Bốn mươi hai trang giấy không phải là con số quá lớn đối với một cuốn nhật ký viết trong vòng 7 năm. Song, đọc lại nó sau 75 năm kể từ khi những nét bút đầu tiên được viết ra, mường tượng biết bao thăng trầm dâu bể của đời người cùng với vận mệnh dân tộc trong từng ấy năm thì mới thấy rằng sự tồn tại của cuốn nhật ký này quả là một điều kỳ diệu. Từng trang nhật ký đã ngả sang sắc vàng nâu thâm trầm, hương giấy đã nồng lên cái mùi đặc trưng cũ ố của bao phen vật đổi sao dời, và có cả hơi hướm của lửa cháy; sắc mực đã không còn thắm tươi như cái thủa ban đầu mà chủ nhân tạo dạng. Các sự kiện diễn ra trong đời sống hàng ngày đã được Đặng Văn Chung miêu tả hết sức chân thực, tự nhiên, nhưng qua đó ta thấy được một thế giới nội tâm phong phú. Cuốn nhật ký này đang được lưu giữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
Những trang Nhật ký đã ngả màu và bị hư hại bởi thời gian
Năm 1938, tại Bệnh viện Robin (sau này là Bệnh viện Bạch Mai), người ta vẫn thường nhìn thấy một sinh viên nội trú với dáng người nhỏ nhắn, phong thái dung dị ngồi trong Salle de garde (Phòng trực và tiếp đón bệnh nhân). Đó là Đặng Văn Chung, sinh viên trường Đại học Y Dược khoa Đông Dương – người đã xuất sắc vượt qua kỳ thi tuyển sinh viên nội trú năm 1937, và đây có thể coi là một nơi chứng kiến bước ngoặt mới trong sự nghiệp của Đặng Văn Chung. Một năm trôi qua, được làm việc dưới sự hướng dẫn của các thầy giỏi, Đặng Văn Chung tự nhủ phải chuyên tâm trau dồi cho cái sở học của mình được dày dặn thêm lên. Lúc này, ông đã vinh dự được làm công việc tiếp nhận, chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân. Ông hiểu rằng chỉ một sai sót nhỏ là sức khỏe và tính mạng người bệnh có thể bị đe dọa nghiêm trọng. Ý thức sâu sắc về lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp cho nên đối với ông “Giấc ngủ ở phòng gác bao giờ cũng là một giấc ngủ tỉnh, lăn lộn mãi”[1].
Những ngày đầu Thu năm 1938, tình hình thế giới có nhiều chuyển biến, thời thế bên Tây Âu cũng bớt đi sự căng thẳng do Liên Xô đang cố gắng để Chiến tranh thế giới thứ II không nổ ra. Đặng Văn Chung cảm thấy phấn khởi và an tâm nhiều lắm, Hà Nội sắp hết phải chịu cảnh “tắt đèn trước 7 rưỡi để phòng ngừa lúc tầu bay quân địch đến ném bom”[2]. Giờ đây, ông có thể yên tâm thức đêm mà đọc Coupes Parasito, hay Diagnostic Urgent của Henri Mondor để chuẩn bị cho kỳ thi đầu năm học. Không khí học tập vào lúc này khá sôi nổi và bận rộn, sinh viên tấp nập tề tựu tại trường Y, Nhà thương Bảo hộ, Bệnh viện Robin để nghe giảng và thực hành. Như thường lệ, ông thức dậy từ 4 giờ sáng, học đến 6 giờ rồi vào bệnh viện. Bữa nay ông làm việc với cụ “Đốc” Chánh ở buồng ORL (Otorhinolaryngology – Tai mũi họng): “Cụ hay nói nhưng không đểu. Mình chưa biết chi cả. Chỉ đứng xem thôi”[3]. Đôi lúc rảnh rỗi ông lại vào nhà xác thực hành, lên thư viện hoặc theo thầy Uber đi thăm khám cho bệnh nhân, cũng có khi mải miết cuốn theo những ý nghĩ, tư tưởng đã nảy ra trong trí óc suốt một tuần qua.
Vào những buổi tối cuối tuần hay những chiều Chúa Nhật, Đặng Văn Chung thường dạo bước cùng người con gái dịu dàng gốc Hà thành tên Thuận qua những con phố Hàng, tới những rạp chớp bóng, rồi dừng chân góc phía tây Bờ Hồ nghe tiếng đàn du dương đâu đó bên phố Hàng Trống…
Đêm Trung thu, toàn thành phố được chiếu rọi một thứ ánh sáng xanh mát, vô cùng trong trẻo, trẻ con khua trống, múa lân, rước đèn… làm rộn rã từng góc phố – và rộn rã trong lòng người. Đây cũng là một thời khắc lý tưởng để ông đưa người yêu đi dạo phố, cảm nhận một đêm thu Hà Nội với những nét đẹp của truyền thống đã định hình trong mỗi nếp nhà. Đã 6 năm xa cách gia đình thân thương tại Củ Chi – Sài Gòn, nỗi nhớ nhà vơi đi phần nào khi có người con gái luôn quan tâm và sẻ chia bằng một tình cảm ân cần, sâu sắc. Vì người yêu mà ông phải cố gắng hơn nữa, phải quyết tâm tạo dựng một sự nghiệp vững chắc. Tiếng trống quân đã thưa dần rồi ngừng hẳn, trăng lấp ló sau những quầng mây xám, ông đưa Thuận về nhà, “trước khi ngủ hứa tuần tới đây sẽ học nhiều hơn tuần đã qua” [4]
“Trọn một tuần làm việc không nghĩ đến chuyện chi khác. Trưa nghỉ độ nửa giờ, sửa soạn vào nhà xác. Chiều học ở trường đến gần 7h. Ăn cơm xong thì buồn ngủ ngay, sáng hôm nào 4h cũng thức. Học như thế ít giờ nhưng trong người khỏe khoắn hơn. Lúc nào được nghỉ lên Bib (bibliothèque – thư viện) đọc sách. Định đọc quyển Glandes endocrines (Các tuyến nội tiết – TG) sau khi đã xem vài đoạn về Foie (Gan – TG). Tự thấy mình còn dốt quá, phải mau mau học thêm, đọc sách cho nhiều, bớt đi chơi. Nếu có thì giờ làm resume (Tóm tắt – TG), biên những điều mình chưa biết để cho nhớ.
Trong tuần mình tiêm cho Thụ 2 lần. Lần tiêm thứ hai không vào hết thuốc mà mình tiêm lần thứ ba mới được. Thế thì mình còn chưa thạo tiêm gân máu, phải tập thêm cho thật thạo, tiêm lần đầu cho được ngay”[5]. Ông cố gắng làm thật nhiều các công việc ở nhà thương cho tròn bổn phận, tuy một đôi lúc ông cảm thấy chán nản, mệt mỏi bởi “Hôm nay mà cũng chưa biết ngày mai sẽ làm buồng nào. Thật cách sắp đặt không qui củ chi cả”[6]. Những ngày này người bệnh vào thật đông khiến ông phải khám cả ngày, công việc mất thì giờ nhưng bù lại, nó cho ông niềm vui vì giờ đây ông đều biết tên và bệnh của từng người. Khám bệnh nhiều cũng đem lại kinh nghiệm, sự tự tin trong xử lý các trường hợp.
Tháng 7-1939, Đặng Văn Chung lên tàu hỏa trở vào Sài Gòn để thăm lại cố hương. Bao năm qua cảnh vật không hề thay đổi, vẫn là cái nền đất đỏ in dấu xe ngựa trên quãng đường từ thành phố về Củ Chi, vẫn là những nhịp cầu tre gầy guộc, liêu xiêu giữa dòng kênh nhỏ, xa xa vọng lại âm thanh xào xạc của những chiếc lá khô cuốn theo làn gió từ cánh rừng cao su bạt ngàn trong một buổi chiều muộn… Đặng Văn Chung trở về trong bầu không khí vui vẻ đón chào của mọi người tại gia đình, “có em Bảy, cháu Hồng Anh bốn tháng mà ngoan ngoãn, nhà làm công việc rất vui vẻ”[7] song “chỉ thiếu mỗi mình má, giữa nhà bàn thờ má nhang đèn nghi ngút”[8]. Mẹ ông đã mất do căn bệnh lao phổi kéo dài. Sự trống vắng ấy gieo vào lòng ông niềm khắc khoải, tiếc nhớ và cả nỗi ân hận chưa kịp nghe một lời trăng trối từ đấng sinh thành. Ông không vui, cũng không muốn đi chơi đâu, mà ở nhà thì cảm thấy thời gian trôi qua vô ích. Một buổi trưa“Ăn cơm xong, thay quần áo, đi. Cũng không biết đi đâu. Ra Đa Kao đứng trước mấy rạp Cine nhìn người rồi ra Sài Gòn đi luẩn quẩn quanh chợ, đến 11h đi xe ngựa về gọi cửa”[9]. Mong muốn lớn nhất của cha Đặng Văn Chung là nhìn thấy đám cưới của con trai mình với người con gái bên Gia Định mà hai gia đình đã kết mối thâm giao từ lâu, rồi sau khi học xong ông sẽ trở về quê làm việc. Sáng nay, cậu Hai (cậu em trai của mẹ Đặng Văn Chung) chỉ cho ông xem mảnh đất rộng lớn trồng rất nhiều chuối, quýt ngay gần nhà. Mảnh đất ấy, cha ông đã mua sẵn để ông làm ăn sau khi ra trường, định bụng “Sau này có đất có nhà sẽ mở một cái phòng khám lớn”[10] cho ông. Bất giác, ông “nghĩ ngay đến Thuận, nhưng không nói ra”[11].
Năm 1940 trôi qua với nhiều biến cố trên toàn cõi Đông Dương. Tháng 9-1940, chính quyền Vichy Pháp chống cự một cách bạc nhược trước quân đội Nhật tại Lạng Sơn, Hải Phòng, để rồi Hà Nội cũng theo đó mà thất thủ. Lúc này tại Hà Nội tình hình trở nên rối ren và phức tạp hơn bao giờ hết, người dân chưa hết đau khổ bởi những tên lính Pháp thì đường phố lại xuất hiện từng toán quân với dáng người thấp bé, nhưng hung hãn vô cùng. Vào cuối tháng 12 năm ấy, Đặng Văn Chung nhận được giấy bổ nhiệm “vào làm với Chánh Sô một năm”. Ông phải thu xếp quần áo và sách vở chuyển đến một buồng nhỏ tại số 49 Miribel (nay là phố Trần Nhân Tông), vốn là nơi ở của một người bạn tên Huỳnh – sinh viên Dược khoa. Sau những biến động lớn xảy đến với Hà Nội nhỏ bé này khiến Đặng Văn Chung không thể nào quên, một buổi sáng đầu tiên của năm Tân Tỵ (1941) “nhìn ra cửa sổ, một ít sương mù che phủ thành phố, trời không nắng, không lạnh. Một buổi sáng mùa xuân! Không nghe tiếng người và xe xôn xao như mấy ngày hôm trước. Cảnh vật êm đềm”[12]. Chẳng biết từ khi nào ông đã không còn cảm nhận thấy một bầu không khí trong lành và yên bình đến vậy. Một chút rượu dâu, vài ba hạt mứt và rồi vẩn vơ nghĩ ngợi về điều gì đó tưởng như gần gụi mà bấy nhiêu xa cách, để rồi cám cảnh “Cái tết đối với mình chỉ là một dịp nghỉ và một dịp nhớ nhà”[13]. Ông cuốn theo cảm xúc đó cho tới trưa, khi đang ngồi trong phòng gác thì có người cuống cuồng gọi. Tại căn phòng dành cho những bệnh nhân bị lao phổi có “một cô gái nằm thở rất khó khăn, nhọc mệt, than sắp chết, trong lúc bao nhiêu người vui vẻ mừng xuân. Mình bảo tiêm thuốc, ra về nghĩ ngợi…”[14]
***
Khoảng 4 giờ chiều ngày 10-12-1943, nhằm 14-11 năm Quý Mùi, trong lúc Đặng Văn Chung đem quả tim vừa được ông giải phẫu trên xác một bệnh nhân đã mất đến Centrale Photo để chụp với thầy Blondel thì có báo động, “thiên hạ chạy như điên”[15], thành phố Hà Nội bỗng trở nên hỗn loạn và đầy hoang mang. Đó là cái ngày Hà Nội chính thức gánh chịu những hậu quả ghê gớm từ Thế chiến II, từng dòng người bồng bế nhau tháo chạy ra các cửa ngõ để về các vùng quê lánh nạn. Từng con phố “Hàng Lọng, Sinh Từ, Cửa Nam đều vắng vẻ như ngày tết”[16]. Trước đó chừng 3 tiếng, khi bà Thuận – vợ của Đặng Văn Chung đang chuẩn bị “vượt cạn”, “vài chục quả bom rơi khu gần ga, cách Bệnh viện Ông Chính (Bác sĩ Nguyễn Văn Chính – TG) chừng 20 thước có một quả bom nổ, cả tòa nhà rung rinh, kính vỡ cả, mảnh bom làm thủng tường, một mảnh qua cửa sổ. Tất cả 200 người bị thương, 128 người chết (theo thông báo)”[17]. May mắn thay, cả hai mẹ con đều an toàn. Niềm vui sướng, hạnh phúc như vỡ òa trên khuôn mặt của ông – người lần đầu tiên làm cha. Như để ghi nhớ mãi sự kiện đặc biệt này, đứa bé kháu khỉnh và ngoan ngoãn chỉ biết bú rồi ngủ ấy được cha gọi dưới cái tên Bom nhiều hơn là tên khai sinh tại tòa Đốc lý Hà Nội – Đặng Tấn Thủy.
Ăn đầy năm cho Bom chưa lâu thì trong một buổi chiều đông lạnh lẽo ngày 27-12-1944, gia đình Đặng Văn Chung chuyển ra số 296 đường Bạch Mai để ở nhờ trong nhà một người bạn, tên Khiêm. Trong lòng ông bộn bề những suy nghĩ và dự cảm cho tương lai sắp tới: “Bắt đầu đời mới của mình với bao nhiêu sự khó khăn, thiếu thốn: Gạo 250 đồng một tạ, trời năm nay rất lạnh, mỗi ngày ít nhất 3 đồng bạc chợ”[18].
Năm 1945 theo chu kỳ can chi của người Á Đông nhằm đúng năm Ất Dậu – năm con gà nhưng thóc lúa thì ngày càng khan hiếm. Nạn đói xảy ra từ cuối năm ngoái, đến nay còn khủng khiếp hơn. Nghe đâu trên các con lộ lớn thuộc các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên… đã xuất hiện những đoàn người rách rưới, xác xơ chỉ còn hai hốc mắt sâu thẳm đang lần tìm về Hà Nội. Họ di chuyển cái thân xác nhủng nhẳng, héo hon ấy bằng những nhịp lê bước chậm rãi, mỏi mệt để kiếm cái ăn. Giữa lúc đó thì ở Hà Nội, cuộc đảo chính và chiếm thành của quân Nhật diễn ra một cách nhanh chóng. Súng bắt đầu nổ vào lúc 8 rưỡi tối mùng 9-3. Suốt đêm ấy, cả gia đình Đặng Văn Chung phải ngồi dưới hầm cho tới 4 rưỡi chiều hôm sau thì không còn nghe tiếng súng nữa: “Quân Pháp đã hoàn toàn thất bại, đã đầu hàng. Quân Nhật chiếm rất nhanh các sở, máy điện, máy nước, dây thép, ngân hàng, phủ thống sứ, phủ toàn quyền…”[19]. Đặng Văn Chung đi ra phố, ngước nhìn “lá cờ bay phấp phới ở Đông Dương học xá”[20].
