Một đám cưới thời chiến

Đó là câu chuyện đặc biệt về đám cưới của hai ông bà hồi năm 1950 mà GS Nguyễn Xuân Huyên kể cho chúng tôi nghe trong buổi làm việc tại nhà riêng ngày 18-11-2013.

Quen nhau từ cái thuở còn đánh đu, đánh đáo nhưng do bố mẹ hai bên chuyển nơi công tác nên Nguyễn Xuân Huyên và cô bạn thời thanh mai trúc mã – Vũ Thị Kim Loan đã bị mất liên lạc trong một thời gian khá dài. Bất chợt 10 năm sau, Nguyễn Xuân Huyên được mẹ thông báo đã hỏi cưới cô bạn ngày xưa cho ông. Đó là một sự sắp đặt và là một điều bất ngờ với Nguyễn Xuân Huyên bởi lúc này ông đang theo học tại trường Đại học Y khoa kháng chiến.

Tháng 6-1950, Nguyễn Xuân Huyên cùng mẹ và hai người em mang theo trầu cau từ Phú Thọ xuống Bắc Giang để làm lễ ăn hỏi. Tuy nhiên, một điều bất ngờ xảy ra: “Đến Bắc Giang, không biết vì lý do gì, chắc là do đường xá xa xôi, đi lại khó khăn, nên các cụ hai bên bàn bạc với nhau và đám hỏi được chuyển thành đám cưới”. Giáo sư Huyên nhớ lại: Chúng tôi chỉ kịp đăng ký kết hôn, không có nhẫn cưới trao tay. Cô dâu phải đi chợ để chuẩn bị cỗ cho đám cưới. Cưới xong, chụp vội được tấm ảnh làm kỷ niệm rồi chúng tôi lại mỗi người một ngả. Tôi về trường học tiếp còn nhà tôi vẫn ở lại nhà bố mẹ đẻ”.

Nguyễn Xuân Huyên cùng Vũ Thị Kim Loan 

 trong ngày cưới tại Bắc Giang, 15-6-1950

GS Nguyễn Xuân Huyên coi quyết định “chuyển hướng” trên cũng là một may mắn cho ông bà, bởi 2 tháng sau ngày cưới, Pháp tấn công lên Phú Thọ, cha của ông theo cơ quan chuyển vào Thanh Hóa, còn trường Đại học Y khoa nơi ông học chuyển lên Việt Bắc, việc liên hệ càng gặp nhiều khó khăn.

Nhớ lại một đám cưới đặc biệt, gấp gáp trong thời chiến, Giáo sư Huyên nói vui: “Nếu không tổ chức đám cưới ngay trong ngày ăn hỏi, biết đâu nhà tôi lại được gả cho người khác vì hai bên gia đình mất liên lạc”.

Hoàng Thị Liêm

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam