Một đời học tập

Tuổi thơ gian khó

– Hợi, chờ anh với !

Tiếng người anh họ Hà Học Trì gọi khiến Hà Học Hợi giật mình quay lại, trên tay đang cầm một tập giấy trắng với cây bút mực mới được bố mua cho. Bình Hòa[1] là một làng quê nghèo nhưng nổi tiếng về truyền thống hiếu học với nhiều dòng họ nổi tiếng như: Nguyễn Khắc[2], Đinh Nho[3]… Dòng họ Hà Học[4] xưa cũng nổi danh về truyền thống khoa bảng nhưng đến đời ông Hà Học Ngự (cha của Hà Học Hợi) thì suy vi nên gia đình phải thuê ruộng công của làng và họ về cấy rẽ. Không theo được nghiệp bút nghiên nhưng ông Ngự vẫn hết sức chăm lo việc học tập của con. Năm 1942, Hà Học Hợi 7 tuổi được cha cho đi học ở trường tiểu học công lập ở làng Thịnh Xá do các thầy Nguyễn Đường, Đinh Nho Liêm, Phan Nhu mở kiêm giảng dạy. Học trò trong lớp khoảng 40 người với nhiều lứa tuổi khác nhau, các bạn học Đinh Nho Chương, Hà Học Trì là những đứa trẻ thông minh, lại được gia đình rèn giũa nên Hà Học Hợi phải tự cố gắng học tập để theo kịp các bạn. Quý cậu học trò nghèo hiếu học, thầy Phan Nhu làm bài thơ nựng yêu học trò, đến nay ông còn nhớ:

Hà Học Hội miệng còn hôi sữa lắm ai ơi

Toán pháp bốn năm không biết chín

Cửu chương hai tám bảo rằng mười

Hè năm 1943, kinh tế gia đình ngày càng khó khăn, ông Hà Học Ngự nghĩ cách mời thầy Nguyễn Khắc Dụ về mở lớp học tại nhà, tiền cho thuê nhà tính vào tiền học của hai con trai Hà Học Ngô[5] và Hà Học Hợi. Chú bé Hợi coi thầy Dụ như cuốn từ điển sống, bất kỳ học trò đưa ra câu hỏi nào về nghĩa tiếng Pháp thầy cũng giải đáp rõ ràng. Nếu thầy Dụ là người truyền kiến thức thì ông Ngự là người rèn giũa con cái về lễ nghĩa và ứng xử trong cuộc sống. Một lần, ông Ngự sai con mang điếu cày ra mời khách hút thuốc, Hà Học Hợi lén cầm điếu lên rít thử một hơi. Thấy vậy, ông liền bạt tai con trai ngã lăn ra nền nhà, từ đó trở đi Hà Học Hợi không bao giờ dám sờ đến cái điếu nữa. Năm 1944, Hà Học Hợi thi đỗ Sơ học yếu lược (còn gọi là Primaire Élémentaire) khiến ông Ngự rất tự hào. Trong buổi lễ tế ở Văn chỉ làng theo “lệ” vào cuối năm đó, Hà Học Hợi được ưu tiên một miếng cổ gà (còn gọi là miếng nọng) và ít xôi. Ông chia sẻ: Dân gian có câu “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp, người được chia miếng cổ gà là sự học được coi trọng lắm[6].

Năm 1945, ở tuổi 38, ông Ngự đột ngột mất vì bệnh dạ dày khiến gia đình lâm vào cảnh khốn khó. Mẹ ông – bà Phan Thị Hai không thể đảm đương nghề làm nông nên chuyển sang kéo sợi dệt vải kiếm sống qua ngày. Người anh trai Hà Học Ngô, 12 tuổi do thi đỗ Sơ đẳng tiểu học (Certificat) nên được mẹ ưu tiên cho đi học trường trung học của huyện Hương Sơn. Hà Học Hợi phải nghỉ học ở nhà phụ mẹ nuôi ba em nhỏ: Hà Học Canh, Hà Thị Sen, Hà Học Dụ. Tháng 9 năm 1945, đất nước độc lập, trong khi trẻ em nô nức đi học thì chú bé Hợi lại cặm cụi bên chiếc xe kéo sợi. Có hôm ra chợ bán sợi, Hà Học Hợi nghe mấy cụ trong làng ngồi quán nước ven đường nói chuyện với nhau: Nước nhà độc lập rồi, sau này người dân phải có trình độ học vấn cao[7], nghe xong mà lòng quặn lại bởi Hà Học Hợi mới ở trình độ bậc Sơ học.

