Chúng tôi được nghe về Ngân hàng xương đặc biệt này do GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân – nhà khoa học đã gần 90 tuổi, đang nằm dưỡng bệnh nhưng trí nhớ còn mẫn tiệp, kể lại và minh họa một cách sinh động qua những tư liệu quý giá còn lưu giữ được.
GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân (thứ 3 từ trái sang) và hai bệnh nhân.
Ảnh từ trái qua phải: Lê Hoành Tân (thứ nhất, mổ năm 1964), Nguyễn Công Lâm ( thứ tư, mổ 1968). Thanh Hóa, 1992
“Đây là bức ảnh chụp năm 1992, khi tôi có dịp về Thanh Hóa thăm lại hai bệnh nhân được tôi ghép xương đồng loại nhờ Ngân hàng xương sau 30 năm điều trị. Cậu ấy là Lê Hoành Tân ở thôn Đồng Bào, xã Thiệu Minh, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, được ghép xương đùi, thay khớp háng. Tôi đã theo dõi diễn biến sức khỏe của cậu ấy trong suốt 42 năm (1964-2006). Trong cuốn sổ ghi chép của Ngân hàng xương còn ghi rõ thời gian lấy xương tử thi để thay cho cậu ấy: “Nửa trên xương đùi phải nặng 50g, cấy trùng âm tính được ghép cho bệnh nhân Lê Hoành Tân ngày 5-2-1964”[1].. Hồ sơ của bệnh nhân này tôi vẫn còn giữ bao gồm 34 ảnh chụp từ 3 tháng sau khi mổ đến 9 năm 4 tháng sau mổ; Giấy xét nghiệm X-quang sau 14 năm mổ; Phim chụp X-quang sau 40 năm …”
Ông tiếp tục câu chuyện khi chúng tôi lật xem từng trang hồ sơ bệnh án cùng với 30 cuốn sổ ghi chép tỉ mỉ về Ngân hàng xương từ năm 1962-1968:
“Tháng 2-1962, do nhu cầu thực tế nên Viện Quân y 108 đã cho phép tôi được lấy xương của những tử thi mà không có người nhận để làm Ngân hàng xương. Tôi xin Tổng cục Hậu cần một chiếc tủ lạnh đựng thực phẩm để làm nơi trữ xương và đi mượn chai lọ ở Khoa Hoá nghiệm để đựng xương. Khi đó nhu cầu ghép xươngngày càng lớn mà miếng ghép xương tự thân không thoả mãn được, chúng tôi đã nghiên cứu và thực hiện lần đầu tiên phương pháp trữ xương đồng loại ở độ lạnh sâu -250C. Đây là nơi thu gom và bảo quản xương lấy từ tử thi, để điều trị bệnh nhân gãy xương của khoa và cung cấp miếng ghép cho bệnh viện khác. Trang thiết bị phục vụ hoạt động của Ngân hàng xương rất thô sơ, chỉ là một chiếc tủ lạnh và các lọ hoá nghiệm. Các xương được lấy từ những tử thi chọn lọc, trong điều kiện buồng mổ vô trùng. Các miếng ghép sau khi lấy từ tử thi được đưa vào trong các chai lọ, hộp đã tiệt trùng, được gắn kín, làm đông lạnh ở ngăn tủ -250C và bảo quản cho đến khi dùng. Các miếng ghép chỉ được phép sử dụng khi các xét nghiệm tử thi bình thường, không mang những mầm mống gây bệnh cho người sử dụng xương sau này”.
Sưu tập Sổ ghi chép việc sử dụng Ngân hàng xương (1962-1968)
GS Nguyễn Văn Nhân giải thích về tập Sổ ghi chép: Việc lấy xương tử thi và cấy ghép trên bệnh nhân chúng tôi ghi lại trong sổ để tiện theo dõi. Mỗi cuốn sổ được đánh số kí hiệu theo thứ tự của bảng chữ cái và ghi năm lấy xương của tử thi: Băng xương/Tử thi A, B, C,… Trang đầu tiên của sổ ghi thông tin cơ bản về tử thi như: Họ tên tử thi; Ngày giờ tử vong; Kết quả xét nghiệm/Nhóm máu; Người lấy xương; Thời gian lấy xương; Ngày hấp chai lọ; Số lượng miếng ghép… Những trang tiếp sau ghi thông tin của các miếng ghép xương đã được ghép cho những ai kèm theo những giấy hoá nghiệm ghi thông tin của bệnh nhân được ghép, ngày giờ ghép, kết quả xét nghiệm… và cung cấp miếng ghép cho những đơn vị nào. Bên cạnh đó còn có những cuốn sổ ghi chép tổng kết những bệnh nhân đã được điều trị qua các năm. Nhờ những cuốn sổ này mà chúng tôi có thể quản lý được số lượng những miếng xương còn lại, miếng ghép đã sử dụng, và làm số liệu báo cáo nghiên cứu khoa học.
Trong 6 năm, từ tháng 2-1962 đến tháng 8-1968, Khoa Chấn thương, Viện Quân y 108 đã sử dụng 264 miếng ghép để thực hiện 167 ổ ghép trên 148 trường hợp bệnh nhân, đã cho kết quả khả quan. Trên 167 ổ ghép đã có 146 ổ diễn biến bình thường, đạt tỷ lệ 87,42%. Một số xảy ra các biến chứng chủ yếu nhất là do trong trường hợp mất đoạn xương lớn và do thời hạn cố định bột chưa đủ lâu dài đối với những trường hợp ghép lớn.”
Một chút trầm ngâm, đượm nét thoáng buồn trên khuôn mặt của Giáo sư khi ông hồi tưởng lại thời gian chấm dứt sự tồn tại của Ngân hàng xương: “Các miếng xương phải được giữ lạnh thường xuyên ở -250C, nếu mất điện thì coi như hỏng hết, không sử dụng được nữa. Cuối năm 1968, do chiến tranh, điện lưới không được đảm bảo nên Ngân hàng xương ngừng hoạt động. Cho nên xương đồng loại chỉ sử dụng được đến năm 1968, khi mà điện còn tốt”.
Chỉ tồn tại trong 6 năm nhưng Ngân hàng xương – một nỗ lực sáng tạo to lớn của nhà y học – đã mang lại những hiệu quả thiết thực, trả lại cuộc sống bình thường cho hàng trăm bệnh nhân vào thời kỳ khó khăn nhất của đất nước. Điều đáng nói hơn là chính nhà khoa học đó đã cẩn thận lưu giữ lại toàn bộ những minh chứng lịch sử quan trọng này. Ngày nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, ngành Y tế đã xây dựng được những ngân hàng khác nhau với trang thiết bị hiện đại để phục vụ cho việc chăm sóc sức khỏe bệnh nhân như: ngân hàng mô, ngân hàng máu, ngân hàng tế bào gốc… nhưng ít ai biết đến ở những năm 60, trong thời gian chiến tranh, chúng ta đã có một Ngân hàng xương, tuy thô sơ nhưng lại có ý nghĩa to lớn và hoạt động hiệu quả đến vậy.
Hoàng Thị Liêm
___________________
[1]. Sổ ghi chép tử thi K2, 1964.