Một món quà đặc biệt

Hơn 40 năm gắn bó với sự nghiệp đào tạo, GS Mai Hữu Khuê không chỉ được biết đến là người đầu tiên xây dựng chương trình Môn học Tổ chức quản lý xí nghiệp Nông nghiệp Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, mà còn được biết đến với tư cách là một nhà quản lý có nhiều đóng góp cho Trường Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân), trường Hành chính Kinh tế Trung ương (sau đổi tên là Học viện Hành chính quốc gia) và Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Sau nhiệm kỳ làm Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Kế hoạch, GS Mai Hữu Khuê được đề bạt làm Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp từ tháng 10-1982 đến tháng 12-1987. Trong thời gian này, với chức trách của mình, ông đã thực hiện nhiều chính sách mới về đào tạo đại học. Dù bận rộn với công tác quản lý, nhưng ông vẫn dành thời gian cho công việc chuyên môn: giảng dạy cho sinh viên trường Hành chính Kinh tế Trung ương và có nhiều chuyến công tác giảng dạy tại nước bạn Lào.

Giáo sư Mai Hữu Khuê chia sẻ: Ngày 02-12-1975, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Lào đã họp và quyết định xóa bỏ chế độ quân chủ, thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Ông Cay-xỏn Phôm-vi-hản được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, thời gian này ông cùng Hội đồng đề ra nhiều chính sách thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Đặc biệt từ năm 1982, với tư cách là Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (khoá III, VI) đồng chí Cay-xỏn tiếp tục xây đắp, phát triển mối quan hệ Việt – Lào, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Là người có tầm tư duy chiến lược nên Bí thư Cay-xỏn rất đề cao việc bồi dưỡng lý luận chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ cao cấp của Chính phủ Lào. Năm 1984, được sự thống nhất giữa hai Đảng, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp – GS.TS Nguyễn Đình Tứ đã thực hiện việc cử các đoàn giảng viên cao cấpthuộc lĩnh vực hành chính của Việt Nam sang Lào để giảng dạy.

Ngày 19-12-1984, GS Mai Hữu Khuê nhận Quyết định chuẩn bị đi giảng cho lớp lý luận ngắn hạn tại Lào. Chuyến công tác đầu tiên sang Lào được bắt đầu từ tháng 3-1985.

Trong bộ complê kỷ niệm, GS Mai Hữu Khuê (hàng đầu, thứ ba từ trái sang) tại Hội thảo quốc tế

về Hành chính tại Beclin (Đức), năm 1991

Sang đất nước Lào, với vai trò là giảng viên cao cấp, vị Thứ trưởng – GS Mai Hữu Khuê, nhận được sự đón tiếp nồng hậu của Bí thư Cay-xỏn. Chuyến công tác đầu tiên từ ngày 18-3-1985 đến ngày 23-3-1985. Ông lên lớp 4 buổi, cho hơn 20 học viên gồm các cán bộ chủ chốt của Chính phủ Lào, trong đó có Bí thư Cay-xỏn Phôm-vi- hản. Nội dung giảng dạy chủ yếu về phương pháp quản lý hành chính, theo chương trình đã giảng dạy tại Việt Nam. Theo kế hoạch, chương trình giảng dạy được tiến hành trong vòng 2 năm, với 48 buổi lên lớp, trong đó Bí thư Cay-xỏn tham dự 22 buổi. Tuy nhiên, do tính chất công việc mà Bí thư Cay-xỏn không lên giảng đường đầy đủ như các cán bộ khác. Do vậy, để hoàn thành chương trình học, Bí thư Cay-xỏn đã mời GS Khuê đến nhà riêng để phụ đạo cho ông vào buổi tối.

Các buổi học phụ đạo diễn ra tại phòng khách, rộng rãi, sang trọng. Trước mỗi giờ giảng, ông được Bí thư Cay-xỏn Phôm-vi- hản mời thưởng thức nhiều loại đồ ăn nhanh nổi tiếng của Lào. Biết ông nghiện thuốc lá, Bí thư luôn chu đáo chuẩn bị sẵn thuốc lá hiệu Thăng Long, loại ông yêu thích. Do biết tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe nên sau mỗi buổi học, Bí thư Cay-xỏn chỉ mời ông hút duy nhất một điếu thuốc. GS Mai Hữu Khuê rất ấn tượng và khâm phục vị "học trò đặc biệt" của mình – Tổng Bí thư Cay-xỏn Phôm-vi-hản.

Trong khoảng thời gian từ 1985-1986, GS Mai Hữu Khuê đã có 7 chuyến công tác giảng dạy ngắn ngày tại Lào. Kết thúc chuyến công tác cuối cùng, ông nhận được một số món quà đặc biệt từ Bí thư Cay-xỏn Phôm-vi-hản, trong đó có một mảnh vải, bàn là, đồng hồ, tài liệu tham khảo… và một số vật dụng khác.

Về nước, GS Mai Hữu Khuê đã mang mảnh vải đến Công ty May Hữu nghị số 126 Lê Thái Tổ, Hà Nội may một bộ complê. Ông cho biết, đây là một Công ty chuyên may cho các cán bộ cao cấp của Nhà nước lúc bấy giờ. Số đo của ông đã được lưu tại công ty, khi mang vải lên ông không cần đo lại. Ông rất hài lòng vì bộ complê được các thợ may thiết kế vừa, đẹp trong vòng chưa đầy một tuần.

Trong số quà kể trên, hiện tại GS Mai Hữu Khuê còn giữ được bộ complê và chiếc đồng hồ treo tường có hình con mèo. Ông rất trân trọng bộ complê, bởi đây là một bộ complê đặc biệt, nó đặc biệt bởi được may từ vải do đồng chí Cay-xỏn – một người học trò đặc biệt tặng. Hơn nữa, tôi rất thích bộ complê này vì nó rất đẹp và có thể thay đổi màu sắc dưới ánh sáng khác nhau…, GS Mai Hữu Khuê xúc động bày tỏ với nghiên cứu viên Trung tâm trong buổi làm việc ngày 8-5-2013.

Bộ complê thường được GS Mai Hữu Khuê mặc vào những dịp quan trọng như tham dự các Hội nghị, Hội thảo, trong các chuyến đi công tác nước ngoài như: Hội nghị quốc tế của các nước Xã hội chủ nghĩa được tổ chức tại Hà Nội, Hội thảo Quốc tế về Hành chính tại Beclin (Đức), năm 1991…

Giáo sư Mai Hữu Khê coi bộ complê như một kỷ vật đặc biệt gắn liền với quá trình công tác của ông tại Lào, cũng như kỷ niệm của riêng ông với Bí thư Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn. Trải qua thời gian nên cổ áo đã bị sờn, phần gấu tay áo và phần gấu quần bị ngả màu. Bộ trang phục đã theo ông trong quá trình công tác suốt từ năm 1985 cho tới khi nghỉ hưu, nay GS Mai Hữu Khuê trao tặng lại cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam lưu giữ và bảo quản.

Nguyễn Thị Loan