Một mẫu vật và ký ức Ea Sô

Vào một ngày giữa tháng 7-2015, chúng tôi nhận được điện thoại của GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh. Ông nói rằng muốn trao cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam một hiện vật lưu giữ từ khá lâu và gắn với nhiều kỷ niệm của ông. Ngay hôm sau, tại nhà riêng, GS Đặng Huy Huỳnh đã tặng cho Trung tâm một số kỷ vật từ thời ông đi thực địa ở Tây Nguyên, như: võng, quần, bít tất đi rừng…, bên cạnh đó là một mẫu dấu chân bò lạ bằng thạch cao màu trắng được ông mang về từ rừng Ea Sô năm 1997. Ông cho biết, gọi nôm na là dấu chân bò lạ, nhưng thực ra là dấu chân bò tót có tên khoa học là Bos gaurus.

Ngọn nguồn câu chuyện xuất phát từ một bài viết của tác giả Hồng Chiến – một giáo viên trung học ở huyện Ea Kar đăng trên báo Đắc Lắk ngày 6-11-1996, đưa tin có loài bò xám xuất hiện ở khu đồi Cô Đơn thuộc xã Ea Sô, huyện Ea Kar. Ngay sau đó, báo Tiền phong số 49 cũng đưa tin bò xám Kouprey xuất hiện ở Đắc Lắc và đặt vấn đề cần có biện pháp để bảo vệ chúng. Thông tin này được giới nghiên cứu động vật hoang dã rất quan tâm, bởi vì bò xám là một nguồn gen cực kỳ quý không chỉ ở Việt Nam, mà còn đối với cả thế giới.

Do đó, GS.TS Cao Văn Sung, khi ấy là Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật[1] cùng với GS.TS Võ Quý[2] đã bàn bạc với ông David Hulse (đại diện Quỹ Động vật hoang dã quốc tế WWF tại Hà Nội) về việc cần tổ chức khảo sát, xác minh nguồn tin quan trọng này. Rồi GS Đặng Huy Huỳnh được WWF mời đến trụ sở ở phố Yết Kiêu để thảo luận về chuyến đi khảo sát thực địa ở Ea Kar, Đắc Lắc.

Loài bò xám được biết đến có tính thời sự như sau: “Bò xám còn có tên gọi khác là Kouprey, đồng bào Lào ở Buôn Đôn, Đắc Lắc gọi là To Ngua Pó. Bò xám là loài thú thuộc diện quý hiếm, đặc hữu (endemic) của các nước Lào, Campuchia, Việt Nam và Thái Lan. Loài bò này là một trong 7 loài thú mới được phát hiện trên thế giới trong thế kỷ 20 (năm 1937) … Đối với Việt Nam, bò xám chỉ phân bố ở các tỉnh Tây Nguyên với số lượng rất ít, theo dự báo tình trạng của loài này đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Vì vậy, Hiệp hội Bảo vệ thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên thế giới (IUCN) và Sách đỏ thế giới công bố bò xám được xếp vào hạng E (endengered), rất có nguy cơ bị tuyệt chủng. Trong Sách đỏ Việt Nam năm 1993 cũng xếp bò xám vào hạng rất nguy cơ E”[3]. Trước kia, trong hai chương trình Tây Nguyên 1 và 2 cũng như trong những cuộc khảo sát riêng lẻ, các nhà động vật học Việt Nam phối hợp với tổ chức quốc tế WWF đã điều tra, khảo sát từ rừng Trường Sơn đến vườn quốc gia Yok Đôn và dọc đường T14 ở Đắc Lắc, vùng Chư Moray ở Gia Lai…, nhưng chưa bao giờ tìm thấy hoặc tiếp cận được loài bò xám, mà chỉ thu thập được một vài mẫu sừng. Do vậy, với nhu cầu nghiên cứu loài động vật này và sự hỗ trợ kinh phí của tổ chức WWF, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã kết hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội và Sở Khoa học công nghệ môi trường tỉnh Đắc Lắc tiến hành nghiên cứu một đợt ngắn ngày ở xã Ea Sô.

Mẫu dấu chân bò tót, bằng thạch cao

GS Đặng Huy Huỳnh, GS Lê Vũ Khôi[4] và một cán bộ của Sở Khoa học công nghệ môi trường Đắc Lắc thực hiện chuyến khảo sát ấy. Mục đích của chuyến đi là nhằm xác định tính xác thực của thông tin trên báo, tìm hiểu địa bàn có bò xám xuất hiện, đồng thời tuyên truyền về việc bảo vệ bò xám và xây dựng cơ sở để tổ chức các chuyến khảo sát tiếp theo. Với GS Đặng Huy Huỳnh, đó là chuyến đi đầu tiên đến Ea Sô, từ mồng 3 đến mồng 7-1-1997, và ông còn nhớ: Khi ấy, sân bay Buôn Ma Thuột đang sửa chữa nên ông và GS Lê Vũ Khôi phải xuống sân bay Plây Ku, được ông Trần Văn Doanh[5] là cán bộ của Sở Khoa học công nghệ và môi trường tỉnh Đắc Lắc đón vào Buôn Ma Thuột bằng xe com-măng-ca.

Địa điểm khảo sát của đoàn nghiên cứu là vùng tam giác nơi giáp giới ba tỉnh Đắc Lắc (gồm hai huyện Ea Kar, Mđrắk), tỉnh Phú Yên (huyện Sông Hinh) và tỉnh Gia Lai (huyện Krông Pa). Rất tình cờ, khi xin vào ở nhờ nhà dân thì các ông được biết chủ nhà chính là thầy giáo Hồng Chiến, tác giả bài báo về bò xám. Sau đó, ông Chiến đã hỗ trợ các chuyên gia trong việc khảo sát thực địa.

Ea Sô là một khu rừng rất rộng lớn và có nhiều tài nguyên phong phú. Có nhiều người đến đây khai thác lâm sản, săn bắt động vật và phá rừng làm rẫy. Trước tình trạng tài nguyên rừng bị tàn phá nghiêm trọng, năm 1995 nông trường Ea Kar phải thành lập lực lượng tự vệ để làm nhiệm vụ bảo vệ rừng kết hợp với chăn nuôi gia súc. Sau một đêm ngủ tại nhà ông Hồng Chiến, GS Đặng Huy Huỳnh cùng với GS Lê Vũ Khôi và ông Trần Văn Doanh vào rừng Ea Sô để khảo sát về loài bò lạ. Khi đến Ea Sô, đoàn nghiên cứu được biết có một đơn vị bộ đội do ông Võ Đức Long chỉ huy đóng quân ở đây, họ vừa làm kinh tế, vừa bảo vệ rừng.

Tại trạm bảo vệ của đơn vị bộ đội này, đoàn nghiên cứu bị chặn lại và hỏi giấy tờ. Vì cho rằng đã có ông Trần Văn Doanh là cán bộ của Sở Khoa học công nghệ và môi trường, nên đoàn không mang theo giấy giới thiệu của tỉnh, do đó nhân viên bảo vệ nhất định không cho vào rừng. GS Đặng Huy Huỳnh đành phải giới thiệu với họ về công việc mà đoàn đang làm, đồng thời đưa cho họ tấm danh thiếp của mình và nhờ họ chuyển tới chỉ huy là ông Võ Đức Long. Sau khi biết được mục đích và nhiệm vụ của nhóm nghiên cứu, ông Võ Đức Long tiếp đón nhiệt tình, thậm chí còn trực tiếp dẫn đoàn vào rừng.

Từ mồng 3 đến mồng 7-1-1997, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát rừng Ea Sô, chụp ảnh các dấu chân bò lạ, nhưng chỉ phát hiện ra dấu vết của hai loại là bò rừng và bò tót, cùng các loại động vật khác như nai, hoẵng… GS Đặng Huy Huỳnh kể: “Tìm dấu vết bò rất vất vả, bọn mình còn bị mất một chiếc nắp máy ảnh. Hồi đó, ông Vũ Đức Long đã có chiếc máy quay rất đơn sơ, quay lại cảnh đoàn đi khảo sát thực địa. Sau mấy ngày làm việc tích cực, nhưng vẫn không phát hiện ra dấu vết bò xám, mà chỉ thấy dấu vết bò rừng và bò tót mà thôi”[6]. Ngoài việc khảo sát thực địa, nhóm nghiên cứu còn phỏng vấn trực tiếp một số người tại địa phương, kể cả những cán bộ như ông Nguyễn Văn Đàn (Chủ tịch huyện Ea Kar), ông Y Ginie (Phó Chủ tịch huyện), một số bộ đội đóng quân ở Ea Sô, đồng thời cũng khảo sát, chụp ảnh các mẫu sừng bò rừng được lưu giữ trong nhà dân ở đây.

Sau đợt khảo sát 4 ngày, GS Đặng Huy Huỳnh cùng GS Lê Vũ Khôi ra Hà Nội và hệ thống lại các tư liệu đã thu được. Sau tết Nguyên đán, GS Đặng Huy Huỳnh tổ chức hội thảo tại Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật để báo cáo về tình hình khảo sát tại Ea Sô. Trong báo cáo về chuyến khảo sát, GS Đặng Huy Huỳnh viết: “Các nguồn tin mà một số người địa phương đã cung cấp cho phép dự đoán vùng này có nhiều triển vọng trở thành địa bàn tiếp tục khảo sát tìm kiếm loài bò xám”. Đồng thời, ông cũng đề xuất: “Chúng tôi hy vọng, nếu được khảo sát dài ngày trên địa bàn xã Ea Sô và các vùng giáp huyện Mđrắk xuống tận Khánh Hòa và vùng rừng núi Cheo Reo – Phú Bổn (tỉnh Gia Lai), kéo xuống vùng rừng Krông Trai, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, mới có đủ căn cứ để kết luận sự hiện diện của loài bò xám. Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật xin ý kiến ông Giám đốc Trung tâm Khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia, tổ chức WWF tại Hà Nội cũng như các tổ chức khoa học khác, Cục Môi trường, Bộ Khoa học công nghệ và môi trường, Vụ Khoa học giáo dục, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tài trợ nguồn kinh phí cho Viện để phối hợp với Đại học Quốc gia tổ chức khảo sát trên thực địa trong địa bàn 4 huyện thuộc 4 tỉnh Đắc Lắc, Phú Yên, Khánh Hòa và Gia Lai, nhằm xác định sự hiện diện của loài bò xám”[7].

Sau đó, Trung tâm Khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia chấp thuận cho Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật mở rộng nghiên cứu vùng Ea Sô và giao cho GS Đặng Huy Huỳnh phụ trách đề tài Nghiên cứu rừng Ea Sô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắc Lắc. Khoảng tháng 6 năm 1997, đoàn nghiên cứu do GS Đặng Huy Huỳnh dẫn đầu đã vào Ea Sô để tiến hành khảo sát mở rộng. Đi cùng ông trong đợt thực địa này có hai chuyên gia của tổ chức WWF là Dawoork (người Anh) và Valeiy (người Campuchia), cùng với hai cán bộ Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật: TS Lê Xuân Cảnh[8] và TS Phạm Trọng Ánh, và ông Vũ Ngọc Thành ở trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội.

Chuyến vào Ea Sô lần này có phần khó khăn và vất vả hơn so với lần trước. Khi đến huyện Ea Kar, đoàn nghiên cứu phải trú ngụ ở một cơ sở sản xuất gỗ, vì Công an huyện không đồng ý cho đoàn vào Ea Sô, với lý do có người nước ngoài mà giấy tờ chưa hợp lệ. GS Đặng Huy Huỳnh vẫn nhớ rõ: “Ở đó, cậu Phạm Trọng Ánh bị sốt rét, sốt kinh khủng, mình tưởng cậu ấy chết tại đó rồi!”[9].

Bò tót – Bos gaurus (ảnh trên internet)

Trước tình hình đó, TS Lê Xuân Cảnh đã chở GS Đặng Huy Huỳnh bằng xe máy trở lại Buôn Ma Thuột để gặp lãnh đạo tỉnh. GS Huỳnh kể lại: “TS Lê Xuân Cảnh nhờ thầy giáo Chiến mượn xe máy, đèo mình lên tỉnh. Hơn 70 cây số đường đèo chứ không phải đường thẳng. Lên đó là khoảng 9-10 giờ sáng. Vào tỉnh thì gặp ông Hà Công Tuấn – Chánh văn phòng tỉnh và đề nghị xin gặp Chủ tịch Nguyễn Văn Lạng. Trước đó mình cũng đã quen biết sơ qua với ông Lạng rồi. Khi gặp ông Lạng thì ông ấy nói với ông Tuấn gọi điện sang Công an tỉnh và giải quyết ngay sự việc cho đoàn nghiên cứu”[10].

Trong lần đi thực địa này, GS Đặng Huy Huỳnh và cộng sự nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của ông Võ Đức Long, nhất là trong việc thu xếp nơi ăn chốn ở. Tuy nhiên, điều kiện sinh hoạt khi ấy còn rất khó khăn, lán trại xập xệ, trời khô ráo thì không sao, nhưng hễ mưa to là cả đoàn đều bị ướt. Đoàn khảo sát ở đây khoảng 2 tháng và phải làm đủ mọi việc: gặp gỡ cán bộ lãnh đạo địa phương; tiếp xúc với những người thợ săn và nhân dân ở hai xã Ea Sô và Ea Knốp; sưu tầm, xem xét các mẫu vật có trong nhà người dân địa phương; khảo sát thực địa trên địa bàn Ea Sô và rừng thuộc nông trường Ea Kar; quan sát tìm dấu vết trên thực địa, chụp ảnh và đo dấu chân bằng thước; phân tích bản đồ hiện trạng và viết báo cáo về chuyến đi.

Trong quá trình nghiên cứu ấy, một trong những kết quả đặc biệt quan trọng thu được là những khuôn dấu chân bò lạ. Về mẫu thạch cao, GS Đặng Huy Huỳnh giải thích: “Dấu chân bò tót Bos gaurus này do chính tay mình và TS Phạm Trọng Ánh đổ. Sau khi chụp ảnh, đo đạc dấu chân bò thì bọn mình đổ thạch cao xuống. Khi đi nghiên cứu thực địa, bao giờ cũng đem theo thạch cao, có dấu chân động vật thì đổ, khi về có thể biết dấu chân con này có kích thước bao nhiêu, có tên khoa học là gì. Việc đổ thạch cao này cũng chứng minh rằng ở vùng Ea Sô có con vật đó. Nguyên tắc đổ thạch cao là hòa bột thạch cao vào nước, rồi đổ vào khuôn dấu còn in trên đất, để chừng nửa tiếng cho nó khô, giở ra rồi bọc mang về. Đợt đi thực địa đó, mình đổ nhiều mẫu thạch cao đấy, nhưng chỉ còn lưu giữ được cái này để làm kỷ niệm”[11].

Ngoài việc đo đạc và đổ thạch cao dấu chân bò, GS Huỳnh còn thu thập phân bò để mang ra Hà Nội phân tích. Ông bảo: “Mang cái mẫu này về để chứng minh rằng khi tôi nói có loại bò này ở vùng Ea Sô thì có dấu chân nó để làm chứng, tức là có hiện vật. Khi đi thực địa còn thu thập cả phân bò đem về phân tích thức ăn chủ yếu của loại này là gì”[12].

Sau hai tháng thực địa ở vùng rừng Ea Sô, đoàn nghiên cứu đã tổng kết và làm báo cáo. Mặc dù không còn giữ được bản báo cáo đó, nhưng GS Huỳnh khẳng định rằng: “Nhóm nghiên cứu đã đề nghị với tỉnh Đắc Lắc không cho dân vào làm kinh tế và nên tổ chức Ea Sô thành khu bảo tồn về đa dạng sinh học, vì nơi đây có rất nhiều động vật quý hiếm. Nhóm cũng xác định loài bò này là một trong những loại quý hiếm, nằm trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ thế giới, xứng đáng được bảo tồn. Đây cũng là một trong những lý do đề nghị với tỉnh tổ chức bảo vệ chứ không nên phá khu rừng này”[13].

Không chỉ nêu kiến nghị trong báo cáo, GS Đặng Huy Huỳnh còn gửi thư cho Chủ tịch tỉnh Đắc Lắc là ông Nguyễn Văn Lạng và Bí thư Tỉnh ủy là ông Y Luyện Niê Kđam, với một đề nghị là cho thành lập khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô. Ông tâm sự: “Bây giờ mình thỉnh thoảng gặp lại ông Lạng, ông ấy bảo: nhờ anh viết thư cho tôi, tôi đã bàn với cán bộ của tỉnh để thành lập khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô. Bây giờ thì nó là khu bảo tồn rồi”[14].

Nhờ những kết quả nghiên cứu cùng những ý kiến đề xuất của GS Đặng Huy Huỳnh và các đồng nghiệp, nên ngày 21-4-1999, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắc Lắc ra quyết định thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô. Khu bảo tồn này có diện tích là 27.800ha, chia thành 3 phân khu: phân khu dịch vụ hành chính sản xuất rộng 2.025ha, phân khu phục hồi sinh thái – 9.816ha, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt – 15.959ha. Đây là nơi có tới 709 loài thực vật và đã tìm thấy 44 loài thú, 158 loài chim, 23 loài bò sát[15].

Tiếp tục những nghiên cứu ban đầu kể từ năm 1997, đến năm 2006, một số cán bộ thuộc dự án Bảo tồn bò hoang dã Việt Nam (BOS-SPP) đã tiến hành điều tra, khảo sát tại khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô nhằm tìm hiểu thành phần loài, thực trạng và nguyên nhân đe doạ các quần thể bò hoang ở đây. TS Phạm Trọng Ánh (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật) và ThS Nguyễn Mạnh Hà (Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên môi trường) đã bắt gặp 12 đàn bò hoang, gồm 8 đàn bò tót và 4 đàn bò rừng. Loài bò tót mà GS Đặng Huy Huỳnh từng lấy mẫu dấu chân năm 1997 vẫn đang tồn tại, phát triển ở Ea Sô và tiếp tục được quan tâm nghiên cứu. Theo GS Đặng Huy Huỳnh, điều đó chứng tỏ rằng Ea Sô là một trong những khu bảo tồn bò hoang lớn nhất ở nước ta.

Tháng 6-2015, GS Đặng Huy Huỳnh trở lại Ea Sô. Bây giờ, ông nhận thấy đội ngũ cán bộ đã được tăng cường và trang thiết bị nghiên cứu khá đầy đủ. Lần này vào Ea Sô, ông được gặp lại một số người đã từng cộng tác từ 18 năm trước, cùng nhau ôn lại kỷ niệm của một thời kỳ khó khăn khi mở đầu việc khảo sát dấu vết bò lạ ở đây.

Có lẽ mẫu dấu chân bò lạ mà GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh mang từ Đắc Lắc về sẽ chỉ có ý nghĩa chuyên môn thuần túy, nếu nó chỉ được để trong tủ kính hoặc trong phòng lưu trữ tiêu bản. Thế nhưng, thông qua ký ức của ông, đó là cả một câu chuyện sinh động về hành trình nghiên cứu thực địa ở Ea Sô và hành trình để đưa Ea Sô trở thành một khu bảo tồn thiên nhiên có giá trị lớn về đa dạng sinh học.

Nguyễn Thanh Hóa

_______________________

[1]. Khi ấy Viện này thuộc Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia, nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

[2]. GS.TS Võ Quý là cán bộ Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội.

[3]. GS Đặng Huy Huỳnh, GS Lê Vũ Khôi và KS Trần Văn Doanh, Báo cáo đợt khảo sát ngắn ngày tại huyện Ea Kar, tỉnh Đắc Lắc, 1997, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[4]. Ông Lê Vũ Khôi khi ấy là Trưởng ban Khoa học công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

[5]. Về sau, KS Trần Văn Doanh làm Giám đốc Sở Khoa học công nghệ và môi trường tỉnh Đắc Lắc.

[6]. Phỏng vấn GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh ngày 16-7-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[7]. GS Đặng Huy Huỳnh, GS Lê Vũ Khôi và KS Trần Văn Doanh, Báo cáo đợt khảo sát ngắn ngày tại huyện Ea Kar, tỉnh Đắc Lắc, tài liệu đã dẫn.

[8]. Sau này ông Lê Xuân Cảnh làm Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật.

[9]. Phỏng vấn GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh ngày 16-7-2015, tài liệu đã dẫn.

[10]. Phỏng vấn GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh ngày 16-7-2015, tài liệu đã dẫn.

[11]. Phỏng vấn GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh ngày 16-7-2015, tài liệu đã dẫn.

[12]. Phỏng vấn GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh ngày 16-7-2015, tài liệu đã dẫn.

[13]. Phỏng vấn GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh ngày 16-7-2015, tài liệu đã dẫn.

[14]. Phỏng vấn GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh ngày 16-7-2015, tài liệu đã dẫn.

[15]. https://dulichtrongoi123.wordpress.com/2013/06/27/khu-bao-ton-thien-nhien-ea-so/