Với chú bé 10 tuổi, công việc kéo sợi không dễ bởi yêu cầu sợi kéo phải săng nhỏ đều tay, chỉ cần sơ sót sẽ dẫn tới sợi bị vón cục, dệt vải bị lỗi, kém chất lượng. Một cân bông kéo thành sợi, tiền bán chỉ đủ mua gạo, khoai ăn qua ngày. Có hôm, mới kéo được nửa cân sợi thì mẹ đã phải ra chợ bán bởi nhà hết gạo ăn. Tết năm 1946, trong nhà hết đồ ăn, trái cam trên cây vẫn còn xanh mà bà đành phải hái bán để mua ít gạo về nấu cơm. Nhớ về kỷ niệm đó, PGS Hợi ví von: Đấy là hình thức dưới tái sản xuất giản đơn[8]. Ngày 2-9-1946, xã mở kỳ thi kéo sợi, Hà Học Hợi còn nhỏ nên không dám tham dự, gia đình động viên mãi ông mới đi thi. Kết quả, Hà Học Hợi đã vượt qua 20 ứng viên để giành giải nhất, từ đó, nhiều người trong làng thường mang bông đến nhờ ông xe sợi, giúp gia đình có thêm công ăn việc làm.

Những năm 1948-1950, phong trào học tập ở vùng tự do Nghệ Tĩnh lên mạnh, các trường công lập và tư thục nở rộ ở nhiều nơi thu hút học sinh đi học. Có trường tư thục mở ra ngay cạnh nhà Hợi, hàng ngày nhìn các bạn đến trường mà lòng Hợi như lửa đốt: Làm sao được đi học như các bạn? Tương lai cuộc đời sẽ ra sao nếu trình độ hiểu biết thấp kém. Trong một lần đi họp Đội thiếu niên xã, Hợi nghe thấy các bạn nói rằng: Các thí sinh tự do vẫn được thi tốt nghiệp tiểu học nên ông càng quyết tâm phấn đấu học tập. Hàng ngày, ông tranh thủ mượn sách bạn bè về tự học. Trong họ, ông Hà Học Loan là người giàu có nhất với căn nhà hai tầng, trên gác có thư viện riêng. Tuy cùng họ nhưng Hà Học Hợi chưa bao giờ được bước chân vào nhà ông Loan, mỗi lần đi qua chỉ dám đứng xa nhìn. Ham đọc sách, Hà Học Hợi nhờ hai người anh trong họ là Hà Học Nhiệm và Hà Học Tài giúp đỡ. Những cuốn sách như: Từ điển Pháp – Việt, truyện Thằng Ngốc bằng tiếng Pháp… đều được ông tranh thủ đọc trong đêm để sáng hôm sau trả lại. Lúc rảnh rỗi, Hà Học Hợi thường cùng hai anh Tài, Nhiệm thi học thuộc từ mới tiếng Pháp. Mỗi người sẽ tự giở một trang bất kỳ trong cuốn từ điển Pháp – Việt, rồi đọc thuộc các từ trong trang đó, những người còn lại sẽ cầm từ điển kiểm tra.

Kinh tế gia đình ngày càng khó khăn, tiền kéo sợi không đủ trang trải cuộc sống, bà Hai quyết định chuyển sang kéo chỉ tơ tằm tăng thu nhập. Hà Học Hợi nhuộm chỉ theo cách dân gian. Sợi chỉ ban đầu là màu đỏ nên phải nhuộm thành 2 màu đen hoặc trắng. Không có tiền mua thuốc nhuộm, chú bé Hợi phải ra ngoài cánh đồng tìm nơi có lá cây sòi rụng xuống bùn thì vét vào chậu mang về nhà. Sợi chỉ được luộc lên, trộn với bùn rồi đem phơi nắng đến khi chỉ chuyển màu đen thì mang giặt lại, làm thành cuộn mang bán. Ngược lại, để làm chỉ trắng cần lấy vỏ bưởi phơi khô đốt thành than, đem than ngâm nước nửa ngày. Sau đó, chắt nước rồi đun lên cùng sợi chỉ, chỉ sẽ thành trắng hơn.

Mùa hè năm 1948, một cơn bão lớn làm tốc gianh một góc mái nhà gia đình Hợi, khiến ngày mưa nước chảy lênh láng trong nhà. Thương các con chịu cảnh rét mướt nhưng bà Hai cũng đành bất lực bởi không có tiền mua gianh lợp mái. Thậm chí, một chiếc cuốc nhỏ để làm cỏ trong khu vườn nhỏ cạnh nhà cũng không có nên Hà Học Hợi phải dùng dao xới ít đất để trồng rau ăn. Khó khăn là vậy, nhưng không làm nhụt ý chí học tập của Hà Học Hợi. Ông tập trung học ba môn toán, tiếng Việt và tiếng Pháp. Nhiều bài văn hay của Tô Hoài, Thạch Lam hay của nhóm Tự lực văn đoàn đều được ông tìm đọc. Những hôm trăng sáng, ông tranh thủ rủ bạn cùng xóm là Nguyễn Ân ra sân đình làng học toán. Một số bài toán học trên lớp được Nguyễn Ân đưa ra hướng dẫn Hà Học Hợi cách giải. Không có giấy bút, hai người dùng que vạch xuống đất để giải đáp, có bài toán dân gian mà ông vẫn nhớ:

Cả gà cả chó,

Bó lại cho tròn

Ba mươi sáu con

Một trăm chân chẵn.

Hỏi có bao nhiêu con gà và chó.

Hè năm 1949, cậu ruột Phan Đăng Đậu rủ Hà Học Hợi đi thi lấy bằng tiểu học theo diện thí sinh tự do được tổ chức ở xã Sơn Bằng cách nhà 6km. Nhờ phấn đấu tự học và sự giúp đỡ của bạn bè, ông tham gia kỳ thi và đạt 49/50 điểm, được đỗ vớt. Đây là bước ngoặt trong cuộc đời để ông bước tiếp trong các chặng đường học tập sau này.

Mùa thu năm 1950, Hà Học Hợi phải giấu mẹ đi thi vào trường trung học Hương Sơn ở xã Sơn Thịnh bởi ông là lao động chính trong nhà, nếu đi học sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình. Sau khi nhận được giấy báo đỗ của nhà trường, ông chưa dám khoe với mọi người trong gia đình thì mẹ bị cảm nặng rồi qua đời. Một tổn thất quá lớn, 5 anh em ông Hợi phải chịu cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ. Hà Học Hợi cùng các em cặm cụi se chỉ kiếm tiền nuôi nhau. Có những lúc nhà hết gạo, ông vác rá đi vay mọi người trong làng nhưng không được nên phải cắt lá khoai lang về nấu canh ăn đỡ đói. Mùa đông, ông và các em chỉ có quần đùi để mặc, đêm ngủ, chui vào ổ rơm rồi trùm chiếu rách đắp thay chăn. Thời gian này, không quân Pháp đang ném bom bắn phá dữ dội vùng tự do Liên khu IV[9] nên lớp học diễn ra vào ban đêm. Hơn nữa, xã cũng chia cho anh em ông Hợi mấy sào ruộng để cấy ăn nên cuộc sống bớt vất vả nên năm 1951, Hà Học Hợi vào học lớp 5 của trường trung học Hương Sơn.

