Đầu những năm 1980, hai nước Việt Nam và Ăng-gô-la đã có mối quan hệ hợp tác về y tế, giáo dục. Nhiều đoàn chuyên gia giáo dục ở Việt Nam được cử sang Ăng-gô-la làm công tác giảng dạy. Trong chuyến đi vào năm 1983 này, Ăng-gô-la cần người giảng dạy về ngành Mỏ, về môn Geomecanique bằng tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Pháp nên để chọn người có đủ năng lực và trình độ đáp ứng là rất khó khăn. Tuy môn học Geomecanique chưa hề được giảng dạy ở Việt Nam nhưng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp vẫn quyết định cử 2 người đi làm chuyên gia giảng dạy tại trường Univerdade Agostinho Neto, Luan da, theo Quyết định số 778/QĐ là ông Nguyễn Công Mẫn, Tổ trưởng Bộ môn Địa chất – Nền móng Đại học Thủy lợi và PGS Vũ Công Ngữ – Tổ trưởng Bộ môn Cơ học đất, trường Đại học Xây dựng. Nhưng vì lý do sức khỏe nên người đồng hành với ông trong chuyến đi này không thể thực hiện được. Ông lo lắng và hoang mang về nhiệm vụ giảng dạy môn học này. Nhờ sự động viên và tạo điều kiện của nhà trường và các đồng nghiệp nên ông đã quyết định đi làm chuyên gia ở Ăng-gô-la. Trước khi đi ông đã tìm hiểu và tự trang bị kiến thức cho mình. Ông tra cứu, tìm hiểu khái niệm Geomecanique ở các tài liệu: Encyclopedia của Nga; Tham khảo một cuốn sách Nga về định nghĩa của GS Н А Цытович; Tìm hiểu sự phát triển liên ngành của các khoa học trái đất. Và ông nhận thấy rằng họ quan niệm Geomecanique là cơ học đất và cơ học đá mà chưa có khái niệm rõ ràng.
Lên đường sang Ăng-gô-la công tác, ngoài vật dụng cá nhân ông còn mang theo 56 đầu sách về tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng, các loại từ điển. Để hiểu sâu và đầy đủ về môn học, ngoài tham khảo từ tài liệu ông còn tìm hiểu thêm về chương trình đã giảng dạy của Ăng-gô-la gồm bài giảng về Cơ học đất của ông Dinas da Gama và Cơ học đá của GS Mello Mendes. Trong tất cả các khái niệm tham khảo được ở tất các sách, ông chọn khái niệm của Grande Encyclopédie Soviétique để nghiên cứu và phát triển thành một khái niệm hoàn chỉnh hơn phục vụ cho các kỹ sư chuyên ngành Mỏ. Việc giảng dạy cho các kỹ sư ngành Mỏ tương lai cũng là một thách thức với ông. Trong 6 tháng đầu ở nước bạn, ông làm quen với một số từ chuyên ngành bằng tiếng Bồ Đào Nha và soạn từng phần của giáo trình, “vì tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Pháp gần giống nhau nên tôi không mất nhiều thời gian để học mà vẫn có thể giao tiếp và giảng dạy tốt”, GS Nguyễn Công Mẫn nhớ lại.
Tập tài liệu môn học Geomecanique của GS.TS Nguyễn Công Mẫn
Trong thời gian giảng dạy ở nước bạn, GS Nguyễn Công Mẫn đã xây dựng được tập Bài giảng bằng tiếng Pháp, trong đó ông đưa ra khái niệm về Geomecanique: là một môn học liên ngành, thay thế cho cơ học đất, cơ học đá để nghiên cứu định lượng các quá trình cơ học và hóa lý (ứng suất, biến dạng, phá hoại, v.v…) tác động lên lớp trên cùng của vỏ trái đất, tạo ra chủ yếu do các yếu tố con người và tự nhiên để xây dựng và khai thác mỏ. Do đó đối tượng nghiên cứu bao gồm tất cả các loại đất đá từ các thành tạo cứng rắn liên tục hay không liên tục tới các thành tạo mềm rời thường gặp trong đới này. Ngoài ra ông còn xây dựng hệ thống bài tập, bộ câu hỏi ôn tập… cho sinh viên hiểu và nắm vững bài giảng ngoài các kiến thức về mặt lý thuyết. Với những đóng góp về môn học này, ông được trường Universidade Agostinho Neto, Luanda, Ăng-gô-la đánh giá cao về phương pháp và chất lượng giảng dạy: “Về công tác của Giáo sư, chúng tôi đánh giá cao phương pháp, chất lượng giảng dạy cũng như sự giúp đỡ tận tình của Giáo sư trong việc đảm bảo cho các lớp học được tiến triển đều đặn…Giáo sư luôn chú ý đến nhu cầu bổ sung và cải tiến các kiến thức một cách liên tục”[2].
Và sau hai năm công tác theo Quyết định của Bộ Thủy lợi Việt Nam, Bộ môn Công trình Mỏ đã gửi văn bản đề nghị Chủ nhiệm Khoa Công trình trường Universidade Agostinho Neto ra hạn để GS Nguyễn Công Mẫn tiếp tục giảng dạy tại Bộ môn thêm 1 năm. “Đề nghị kéo dài hợp đồng của Giáo sư cũng xuất phát từ nhu cầu của tổ chức tại Phòng thí nghiệm Cơ học đất nhằm vừa để đảm bảo công việc thực tập đều đặn của Phòng cho các Bộ môn Công trình và Mỏ, vừa để có thể bắt đầu công tác nghiên cứu khoa học. Đề nghị này còn nhằm mục đích đào tạo nhân viên vận hành Phòng thí nghiệm cũng như thực hiện công tác đào tạo Sau đại học trong ngành Địa Cơ học”[3].
Sau 3 năm, GS.TS Nguyễn Công Mẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Chuyến công tác tại Ăng-gô-la đã để lại trong ông nhiều ấn tượng sâu sắc và không thể nào quên trong cuộc đời giảng dạy, đào tạo các thế hệ sinh viên.
Đã hơn 20 năm trôi qua, tập tài liệu Bài giảng vẫn được GS Mẫn cất giữ cẩn thận. Tập tài liệu bao gồm: Giáo trình bài giảng tập I, II được ông đóng thành tập; Tập báo cáo khoa học đề nghị cải tiến môn Geomecanique; Đồ án môn học số 1, 2; Bộ câu hỏi môn học Geomecanique; Bản đánh giá công trình Geomecanique và Bản đề nghị kéo dài hợp đồng thêm một năm của Bộ môn Công trình Mỏ gửi Chủ nhiệm Khoa Công trình trường Universidade Agostinho Neto (được dịch ra tiếng Việt).
Trao tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, GS.TS Nguyễn Công Mẫn mong muốn các tài liệu mà ông rất quý trọng sẽ được lưu giữ và phát huy tốt nhất giá trị. Mong muốn của GS Nguyễn Công Mẫn và của nhiều nhà khoa học, cũng chính là tôn chỉ, mục đích xuyên suốt trong hoạt động của Trung tâm.
Nguyễn Thị Phương Thúy
___________________
[1] Geomecanique là môn học liên ngành, thay thế cho môn Cơ học đất, Cơ học đá để nghiên cứu định lượng các quá trình cơ học và hóa lý (ứng suất, biến dạng, phá hoại, v.v…) trong lớp trên cùng của vỏ trái đất gây ra chủ yếu do các yếu tự nhiên và con người khi xây dựng và khai thác mỏ. Do đó đối tượng nghiên cứu bao gồm tất cả các loại đất đá, từ các thành tạo cứng rắn liên tục hay không liên tục tới các thành tạo mềm rời thường gặp trong đới này (Theo khái niệm của GS.TS Nguyễn Công Mẫn năm 1986). [2] Trích bản dịch Giấy xác nhận của Bộ môn công trình Mỏ, Khoa Công trình trường Universidade Agostinho Neto, Luanda, Ăng-gô-la của GS.TS Nguyễn Công Mẫn, ngày 12-9-1986[3] Trích bản dịch Đề nghị kéo dài hợp đồng giảng dạy của GS.TS Nguyễn Công Mẫn, ngày 16-9-1986.