Một dự án để đời

Đầu những năm 80 của thế kỷ 20, những năm tháng khốc liệt của chiến tranh vừa qua đi, nước ta bước vào một giai đoạn rất khó khăn về kinh tế, hàng hóa khan hiếm, nạn hàng giả, hàng nhái và kém chất lượng khá phổ biến. Điều này đặt ra trách nhiệm với Cục Quản lý Chất lượng hàng hóa và Đo lường (Bộ Nội thương) là cần phải ổn định trật tự thị trường. Cục trưởng Phan Đức Thắng luôn trăn trở với việc xây dựng các biện pháp tăng cường quản lý chất lượng hàng hóa trước khi đưa ra lưu thông, với quan điểm: Quản lý chất lượng sản xuất và chất lượng trong lưu thông đều vì quyền lợi người tiêu dùng, không thể có một thị trường ổn định khi chất lượng sản phẩm kém[1].

Năm 1986, sau khi Cục Quản lý Chất lượng hàng hóa và Đo lường triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để tăng cường công tác quản lý chất lượng hàng hóa, như: Đề xuất Bộ Nội thương đưa ra các tiêu chí để đánh giá chất lượng và đo lường hàng hóa, và lấy đó làm tiêu chuẩn xét thi đua của từng đơn vị sản xuất; Phát động cán bộ trong toàn Cục nghiên cứu, tìm ra các biện pháp phát hiện nhanh hàng giả, hàng kém chất lượng; Phối hợp với Cục Quản lý thị trường chống hàng giả, buôn lậu, gian lận trong thương mại… Nhờ vậy, tình hình thị trường sản xuất, kinh doanh đã có chuyển biến tích cực, hàng đạt tiêu chuẩn chất lượng nhiều hơn, nạn hàng giả đã thuyên giảm. Thị trường ổn định là một dấu hiệu tốt. Tuy nhiên, đất nước bước vào giai đoạn đổi mới, hội nhập, nền kinh tế hoạt động theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa, dần loại bỏ hình thức tự cung tự cấp, đòi hỏi các sản phẩm phải phong phú, và có chất lượng tốt hơn để đáp ứng được yêu cầu thương mại. Hơn nữa, hàng hóa sản xuất ra cần có thị trường, có sự giao thoa, cạnh tranh, do vậy đòi hỏi sản phẩm phải có chất lượng cao thì mới thắng thế. Đó là một thách thức với cơ quan quản lý chất lượng hàng hóa còn rất non trẻ ở nước ta, để tạo ra được uy tín với người tiêu dùng, phù hợp với quy định quốc gia, và được quốc tế chấp nhận.

Trong khi đó thực trạng năng lực của Cục Quản lý Chất lượng hàng hóa còn quá yếu, cụ thể như cơ sở vật chất (trang thiết bị, kỹ thuật, hóa chất…) để kiểm tra chất lượng nghèo nàn, lạc hậu; Trình độ nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế,… Vậy nên, vấn đề quản lý chất lượng hàng hóa theo hướng hiện đại trở thành vấn đề cấp bách: quản lý chất lượng hàng hóa phải bằng tiềm năng (nguồn nhân lực, cơ sở vật chất…). Nhưng nếu tình trạng nghèo nàn này về cơ sở vật chất cứ kéo dài, thì thời gian tới chắc chắn Cục Quản lý Chất lượng hàng hóa và Đo lường không thể hoàn thành nhiệm vụ được Bộ Nội thương giao phó[2], ông Phan Đức Thắng tâm sự.

Bài toán đặt ra với Cục Quản lý Chất lượng hàng hóa và Đo lường là làm thế nào để tăng cường khả năng kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm khi không có nguồn đầu tư kinh phí. Trong khi, trang thiết bị hiện đại (quang phổ hấp thụ nguyên tử, sắc ký khí, sắc ký cao áp lỏng…) nhập khẩu giá trị cũng phải lên tới vài tỉ đồng, mà nguồn đầu tư từ ngân sách rất eo hẹp. Trước tình thế đó, Cục trưởng Phan Đức Thắng suy nghĩ cần tìm một lối đi mới, tranh thủ sự giúp đỡ, hợp tác quốc tế. Bấy giờ, trong nước đã có một số cơ quan xin được nguồn tài trợ của tổ chức Liên hợp quốc, ông Phan Đức Thắng xác định đây là giải pháp hiệu quả nhất giúp mở mang và đổi mới mạnh mẽ diện mạo, chức năng của Cục. Nhưng thật không dễ dàng, vì để có được nguồn đầu tư của tổ chức toàn cầu này, thường là các đơn vị mang tầm quốc gia, phải đáp ứng được những tiêu chí khắt khe, như phải có bề dầy kinh nghiệm, năng lực, nhân lực chuyên sâu… Bên cạnh đó là cần sự giúp đỡ của nhiều cơ quan ban ngành mới có thể xin được tài trợ.

Ông Phan Đức Thắng tâm sự, ngày đó để làm việc được với tổ chức Liên hợp quốc là giấc mơ “cao vời vợi”, trong khi Bộ Nội thương còn chưa có cơ hội, huống gì là một cơ quan cấp Cục. Đầu năm 1987, Cục trưởng Phan Đức Thắng trực tiếp liên hệ với Vụ Hợp tác quốc tế của Văn phòng Chính phủ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Tài chính… nhằm thiết lập mối quan hệ, trình bày nguyện vọng tìm dự án viện trợ của tổ chức nước ngoài để phát triển, nâng cao vai trò thanh kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa của Cục. Đồng thời, ông còn trực tiếp xin hỗ trợ kinh phí từ phía các tổng công ty trong ngành để cải tạo trụ sở cơ quan. Biết rõ mục đích dự án mà ông đang ấp ủ xây dựng, nên đến đâu ông Thắng đều được các cơ quan tiếp đón niềm nở, ủng hộ, và nhiệt tình giúp đỡ.

Ông Văn Tình- Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã có kinh nghiệm làm dự án quốc tế hướng dẫn Cục trưởng Phan Đức Thắng rất tỉ mỉ các bước tiến hành: xây dựng đề cương, chuẩn bị cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn để xin và tiếp nhận dự án. Trong bối cảnh hội nhập, trước yêu cầu thị trường về chất lượng hàng hóa, đặc biệt là nguồn thực phẩm, nên đề tài: “Tăng cường khả năng kiểm tra, kiểm nghiệm thực phẩm lỏng ở Việt Nam” đã được ông cùng ban lãnh đạo Cục lựa chọn để xin dự án.

Cục trưởng Phan Đức Thắng báo cáo ý tưởng lập dự án xin viện trợ của Liên hợp quốc và những công việc đã chuẩn bị lên Bộ Nội thương. Bộ trưởng Hoàng Minh Thắng và Thứ trưởng Vũ Trọng Nam- trực tiếp phụ trách công tác quản lý chất lượng hàng hóa đã rất hoan nghênh, ủng hộ.

Khi đề cương dự án được Bộ chấp thuận, Cục trưởng Phan Đức Thắng gửi hồ sơ trình lên Văn phòng Chính phủ duyệt, và chính thức được gửi đến hai cơ quan của Liên hợp quốc ở Hà Nội: Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP); Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO).

Sau 4 tháng thấp thỏm chờ đợi, Cục trưởng Phan Đức Thắng và toàn thể các cán bộ vui mừng khi văn phòng UNDP ở Hà Nội báo tin chuyên gia Liên hợp quốc sẽ đến khảo sát khả năng thực hiện của dự án. Trực tiếp là chuyên gia Galat đến làm việc tại trụ sở Cục và tư vấn cho Cục trưởng Phan Đức Thắng các vấn đề phải chuẩn bị: cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, thông thạo ngoại ngữ… để chứng minh khi dự án được tài trợ sẽ có hiệu quả, nhiều triển vọng phát triển.

Cuối năm 1987, sau nhiều lần các chuyên gia Liên hợp quốc đến làm việc, dự án “Tăng cường khả năng kiểm tra, kiểm nghiệm thực phẩm lỏng ở Việt Nam” đã được tổ chức Liên hợp quốc chấp nhận, theo mã số VIE-87-009, giai đoạn 1987-1992. Trong không khí khẩn trương, cuộc họp thông qua nội dung, các bước triển khai dự án được tổ chức tại Cục Quản lý Chất lượng hàng hóa và Đo lường, với sự tham gia của ngài Bonamy (UNDP), ngài David Smith (UNIDO), và ban lãnh đạo Bộ Nội thương.

Sau một một thời gian chuẩn bị về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, ngoại ngữ đáp ứng được yêu cầu của Liên hợp quốc. Ngày 16-3-1990, lễ ký kết tài trợ cho dự án “Tăng cường khả năng kiểm tra, kiểm nghiệm thực phẩm lỏng ở Việt Nam (VIE-87-009)” được tổ chức chính thức tại Hà Nội. Đây là dự án đầu tiên Bộ Nội thương được Liên hợp quốc tài trợ, do Cục Quản lý Chất lượng hàng hóa và Đo lường thực hiện.

Bộ Nội thương ban hành quyết định cử Cục trưởng Phan Đức Thắng làm Giám đốc điều hành dự án VIE- 87-009. Đảm nhận thêm vai trò mới, ông luôn cố gắng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn để hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, tổ chức Liên hợp quốc gửi hồ sơ của ba ứng viên đến từ Pháp, Mỹ, Philippines để Giám đốc điều hành dự án lựa chọn ra một người làm cố vấn trưởng (CTA) cho dự án. Nữ TS. Alicia Luttre – Giám đốc Trung tâm phát triển thực phẩm Philipines, được Ban dự án chọn làm cố vấn trưởng, do cùng hoạt động trong khu vực Đông Nam Á, hy vọng bà sẽ có những tư vấn sát thực với Việt Nam. Trong quá trình làm việc, ông Phan Đức Thắng rất hài lòng về quyết định của mình, vì TS. Alicia Luttre rất nhiệt tình, cẩn thận và luôn sâu sát với công việc.

Ban dự án cùng TS. Alicia Luttre, và các chuyên gia làm nhiệm vụ khảo sát, xây dựng phương án, căn cứ vào thực tế đề xuất để mua máy móc, thiết bị, hóa chất,…. Qua nhiều lần đại diện của UNDP và UNIDO đến thẩm định, Cục được trang bị ô tô và phòng kiểm nghiệm lưu động để thuận tiện cho công tác đi thực hiện dự án, kiểm tra chất lượng thực phẩm ở các tỉnh. Đồng thời, máy móc, trang thiết bị, hóa chất cũng đồng loạt được tài trợ theo kinh phí của Dự án. Nguồn nhân lực để phục vụ dự án là vấn đề cấp bách, Cục trưởng Phan Đức Thắng mời thầy dạy tiếng Anh cho cán bộ vào buổi tối, sau đó cử đi đào tạo, khảo sát ở nước ngoài để nâng cao trình độ theo yêu cầu của Dự án.

Bằng kinh phí của Dự án, trụ sở Cục Quản lý Chất lượng hàng hóa và Đo lường được xây dựng khang trang hơn, có đầy đủ các phòng kiểm nghiệm, phòng bảo quản máy móc, hóa chất kiểm nghiệm theo quy chuẩn. Hàng năm, trang thiết bị, máy móc cũng được bổ sung để thực hiện Dự án. Nhờ đó, công tác kiểm định chất lượng sản phẩm được nâng cao, đã phát hiện được những vi sinh vật độc hại, thành phần kim loại, hóa chất có trong thực phẩm gây hại cho sức khỏe con người.

Trong quá trình thực hiện Dự án, ông Phan Đức Thắng cùng cố vấn trưởng TS. Alicia Luttre đi khắp các tỉnh từ miền Bắc vào miền Nam để khảo sát tiến độ, đánh giá ứng dụng thực tiễn của dự án. Một lần, đoàn dự án đến nhà máy sản xuất bánh kẹo, nước ngọt ở một địa phương, ngay khi bắt đầu kiểm tra sản phẩm, Giám đốc nhà máy đã thú nhận theo thành phần bánh bích quy có bơ, nhưng để thu lợi nhuận thì nhà máy đã cắt bớt nguyên liệu. Qua câu chuyện đó, ông Phan Đức Thắng càng thấy được uy lực, hiệu quả mà dự án đem lại cho công tác quản lý chất lượng sản phẩm của các đơn vị trong Cục.

 

 TS Phan Đức Thắng tại Hội thảo kiểm tra chất lượng thực phẩm, dự án VIE-87-009, năm 1990 

Trước đây, lượng hóa chất kiểm nghiệm được cấp nhỏ giọt, thì nay Dự án cung cấp sử dụng trong nhiều năm. Phòng thử nghiệm, kiểm tra chất lượng sản phẩm và hàng hóa được đầu tư xây dựng ở các trung tâm kinh tế lớn của đất nước (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…). Bởi thế, khả năng kiểm định của Cục Quản lý Chất lượng hàng hóa và Đo lường đã được tăng cường, phòng kiểm nghiệm lưu động giúp các đơn vị chủ động hơn khi đi thanh kiểm tra trên thị trường. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong nước đã có những sản phẩm chất lượng tốt hơn phục vụ cho người tiêu dùng, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Hàng hóa của Việt Nam đã dần được quốc tế công nhận, sản phẩm bị hủy, trả về khi xuất khẩu sang các nước giảm rõ rệt. Cán bộ của Cục Quản lý Chất lượng hàng hóa và Đo lường được nâng cao về trình độ chuyên môn và ngoại ngữ, nên đã tự tin, nhiệt tình hơn với công việc được giao.

Đồng thời, chuyên gia Liên hợp quốc phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm với sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước, đem lại những kinh nghiệm, kiến thức bổ ích cho các đơn vị kiểm định chất lượng sản phẩm, nhà sản xuất và người tiêu dùng. Hơn nữa, Dự án đã thúc đẩy tăng cường, mở rộng hợp tác, giao lưu với các tổ chức chất lượng ở khu vực, và quốc tế, giúp các đơn vị kiểm tra chất lượng của nước ta có điều kiện tiếp thu, học tập kiến thức, kinh nghiệm tiên tiến.

Hàng năm, theo định kỳ Cục Quản lý Chất lượng hàng hóa và Đo lường đều tổ chức họp kiểm điểm, đánh giá và rút kinh nghiệm ba bên: Đơn vị tài trợ (Liên hợp quốc), cơ quan Chính phủ, cơ quan thực hiện dự án. Cuối năm 1992, dự án VIE-87-009 kết thúc thành công. Tại buổi hội thảo tổng kết, tổ chức Liên hợp quốc đã đánh giá cao thành tích, kết quả thực tiễn mà dự án đem lại. PGS.TS Phan Đức Thắng tâm sự, đây là “dự án để đời”, công trình khoa học ông tâm đắc nhất, vì có tính thực tiễn cao, phục vụ cho phát triển nền kinh tế đất nước. Dự án đã góp phần thay đổi mạnh mẽ công tác quản lý chất lượng sản phẩm của đất nước trong bối cảnh mới bước vào cơ chế kinh tế thị trường đầy thách thức. Làm thay đổi rõ rệt bộ mặt, năng lực của Cục Quản lý Chất lượng hàng hóa và Đo lường, đem đến làn gió mới cho công tác kiểm định chất lượng hàng hóa của đất nước trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế. Ngày đó, bạn bè ở các cơ quan đều bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với ông, vì đã giúp Cục nâng cao trình độ cho cán bộ, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, và công tác kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng hàng hóa. Qua đó ông muốn nhắn nhủ: khi đối mặt với khó khăn, thách thức cần thật bình tĩnh để tìm lối ra và phải quyết tâm chinh phục tới đích cuối cùng thì thành công sẽ đến[3].

Tạ Thị Anh

 * PGS.TS Phan Đức Thắng chuyên ngành Hóa học, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng hàng hóa và Đo lường, Bộ Thương mại (1981-2000). 

** Tên gọi qua các thời kỳ: Bộ Công thương (1951); Bộ Nội thương (1960-1990); Bộ Thương nghiệp (1990); Bộ Thương mại (1991-2007); từ năm 2007 là Bộ Công thương.

[1]Ghi âm phỏng vấn PGS.TS Phan Đức Thắng, 7-2-2018, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

[2] Ghi âm phỏng vấn PGS.TS Phan Đức Thắng, 27-3-2018, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3]Ghi âm phỏng vấn PGS.TS Phan Đức Thắng, 7-2-2018, tài liệu đã dẫn.