Bằng lối hành văn giản dị, đời thường nhưng đủ để đem lại sức hấp dẫn ngay từ trang đầu cuốn Nhật ký
Thế rồi các trường Đại học lần lượt bị đóng cửa, học sinh phải nghỉ học, “các nhà thương vẫn mở cửa dưới quyền Tây, nhà thương Yersin thành nhà thương Tây, người mình cũng bị bạc đãi”[21]. Nạn đói ngày càng trở nên nghiêm trọng sinh ra nạn cướp bóc, ăn mày, gạo đã tăng lên 700 đồng một tạ, “người ta đã ăn củ chuối một tháng nay ở Hà Nội”[22]. Đặng Văn Chung đang dự tính sẽ mang gia đình về gần Hưng Yên, cậy nhờ ấp của một người quen để lánh nạn và nương náu đợi thời cuộc. Lúc này ông “không còn thuộc về nhà trường nữa, gạo còn ăn được 1 tháng, tiền còn được vài trăm, mỗi ngày ăn một bữa cơm, một bữa cháo, phòng khám bệnh vẫn chưa được phép hoạt động”[23].
Tháng 6-1945, tình hình vô cùng phức tạp và khẩn trương, phong trào kháng Nhật ngày càng rõ rệt, “Việt Minh ngày càng táo bạo, ám sát Hoàng Sỹ Nhu, Cai Long và nhiều nhà thân Nhật”[24]. Giá gạo đã xuống giá vì năm ấy được mùa, nhưng ăn mày thì vẫn có mặt khắp các đường phố. Trên chiến trường thế giới, Hồng quân Liên Xô bắt đầu tấn công quân Nhật tại Mãn Châu (Trung Quốc) sau khi chiến thắng hoàn toàn trước phát xít Đức. Chỉ trong vòng 1 tuần đã đánh tan gần 1 triệu quân Nhật, buộc chúng phải đầu hàng Đồng minh vô điều kiện ngày 15-8-1945. Dư luận xôn xao. Khi Đặng Văn Chung còn chưa hết băn khoăn về vận mệnh dân tộc, rằng: “Nền độc lập của ta sẽ ra sao?” thì ngày 19-8-1945, Hà Nội rợp bóng cờ đỏ, khắp nơi tiến về quảng trường nhà hát thành phố dự cuộc mit tinh do Việt Minh tổ chức. Cuộc tổng khởi nghĩa ở Hà Nội thắng lợi hoàn toàn, tiếp đà cho các cuộc khởi nghĩa ở Huế, Sài Gòn và các địa phương khác giành chính quyền.
***
Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2-9-1945), trường Đại học Y Dược Việt Nam được thành lập dựa trên cơ sở của trường Đại học Y Dược khoa Đông Dương dưới thời Pháp thuộc. Đặng Văn Chung trở thành giảng viên của trường Đại học danh tiếng này. Cũng từ mùa Thu năm ấy, cuốn nhật ký không còn được viết thêm một trang nào nữa, dường như nó đã hoàn thành sứ mệnh của mình, khép lại một chương cuộc đời ông. Từ dấu mốc quan trọng đó, nước nhà đã bước sang một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập, và cuộc đời, sự nghiệp của Đặng Văn Chung cũng bước sang một chương mới.
Đỗ Minh Khôi
_____________________
[1] Nhật ký ngày 23-9-1938
[2] Nhật ký ngày 30-9-1938
[3] Nhật ký ngày 1-10-1938
[4] Nhật ký ngày 9-10-1938
[5] Nhật ký ngày 15-10-1938
[6] Nhật ký ngày 30-9-1938
[7];[8] Nhật ký ngày 17-7-1939
[9] Nhật ký ngày 22-7-1939
[10];[11] Nhật ký ngày 28-7-1939
[12];[13];[14] Nhật ký ngày 27-1-1941
[15];[16];[17] Nhật ký ngày 10-12-1943
[18] Nhật ký ngày 27-12-1944
[19];[20] Nhật ký ngày 10-3-1945
[21] Nhật ký ngày 11-3-1945
[22];[23] Nhật ký ngày 13-3-1945
[24] Nhật ký ngày 17-6-1945