Một nhân cách trí thức lớn

Người đầu tiên đặt nền móng cho nền sử học cách mạng Việt Nam

GS Văn Tạo – nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam hẹn chúng tôi đến nhà riêng ở khu tập thể Bách khoa vào một sáng thu Hà Nội. Ông kể lại những kỷ niệm với người anh, người thầy, thủ trưởng cũ của mình với tất cả sự trìu mến. "Ông Liệu là người rất tâm tình. Ông có tình với mọi người, từ cấp trên cho tới những người cần vụ. Ông là người yêu thương con người. Lúc ở tù ông cũng được bạn tù yêu quý. Trần Huy Liệu là người tình cảm, thơ văn đều dí dỏm. Ông không phân biệt trẻ hay già, giàu sang hay chức tước. Nếu đã hẹn gặp ai là Trần Huy Liệu rất đúng giờ”.

Vừa nói, GS Tạo vừa mở cuốn album gia đình. Ở đó, ông trang trọng đặt tấm ảnh nhà sử học Trần Huy Liệu, phía bên dưới ghi "Theo anh Liệu, chúng ta cùng tiến bước”. "Ông là trí thức yêu nước, nhiệt thành, khảng khái, bất khuất. Mặc dù bị tù đày, bị tra tấn rồi đưa ra Côn Đảo, bị kết án tử hình vắng mặt nhưng Trần Huy Liệu không sờn lòng. Có cả sự mua chuộc bằng mấy trăm sào ruộng cũng không lay chuyển được ông ấy”, GS Văn Tạo kể.

Nhà sử học Trần Huy Liệu

Trần Huy Liệu sinh năm 1901, ông được biết đến là một nhà văn, nhà hoạt động cách mạng, nhà sử học, nhà báo – một trí thức lớn. Ông là Chủ tịch đầu tiên của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Đức. Ông là một nhà trí thức yêu nước rất nồng nàn, tiếp thu được tư tưởng yêu nước từ cụ thân sinh là cụ Trần Huy Trinh – một nhà nho quê ở làng Vân Cát, huyện Vụ Bản (Nam Định).

Sử học – một nhánh nhỏ trong cuộc đời đa dạng, bề bộn của nhà cách mạng Trần Huy Liệu, ông thực sự là người đầu tiên đặt nền móng cho nền sử học cách mạng Việt Nam. Theo GS Văn Tạo, trước đó người ta thường nhắc đến tên các sử gia như Ngô Sỹ Liên, Phan Huy Chú… Nhưng đến thời sử học cách mạng không thể không nhắc đến Trần Huy Liệu. Ông là người đặt những viên gạch đầu tiên… "Trần Huy Liệu không được đào tạo Sử học, nhưng khi vào làm Sử ông ấy lại chính là đối tượng của khoa học lịch sử. Ông viết lịch sử cách mạng một cách vừa khoa học, vừa có cái tâm”. GS Tạo lấy ví dụ khi Trần Huy Liệu viết bộ "Lịch sử 80 năm chống Pháp” thì ông biết đề cao các vị tiền bối như Nguyễn Quang Bích, Tống Duy Tân…, rồi các phong trào: Văn Thân Cần Vương, Ba Đình, Bãi Sậy, Hương Khê, Yên Thế… "Ông khai thác những người không phải cộng sản mà cũng có những đóng góp. Đó là cách làm rất riêng của Trần Huy Liệu lúc bấy giờ”, GS Văn Tạo nói.

Trần Huy Liệu là trí thức yêu nước, nhiệt thành, khảng khái, bất khuất. Mặc dù bị tù đày, bị tra tấn rồi đưa ra Côn Đảo, bị kết án tử hình vắng mặt nhưng Trần Huy Liệu không sờn lòng. Có cả sự mua chuộc bằng mấy trăm sào ruộng cũng không lay chuyển được ông.

Tính cẩn trọng trong viết sử của sử gia Trần Huy Liệu cũng giúp GS Văn Tạo học hỏi được nhiều điều. Thời ấy, ông mới được về Ban Văn Sử Địa làm việc. Được cùng thầy Trần Huy Liệu biên soạn bộ sách về lịch sử cách mạng cận đại Việt Nam. Khi ấy, ông Liệu hướng dẫn các đồng nghiệp trẻ cùng tiến hành viết từng phần một. "12 quyển tất cả, viết và in trong khoảng chục năm. Khi in ra như vậy, mọi người đọc góp ý thêm và lại sửa chữa. Khi in, ông Liệu cũng khiêm tốn ghi "Tài liệu tham khảo lịch sử cách mạng cận đại Việt Nam”. Cách làm ấy nhằm tránh sai sót, tránh tư duy cá nhân… Cứ dò dẫm như vậy, 12 cuốn in ra để mọi người cùng đọc, cùng góp ý. Bộ sách này tồn tại được đến bây giờ là nhờ cách làm việc của ông Liệu như thế”, GS Tạo nhấn mạnh.

Trần Huy Liệu được những người đồng nghiệp ví rằng, là một nhà Sử học "bẩm sinh”. Ông thích Sử học ngay từ khi chưa chính thức làm công tác nghiên cứu lịch sử dân tộc. Đến khi công tác Sử học trở thành nghiệp vụ, Trần Huy Liệu yêu Sử học Việt Nam đến say sưa, và đã cống hiến rất nhiều cho nền sử học đó. Trong bối cảnh lịch sử sục sôi cách mạng ấy, Trần Huy Liệu đã hiện diện và để lại dấu ấn đậm nét của một nhân cách trí thức lớn, đó là lòng yêu nước mãnh liệt, là tinh thần xả thân vì nền độc lập dân tộc…

Trân trọng tài năng trí thức

Năm 1953, Ban Sử Địa Văn được thành lập (năm 1954 đổi thành Ban Văn Sử Địa) trực thuộc Trung ương Đảng được thành lập do Trần Huy Liệu làm Trưởng ban. Đây là cơ sở ban đầu cho việc xây dựng nền khoa học xã hội cách mạng Việt Nam. GS Văn Tạo nhớ lại, khi bắt tay vào xây dựng Ban Văn Sử Địa, vấn đề nhân lực là bài toán khó mà Trưởng ban Trần Huy Liệu luôn suy nghĩ. Ông Liệu muốn kết hợp sử dụng hiệu quả các trí thức cũ và đào tạo cán bộ trẻ. Chính bởi vậy, ông cố gắng đề xuất, can thiệp để tạo điều kiện giữ chân các trí thức cũ có kiến thức làm công tác chuyên môn như Trần Văn Giáp, Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Ngọc Tỉnh, Nguyễn Khắc Đạm… Đồng thời, ông cũng mạnh dạn tuyển các cán bộ trẻ có trình độ về Ban để đào tạo như Văn Tạo, Bùi Đình Thanh, Nguyễn Hồng Phong, Nguyễn Công Bình, Chương Thâu…

Đây là việc làm không dễ hồi bấy giờ, nhất là nhiều trí thức cũ có nhân thân và tư tưởng khác biệt. Đặc biệt trong thời kỳ cải cách ruộng đất, vấn đề này càng khó khăn, có lúc căng thẳng. GS Văn Tạo kể, ví như khi Trần Huy Liệu nhận Nguyễn Đổng Chi ở lại Ban Văn Sử Địa làm việc, thì tỉnh Hà Tĩnh đã gửi công văn ra yêu cầu Nguyễn Đổng Chi về địa phương học tập cải tạo. Ông Liệu phải cậy nhờ lên Thủ tướng Phạm Văn Đồng can thiệp mới giữ ông Chi ở lại, và sau này thành nhà nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi nổi tiếng.

Hoặc chuyện nhận các GS Đào Duy Anh, GS Trần Đức Thảo… về làm việc sau khi họ phải rời trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, cũng là một quyết liệt đương đầu mà chỉ Trần Huy Liệu mới dám. Quyết định ấy của Trần Huy Liệu đã góp phần phát huy được tài năng của họ, đóng góp thêm cho khoa học nước nhà. Như GS Văn Tạo đánh giá thì "làm được điều đó vì ông Liệu có uy tín lớn, được các trí thức nể trọng và bản thân ông Liệu cũng rất trân trọng tài năng của các trí thức này”.

PGS.TS Chương Thâu bây giờ nổi tiếng với tư cách nhà "Phan Bội Châu học”. Nhưng ít người biết, để có được điều này công đầu thuộc về thầy Trần Huy Liệu. Có lần, PGS.TS Chương Thâu đã kể: "Khi vừa tốt nghiệp đại học, thấy tôi có khả năng về làm tư liệu nên thầy Liệu có nói với tôi rằng: trong lịch sử cận hiện đại, nghiên cứu về Hồ Chí Minh, về Đảng Cộng sản đã nhiều nhưng có những nhân vật lớn như Phan Bội Châu thì chưa được nghiên cứu. Làm thế nào để nhận thức đầy đủ và có hệ thống về nhân vật này sẽ là công việc có nhiều ý nghĩa”. Chính sự gợi mở và động viên đó của thầy mà tôi mạnh bạo bước vào con đường nghiên cứu về Phan Bội Châu”.

Tôi chết đi, chỉ có những bản thảo ghi chép và sách vở

Có thể nói, cuộc đời Trần Huy Liệu là một cuốn sử đầy ắp những sự kiện gắn liền với bao biến động chính trị, xã hội của một giai đoạn lịch sử rầm rộ các phong trào đấu tranh yêu nước từ Nam ra Bắc, và kết thúc bằng đại thành công Cách mạng tháng Tám 1945 – mở đầu một kỷ nguyên mới – Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.

Trần Huy Liệu thường nói vui mình là "con người thế kỷ”. Điều ấy hẳn có lý do. Cuộc đời từ lúc trưởng thành của ông gắn bó với những sự kiện, nhân vật, các phong trào chính yếu nhất của khoảng 50 năm dân Việt Nam nhận đường.

Một số tác phẩm của ông Trần Huy Liệu

Sự nghiệp đồ sộ của Trần Huy Liệu đã được giới sử học Việt Nam đề cập trong nhiều công trình, nhiều cuốn sách. Đặc biệt, một trong số những người con của ông – nhà văn Trần Chiến cũng đã viết riêng một cuốn "Cõi người”. Trong số các con của Trần Huy Liệu, chỉ Trần Chiến (con bà hai) là theo nghiệp chữ. Qua cuốn sách này, Trần Chiến góp phần làm sáng rõ tầm vóc của nhà trí thức cách mạng Trần Huy Liệu. Ở cuốn sách này Trần Chiến đã coi cha mình như một đối tượng để nghiên cứu. Chính bởi vậy, khi cuốn sách ra mắt cách đây ít lâu, nhiều người rất đỗi ngạc nhiên về cách gọi trong cuốn sách: "ông ấy”, thậm chí "Liệu”. "Tôi muốn có được sự khách quan cần thiết. Nếu không gọi thế mà cứ xưng "cha tôi thế này, cha tôi thế kia” thì sẽ rất vướng, thiếu sự khách quan và khoa học”, nhà văn Trần Chiến lý giải. Dù là con trai một trí thức lớn nhưng anh nhận thức về cha mình hơn là "cảm” về cha mình.

Ngoài trọng tài năng của trí thức khác, sử gia Trần Huy Liệu là người trọng tư liệu. Ông đánh giá cao vai trò của tư liệu. Chính vì thế, năm 1953-1954, Trần Huy Liệu đã xin Trung ương giấy giới thiệu để đến tiếp cận những tủ sách của những nhà địa chủ bị đấu tố. Sau đó, ông về tập hợp những người giỏi chữ Nho để dịch, làm tài liệu cho giới sử học sau này nghiên cứu.

GS Văn Tạo vẫn xúc động khi nhớ về cái ngày người thầy, người anh của mình ra đi mãi mãi. "Ông ngã xuống trên bàn nói chuyện với các quân nhân phục viên và đại diện các gia đình thương binh liệt sĩ thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam nhân ngày 27-7. Do xúc động trước những hy sinh tổn thất lớn lao của dân tộc, trong đó có người con rể của anh, một bác sĩ tốt nghiệp ở Liên Xô, mới hi sinh trên đường Trường Sơn vào Nam phục vụ, vừa nhận được giấy báo tử, khiến ông đứt mạch máu não, hôn mê và ngày hôm sau 28-7-1969 ông qua đời tại bệnh viện Hữu Nghị”.

Trong bản di chúc được Trần Huy Liệu viết "tiết kiệm” trên cuốn sổ lịch, hậu thế hẳn sẽ bùi ngùi khi đọc: "Tôi chết đi không có tiền, bạc gì cả, chỉ có những bản thảo ghi chép và sách vở cống hiến rất quý cho việc nghiên cứu lịch sử…”.

68 năm sống trong trời đất, một thời gian không quá dài nhưng con người cách mạng – nhà trí thức Trần Huy Liệu đã để lại một sự nghiệp đồ sộ, với nhiều tác phẩm: Một bầu tâm sự, Ngòi bút sắc, Hiến thân vì nước, Ngục trung ký sự, Thái Nguyên khởi nghĩa, Phong trào Văn Thân khởi nghĩa, Sơ thảo Lịch sử cách mạng cận đại Việt Nam, Lịch sử 80 năm chống Pháp, Thơ Trần Huy Liệu, Nguyễn Trãi – cuộc đời và sự nghiệp, Lịch sử Thủ đô Hà Nội… Đặc biệt hơn, ông để lại dấu ấn tình cảm trong trái tim nhiều người.

GS Văn Tạo

Hoàng Thu Phố
Nguồn: