Một người “thủy chung” với tiếng Nga

PGS.TS Bùi Hiền từng là Chủ nhiệm khoa Nga trường Đại học Sư phạm Hà Nội (1958-1967), rồi Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội (1967-1978) và Phó Viện trưởng Viện Nội dung và Phương pháp dạy học phổ thông thuộc Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (1978-1993). Ông đã công bố và xuất bản gần 300 công trình nghiên cứu và sách, báo, từ điển về tiếng Nga và giảng dạy tiếng Nga.

Trong buổi làm việc, PGS.TS Bùi Hiền giới thiệu với nghiên cứu viên của Trung tâm những đứa con tinh thần của ông như Bộ sách giáo khoa tiếng Nga phổ thông gồm 28 quyển, thực hiện theo sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên. Bộ sách này không chỉ đưa ra những quan niệm mới về sách giáo khoa ngoại ngữ trong trường phổ thông những năm 70 mà còn mang lại cho tác giả Huy chương Puskin vì thành tích truyền bá tiếng Nga. Cùng với đó là cuốn Từ điển giáo khoa Nga – Việt dày 1800 trang, được nhận hai Huy chương quốc tế và Từ điển giáo khoa Việt – Nga dày 1402 trang được giải thưởng Sách hay của Hội Xuất bản Việt Nam… Tuy đã nghỉ hưu hơn chục năm, nhưng PGS.TS Bùi Hiền vẫn say sưa biên soạn cuốn Từ điển bách khoa phổ thông cho mọi gia đình, bản thảo đang dần hoàn thiện dự kiến sẽ ra mắt bạn đọc trong thời gian tới.

PGS.TS Bùi Hiền (phải) giới thiệu Bộ sách giáo khoa tiếng Nga

phổ thông, ngày 18-7-2014

Tin tưởng tính chuyên nghiệp trong công tác bảo quản, lưu trữ của Trung tâm, ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên này, PGS.TS Bùi Hiền đã trao tặng Trung tâm bản luận án Phó Tiến sĩ đã được ông bảo vệ tại trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Lômônôxốp năm 1972. Ông cho biết, luận án này được Hội đồng đánh giá là một trong những luận án tốt nhất trong lĩnh vực từ đồng nghĩa tiếng Nga.

Khi được hỏi về lí do “một mực thủy chung” với ngôn ngữ Nga dù trải qua những biến động lịch sử, PGS.TS Bùi Hiền chia sẻ: Cả đời tôi thấm nhuần lời Bác Hồ đã nói từ năm 1955 khi tôi được gặp Người: Là người cách mạng thì phải học tiếng Nga – tiếng nói của Lênin.

Trần Bích Hạnh