Đại biểu trẻ tuổi nhất

Ở lớp 5C, học sinh Hà Học Hợi luôn nỗ lực đứng tốp đầu về học tập nên được nhà trường hỗ trợ 15kg thóc/tháng. Năm 1951, Hà Học Hợi được bầu làm Hiệu đoàn trưởng của trường, ủy viên Tỉnh đoàn học sinh Hà Tĩnh. Hôm tổ chức Đại hội Đoàn trường, ông đang điều hành Đại hội thì em trai Hà Học Canh chạy đến gọi anh xuống và nói: Nhà hết gạo rồi[10]. Trong lòng rối bời nhưng ông vẫn khuyên em về nhà trước, sau khi kết thúc Đại hội mới đi vay gạo để nấu cơm cho các em ăn.

Nhờ ý chí vươn lên trong gian khó và đạt thành tích tốt trong học tập, cuối năm 1951, Hà Học Hợi được trường bầu là học sinh gương mẫu, tấm gương nghèo vượt khó. Trong Đại hội học sinh Hà Tĩnh đã bầu ông là học sinh gương mẫu thứ nhất, Liên khu IV đã chọn ông tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ I được tổ chức tại chiến khu Việt Bắc[11]. Tháng 4-1952, Hà học Hợi cùng một cán bộ Liên khu IV dẫn đường để vượt rừng núi ra Việt Bắc. Tối ngày 1-5-1952, sau khi vượt hơn 400 km đường rừng, ông đến địa điểm Đại hội tại xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang thì trời đã tối. Đại hội được tổ chức trong một căn nhà rộng dựng bằng tre nứa ở giữa rừng, bên trong điện thắp sáng trưng[12]– PGS Hợi chia sẻ. Vừa vào hội trường, nhìn lên khán đài, Hà Học Hợi nhận ra ngay Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước giờ giải lao, Bác giới thiệu với Đại hội cháu Hà Học Hợi – học sinh trẻ tuổi nhất của Liên khu IV ra dự Đại hội, mọi người vỗ ray hoan nghênh. Trong buổi lễ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Những người thi đua là những người yêu nước nhất[13]. Sau này lời dạy đó trở thành khẩu hiệu trong suốt hành trình cách mạng của đất nước. Khi đó Hà Học Hợi thầm nghĩ: Mình nhỏ tuổi, thi đua học tập và lao động giỏi cũng là yêu nước[14]. Lúc giải lao, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến chỗ Hà Học Hợi thăm hỏi: Tình hình người dân quê cháu thế nào? Cháu đi đường có an toàn không?[15]. Nghe những lời hỏi thăm ân cần của Người mà ông xúc động quá! Chỉ nói được vắn tắt tình hình quê nhà. Thấy có nhiều đại biểu đến thăm hỏi, Bác quay ra nói với mọi người rằng: Cháu Hợi mới ra còn mệt, cần nghỉ ngơi, ngày mai hãy hỏi tiếp? [16].

Ngày hôm sau, Đại hội do bác Tôn Đức Thắng[17] – đang là Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên Việt chủ trì, Hà Học Hợi được đại diện cho học sinh, sinh viên trong nước lên báo cáo thành tích thi đua trước Đại hội. Kết thúc, bác Tôn Đức Thắng ôm hôn Hà Học Hợi và rằng: Đây là tương lai của dân tộc[18]. Đại hội kéo dài từ ngày 1 đến ngày 6-5-1952 thì kết thúc. Ông được tặng nhiều sách về chính trị, văn nghệ, đặc biệt là tấm vải phin trắng dài 5 mét. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng[19] còn đến gặp cậu học sinh Hà Học Hợi để hỏi thông tin và lấy đó làm hình mẫu viết bài Chiến sĩ ca lô[20]. Khi trở về quê, ông mang tấm vải đi nhuộm nâu, rồi may thành bộ quần áo dài để lúc có việc mới mặc.

Học sinh Hà Học Hợi (thứ 5, hàng 2) chụp cùng bạn bè và thầy cô tại Khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc, năm 1954

Con đường học tập rộng mở

Trở về từ Việt Bắc, Hà Học Hợi tiếp tục đi tham dự nhiều hội nghị thanh niên, học sinh trong tỉnh Hà Tĩnh nên ảnh hưởng đến việc học tập, ông phải tự học ngày đêm để theo kịp chương trình. Tổng kết năm học lớp 6, ông chỉ đạt loại khá. Nhớ lời căn dặn của Bác Hồ tại Đại hội Thi đua yêu nước, Hà Học Hợi càng quyết tâm học hành, ngoài công việc se chỉ, ban đêm ông đến lớp đều đặn và chuyên tâm đọc sách. Cuối học kỳ I lớp 7, các môn trung bình đạt 8,5 điểm, Hà Học Hợi được nhận bằng khen của Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam[21]. Một lần nữa, niềm vui lại đến với Hà Học Hợi khi thầy Hiệu trưởng Phan Huy Bình thông báo cho ông và bạn Lê Xuân Tùng[22] được cử sang học tập ở Khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc. Tháng 12-1953, Liên khu IV tổ chức đoàn gồm học sinh (trong đó có Hà Học Hợi và Lê Xuân Tùng), giáo viên và cán bộ do ông Hoàng Tử Đồng[23] làm trưởng đoàn sang Trung Quốc học tập. Biết Hà Học Hợi không có tiền, mẹ của ông Xuân Tùng đã cho ông ít tiền làm lộ phí đi đường. Một buổi chiều muộn cuối tháng 12, mọi người bắt đầu lên đường, ngày nghỉ đêm đi để tránh máy bay Pháp ném bom. Do phải đi luồn đường rừng nên mỗi đêm chỉ đi được 20km, bên cạnh đó là mối đe dọa từ thú dữ như hổ, báo luôn rình rập. Đến Mục Nam Quan, mọi người được đi ô tô đến Bằng Tường rồi mới đi tàu hỏa đến thành phố Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây. Lần đầu tiên trong đời ông được ngồi xe tải, tuy đường mấp mô sỏi đá nhưng trong lòng ông thấy rất thích thú.

Ở Khu học xá Nam Ninh, vào năm học 1954, Hà Học Hợi chọn học khoa Văn-Chính (tức học văn học, triết học và chính trị), trường Trung cấp Sư phạm khoa học xã hội. Được nghe giảng từ các thầy: Lê Bá Thảo[24] môn địa lý, Nguyễn Lân[25] về tâm lý giáo dục, Nguyễn Hữu Tảo[26] môn giáo dục học, Hoàng Như Mai[27] văn học, Trần Văn Khang[28] lịch sử… khiến ông say mê và ước mơ sẽ được đứng trên bục giảng. Nếu thầy Nguyễn Khang là pho lịch sử sống thì thầy Lê Bá Thảo giúp học trò mở rộng tầm nhìn với thế giới bên ngoài về đất nước và con người ở châu Mỹ, Đông Âu và Liên Xô… Trong lớp, ông và các bạn Lê Xuân Tùng, Trần Thành, Nguyễn Nghĩa Trọng, Nguyễn Thanh Tùng thường hợp thành tổ để truy bài cũ, cùng nhau thảo luận các vấn đề khó khi thầy giáo đưa ra… Tiền hỗ trợ mỗi tháng của trường là 5 nhân dân tệ (đơn vị tiền của Trung Quốc) đều được ông dùng vào việc mua sách đọc. Nhờ nỗ lực học tập, hết học kỳ I năm thứ nhất, ông đạt trung bình 4 đến 5 điểm ở tất cả các môn. Cuối tháng 7-1954, Trung ương Đoàn Thanh niên yêu cầu ông về nước với nhiệm vụ gặp gỡ và nói chuyện với học sinh các trường; Chu Văn An, Trưng Vương… Từ Trung Quốc về, ông đến tập trung tại Thái Nguyên. Pháp rút quân tới đâu thì bộ đội ta tiếp quản tới đó, trước khi vào Hà Nội, Hà Học Hợi cùng mọi người trong đoàn ở huyện Thường Tín, Hà Đông[29]. Sáng ngày 10-10, đoàn của ông Hợi được đưa ổn định chỗ ở tại khu Đồn Thủy[30] rồi ra phố Tràng Tiền cùng nhân dân Hà Nội đón đoàn quân tiến về Thủ đô. PGS Hợi vẫn nhớ: Rừng cờ hoa với rừng người đón đoàn quân chiến thắng trở về Thủ đô ở khắp các Hà Nội, cảm xúc của tôi bay bổng dâng trào, đúng là giấc mơ vàng đang được hưởng thụ[31].

