu tầm và lưu giữ. Vì vậy, bộ tài liệu bằng lời của GS Văn Tạo có giá trị vô cùng to lớn, không chỉ về cuộc đời của một con người, mà còn chứa đựng nhiều thông tin về các vấn đề lịch sử, các nhân vật lịch sử và các sự kiện lịch sử mà tác giả chứng kiến hay có các tài liệu liên quan.

Cho phép tôi gọi đây là một sự kiện bất ngờ đặc biệt. Như chúng ta đều biết, trong thời đại khoa học kỹ thuật này, việc ghi âm lời kể của các nhà khoa học hay của các nhân chứng là một việc làm bình thường. Công việc thường nhật của các nghiên cứu viên của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam là đến gặp các nhà khoa học để nghe kể chuyện và ghi âm theo mục đích nghiên cứu của Trung tâm. Bối cảnh là có người nói, có người nghe, có người hỏi, có người đáp. Câu chuyện cứ diễn tiến, phát triển theo chiều rộng hay theo chiều sâu là do sự gợi ý của người nghe; nhiều khi câu chuyện gây hưng phấn tột độ với người kể chuyện khi bấm đúng vào nút mà người kể chuyện tâm huyết hay trăn trở. Nhưng trường hợp GS Văn Tạo thì khác hẳn. Ông đã dành 8.000 phút nói chuyện một mình, mặt đối mặt chỉ với chiếc máy ghi âm. 8000 phút nói không có người nghe, không người đối thoại, chỉ có ông và chiếc máy vô tri vô giác. Điều đó đặc biệt quá chứ! Đã mấy ai làm được như vây? Chỉ có lòng say mê, tình yêu vô bờ bến và trách nhiệm cao với lịch sử, GS Văn Tạo mới tìm được nguồn cảm hứng để thực hiện ý nguyện của mình như vậy.

8.000 phút trải dài trong 5 năm. Những lúc khỏe khoắn và tinh thần sảng khoái, ông lại đối thoại với máy ghi âm, qua đó đủ để thấy sự bền bỉ, kiên trì của nhà sử học lão thành này.

Không phải ông không muốn nói chuyện với các nghiên cứu viên của Trung tâm khi họ luôn luôn sẵn sàng đến gặp ông, mà ông sợ phiền họ, khi mình tuổi cao, sức khỏe thất thường, nhiều khi hẹn thì lại “trở trời trái gió”… Thế là ông có sáng kiến chủ động trong điều kiện có thể, tự ghi âm những câu chuyện của mình, đưa lại cho Trung tâm gỡ băng rồi ông đọc lại, biên tập lại. Công việc cứ thế trải dài trong 5 năm liền, ông như một nguồn suối chuyện không bao giờ cạn, bởi ông là một chứng nhân quan trọng về thời hình thành nền sử học cách mạng ở nước ta.

Chúng tôi coi việc nhà khoa học tự ghi âm các câu chuyện của mình, trên cơ sở đề cương gợi ý của Trung tâm Di sản các nhà khoa học VN, là một sáng kiến tuyệt vời. Bộ tư liệu tự kể chuyện bằng ghi âm của GS Văn Tạo mở ra một hướng tiếp cận mới đối với Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Đó là cách giữ gìn ký ức bằng cách tự ghi âm lưu lại cho đời sau, một hình thức thích hợp với những nhà khoa học cao tuổi mà việc viết lách đã trở nên khó khăn. Sáng kiến tuyệt vời củanhà sử học Văn Tạo đã mở đường, để có thể áp dụng rộng rãi khi triển khai nghiên cứu, sưu tầm tài liệu về lịch sử cuộc đời các nhà khoa học Việt Nam.

Cũng cần trở lại thời điểm 6 năm trước, khi Trung tâm chúng tôi đến với GS Văn Tạo. Cũng như nhiều nhà khoa học khác, lúc ấy Giáo sư quan niệm di sản quan trọng của nhà khoa học là những công trình đã xuất bản. ông đã tặng cho Trung tâm những cuốn sách, bài báo của ông đã được xuất bản và cho rằng như thế là mình đã đáp ứng mục tiêu nghiên cứu của Trung tâm. Tiếp cận hoạt động nghiên cứu sưu tầm của Trung tâm trong thực tế, dần dần, ông nhận ra rằng các bút tích, bản thảo, các sổ tay ghi chép của mình, chứ không phải chỉ của những vị lãnh đạo hay những danh nhân, chính là những di sản quan trọng cần được giữ gìn, bảo tồn. Nhận thức sâu sắc rằng di sản của mỗi nhà khoa học chính là những tư liệu phản ánh lịch sử của ngành, của đất nước, vì thế sau này ông đã tặng cho Trung tâm hàng nghìn trang tư liệu viết tay, bản thảo, thư từ cá nhân. Ông cũng mau chóng nhận ra tầm quan trọng của di sản ký ức thông qua những hồi tưởng, trải nghiệm, suy ngẫm về cuộc đời, nghề nghiệp, về các sự kiện xã hội cũng như các quan hệ xã hội mà chính mỗi cá nhân đã trải qua. Chính vì thế, ở tuổi 90, ông đã tiếp tục đóng góp cho sử học theo cách riêng là tạo ra một hồ sơ lịch sử cuộc đời của mình bằng lời tự kể chuyện. Bộ tài liệu ghi âm này cùng với các bản giải băng được biên tập cẩn thận, có chữ ký của người kể chuyện/tác giả, trở thành một nguồn sử liệu vô giá, một sưu tập hiện vật độc đáo của Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam. Câu chuyện hành trình của GS Văn Tạo đến với Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam chính là quá trình nhận thức ngày càng sâu sắc hơn về di sản các nhà khoa học và đặc biệt là đã có sáng kiến tự tạo ra hồ sơ lịch sử cuộc đời của nhà khoa học bằng cách ghi âm tự kể chuyện.

Thưa GS Văn Tạo, các vị khách quý và các bạn đồng nghiệp!

Chúng tôi đánh giá rất cao sáng kiến này, vì nó vừa có giá trị lưu lại những tư liệu lịch sử sống động, vừa phù hợp với với những nhà khoa học tuổi đã cao. Nếu sáng kiến này được áp dụng rộng rãi, chắc chắn chúng ta sẽ cứu được nhiều ký ức của các nhà khoa học cao tuổi. Cho phép tôi bày tỏ sự ngưỡng mộ trước tình yêu lịch sử và trách nhiệm với các thế hệ tương lai của GS Văn Tạo thông qua sáng kiến tuyệt vời mà chúng ta vừa nói ở trên. Cảm ơn những đóng góp quý báu của Giáo sư với Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam!

Nhân dịp Giáo sư bước sang tuổi 90, xin kính chúc Giáo sư dồi dào sức khỏe, vui tuổi già với con cháu và luôn quan tâm, vui cùng với những thành tựu của sử học Việt Nam!

Xin cảm ơn Giáo sư và quý vị.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy