”Một người chẳng nghĩ đến mình”

 Sau những lần tiếp xúc, trao đổi, tại buổi làm việc này bà Nguyễn Thị Lý đã cởi mở tấm lòng, xúc động đọc cho chúng tôi nghe bức thư tỏ tình của thầy giáo Chủ nhiệm Phạm Văn Hoàn gửi đến bà – cô học trò trường Trung cấp sư phạm Trung ương, năm 1951. Lật giở từng trang thư gửi các con, những bức ảnh tư liệu về gia đình, quá trình công tác của ông, lai lịch về bộ quần áo đã sờn và bạc màu, rồi cả chiếc áo sứt chỉ với đường may vụng về, không ngay ngắn… và chân dung về NGND Phạm Văn Hoàn như được phác họa sinh động bằng những lời kể vô cùng giản dị của bà. 

   “Khi đọc lại những bức thư anh Hoàn viết, bác cảm thấy như anh thủ thỉ với mình…”, bà Nguyễn Thị Lý xúc động chia sẻ

PGS.TS Phạm Văn Hoàn (1925-1989), quê gốc Hưng Yên – nhưng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Thuở nhỏ ông theo học tại trường tư thục Thăng Long và là một trong số những học sinh xuất sắc của trường. Sau khi tốt nghiệp bằng Toán học đại cương, tháng 4- 1947, ông nhận nhiệm vụ dạy học tại trường Trung học kháng chiến Đào Giã, Phú Thọ và cũng từ đó ông gắn bó cả cuộc đời mình với ngành Giáo dục nước nhà. Hình ảnh về người thầy giáo mẫu mực, giản dị, một lòng một dạ phụng sự sự nghiệp “trồng người” của ông luôn là cảm nhận của nhiều người dù họ chỉ một lần tiếp xúc, làm việc với ông. Không chỉ là người đóng góp, xây dựng phương pháp giảng dạy toán cấp I ở nước ta, vào cuối thập niên 80 (TK XX) ông còn tham gia giúp đỡ Campuchia, Lào trong công tác nghiên cứu khoa học giáo dục và hoàn thành bộ chương trình và sách toán cấp I. Thời kỳ đó, dù sức khỏe không được tốt nhưng ông vẫn miệt mài làm việc và đã hoàn thành công việc trước thời hạn 3 tháng. Đó cũng chính là công trình cuối cùng ông thực hiện trước khi mất.

Những kỷ vật kể từ ngày ông đi xa đã được bà trân trọng trao tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, bà cho biết “Tôi yên tâm khi đã tìm được địa chỉ tin cậy để lưu giữ những kỷ vật của anh Hoàn”.

Giang Thị Nhung