Những ngày sau đó, ông được phát hai chiếc quần kaki và áo sơ mi mặc đến các trường phổ thông để nói chuyện. Lúc ông đến trường Nguyễn Trãi nói chuyện, cậu học sinh Đặng Hiển[32] của lớp Đệ tam ban toán liền đến làm quen. Sau khi nghe ông Hợi chia sẻ về cuộc đời, về việc học ở khoa Văn–Chính khiến sau này ông Hiển quyết định chuyển từ học toán sang học văn, rồi thi khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội[33]. Cuối năm 1954, Hà Học Hợi trở lại Khu học xá thi tốt nghiệp học kỳ II.

Giấy khen của học sinh Hà Học Hợi, ngày 13-3-1955

Tháng 5-1955, Trung ương Đoàn Thanh niên tiếp tục cử ông tham dự Đại hội liên hoan Thanh niên và Sinh viên thế giới lần thứ V sẽ được tổ chức từ ngày 31-7 đến ngày 18-8 tại thành phố Warszawa, Ba Lan. Đoàn gồm nhiều thành viên như Trần Trọng Quát và Nguyễn Lưu Vĩ là Ủy viên Trung ương Đoàn thanh niên, Dương Tử Minh đại diện cho học sinh Hà Nội, Phùng Văn Lầu, Võ Viết Sung đại biểu chiến sĩ thi đua quân đội, Hà Học Hợi đại diện cho học sinh Khu học xá… do ông Hoàng Minh Chính – Tổng thư ký Hội thanh niên Việt Nam là trưởng đoàn. Tàu khởi hành từ ga Hàng Cỏ, Hà Nội lên đến Mục Nam Quan thì đoàn chuyển sang đi đường sắt liên vận quốc tế từ Trung Quốc sang thủ đô Moskva, Liên Xô. Hành trình trên tàu hỏa, Hà Học Hợi có dịp ngắm nhìn thảo nguyên bao la ở vùng biên giới Trung – Xô, hồ Baikan xanh biếc một màu, những cánh rừng Xiberia tuyết phủ trắng xóa. Đến các ga dừng chân, mọi người trong đoàn Việt Nam đều được đón tiếp nhiệt tình.

Đoàn dừng chân tại thủ đô Moskva 15 ngày, mọi người được giao lưu văn nghệ với các bạn Liên Xô, đi tham quan nhà máy sản xuất khí cụ. Sau đó, đoàn Việt Nam lên đường sang Ba Lan. Nhiều đoàn đại biểu thanh niên các nước trên thế giới như Ấn Độ, Inđônêxia… đã tề tựu tại Thủ đô Warszawa cổ kính. Khẩu hiệu Việt Nam – Hồ Chí Minh – Điện Biên Phủ trở thành một trong những chủ đề tiêu biểu của Đại hội. Mọi người chia sẻ cho nhau những thành quả mà phong trào học sinh, sinh viên đã đạt được. Phía Việt Nam còn được Đại hội tặng đồng hồ, huy hiệu đoàn, và một số vật dụng mạ vàng, những hiện vật này đều được ông Hà Học Hợi bàn giao lại cho Văn phòng Trung ương Đoàn.

Sau khi về Hà Nội tổng kết và báo cáo lên Trung ương Đoàn kết quả tham dự Đại hội, cuối năm 1955 trở lại Khu học xá, Hà Học Hợi đã dồn hết tâm sức vào học tập. Thời gian trên lớp không đủ, ông tranh thủ buổi tối đến khu hội trường đọc sách làm bài tập. Tháng 4-1956, Hà Học Hợi vượt qua kỳ thi tốt nghiệp ở đạt hạng bình thứ theo bảng thành tích: ưu (xuất sắc), bình (giỏi), bình thứ (khá), thứ (trung bình). Kết quả đó cũng là sự cố gắng lớn của ông bởi thời gian nghỉ học quá nhiều.

Tháng 6-1956, Hà Học Hợi trở về Hà Nội, chia tay bạn bè ở ga Hàng Cỏ, mỗi người đều mang trong mình hoài bão, khát vọng khác nhau, chàng thanh niên Hà Học Hợi xin về dạy học ở một vùng quê thuộc tả ngạn sông Hồng. Trường cấp 2 Gia Lộc, huyện Gia Lộc, Hải Dương là nơi ông ước mơ được tìm hiểu vùng châu thổ sông Hồng và truyền cho các em vùng mới giải phóng ý chí vượt khó vươn lên trong học tập vì tương lai bản thân và sự phát triển đất nước như lời dạy của Bác năm xưa.

Ngô Văn Hiển

* PGS Hà học Hợi, chuyên ngành Triết học, nguyên Phó ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương).

[1] Xã Sơn Hòa Hương Sơn, Hà Tĩnh.

[2] Họ Nguyễn Khắc có: Nguyễn Khắc Niêm (1889-1954), nguyên Tổng đốc Thanh Hóa, Nguyễn Khắc Viện (1913-1997), nhà nghiên cứu văn hóa…

[3] Họ Đinh Nho: Đinh Nho Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

[4] Họ Hà Học: cụ nội PGS Hà Học Hợi là Hà Học Văn làm quan giáo thụ tỉnh Thanh Hóa, thầy dạy cụ Nguyễn Khắc Niêm.

[5] GS.TS Hà Học Ngô, nguyên Chủ nhiệm khoa Quản lý đất, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội (1992-1996).

[6],[7],[8],[10],[12],[14],[15],[16],18] Ghi âm phỏng vấn PGS Hà Học Hợi, 18-5-2017, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[9] Liên khu IV được thành lập năm 1945, gồm các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế.

[11] Chiến khu Việt Bắc gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên.

[13] Bài nói tại Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, H- Chính trị quốc gia, 2000, tr 402.

[17] Chủ tịch Tôn Đức Thắng (1888-1980), nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

[19] Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (1912-1960), nguyên Đại biểu Quốc hội khóa I.

[20] Sau này, con gái ông Nguyễn Huy Tưởng làm ở Vụ Quốc tế, Ban Tuyên giáo Trung ương đã biếu PGS Hà Học Hợi cuốn sách này.

[21] Nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

[22] GS.TS Lê Xuân Tùng sinh năm 1936, nguyên là Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư thành ủy Hà Nội.

[23] Là cán bộ giáo dục Liên khu IV, sau khi đi học về thì vào dạy học tại thành phố Hồ Chí Minh.

[24] PGS Lê Bá Thảo (1923-2000), chuyên ngành Địa lý, nguyên Chủ tịch Hội Địa lý Việt Nam.

[25] NGND Nguyễn Lân (1906-2003), nhà giáo, nhà biên soạn từ điển nổi tiếng của Việt Nam.

[26] GS Nguyễn Hữu Tảo (1900-1966), nguyên Tổ trưởng tổ Tâm lý – Giáo dục học, trường ĐHSP Hà Nội (1955 -1965).

[27] GS.NGND Hoàng Như Mai (1919-1913), nguyên Hiệu trưởng Trường Sư phạm trung cấp Trung ương.

[28] Trần Văn Khang, nguyên Hiệu trưởng trường Chu Văn An (1945-1947).

[29] Nay thuộc Thành phố Hà Nội.

[30] Nay là Bệnh viện Trung nương quân đội 108.

[31] Ghi âm phỏng vấn PGS Hà Học Hợi, 11-10-2017, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[32] Nhà văn Đặng Hiển (1937), Hội viên Hội nhà văn Việt Nam.

[33] Nay là khoa Văn, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội.