Một kỷ niệm trong đời

Tiếp chúng tôi tại nhà riêng, mặc dù sức khỏe không tốt do đang mang trọng bệnh nhưng GS.TS Đặng Thế Huy – nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội vẫn nhiệt tình chia sẻ với chúng tôi về những kỷ niệm trong thời gian làm nghiên cứu sinh tại Liên Xô (1967 – 1970).

GS.TS Đặng Thế Huy

Năm 1967, Đặng Thế Huy được trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội cử đi làm nghiên cứu sinh về chuyên ngành Sức bền vật liệu tại Học viện Nông nghiệp Ucraina (Liên Xô). Do đặc thù của chương trình đào tạo nên để hoàn thiện chương trình học, ông đã phải nỗ lực rất nhiều. Vì vậy, ông thường xuyên đến thư viện đọc những tài liệu tham khảo nước ngoài và tham gia học các môn cơ sở để tự nâng cao kiến thức cho mình và quan trọng hơn là để hiểu sâu hơn về chuyên ngành sức bền vật liệu, một chuyên ngành không những chỉ có ứng dụng trong nông nghiệp mà còn trong cơ khí và kiến trúc… Khó khăn nối tiếp khó khăn khi GS hướng dẫn đột ngột chuyển đơn vị công tác và phải mất 6 tháng sau ông mới có được một thầy hướng dẫn mới – GS.VS thông tấn Côgiépnicốp.

Trong khoảng thời gian còn lại, với cách làm việc nghiêm túc có phần khắt khe nhưng lại hết lòng vì học trò của GS.VS Côgiépnicốp, Đặng Thế Huy đã học được phương pháp làm việc mới từ thầy, đó là cách nhìn nhận một vấn đề và giải quyết vấn đề. Và cũng từ đó ông tìm ra hướng nghiên cứu mới về máy nông nghiệp: dùng phương pháp phi tuyến thay cho phương pháp tuyến tính, dùng bài toán không gian thay vì bài toán phẳng…

Với sự cố gắng của bản thân, tháng 3-1970, với đề tài “Nghiên cứu tải trọng động lực học của máy nông nghiệp treo”, Đặng Thế Huy bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ và được Hội đồng bảo vệ của Học viện Nông nghiệp Ucraina đánh giá cao.

Quá trình nghiên cứu, bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ chỉ là một trong vô vàn câu chuyện về lịch sử cuộc đời của GS.TS Đặng Thế Huy mà Trung tâm Di sản mong muốn sẽ được ông chia sẻ trong những buổi làm việc tiếp theo.

 

Bích Phương
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam