Phóng viên Báo Giáo dục & Thời đại có cuộc trò chuyện thú vị với tân PGS. Đỗ Ngọc Khanh – một nửa của cặp đôi “6 cùng” vừa sánh vai nhau nhận hàm Phó Giáo sư danh giá về cuộc sống, công việc, bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình và quan điểm nuôi dạy con cái.
Được chồng “mê” vì … không bao giờ nói to
Chia sẻ về quá trình cùng phấn đấu và cùng tạo nên những dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp và trong cuộc sống, PGS. Đỗ Ngọc Khanh cho biết: Thật may mắn khi tôi và chồng (PGS. TS Lê Văn Hảo) rất tâm đầu ý hợp trong nhiều chuyện.
“Hai vợ chồng tôi sinh cách nhau 1 ngày, cùng vào mùa thu năm 1962. Có lẽ vì vậy mà chúng tôi có nhiều điểm chung. Chúng tôi đều yêu thích công việc của mình và làm việc với tất cả say mê.
Vợ chồng PGS. TS Lê Văn Hảo – PGS. TS Đỗ Ngọc Khanh và con trai |
Chúng tôi có rất nhiều điểm tương đồng dễ nhận thấy: Cả hai người đều rất giản dị, thích thể thao. Chúng tôi có thú vui là cùng nhau bơi ra thật xa mỗi khi có cơ hội đi biển…
Sau khi học xong thạc sỹ ở Úc, anh Hảo có cơ hội xin học bổng đi học Tiến sĩ ở nước ngoài, tuy nhiên anh ấy đã quyết định học trong nước để cùng gánh vác công việc nhà với tôi và để tôi có thể chuyên tâm hoàn thành khóa học Tiến sĩ của mình. Chúng tôi đã cùng bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Tâm lý học vào cuối năm 2005.
Mấy chục năm cùng phấn đấu cho sự nghiệp và cùng vun vén cho tổ ấm, nét tính cách mà tôi "mê" nhất ở chồng mình là tính hài hước. Mỗi khi có chuyện căng thẳng xảy ra, anh ấy đều nghĩ ngay ra một câu nói hóm hỉnh làm tôi phải bật cười và quên ngay mối bực dọc. Còn anh ấy thích nét tính cách nào của tôi thì tôi không chắc lắm. Có lẽ là tôi… không bao giờ nói to.”
Vợ chồng luôn là “đôi bạn cùng tiến”
Để chu toàn và cân bằng giữa công việc và gia đình, PGS. Đỗ Ngọc Khanh cho rằng, không gì bằng vợ chồng luôn đồng thuận và sát cánh cùng nhau.
Bí quyết để vượt qua mọi trở lực trong cuộc sống của chị là vợ chồng cần thực hiện nguyên tắc càng nhiều “cùng” càng tốt, vợ chồng chị đang áp dụng nguyên tắc “4 cùng”: Cùng nhau làm việc nhà; Cùng nhau đi bộ tập thể dục để có thời gian nói chuyện; Cùng làm việc đến khuya; Thỉnh thoảng sắp xếp đi công tác cùng nhau để được ở bên nhau nhiều hơn.
Chị cho biết: Vì cùng môi trường công tác nên vợ chồng chị có thuận lợi là hiểu về công việc của nhau nên dễ thông cảm, có nhiều mối quan tâm chung để chia sẻ, đồng thời làm phong phú thêm cho nhau bằng các kiến thức và kinh nghiệm khoa học cũng như luôn phải cố gắng để làm tốt hơn.
Hai vợ chồng mỗi người làm ở một phòng (chuyên môn) khác nhau và công việc độc lập nên cũng có thể bổ sung cho nhau.
Cơ bản cả hai không gặp khó khăn gì khi cùng môi trường công tác. Có chăng lúc đầu “bị” một vài đồng nghiệp đối xử theo kiểu “vợ chồng cơ quan”, nhưng sau thời gian tuân thủ nguyên tắc đến cơ quan là mối quan hệ đồng nghiệp thì mọi chuyện đều ổn.
Để một bên những gánh vác chung trong công việc gia đình, mục đích chủ yếu khi chúng tôi đến cơ quan là để làm việc, cố gắng làm việc chăm chỉ, làm tốt công việc mà mình yêu thích và thấy có giá trị, có ý nghĩa.
Giáo dục con cái: Dùng ảnh hưởng hơn là kiểm soát
PGS. Đỗ Ngọc Khanh tự hào cho biết: Vợ chồng chị có hai người con trai, một 27 tuổi và một 18 tuổi. Các con đều rất ngoan, hiếu thuận và khá độc lập. Con trai lớn đã đi làm cho một công ty nước ngoài và đang có dự định học tiếp cao học. Con trai thứ hai chuẩn bị vào đại học.
Trong nuôi dạy các con, vợ chồng chị luôn tuân theo phương pháp giáo dục “dân chủ, cởi mở, tôn trọng”. Các con luôn được bố mẹ tôn trọng và trao đổi ý kiến trong hầu hết các vấn đề của gia đình. Các con tự đưa ra quyết định những vấn đề của bản thân sau khi được bố mẹ góp ý.
Chị chia sẻ: “Chúng tôi dạy con theo cách dùng ảnh hưởng hơn là kiểm soát. Đặc biệt, làm cha mẹ, chúng tôi ý thức rất rõ về sức mạnh của việc làm mẫu hay tấm gương. Giáo dục kiểu thuyết giáo hàng trăm lần không có sức mạnh bằng một lần làm gương. Theo nghĩa này chính con cái cũng giúp chúng ta trở thành cha mẹ tốt hơn.
Về chuyện định hướng tương lai cho các con, vợ chồng tôi chỉ đóng vai trò hướng dẫn, giúp con chọn nghề nghiệp mà con yêu thích và có hứng thú chứ hoàn toàn không ép buộc. Vì “thích thì sẽ dễ thạo (thành thạo), thạo thì dễ thích và gắn bó lâu dài để có được thành công”.
Cặp vợ chồng “6 cùng”: Tiến sỹ Đỗ Ngọc Khanh và Tiến sỹ Lê Văn Hảo là vợ chồng, cùng sinh năm 1962, cùng được Nhà nước cử đi học năm 1983 tại CHLB Nga, cùng ngành Tâm lý học, cùng công tác tại Viện Tâm lý học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), cùng bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ năm 2005 và cùng được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó giáo sư ngành Tâm lý học đợt này. |
Kim Thoa (thực hiện)
Nguồn: www.giaoducthoidai.vn