Một chuyến đi đáng nhớ

Olympic Vật lý quốc tế (International Physics Olympiad – IPhO) là kỳ thi vật lý hàng năm dành cho học sinh trung học phổ thông. IPhO đầu tiên được tổ chức ở Warszawa, Ba Lan vào năm 1967. Năm 1981, Bulgari là nước đăng cai tổ chức kỳ thi IphO đã gửi lời mời Việt Nam tham dự. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình nhận lời mời và đây là lần đầu tiên Việt Nam cử đoàn học sinh Việt Nam tham dự IPhO. Em Trương Bá Hà học sinh lớp 11 trường THPT Phan Bội Châu, Khánh Hòa đạt Huy chương đồng.

Năm 1993, Hiệp hội Vật lý Hoa Kỳ đăng cai tổ chức kỳ thi IPhO và gửi giấy mời cho Hội Vật lý Việt Nam. Mặc dù giấy mời được gửi về từ sớm, nhưng do sơ suất, 1 tháng trước khi diễn ra cuộc thi, Hội Vật lý Việt Nam mới chuyển  giấy mời cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Hồng Quân. PGS Vũ Quang nhớ lại: Trước đó, gần đến thời gian diễn ra cuộc thi nhưng không thấy giấy mời của Mỹ gửi về nên tôi nghĩ có thể năm nay không được mời tham dự và nếu có thì Việt Nam cũng không cử đoàn đi vì năm trước đó (1992) đoàn cũng không tham gia kỳ thi IPhO tổ chức ở Cuba do tiền tàu xe quá tốn kém[1].

Khi nhận được giấy mời, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương gửi tờ trình xin ý kiến của Thủ tướng Võ Văn Kiệt về việc cử đoàn tham dự kỳ thi Olympic Vật lý quốc tếđã được Thủ tướng phê duyệt. Theo PGS Vũ Quang: Thủ tướng Võ Văn Kiệt có nhãn quan chính trị sâu sắc, có thể thời điểm đó ông biết Mỹ chuẩn bị bỏ lệnh cấm vận thương mại với Việt Nam nên đã đồng ý cử đoàn đi để mở rộng ngoại giao[2].

Ngày 1-6-1993, Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi Quyết định số 1066/QĐ về việc cử đoàn học sinh Việt Nam dự thi Vật lý quốc tế lần thứ 24 tại Mỹ (từ ngày 5 đến ngày 25-7-1993) đến Viện Khoa học giáo dục, theo đó ông Vũ Quang Tổ trưởng tổ Vật lý, Trung tâm Nghiên cứu nội dung và phương pháp giáo dục phổ thông, được cử làm Trưởng đoàn và PTS Cao Ngọc Viễn là Phó trưởng đoàn. Ông Quang tâm sự: Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo tham khảo ý kiến Vụ Trung học phổ thông để chọn người làm Trưởng đoàn Olympic Vật lý như: GS Dương Trọng Bái, PGS Phạm Quý Tư – Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, PGS Vũ Thanh Khiết – Phó hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, GS Đàm Trung Đồn Chủ nhiệm bộ môn Vật lý chất rắn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhưng khi đó các ông đều bận công việc, còn ông Đồn đang ở Hà Lan tham gia biên soạn sách vật lý dùng cho các trường kỹ thuật nên không thể tham dự[3].

PGS.TS Vũ Quang, nguyên Trưởng phòng Vật lý, Trung tâm Nghiên cứu nội dung và phương pháp giáo dục phổ thông,

Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

Nhận quyết định trên, ông Vũ Quang rất lo lắng bởi đây là lần đầu tiên dẫn đoàn đi thi, hơn nữa thời gian chuẩn bị lại eo hẹp. Tuy  vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn tổ chức việc tuyển chọn theo đúng quy trình: thành lập Hội đồng ra đề và Hội đồng chấm thi. 32 học sinh đạt điểm cao nhất trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn vật lý năm 1993 được chọn tham gia kỳ thi tuyển vào đội tuyển Olympic Vật lý. Sau đó, chọn ra 5 em đạt điểm cao nhất vào đội tuyển để tham gia kỳ thi IPhO là: Lê Tùng, học sinh lớp 12, trường PTTH Bùi Thị Xuân (nay là trường THPT Bùi Thị Xuân), TP Hồ Chí Minh; Thái Thanh Minh, học sinh lớp 11 chuyên lý, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay thuộc trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội); Ngô Quang Long, học sinh lớp 11 trường Lê Hồng Phong (nay là trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Hà (nay là tỉnh Nam Định); Nguyễn Vũ Nhật, học sinh lớp 11 trường PTTH Từ Sơn (nay là trường THPT Từ Sơn), Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Ninh); Đào Thế Sơn, học sinh lớp 11 chuyên lý, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông Vũ Quang đánh giá: Trong 5 học sinh, tôi đánh giá em Lê Tùng rất cẩn thận, em Ngô Quang Long và Thái Thanh Minh học tốt nhất, sau đó đến em Sơn[4].

Do thời gian gấp rút, sau khi thành lập đội tuyển chỉ còn khoảng nửa tháng là đến ngày khai mạc kỳ thi, hơn nữa đoàn phải sang Bangkok để xin visa vào Mỹ nên không thể tổ chức ôn tập kiến thức ở Hà Nội như mọi năm. Ở Thái Lan, đoàn được bố trí lưu trú ngay tại Đại sứ quán Việt Nam, cũng là để tiết kiệm chi phí ăn ở, đi lại. Nhưng thời điểm đó Đại sứ quán không còn phòng vì thời gian này Thái Lan đang tổ chức liên hoan cồng chiêng, đoàn nghệ thuật cồng chiêng của Việt Nam cũng sang tham dự. Đại sứ quán đã phải sắp xếp cho đoàn học sinh ở phòng chứa các thiết bị thu tín hiệu của chiếc ăng ten chảo và dặn học sinh không được chạm những máy móc đó. Nhưng sáng hôm sau các máy móc mất tín hiệu kết nối. Việc này khiến ông Quang rất lo lắng, có thể học sinh nghịch ngợm làm xảy ra sự cố trên. Ông vội vàng trao đổi với các đồng chí ở Đại sứ quán không làm căng thẳng vấn đề, ảnh hưởng đến tâm lý thi cử của học sinh. May mắn, thiết bị ăng ten đó mới lắp, đang trong thời gian bảo hành nên sứ quán đã gọi người đến chỉnh lại, vì vậy không có vấn đề gì nghiêm trọng xy ra.

Ở Bangkok, hàng ngày, buổi sáng thầy trò sang Đại sứ quán Mỹ để chờ kết quả xin visa, chiều và tối thầy và trò ôn lý thuyết, giải các bài tập khó về cơ, nhiệt, điện, quang, vật lí nguyên tử và hạt nhân trong cuốn sách Tuyển tập các bài tập vật lí đại cương của Xavêlep và Irôđôp, do Lương Duyên Bình và Nguyễn Hồng Quang dịch từ bản tiếng Nga, xuất bản bởi NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp năm 1980.

Thủ tục xin visa Mỹ mất nhiều thời gian khiến PGS Vũ Quang rất lo lắng, bởi chỉ còn 1 tuần nữa là cuộc thi diễn ra. Nếu đoàn không nhận được visa thì phải về nước. Trước đó đã có nhiều đoàn lâm vào hoàn cảnh tương tự. May mắn là đúng dịp này có một đoàn thượng nghị sỹ Hoa Kỳ muốn xin visa gấp để vào Việt Nam. Nhân việc này, sứ quán Việt Nam đã trao đổi với phía Mỹ, nhờ vậy thủ tục cấp visa cho đoàn học sinh Việt Nam được giải quyết nhanh chóng.

Kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế được tổ chức ở trường Đại học Colledge of Williams and Marry, thành phố Williamsburg, bang Virginia của Mỹ, diễn ra trong hai ngày: một ngày dành cho phần thi lý thuyết gồm 3 bài, ngày còn lại thi thí nghiệm, mỗi bài thi thời gian là 5 tiếng. Theo quy định, thầy giáo trong đoàn và học sinh không được gặp mặt cho đến khi kỳ thi kết thúc. Đoàn học sinh được đưa đi tập trung ở một ký túc xá sinh viên, còn ông Quang và ông Viễn được đưa đến một khách sạn cùng với các trưởng, phó đoàn của những nước khác. Thời gian này, những người phụ trách đội tuyển của mỗi nước được mời tham dự cuộc họp thảo luận đề thi, đánh giá chất lượng đề có phù hợp với năng lực của học sinh hay không. Ông cho biết, đề thi Mỹ đưa ra rất hay nhưng cũng rất khó, nhất là phần thi thí nghiệm. Do khả năng tiếng Anh còn hạn chế nên ông Quang phải sử dụng thêm tiếng Pháp để trao đổi. Ông cho biết, đề thi Mỹ đưa ra rất hay nhưng cũng rất khó, nhất là phần thi thí nghiệm.

Trong hai ngày học sinh làm bài thi thì ban tổ chức đưa trưởng, phó đoàn của đội tuyển mỗi nước đi tham quan máy gia tốc thẳng, Cơ sở nghiên cứu cách hãm máy bay phản lực và con tàu vũ trụ của Boeing ở gần đó. Sau khi ban tổ chức hoàn thành việc chấm thi, họ gửi bản photocopy bài làm của học sinh đến giáo viên phụ trách đoàn, nếu có thắc mắc về kết quả có thể phúc khảo. PGS Vũ Quang cho biết: Ông Viễn cầm tập bài làm của học sinh về để một chỗ và nói “điểm chán lắm”, còn tôi ngồi xem kỹ từng bài làm, đánh dấu và ghi cẩn thận từng lập luận của mình để phúc khảo[5].

Kết quả thi năm 1993, học sinh Thái Thanh Minh đạt huy chương đồng, còn học sinh Ngô Quang Long được giải khuyến khích. Sau này, anh Minh nhận được học bổng đi du học ở Mỹ.

Đã gần 30 năm trôi qua với biết bao đổi thay trong đời sống kinh tế – xã hội của đất nước, dõi theo những thành tích mà học sinh Việt Nam giành được trong các kỳ thi quốc tế, PGS Vũ Quang nhận xét: Học sinh được học sách vật lý theo chương trình cải cách nên nắm kiến thức tốt. Nhờ vậy, từ sau năm 1993 trở đi, học sinh Việt Nam đi thi quốc tế đều đạt thành tích cao, có năm đạt nhiều huy chương vàng[6].

                                                                   Nguyễn Thị Hằng

________________________________

* PGS.TS Vũ Quang, nguyên Trưởng phòng Vật lý, Trung tâm Nghiên cứu nội dung và phương pháp giáo dục phổ thông, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

[1] Tài liệu ghi âm PGS.TS Vũ Quang, ngày 26-8-2021, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2] Tài liệu ghi âm PGS.TS Vũ Quang, ngày 26-8-2021, đã dẫn.                                                                      

[3] Tài liệu ghi âm PGS.TS Vũ Quang, ngày 26-8-2021, đã dẫn.

[4] Tài liệu ghi âm PGS.TS Vũ Quang, ngày 26-8-2021, đã dẫn.

[5] Tài liệu ghi âm PGS.TS Vũ Quang, ngày 26-8-2021, đã dẫn.

[6] Tài liệu ghi âm PGS.TS Vũ Quang, ngày 26-8-2021, đã dẫn.