Tinh thần Pavel Korchagin
Năm 1954, Hoàng Huy Thắng đã thực hiện một chuyến đi dài ra Bắc, bỏ lại sau lưng mảnh đất Thần Kinh (Thần theo nghĩa thần bí và Kinh tức kinh đô) thơ mộng và những bài học còn dang dở tại trường Quốc học Huế. Hoàng Huy Thắng cùng với hai người cô của mình đã băng rừng, vượt núi trong thời gian 1 tháng để có mặt tại Nghệ An. Gian khổ là thế nhưng trên khuôn mặt cậu học trò gốc Huế ấy vẫn luôn tươi tắn với vầng trán cao rạng rỡ, một đôi mắt sáng chứa đầy hoài bão và niềm lạc quan. Thỉnh thoảng, Hoàng Huy Thắng lại lấy trong hành lý của mình cuốn tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nikolai A.Ostrovsky say sưa đọc, giữ khư khư bên mình như một bảo bối. Tháng 8-1954, Hoàng Huy Thắng bắt đầu theo học tại trường cấp III Huỳnh Thúc Kháng, cuốn sách ấy vẫn luôn có một sức hấp dẫn chàng trai trẻ đến mức lạ kỳ. Có lẽ tinh thần cuốn sách đã tôi rèn nên con người Hoàng Huy Thắng một sức mạnh, một ý chí “thép” giữa sức nóng của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc đầy cam go lúc bấy giờ. Sau này, khi vào độ tuổi xế chiều, Hoàng Huy Thắng tâm sự: “Ở tuổi 20, Pavel Korchagin đã đốt cháy trong tôi ngọn lửa nhiệt tình cách mạng sôi sục, niềm say mê vào lý tưởng giải phóng con người khỏi áp bức bóc lột, sự khao khát cống hiến hết sức lực và cuộc đời cho sự nghiệp Cách mạng của Đảng"1] Và, việc Hoàng Huy Thắng từ biệt quê hương, gia đình tìm đến với sự nghiệp xây dựng Xã hội chủ nghĩa có thể coi là một hành động đầu tiên của ngọn lửa nhiệt tình, niềm say mê lý tưởng ấy!
Nghiên cứu sinh Hoàng Huy Thắng dưới chân tượng bán thân nhà văn Nikolai A.Ostrovsky, tại Liên Xô (1973-1978)
Sau 3 năm học tập tại Khoa Xây dựng, trường Đại học Bách khoa (1956-1959) với thành tích xuất sắc, Hoàng Huy Thắng được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại Bộ môn Kiến trúc. Thời gian ấy, nhà trường đã mời PGS. Iacốp C.A. của trường Đại học Mátxcơva sang giảng dạy, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên trẻ. PGS. Iacốp C.A. chính là người đầu tiên hướng dẫn cho Hoàng Huy Thắng bước chân vào con đường nghiên cứu khoa học, thực hiện niềm khát vọng cống hiến cho sự nghiệp xây dựng đất nước. Hoàng Huy Thắng hiểu rằng: “Một trí thức được đào tạo trong chế độ mới thì phải cống hiến cho Đảng và nhân dân bằng các công trình khoa học cụ thể của mình, phục vụ trực tiếp cho sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội, đem lại lợi ích cho đất nước và nhân dân”[2].
Và… công trình đi qua 4 thập kỷ
Những ngày đi khảo sát các công trình kiến trúc xây dựng ở Việt Nam, PGS. Iacốp C.A. thường dặn dò các cán bộ trẻ của trường Đại học Bách khoa: “Cần đi sâu nghiên cứu các giải pháp kiến trúc phù hợp với đặc điểm khí hậu nóng ẩm mà các chuyên gia nước ngoài không thể có hiểu biết thấu đáo khi thiết kế cho Việt Nam”. Lời khuyên quý báu đó đã trở thành kim chỉ nam trong tâm trí Hoàng Huy Thắng, mở đường và hướng ông đi sâu tìm tòi nghiên cứu những vấn đề về kiến trúc của Việt
Cũng trong năm 1965, Hoàng Huy Thắng khởi đầu cho công trình nghiên cứu của mình với việc biên soạn tập giáo trình “Nguyên lý thiết kế kiến trúc nhà công nghiệp” phục vụ cho công tác giảng dạy, đó cũng là món quà ý nghĩa ông dành tặng cho người vợ trẻ Nguyễn Thị Tri. Có thể coi tập giáo trình đầu tay là một trong những cơ sở khoa học có tính chất nền tảng để giải quyết mối quan hệ giữa khí hậu và kiến trúc. Từ năm 1967, trên cương vị Phó Chủ nhiệm Khoa Kiến trúc, và sau đó là Trưởng phòng Thiết kế, kiêm Tổ trưởng Bộ môn Kiến trúc công nghiệp của trường Đại học Xây dựng, Hoàng Huy Thắng đã trực tiếp chỉ đạo thiết kế nhiều công trình đã được phê duyệt. Đáng chú ý là việc thiết kế xây dựng Xí nghiệp đại tu ô tô 250-1, trên cơ sở thiết kế mẫu của nước ngoài, với dây chuyền công nghệ đã xác định. Năm 1973, khi được cử đi nghiên cứu sinh tại Liên Xô, đối với Hoàng Huy Thắng đây là dịp ông tiếp tục hoàn thiện, phát triển đề tài đã theo đuổi, trong điều kiện mới ở nước bạn. Tháng 5-1975 và tháng 9-1976, hai bài báo nghiên cứu của Hoàng Huy Thắng lần lượt được đăng trên tạp chí “Xây dựng kiến trúc” của Bộ Đại học Liên Xô, ông coi đó là một sự công nhận chính thức về mặt pháp lý khoa học đối với công trình nghiên cứu của mình. Hoàng Huy Thắng đã thiết lập được biểu đồ sinh khí hậu để đánh giá chỉ tiêu cảm giác nhiệt trong xưởng sản xuất cơ khí, và đề nghị một công thức tính toán che mưa cho công trình để từ đó khái quát thành một mô hình kiến trúc công nghiệp hợp lý cho điều kiện khí hậu nóng ẩm lấy tên là “Kiểu nhà thông gió”, làm tiêu chuẩn thiết kế các nhà công nghiệp ở điều kiện khí hậu nước ta. Năm 1977, ông bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ tại Bộ môn Kiến trúc, trường Đại học Xây dựng Mátxcơva và được Hội đồng đánh giá rất cao ý nghĩa khoa học và thực tiễn của công trình này. GS.TS Nim N.N. – Viện phó phụ trách khoa học của Viện Thiết kế tiêu chuẩn nhà công nghiệp toàn Liên Xô đã có nhận xét : “Các nhà khoa học Việt Nam có đầy đủ khả năng và trình độ để giải quyết một cách có hiệu quả các vấn đề khoa học của đất nước trong lĩnh vực thiết kế các công trình kiến trúc công nghiệp mà các chuyên gia nước ngoài khó có thể giải quyết thấu đáo, toàn diện được”[4].
Trở về nước năm 1978, Hoàng Huy Thắng làm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thiết kế của Bộ Đại học, kiêm Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Tuy vậy, ông vẫn luôn bám sát và phát triển công trình khoa học mà mình đã định hướng từ năm 1965.
Năm 1981, ông tham gia Chương trình nghiên cứu nhà nước về Tổng kết thiết kế nhà công nghiệp lần thứ hai do Kiến trúc sư Dương Huy Chấn làm chủ nhiệm. Ban Chủ nhiệm Chương trình đã quyết định chọn xí nghiệp Đại tu ô tô 250-1 do ông chủ trì thiết kế trước đây làm trọng điểm tổng kết và đúc rút kinh nghiệm. Lúc này công trình đã đưa vào sử dụng gần 10 năm – quãng thời gian vừa đủ để kiểm nghiệm và xem xét đánh giá chất lượng công trình. Mùa hè năm 1982, một đoàn cán bộ khoa học ở các Viện nghiên cứu thiết kế các trường Đại học đã tiến hành khảo sát tại chỗ, trước khi tiến hành Hội nghị tổng kết. Các chuyên gia đều đánh giá cao những cố gắng tìm tòi sáng tạo của Hoàng Huy Thắng và nhận định công trình có ý nghĩa thực tiễn cao, phù hợp với yêu cầu thông thoáng chống nóng cho mùa hè và chống mưa hắt trong khí hậu mưa nhiều, đi kèm với gió lớn ở nước ta.
Từ 1982-1984, với tư cách là cộng tác viên khoa học của Viện Nghiên cứu Bảo hộ lao động của Tổng Công đoàn Việt Nam, Hoàng Huy Thắng chủ trì đề tài “Giải pháp kiến trúc hợp lý của các xưởng sản xuất cơ khí ở điều kiện khí hậu Việt Nam”. Kết quả nghiên cứu của đề tài cũng đã được áp dụng vào thiết kế các xưởng sản xuất của Nhà máy Công cụ số 1 mở rộng. Bên cạnh đó, từ năm 1981 đến năm 1985, ông đã cùng với 3 cán bộ trẻ hoàn thành đề tài “Thiết kế trường Đại học ở điều kiện khí hậu nóng ẩm” trong chương trình hợp tác nghiên cứu của nhóm chuyên viên về cơ sở vật chất kỹ thuật trường Đại học các nước Xã hội chủ nghĩa. Từ công trình nghiên cứu này, ông đã áp dụng vào thiết kế thực nghiệm 2 công trình là giảng đường ở trường Đại học Cần Thơ và Đại học Bách khoa Hà Nội.
Năm 1991, ông biên soạn tập sách “Thiết kế kiến trúc ở môi trường khí hậu nóng ẩm”, những tinh hoa từ kết quả nghiên cứu trong tập sách này đã được ông ứng dụng triệt để trong việc chỉ đạo thiết kế hệ thống trường Phổ thông Dân tộc Nội trú, hệ thống trường Sư phạm và hệ thống trường Tiểu học vùng bão lụt trong chương trình viện trợ ODA của Nhật Bản từ 1992-1997… Đó là những dự án trọng điểm của Quốc gia trong chiến lược giáo dục nhằm nâng cao chất lượng cơ sở vật chất cho ngành Sư phạm ở các tỉnh, và con em các dân tộc vùng sâu vùng xa trong cả nước.
PGS.TS Hoàng Huy Thắng (1936-2006)
Khi PGS.TS Hoàng Huy Thắng xuất bản tập sách “Kiến trúc nhiệt đới ẩm” năm 2002 cũng là thời điểm ông đã nhận sổ hưu được tròn 1 năm. Với niềm say mê được tiếp tục thực hiện công trình nghiên cứu về kiến trúc nhiệt đới, PGS.TS Hoàng Huy Thắng sẵn sàng nhận lời mời của PGS.TS Trần Trọng Hanh – Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội để về cộng tác ở Viện Kiến trúc nhiệt đới. Đây là thời kỳ ông “thăng hoa” trong nghiên cứu, liên tiếp trong 2 năm 2004, 2005, PGS.TS Hoàng Huy Thắng hoàn thành xuất sắc hai đề tài cấp Bộ: “Chỉ dẫn thiết kế kiến trúc ở điều kiện nóng ẩm ở Việt Nam” và “Nghiên cứu các giải pháp quy hoạch kiến trúc nhiệt đới theo hướng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”. Kết quả ấy là những hoa trái ngọt lành mà PGS.TS Hoàng Huy Thắng nhận được sau 40 năm miệt mài nghiên cứu và thể nghiệm về kiến trúc nhiệt đới Việt
* * *
Có rất nhiều điều để nói về năm 2006 – một năm đầy ắp kỷ niệm đối với PGS.TS Hoàng Huy Thắng, đánh dấu khoảng thời gian 50 năm ông bước chân vào Đại học; 45 năm tham gia Hội Kiến trúc sư Việt Nam và 40 năm cống hiến hết mình trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Và 2006 cũng là năm mà bạn bè, đồng nghiệp và người thân tổ chức sinh nhật lần thứ 70 cho ông (12/4/1936 – 12/4/2006). Việc hoàn thành cuốn sách “Mãi mãi gắn bó với giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học” như một dự cảm của số phận, đó cũng là dịp ông nhìn lại những chặng đường mà mình đã trải qua, là những tâm sự chân thành… và cũng là lời tuyên thệ ông để lại giữa cuộc đời.
Vâng! “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần…”
Đỗ Minh Khôi
__________________
[1];[2] ;[5] Trích bài viết “Lời tâm sự”, trong tài liệu “Mãi mãi gắn bó với giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học” của PGS.TS Hoàng Huy Thắng. Tài liệu hiện đang lưu giữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[3];[4] Trích trong tài liệu “Mãi mãi gắn bó với giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học” của PGS.TS Hoàng Huy Thắng. Tài liệu hiện đang lưu giữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt