Một ngày không cầm bút coi như bỏ nghề





Họa sĩ Nguyễn Thụ sinh năm 1930 tại Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Năm 1949, ông tham gia vào Ban tuyên huấn thuộc phòng Chính trị Liên khu 10. Nhờ có năng khiếu về mỹ thuật, ông được cử đi học lớp hội họa ở xã Xuân Áng, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, do các họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Khang và kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật giảng dạy. Ông ấn tượng sâu sắc với lời dạy của thầy Tô Ngọc Vân: "Hội họa là dùng đường nét màu sắc để diễn tả tình cảm bên trong của người nghệ sĩ. Người họa sĩ một ngày không cầm bút coi như bỏ nghề".

 

 Phút trầm tư bên giá vẽ. Ngày 20-10-2018

 

Họa sĩ Nguyễn Thụ giới thiệu các bức ký họa mới đây của ông

Họa sĩ Nguyễn Thụ giới thiệu các bức ký họa mới đây của ông

Họa sĩ Nguyễn Thụ là một trong 15 học viên đầu tiên của trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam khóa mang tên Tô Ngọc Vân (1955-1957). Ông từng sáng tác tranh bằng nhiều chất liệu, nhưng ông tự thấy chất liệu lụa là phù hợp với cá tính của mình hơn cả, bởi nó "mịn màng, dịu êm và sâu lắng". Nhớ lại những lần đi thực tế, chủ yếu là ở các tỉnh miền núi, những lần vẽ tranh phong cảnh hay vẽ tranh về các cô gái người dân tộc thật thà, mộc mạc, hiền lành, ông thổ lộ: "Tôi có rất nhiều kỷ niệm và cảm xúc". Một số tác phẩm của PGS. Họa sĩ Nguyễn Thụ từng được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và bảo tàng ở nhiều nước trên thế giới, tiêu biểu như: Làng ven núi (1976); Bác Hồ đi công tác (1980)…

Gần 70 năm qua, họa sĩ Nguyễn Thụ vẫn luôn khắc ghi lời thầy Tô Ngọc Vân. Vì lẽ đó, dù với sức khỏe ở tuổi thượng thượng thọ – tuổi 88, nhưng ông vẫn vẽ, vẫn tiếp tục tìm tòi cái đẹp trong cuộc sống, của con người. Chính lòng yêu nghề, say mê hội họa, họa sĩ Nguyễn Thụ luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ học trò noi theo.

Lưu Thúy