Một người Hà Nội…

Gặp ông, tôi ấn tượng bởi nét hào hoa, phong nhã của người Hà Nội, cộng hưởng với chất phong lưu của một nhạc sĩ. GS.TS nhạc sĩ Nguyễn Xuân Đào sinh năm 1941, là trai đất Hà thành, có chất lịch lãm, tinh tế của người Tràng An hiện rõ qua từng câu nói, từng cử chỉ rất đỗi bình dị ở nơi ông. GS.TS Nguyễn Xuân Đào là con trai út của nhà văn Nguyễn Tuân, trong ông luôn đau đáu một miền ký ức về cha mình – nhà văn tài hoa của nền văn học Việt Nam.

Thuở nhỏ, ông học rất giỏi. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, ông không “nối nghiệp” cha mà đi du học tại CHDC Đức, ngành kỹ thuật giao thông, cái ngành mà thể chế nào, thời nào cũng cần. Quá trình học tập bên nước bạn, ông không ngừng học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu những kiến thức hiện đại những mong ngày về áp dụng với ngành giao thông quê nhà. Sau khi về nước, GS.TS Nguyễn Xuân Đào đã trực tiếp công tác, đảm nhiệm nhiều cương vị ở các đơn vị trọng yếu trong ngành giao thông vận tải nước ta. Với niềm say mê nghiên cứu khoa học, những nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ, ông đã đóng góp nhiều phương pháp, ý tưởng trong nhiều dự án xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, góp phần làm nên diện mạo tươi đẹp hôm nay của kiến trúc giao thông Việt Nam.

GS.TS nhạc sĩ Nguyễn Xuân Đào

Về nghỉ hưu, thôi chức vụ Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ giao thông vận tải từ khá lâu, nhưng ông vẫn nhận làm chuyên gia cho các dự án An toàn Giao thông Việt Nam, tham gia giảng dạy ở Trường ĐH Giao thông Vận tải và đào tạo nghiên cứu sinh. Quả đúng tuổi đã cao nhưng trí lực ông không mỏi. Công việc vẫn cuốn lấy vị giáo sư ấy bất kể đêm ngày. Ông vẫn bận rộn như ngày còn đương chức. Ông coi đó là niềm vui công việc. GS.TS nhạc sĩ Nguyễn Xuân Đào chợt mỉm cười khiêm tốn: “Mình nghĩ, còn sức còn cống hiến. Niềm đam mê lớn nhất của tôi là những công trình nghiên cứu khoa học được áp dụng sâu rộng ở khắp mọi nơi. Từ đó, mà chất lượng sống của người dân sẽ ngày càng được nâng cao. Chính sự phát triển, đổi thay của đất nước từng ngày là niềm vui, hạnh phúc vô giá đối với tôi!” Vậy đó, sự trăn trở, tâm huyết của ông – nhà khoa học chân chính luôn gắn với vận mệnh, sự đi lên của đất nước.

 Tôi như cuốn theo từng câu chữ trong câu chuyện của ông, về giao thông Việt Nam và những giải pháp để thay đổi. Đó là khó khăn, thách thức thực sự đặt ra cho đội ngũ lãnh đạo từ TƯ đến địa phương, làm sao giải bài toán giao thông, ấy là câu hỏi khó có lời giải xác đáng. Nhưng với GS.TS Nguyễn Xuân Đào, đó là sự trăn trở, nhưng cũng là đề tài mà ông tâm đắc nhất. Giáo sư không ngừng đề cập đến tình hình giao thông tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hai đô thị có mật độ người, phương tiện tham gia giao thông lớn nhất nước, đang trong giai đoạn bùng nổ về xe cộ. Ông cho rằng đó là sự bùng nổ tất yếu trước nhu cầu đi lại ngày càng cao của người dân. Tuy nhiên, những biện pháp nhằm tăng cường an toàn giao thông như tổ chức giao thông đô thị, tuyên truyền kiến thức an toàn giao thông, thực hiện các biện pháp cưỡng chế, giờ đây càng được quan tâm. Vì thế, chừng nào cả xã hội quan tâm tới xây dựng hạ tầng giao thông đô thị, tổ chức giao thông, tuyên truyền hiểu biết về giao thông… thì tình hình trật tự an toàn giao thông mới tốt được.

Biện pháp đầu tiên mà ông phải tính đến là phát triển mạng lưới giao thông công cộng. Có nhiều suy tư khác nhau nhưng đều thống nhất ở ý tưởng phát triển giao thông công cộng kết hợp với giao thông cá nhân. Xe buýt là phương tiện giao thông công cộng đầu tư nhanh nhưng lượng vận chuyển không nhiều và Nhà nước vẫn phải bù lỗ hằng năm. Các phương tiện vận chuyển khác như tàu điện ngầm, đường sắt trên cao vận chuyển khối lượng hành khách lớn hơn nhưng đầu tư tốn kém, không thể làm trong vài năm. Vì thế, phương tiện công cộng chính phải phát triển trong những năm này vẫn là xe buýt. Nhưng để người dân thích đi xe buýt thì phải có văn minh xe buýt. Ấy là vấn đề mà các cấp, ngành lãnh đạo phải luôn chú ý sát sao, để từ đó có những dự án, kế hoạch thực hiện sao cho hợp lý, đảm bảo tính hiệu quả.

Biện pháp tiếp nữa theo giáo sư, đó là quản lý, tổ chức giao thông. Các trường đại học tại Việt Nam có đội ngũ các nhà khoa học chủ yếu làm cầu, làm đường, làm bến cảng, sân bay… chứ chưa có nhiều nhà khoa học chuyên về tổ chức giao thông. Chúng ta phải coi tổ chức giao thông như một ngành khoa học. Hiện tại, công việc này người ta hay nghĩ được phó thác cho ngành công an. Các địa phương hiện nay có sở giao thông vận tải nhưng công tác tổ chức giao thông chưa thật sự được coi trọng. GS.TS Nguyễn Xuân Đào cho rằng, để công tác giao thông thực sự hiệu quả, mang lại lợi ích tối đa cho người dân, cần có sự phối hợp và vào cuộc quyết liệt của nhiều đơn vị, cơ quan ban ngành sở tại, chính quyền địa phương, từ đó mới xây dựng được lộ trình, kế hoạch phù hợp với từng điều kiện cơ sở hạ tầng ở mỗi nơi trên mọi miền cả nước.

Vẻ bồi hồi, ông kể cho tôi nghe những trăn trở của cụ thân sinh Nguyễn Tuân, khi bàn về lộn xộn trong giao thông hiện tại của các thành phố ở Việt Nam. Thì ra những đau đáu trong ông, cũng chính là những suy nghĩ trăn trở từ thời kỳ bố ông vẫn còn trường tại. Dưới con mắt của cụ Nguyễn Tuân, giao thông vận tải là tín hiệu đầu tiên của văn minh đô thị mà mọi người đến với đô thị sẽ cảm nhận, sẽ “thẩm thấu” và ấn tượng với nó…

Và từ đó, vừa thực hiện những di nguyện của người cha, ông vừa nỗ lực đóng góp, cống hiến, mang bao tâm huyết trí lực của mình cho công tác nghiên cứu, tư vấn thiết kế giao thông. Đồng thời, ông vẫn nhiệt tình lên lớp, tham gia giảng dạy, đào tạo với mong muốn truyền thụ cho lớp trẻ thật nhiều vỗn kiến thức, kinh nghiệm của mình cho lớp trẻ. Những tận hiến đó đã làm nên tên tuổi ông – một chuyên gia đầu ngành, một người dành trọng công sức trí tuệ cho ngành GTVT của nước ta. Nhưng trong sâu thẳm, với đức khiêm tốn của mình, vị giáo sư đáng kính Nguyễn Xuân Đào vẫn chỉ mong muốn mọi người nhớ đến mình bình dị, hào hoa một “người Hà Nội” hôm nay!


Tiến Đức

Nguồn: http://www.trithucvaphattrien.vn/