“Một chuyến đi chữa bệnh đặc biệt”

Giáo sư Chu Văn Tường (1922-2008), nguyên Viện trưởng Viện Bảo vệ sức khoẻ trẻ em, chuyên gia đầu ngành Nhi khoa Việt Nam. Trong thời gian công tác, chuyến đi chữa bệnh tại Sài Gòn năm 1976 có lẽ là chuyến đi để lại trong ông nhiều kỷ niệm khó quên. Hơn 10 năm sau, vào khoảng những năm 90, ông hồi tưởng và ghi chép lại một cách cẩn thận trong một cuốn sổ tay. Tuy ông không thể nhớ tên bệnh nhân nhưng cảm xúc, niềm vui sướng khi vượt qua những khó khăn để tìm ra nguyên nhân và cách điều trị bệnh cho cháu bé vẫn còn in đậm trong trí nhớ của ông khi viết về chuyến đi năm xưa.

Một cuộc hẹn bất ngờ

Trong chiến tranh, Viện Bảo vệ sức khỏe trẻ em tại Bệnh viện Bạch Mai nơi bác sĩ Chu Văn Tường làm việc cũng bị phá hủy nặng nề. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các bác sĩ của viện đã nhanh chóng tập trung vào việc dọn dẹp, thu xếp để bệnh viện có thể hoạt động trở lại. Vào một buổi sáng bác sĩ Chu Văn Tường đang làm việc tại Bệnh viện thì có một bác sĩ của Tổ bảo vệ sức khỏe Trung ương tên Thuận đến gặp ông và hỏi:

– Anh có thể đi chữa bệnh cho cháu anh Sáu Thọ trong ít lâu được không?

– Tôi có thể đi được nhưng tôi phụ trách cả Khoa Nhi của bệnh viện và không biết ý kiến của Ban Giám đốc ra sao? – ông trả lời.

Chỉ vài ngày sau khi thu xếp công việc tại khoa Nhi, bác sĩ Chu Văn Tường đi vào Sài Gòn cùng với người nhà ông Sáu Thọ.

Buổi tiếp xúc đầu tiên với bệnh nhân

Sáng hôm sau bác sĩ Chu Văn Tường được đưa bằng ô tô đến phố Duy Tân, quanh cảnh Sài Gòn sôi động luôn cuốn hút ông: “Tuy đã đến Sài Gòn 3 lần rồi những tôi thích ngồi trong xe nhìn ra quang cảnh Sài Gòn, thành phố đông hơn Hà Nội, đường xá rộng hơn, nhà cửa đẹp hơn”.

Đến nơi ông được đồng chí Sáu Thọ tiếp đón rất thân mật. Đồng chí Thọ có một cháu gái, độ 6-7 tháng tuổi bị sốt kéo dài 2 tháng mà chưa rõ nguyên nhân, gia đình đã mời các bác sĩ giỏi ở Sài Gòn đến hội chẩn, làm các xét nghiệm nhưng tất cả kết quả đều không có lời giải đáp cho bệnh tình của cháu bé. Điều này khiến cho gia đình rất lo lắng nhưng vì cháu bé quá nhỏ nên không thể đưa ra Hà Nội chữa bệnh vì vậy gia đình đã mời bác sĩ Chu Văn Tường một trong ít bác sĩ ngày đó chuyên môn giỏi về Nhi khoa từ ngoài Hà Nội vào hy vọng sẽ giúp cải thiện tình trạng sức khỏe cho cháu bé.

Trong quá trình làm việc mặc dù đã nghe kỹ bệnh sử, khám kỹ các bộ phận nhưng ông cũng chưa tìm ra nguyên nhân sốt kéo dài của cháu bé. Ông ghi lại suy nghĩ của mình lúc đó: “Trước tình hình nan giải tôi cảm thấy khó khăn và cũng hiểu rằng chuyên môn của mình bị thử thách”.

Những trang hồi ký của GS Chu Văn Tường trong cuốn sổ ghi chép

Hằng ngày đến thăm khám cho cháu bé ông luôn day dứt với câu hỏi: “Phải làm gì để thoát ra tình thế khó khăn này?”. Không chấp nhận kết quả trước đó ông bắt tay làm lại từ đầu nghĩa là khám và phân tích các triệu chứng của bệnh nhân từ những bệnh hay gặp đến những bệnh hiếm gặp. Đầu tiên vì có triệu chứng thiếu máu ông nghĩ hay là do bệnh leucose? Và ông đã đề nghị làm lại các xét nghiệm về máu và lần này làm cả tủy đồ, nhưng kết quả cho thấy không phải bệnh leucose, lúc này mọi việc dường như rơi vào bế tắc: “Hơn một tuần lễ trôi qua mọi hướng chẩn đoán đã bị tắc nghẽn và nguyên nhân tình trạng sốt kéo dài vẫn chưa tìm ra”.

Nhưng những khó khăn trên không làm ông nản trí, ông tiến hành làm lại từ đầu các xét nghiệm cận lâm sàng để kiểm tra đường tiết niệu của bệnh nhân. Để tăng độ tin cậy của các xét nghiệm đó ông đã trọn 2 cơ sở labo có chất lượng tốt ở Bệnh viện Nhi Đồng I và Bệnh viện Thống Nhất. Quả nhiên trong nước tiểu của bệnh nhân được thử ở 2 labo đều tìm thấy vi khuẩn, đó là kết quả đáng mừng sau nhiều ngày nghiên cứu.

“Tôi thở phào nhẹ nhõm vì đã tìm ra nguyên nhân tình trạng sốt kéo dài và đây là một trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu, trong đó triệu chứng thiếu máu nổi bật nhưng khó khăn vẫn còn nhiều”. bác sĩ Chu Văn Tường hồi tưởng lại tâm trạng của mình lúc đó.

Đối với trường hợp nhiễm trùng tiết niệu ở trẻ nhỏ thường do những dị tật của đường tiết niệu nên cần phải làm UIV (chụp hình hệ tiết niệu) và điều trị bệnh bằng kháng sinh nhưng đồng chí Sáu Thọ chưa đồng ý vì có người nhà làm Đông y nên đồng chí chỉ tin vào Đông y. Nhưng làm sao các thuốc Đông y lại chữa khỏi được nhiễm trùng? Mặc dù vậy ông vẫn đành chấp nhận để gia đình dùng Đông y mấy hôm xem sao. Kết quả sau mấy ngày dùng Đông y tình trạng bệnh nhân có khá hơn, sốt có giảm nhưng vẫn còn vì vậy một buổi hội chẩn gồm nhiều bác sĩ, giáo sư được tổ chức và đi đến kết luận là phải dùng kháng sinh. Rất mừng là sau khi dùng thuốc tình hình sức khỏe của cháu bé đã khá hơn nhiều.

Nhiệm vụ đã hoàn thành

Ba tuần lễ trôi qua đồng chí Sáu Thọ rất vui khi thấy tình hình sức khỏe của cháu đã khá hơn, gia đình cháu bé rất hạnh phúc và họ có tổ chức bữa tiệc liên hoan ở nhà khách Trung ương để cảm ơn các bác sĩ đã tham gia vào việc cứu chữa cho cháu bé và cũng để chia tay bác sĩ Chu Văn Tường trở về Bắc sau những ngày làm việc đầy khó khăn:

“Sáng hôm sau nghĩa là 3 tuần lễ đã trôi qua chiếc máy bay thường lệ của hàng không Việt Nam trở tôi về. Kết thúc một chuyến đi chữa bệnh “đặc biệt””.

***

Hiện nay, cuốn sổ ghi chép cùng hơn 4000 đầu tài liệu của GS Chu Văn Tường đã được gia đình trao tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam bảo quản lưu giữ. Cuốn sổ giấy đã ngả vàng, màu mực đã bị nhòe nhưng dễ đọc, cuốn sổ như “lời kể” của GS Chu Văn Tường về cuộc đời cho thế hệ sau.

 

Giang Thị Nhung

_____________________

[1]: Đồng chí Lê Đức Thọ, nguyên Trưởng ban tổ chức Trung ương