Trong buổi làm việc tại nhà riêng ở phố Võng Thị, quận Tây Hồ, Hà Nội ngày 16-7-2014, TS Lê Hoàng Mai, nguyên là nghiên cứu tại Viện Vật lý, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam – con gái duy nhất của cố PGS, Đại tá Hoàng Thị Thục và cố GS Lê Văn Liêm, nguyên Cục phó Cục Dâu tằm, chia sẻ với chúng tôi nhiều thông tin về đấng sinh thành.
PGS, Đại tá Hoàng Thị Thục sinh ngày 10-11-1920, tại làng Đông Thái, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Là con gái của nhà văn, nhà giáo Hoàng Ngọc Phách, Hoàng Thị Thục được cha hết sức tạo điều kiện cho học hành. Năm 1942, sau khi tốt nghiệp trường Bưởi (nay là trường THPT Chu Văn An), bà thi đỗ vào trường Đại học Y Dược khoa Đông Dương. Đến năm học thứ 4 (1946), kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Hoàng Thị Thục theo trường tản cư lên Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Tại đây, bà kết hôn với ông Lê Văn Liêm – một người bạn từng học chung lớp ở trường Bưởi, sau này là Giáo sư ngành Nông nghiệp, nguyên Cục phó Cục Dâu tằm.
TS Lê Hoàng Mai
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Hoàng Thị Thục từng là Trưởng ban Nha khoa Phân viện 4, Phú Thọ (1950-1953); Trưởng ban Nha khoa Phân viện 5, Thái Nguyên (1954). Từ 1955 đến khi nghỉ hưu (1987), bà Hoàng Thị Thục công tác tại Quân y viện 108 (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), đảm nhận nhiều cương vị quan trọng: Chủ nhiệm khoa Răng miệng, Ủy viên Ban chấp hành Tổng hội Y học Việt Nam… và có nhiều công trình nghiên cứu khoa học được đánh giá cao.
TS Lê Hoàng Mai chia sẻ với các nghiên cứu viên: “Trước đây, các tư liệu của ông tôi (nhà văn Hoàng Ngọc Phách) được mẹ tôi tập hợp lại và tặng cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia. Sau buổi làm việc này tôi sẽ xem lại các tư liệu của bà để tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiến hành nghiên cứu sưu tầm về ba nhà khoa học: Ông bà PGS, Đại tá Hoàng Thị Thục và GS Lê Văn Liêm cùng con gái là TS Lê Hoàng Mai. Đây cũng là một chủ điểm trong hoạt động lâu dài của Trung tâm, nghiên cứu về truyền thống học tập, làm khoa học của các thế hệ trong một gia đình.
Đỗ Minh Khôi
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt