Động lực thôi thúc học hành
Nhắc đến PGS.TS Lê Viết Kim Ba, nhiều người biết bà là một nhà khoa học được giải thưởng Kovalevskaia với những nghiên cứu khoa học có giá trị thực tiễn. Chúng tôi tìm đến bà vào một ngày cuối tháng 4-2016, mặc dù tóc đã bạc, mắt đã kém đi nhiều nhưng trên gương mặt bà luôn thường trực nụ cười lạc quan lạ thường. Điều ấy đã thôi thúc chúng tôi muốn tìm hiểu sâu về những nghiên cứu mà bà đã dành trọn tâm huyết.
Lê Viết Kim Ba sinh ngày 19-6-1943 tại Hà Nội trong một gia đình có truyền thống khoa bảng. Quê gốc của bà là làng Nguyệt Viên, xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Đây là vùng đất nổi tiếng về khoa bảng, trong dân gian vẫn truyền miệng câu: “Nguyệt Viên 18 ông nghè/Ông cưỡi ngựa tía ông che tàn vàng”.
Ông nội của Lê Viết Kim Ba là cụ Phó bảng Lê Viết Tạo, từng được được triều đình Huế phong chức Hàn lâm viện Thừa chỉ Sung chức Cơ mật Viện tư vụ, rồi Quan Lộc tự khanh. Cụ Lê Viết Tạo sinh được 5 người con, và đều học thành tài. Người con cả là Lê Viết Đậu, từng là giáo viên của trường Kỹ nghệ Huế, ngôi trường đào tạo nhiều thế hệ công nhân Việt Nam, và là nơi học tập, rèn luyện của nhiều chí sĩ cách mạng. Người con thứ hai là Lê Viết Khoa (thân sinh ra PGS.TS Lê Viết Kim Ba), đỗ tiến sĩ hóa học ở Pháp, sau đó trở về nước, tham gia kháng chiến và là Viện trưởng đầu tiên của Viện Hoá học công nghiệp Việt Nam. Người con thứ ba là Lê Viết Liêu, từng là Hiệu trưởng trường Tiểu học Pháp-Việt (Đông Ba, Huế). Lê Viết Của, một vị quan toà thanh liêm, chính trực, từng làm Chánh án Toà án Liên khu 4 là con thứ tư. Người con thứ năm là Lê Viết Hường, từng là Giám đốc iám đốc Viện Kỹ thuật tại Thái Nguyên (tiền thân của Bộ Công nghiệp) và là người đã chế tạo ra chiếc máy kéo đầu tiên của Việt Nam mang tên “Tháng Tám”.
Xuất thân trong một gia đình đỗ đạt như vậy đã tạo động lực để Lê Viết Kim Ba không ngừng phấn đấu, vươn lên bằng con đường học vấn. Nhưng sự học của bà thật lắm trắc trở. Thân phận nữ nhi trong xã hội cũ nào mấy ai được coi trọng và được học hành đầy đủ. May thay, bố bà là một trí thức Tây học, rất coi trọng chuyện khoa cử, và không hề có sự phân biệt giữa con gái và con trai. Trong số 5 người con của cụ Lê Viết Khoa thì có 3 người con gái[1], đều được học hành đến nơi đến chốn và 2 người trong số đó cùng 2 người con trai của cụ[2] đều trở thành phó giáo sư, tiến sĩ.
Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), gia đình cụ Lê Viết Khoa chuyển về vùng tự do ở Thanh Hóa. Cụ Khoa được giao nhiệm vụ phụ trách lĩnh vực hóa học của Liên khu 4, còn cụ bà là giáo viên, hiệu trưởng một trường tiểu học ở Nông Cống, Thanh Hóa. Cho tới khi 9 tuổi, Kim Ba không hề đến trường, mà được mẹ dạy học ở nhà. Nhưng việc học như vậy chắc chắn sẽ không đảm bảo chất lượng nên ba mẹ đã cho Kim Ba đến trường. Cô con gái Kim Ba bắt đầu vào học tiểu học từ năm lớp 3.
Nghiên cứu sinh Lê Viết Kim Ba trong buổi bảo vệ luận án PTS tại CHDC Đức, 1979
Hòa bình lập lại ở miền Bắc (1954), gia đình cụ Lê Viết Khoa chuyển về Hà Nội. Kim Ba vào học lớp 5 ở trường dành cho con em cán bộ kháng chiến (nay là trường phổ thông Việt – Đức). Năm 1956, sau khi học xong lớp 5 ở Hà Nội, Kim Ba được lựa chọn sang học tiếp ở thành phố Dresden, CHDC Đức. Thời kỳ đó, theo chủ trương của Nhà nước, nước bạn giúp chúng ta đào tạo nhanh lực lượng cán bộ kỹ thuật, phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước, nên học hết lớp 8 cô học trò Kim Ba được chuyển sang học về sợi hóa học. Kim Ba không hiểu tại sao người ta phân công học nghề đó, nhưng có lẽ vì bố bà là một tiến sĩ hóa học.
Năm 1962, Lê Viết Kim Ba về công tác tại Phòng Hóa học, Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước. Trong thời gian 3 năm làm việc ở đây, không chỉ miệt mài bên những ống nghiệm hóa học, mà bà còn tranh thủ đọc sách, tự nghiên cứu, tìm hiểu để nâng cao kiến thức cho bản thân. Thời ấy, những khó khăn về vật chất làm cho người ta không đặt việc học lên hàng đầu, nhất là đối với một phụ nữ, thì quan niệm an phận lại càng dễ hiểu hơn. Nhưng sự đam mê với hóa học đã thôi thúc bà đăng ký học lớp bổ túc buổi tối để thi tốt nghiệp cấp 3, mặc dù bà biết rằng bằng cấp đó chẳng làm cho số lương của bà cao hơn được bao nhiêu. Nhưng nó lại là những bước đi vững chắc, tạo cơ sở cho sự phát triển về sau. Bằng sự ham học, bà đã hoàn thành chương trình phổ thông, nên năm 1969 bà được cơ quan cử đi học tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tốt nghiệp chuyên ngành hóa học với tấm bằng xuất sắc, bà được giữ lại trường làm công tác giảng dạy. Cũng từ đây, sự nghiệp khoa học của bà đã bước sang một trang mới.
Từ năm 1975-1979, Lê Viết Kim Ba được cử sang Đức làm nghiên cứu sinh và bắt đầu đi sâu vào nghiên cứu màng lọc polyacrylnitril. Trong 4 năm, bà đã cùng thầy giáo của mình công bố 3 bằng sáng chế liên quan đến màng lọc, đó là bằng sáng chế 134443 (Patentschrift), bằng sáng chế 134447 (Patentschrift) và bằng sáng chế 140703 (Patentschrift). Những bằng sáng chế này vừa là kết quả của một quá trình cố gắng không biết mệt mỏi trong quá trình làm nghiên cứu sinh, nhưng nó cũng là động lực để bà tiếp tục những đam mê, tâm huyết của mình cho nền khoa học nước nhà.
Hiện thực hóa những đam mê
Về nước công tác, PTS Lê Viết Kim Ba tiếp tục phát huy sở trường nghiên cứu của mình trong lĩnh vực màng lọc. Năm 1980, PTS Lê Viết Kim Ba đã mạnh dạn chủ trì đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu chế tạo màng thẩm thấu ngược để làm ngọt nước biển” nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho chiến sĩ ở đảo Trường Sa. Thời kỳ đó, đất nước còn đang trong giai đoạn khó khăn về kinh tế-xã hội, nhiều cơ quan nghiên cứu chỉ lo đời sống cho cán bộ, công tác nghiên cứu khoa học không được chú ý nhiều, bởi vậy nhưng bà vẫn vượt lên tất cả để tìm tòi những điều thiết thực. Đề tài được nghiệm thu và đánh giá xuất sắc, sản phẩm nghiên cứu đạt chất lượng không thua kém gì sản phẩm của Liên Xô vào thời điểm đó. Sự thành công bước đầu ấy càng giúp bà vững tin hơn để tiến hành những đề tài có ý nghĩa thực tiễn trong cuộc sống thường ngày.
Tiến thêm một bước, năm 1985, PTS Lê Viết Kim Ba nhận chủ trì đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu chế tạo màng siêu lọc máu” để điều trị cho các bệnh nhân suy thận. Thời điểm năm 1985, ngay trước thềm đổi mới, sự khó khăn về kinh tế càng ở mức đỉnh điểm, do vậy kinh phí để nghiên cứu cho đề tài cũng không được nhiều. Nhưng bù lại, bà đã có kinh nghiệm được tích lũy từ khi thực hiện đề tài trước đó. Trong hồ sơ nghiệm thu cấp nhà nước diễn ra ngày 25-9-1990 do Bộ trưởng Bộ Y tế – GS Phạm Song chủ trì, ở phần tóm tắt các ý kiến của hội nghị có ghi rõ: “Hướng nghiên cứu của đề tài rất đúng, phù hợp với yêu cầu của ta hiện nay và cả trong tương lai, có tính khoa học hiện đại, có ý nghĩa thực tiễn và nhân đạo. Siêu lọc máu là một phương pháp mới, lý thú, có nhiều hứa hẹn, có thể chữa nhiều bệnh vượt ra khỏi phạm vi bệnh thận. Đây là việc làm đúng hướng để đuổi kịp các nước tiên tiến bằng con đường ngắn nhất. Đề tài đã thành công khả quan. Màng do ta nghiên cứu được đã đạt các chỉ tiêu chất lượng tương đương với màng của nước ngoài. Màng chế tạo đã được 4 bệnh viện lớn ở Hà Nội (Bạch Mai, Việt Đức, Thanh Nhàn và Viện Quân y 103) kiểm tra chất lượng, lọc máu trên súc vật và 1 lần trên bệnh nhân. Kết quả thu được đều khả quan …”[3].
Sau khi nghiên cứu kỹ kết quả đề tài này, GS Nguyễn Thụ – Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội đã gửi đến hội đồng nghiệm thu một bản nhận xét, đánh giá cao tính thực tiễn của đề tài này. Ông cũng đề xuất: “Tôi đề nghị cho nghiệm thu đề tài, bắt đầu đem ra thử nghiệm trên một số bệnh nhân suy thận mãn có phù nặng mà chưa dùng thận nhân tạo kinh điển hay dùng nhưng kết quả kém. Vừa làm vừa theo dõi, đồng thời xúc tiến: thử hòa hợp sinh học; tiếp tục tạo điều kiện hoàn chỉnh quy tình công nghệ sản xuất màng ổn định; tiếp tục cải tiến tốt hơn các bộ lắp một cách đơn giản hơn để dễ dàng phổ cập”[4]. Rõ ràng là vào thời điểm năm 1990, sự thành công của đề tài đã gây một tiếng vang lớn. Đề tài được các nhà khoa học ở những cơ sở y tế hàng đầu đánh giá cao và đều nhất trí cho phổ biến rộng rãi, áp dụng ngay vào thực tiễn, nhằm điều trị cho các bệnh nhân bị suy thận nặng. Từ một nhà hóa học, PTS Lê Viết Kim Ba đã có những công trình nghiên cứu để phục vụ cho ngành y tế nước nhà. Cũng với những thành công trong nghiên cứu ấy, bà đã được tặng Giải thưởng Kovalevskaia – giải thưởng thường niên dành tặng cho những nữ khoa học gia xuất sắc. Đó vừa là vinh dự, nhưng cũng vừa là động lực, trách nhiệm mới để bà tiếp tục trên con đường nghiên cứu khoa học.
Sau khi chế tạo thành công màng siêu lọc máu, Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) đã ký với trường Đại học Tổng hợp Hà Nội hợp đồng khoa học kỹ thuật để thực hiện dự án: Chế tạo dây chuyền công nghệ sản xuất màng siêu lọc máu công suất 1.500 cặp màng/năm. Sau đó, PTS Lê Viết Kim Ba đã viết luận chứng kinh tế kỹ thuật gửi lên Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và đầu tư) xin Nhà nước cấp vốn để xây dựng một cơ sở nghiên cứu và sản xuất màng siêu lọc máu. Bản luận chứng trên đã được Ủy ban Kế hoạch Nhà nước thông qua ngày 19-12-1990. Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra quyết định số 2267/KHTV, phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật Dây chuyền công nghệ sản xuất màng siêu lọc máu của trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Năm 1991, công trình này được Nhà nước cấp 250 triệu đồng. Ban quản lý công trình của trường đã chọn thầu, cho thiết kế và thi công nhà nghiên cứu và sản xuất màng lọc theo đúng quy mô đã được phê duyệt. Khi xây gần xong phần thô thì hết kinh phí, nhà trường không có khả năng cấp kinh phí nên dự án phải dừng lại. Năm 1993, dự án được Nhà nước cấp thêm 100 triệu đồng cho xây lắp nhưng với số tiền này cũng mới chỉ đủ xây xong phần thô. Sau đó, PTS Lê Viết Kim Ba và đồng nghiệp đã liên hệ xin thêm được 50000 DM (318 triệu đồng) của tổ chức Relief organization Misereor (MISEREOR)[5], CHLB Đức. Từ hai nguồn vốn trên, dự án đã xây dựng xong cơ sở nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm màng lọc gồm một nhà hai tầng với tổng diện tích 600m2 mặt sàn. Kể từ đó trở đi, dự án bắt đầu đi vào thực hiện các bước nghiên cứu, sản xuất thử màng siêu lọc máu.
Ngày 14-1-1998, Hội đồng khoa học cấp Bộ đánh giá dự án Dây chuyền công nghệ sản xuất màng siêu lọc máu gồm 9 thành viên do GS.TS Lê Vũ Khôi (Trưởng ban Khoa học công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội) làm Chủ tịch đã họp và bỏ phiếu đánh giá kết quả của dự án. Không nằm ngoài dự đoán của PGS.TS Lê Viết Kim Ba, kết quả của dự án được hội đồng nghiệm thu đánh giá 100% số phiếu loại tốt. Trong kết luận của Chủ tịch hội đồng ghi rõ: “Về tính khoa học và công nghệ: Đã thu được thành công lớn trong việc nghiên cứu chế tạo màng lọc, đã làm được màng thẩm thấu ngược làm ngọt nước biển và màng siêu lọc máu; Đã nghiên cứu chế tạo thành công máy sản xuất màng siêu lọc theo nguyên lý mới do các tác giả đưa ra, cho phép đưa việc sản xuất các loại màng siêu lọc máu từ thủ công lên cơ giới; Màng siêu lọc máu đã được 4 bệnh viện lớn ở Hà Nội kiểm tra và đánh giá đạt chất lượng tốt; Gần đây đã tìm được quy trình công nghệ chế tạo màng có năng suất lọc cao và màng bất đối xứng bảo quản khô. Nhờ các kết quả nghiên cứu trên mà màng của ta đã có bước tiến bộ nhảy vọt về chất lượng. Đã làm được hai loại màng mới là màng lọc thuốc tiêm dịch truyền và màng lọc vi trùng, các loại màng này đã được kiểm tra và ứng dụng thử tại Xí nghiệp dược phẩm Trung ương I và được đánh giá đạt chất lượng tương đương với màng này cùng loại của một số hãng nổi tiếng thế giới như Seitz và Sartorius”[6].
Vào cuối những năm 90, nhu cầu về lượng dịch truyền tối thiểu của Việt Nam là khoảng 10 triệu lít/năm. Các đơn vị sản xuất dịch truyền thường sử dụng màng lọc của nước ngoài, nên phải phụ thuộc và sản xuất hay bị động, màng ngoại nhập trở thành độc quyền nên giá thành cao. Để khắc phục tình trạng khan hiếm và bị động khi có nhu cầu dùng màng lọc, đồng thời để có màng lọc đảm bảo chất lượng, giá thành phù hợp, nhóm nghiên cứu do PGS Kim Ba phụ trách đã tập trung nghiên cứu chế tạo các loại màng lọc dịch tiêm truyền. Bằng sự đam mê, nỗ lực không biết mệt mỏi, PGS Lê Viết Kim Ba và đồng nghiệp đã đề nghị và được Bộ Khoa học và Công nghệ đồng ý cho thực hiện dự án sản xuất thử – thử nghiệm cấp nhà nước Hoàn thiện công nghệ sản xuất màng lọc thuốc tiêm, dịch truyền, màng lọc vi trùng và màng tiền lọc. Dự án do bà làm chủ nhiệm, được thực hiện trong 3 năm (1999-2002), đem lại kết quả tốt. Hội đồng khoa học và công nghệ cấp nhà nước họp ngày 24-5-2002 đã đánh giá màng lọc là sản phẩm của công nghệ tiên tiến, chất lượng đạt tiêu chuẩn tương đương với màng của các nước phát triển như Anh, Đức… Sản phẩm được thị trường chấp nhận, có sức sống thực sự, cạnh tranh được với hàng nhập ngoại. Ngoài ra, sản phẩm này có tính thực tiễn cao, đáp ứng được nhu cầu của ngành y, dược với giá cả hợp lý, phù hợp với điều kiện của Việt Nam[7].
Khi sản xuất hàng loạt, màng lọc này được mang nhãn hiệu DIAMOND. Tính đến năm 2005, màng lọc đã được ứng dụng ở nhiều cơ sở sản xuất, trong đó có Bệnh viện 108, Xí nghiệp Dược phẩm trung ương I, II… Nhiều đơn vị sau khi sử dụng màng lọc DIAMOND đều nhận định rằng nó có chất lượng tương đương với màng nhập từ các nước Anh, Đức, Mỹ nhưng giá lại thấp hơn với hàng nhập ngoại. Màng lọc DIAMOND đã được trưng bày tại Hội chợ triển lãm thành tựu khoa học-công nghệ ASEAN lần thứ 5, được thưởng Huy chương vàng tại Hội chợ Quốc tế hàng công nghiệp Việt Nam (1999). Bên cạnh đó, PGS.TS Lê Viết Kim Ba và nhóm nghiên cứu của mình đã được tặng Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) (1999) từ việc chế tạo thành công màng lọc này.
Chia tay PGS.TS Lê Viết Kim Ba, chúng tôi cứ ấn tượng mãi với gương mặt nữ khoa học gia đầy nghị lực, bền bỉ trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học. Các nhà khoa học trẻ và thế hệ kế tiếp sẽ còn nhắc đến bà như một tấm gương tự học và tự vươn lên không biết mệt mỏi trong khoa học.
Nguyễn Thanh Hóa
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam
[1] Ba người con gái là: Lê Viết Kim Quy, giảng viên trường ĐH Giao thông vận tải; PGS.TS Lê Viết Ngọc Phượng, nguyên giảng viên Khoa Hóa, ĐH Tổng hợp Hà Nội và PGS.TS Lê Viết Kim Ba.
[2] Hai người con trai là: PGS.TS Lê Viết Dư Khương và TS Lê Viết Khuyến.
[3] Hồ sơ nghiệm thu đề tài cấp nhà nước Nghiên cứu chế tạo màng siêu lọc máu, ngày 25-9-1990, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[4] Hồ sơ nghiệm thu đề tài cấp nhà nước Nghiên cứu chế tạo màng siêu lọc máu, ngày 25-9-1990, tài liệu đã dẫn.
[5] MISEREOR là một tổ chức của Hội đồng Giám mục Đức.
[6] Hồ sơ nghiệm thu dự án cấp nhà nước Dây chuyền công nghệ sản xuất màng siêu máu, 1998, tài liệu lưu trữ Trung tâm Di sản các nhà khoa học VN.
[7] Hồ sơ nghiệm thu dự án sản xuất sản xuất thử – thử nghiệm cấp nhà nước Hoàn thiện công nghệ sản xuất màng lọc thuốc tiêm, dịch truyền, màng lọc vi trùng và màng tiền lọc, 2002, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.