Chúng tôi may mắn được nghe TSKH Lê Duy Bách kể rất nhiều câu chuyện cuộc đời một nhà địa chất, những câu chuyện luôn ẩn chứa những điều bí ẩn của thiên nhiên, thật lý thú mà đôi khi cũng khô khan bởi chuyên môn khó hiểu. Đặc biệt, hành trình khám phá qua nhiều địa danh từ Crưm đến Ingury ở đất nước Liên Xô kỳ vĩ, thì vẫn luôn đọng lại sâu sắc trong ông.
TSKH Lê Duy Bách
Vào thời điểm năm 1972, kỹ sư Lê Duy Bách là nghiên cứu sinh của trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva, mang tên Lomonosov. Theo quy định của khoa Địa chất, những NCS không phải là cựu sinh viên của Đại học Lomonosov thì được đi thực địa cùng sinh viên năm thứ nhất và năm thứ hai. Chính vì vậy mùa hè năm 1972, Lê Duy Bách theo đoàn của khoa Địa chất của trường xuống bán đảo Crưm (Krym), một địa danh du lịch nổi tiếng thế giới để thực tập, khảo sát địa chất vùng núi giáp Biển Đen.
Do chương trình thực tập kết thúc không theo đúng kế hoạch nên sau đợt thực tập ấy ông phải di chuyển ngay tới Tasken để tham gia một đoàn nghiên cứu thực địa của bộ môn Địa chất Địa động lực, khoa Địa chất, thường đi thực địa vào mùa hè hàng năm. Đến Tasken, NCS Lê Duy Bách hội ngộ với đội khảo sát chuyên đề của bộ môn Địa chất Địa động lực. Đội gồm đội trưởng Polepaiev, một kỹ thuật viên, một người giúp việc và hai NCS người ngoại quốc là Lê Duy Bách và một người Afghanistan. Từ Tasken, đoàn đi ô tô thêm 150km thì đến điểm tập kết, chuẩn bị cho những lộ trình khảo sát sẽ được tiến hành vào ngày hôm sau. Mục đích của đợt khảo sát là tìm hiểu về vật lý kiến tạo, đứt gãy và về địa chấn kiến tạo của một đới đứt gãy lớn ở đây.
Trong những ngày đầu, để làm quen với công việc, NCS Lê Duy Bách luôn chăm chú dõi theo mọi động tác của đội trưởng Polepaiev. Ngày thứ nhất diễn ra vui vẻ vì mang tính chất làm quen. Tối hôm đó, đội trưởng họp toàn đội, điểm qua những kết quả đã làm được trong ngày và thông qua lộ trình sẽ tiến hành vào ngày hôm sau. Ông kể: "Tối hôm đó, tôi ôn lại những vấn đề đã học được ngoài thực địa. Vì chỉ mới quan sát bằng mắt và nghe giới thiệu của đội trưởng Polepaiev, nên sự tiếp nhận chủ yếu dựa vào kinh nghiệm cá nhân khi gặp đối tượng địa chất trên thực địa”.
Ngày thứ hai bắt đầu là một địa điểm quan sát với sự đo đạc kỹ lưỡng về khe nứt, các biến đổi, biến dạng, thành phần vật chất của đá và những điều cần làm đối với khảo sát thực địa địa chất. Mục tiêu chủ yếu của đội là phải tìm và khai thác thông tin vẫn còn ẩn giấu trong các vỉa đá, mặt cắt lộ ra ở bề mặt trái đất. Trọng tâm của khảo sát bám vào những vấn đề của vật lý kiến tạo, nghiên cứu các trường đứt gãy bằng phương pháp đo khe nứt, đo biến dạng…Nghiên cứu sinh Lê Duy Bách vẫn nhớ một kỷ niệm trong ngày làm việc thứ hai đó: “Đội trưởng Polepaiev phát hiện ra tôi không có địa bàn. Ông đi về phía tôi và nói: “Anh Bách đã làm quen với phương pháp đo đạc ngoài trời chưa?”. Tôi trả lời rằng đo đạc ở Việt Nam là chính, còn ở Liên Xô thì mới đi thực tập với sinh viên ở vùng Crưm, chưa có điều kiện tiếp cận. Ông nói tiếp, nếu tôi không có địa bàn thì sẽ dùng địa bàn của ông ấy, đồng thời sẽ tìm cách để hỗ trợ tôi một cái địa bàn”. Vào những năm 70, hạ tầng cơ sở, thiết bị của Liên Xô cũng còn thiếu thốn nhiều. Đối với trường hợp của NCS Lê Duy Bách, thiếu công cụ làm việc là chuyện thường và ông cũng quen với việc ấy từ khi còn ở Việt Nam. Đội trưởng Polepaiev dành khá nhiều thời gian trong những ngày đầu để hướng dẫn hai nghiên cứu sinh ngoại quốc.
Sang ngày thứ ba, NCS Lê Duy Bách chủ động tiếp cận điểm lộ thiên và nghiên cứu theo lịch trình mà đội trưởng Polepaiev đề ra. Trên lộ trình khảo sát, ông phát hiện nhiều biểu hiện phức tạp của địa hình và nhiều yếu tố của địa hình không có trên bản đồ. Thành viên trong đội tiến hành khảo sát tương đối tỉ mỉ, đo khe nứt. Nghiên cứu sinh Duy Bách đề xuất vẽ tạm một sơ đồ địa hình để phục vụ trong quá trình khảo sát. Ông kể: “Tôi áp dụng những kinh nghiệm đã tích lũy được trong thời gian khảo sát ở trong nước để thực hiện việc đo vẽ, gọi là phương pháp lập bản đồ bằng địa bàn và thước dây. Tôi cùng với kỹ thuật viên đo bằng thước dây và địa bàn, có kết quả thì có người khác lấy giấy ra vẽ. Trong 2 giờ, chúng tôi phác họa xong một địa hình trên giấy, để so sánh, chúng tôi gắn một số mốc của hình vẽ trên giấy với hình trên bản đồ. Đội trưởng Polepaiev hết sức phấn khởi và khen ngợi tôi hết lời, làm tôi cảm thấy ngượng. Đội trưởng Polepaiev nói rằng đây là vấn đề cần tiếp tục bổ sung, thuận lợi cho nghiên cứu ngoài trời”.
Ngày tiếp theo công việc vẫn diễn ra theo kế hoạch và lộ trình khảo sát. Một hôm, trong khi ăn nhẹ vào giờ trưa bên cạnh một con suối, NCS Lê Duy Bách thấy có nhiều cá nên thử trổ tài bắt cá. Chỉ một lúc sau, ông bắt được 3 con. Mọi người đều rất ngạc nhiên. Sau đó, tự tay ông làm sạch cá và xâu vào que để nướng. Ông nhớ: “Chúng tôi được ăn cá ở một nơi rất hẻo lánh. Những người trong đội của tôi ùa xuống suối để bắt cá nhưng rất tiếc là không ai bắt được con nào. Họ đùa rằng: “vắng anh Bách thì chúng ta đói”. Câu chuyện cứ như thế mà rôm rả hơn, thân thiết hơn”.
Ở đâu các nhà địa chất cũng tìm được điều kiện thích hợp để làm cuộc sống của mình vui hơn, đầy đủ hơn, quên đi mệt nhọc, khó khăn phải trải qua hàng ngày. Lúc ấy NCS người Afghanistan không còn ngại ngần và giữ khoảng cách với Lê Duy Bách nữa. Có lẽ vì chưa có nhiều kinh nghiệm thực địa nên NCS người Afghanistan còn bỡ ngỡ. Vị nghiên cứu sinh này xin phép đội trưởng để được ông Bách hướng dẫn, kèm cặp thêm. “Tôi hướng dẫn anh ấy từ những động tác cơ bản. Thấy anh chưa biết cách đo, tôi bảo anh ngồi ghi, còn tôi đo. Đo xong mỗi điểm, tôi lại bày cho anh từng bước tiếp theo. Chỉ sau 3 ngày anh bạn Afghanistan đã có thể tự mình lấy được số liệu để đưa đến đội trưởng Polepaiev”. Sau khi khảo sát ở đây được khoảng 3 tuần, đội khảo sát đến một thị trấn. Ở đó, NCS Lê Duy Bách nhận được bức điện, đề nghị trở về Moskva ngay. Ông ngơ ngác và không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tất nhiên là đội trưởng Polepaiev sẵn sàng tạo điều kiện để NCS Bách trở về trường. Trước khi chia tay, đội trưởng còn nhắc lại việc sẽ tìm một chiếc địa bàn cho anh bạn người Việt Nam.
Về đến bộ môn, người đầu tiên ông Bách gặp là GS Gorshov – một nhà địa chất lừng danh của Liên Xô, đã từng khảo sát, nghiên cứu nhiều nơi ở Miến Điện, Trung Quốc nên rất am hiểu về tình hình động đất ở Việt Nam qua các nghiên cứu của các vùng lân cận. Thấy Lê Duy Bách, GS Gorshov cười tươi, bắt tay và hỏi: “Anh về có việc gì vậy?”. – Thưa Giáo sư, em có lệnh triệu tập về bộ môn, chưa rõ là việc gì. — Anh đến gặp GS Nicolaiev N.I. – người hướng dẫn luận án của anh nhé. Còn tôi chỉ chúc mừng anh thôi”.
Chờ khoảng 15 phút thì GS Nicolaiev N.I. từ trong phòng làm việc bước ra, với gương mặt tươi tắn, thái độ thân mật, ông bắt tay học trò và thăm hỏi: “Vẫn khỏe chứ, có chịu đựng được không. Tôi được biết anh đi thực tập với sinh viên, anh bày cho họ xác định các mẫu cổ sinh, nên sinh viên rất thích”. Tôi trả lời: “Thưa Giáo sư, đó là thói quen, không có gì đặc biệt ạ”. Thầy tiếp lời: “Anh đã đưa thói quen vào công việc. Tôi muốn anh không từ chối để tham gia một hợp đồng nghiên cứu về địa chấn kiến tạo và tân kiến tạo của vùng thung lũng sông Ingury, vì Liên Xô đang có dự án lớn về xây dựng công trình thủy công lớn với một đập cao và hồ chứa nước lớn ở Ingury. Đó là lý do tôi gọi anh quay về trường”. Nghiên cứu sinh Lê Duy Bách cám ơn thầy vì đó là một cơ hội hiếm có, song ông cũng còn phân vân vì không biết có đáp ứng được yêu cầu mà thầy hướng dẫn giao cho không. Nhưng thầy hướng dẫn gạt bỏ mọi băn khoăn của học trò và động viên: “Tôi hiểu và tôi biết anh vì GS Morgunov đã giới thiệu anh với tôi”. Giáo sư Morgunov là chuyên gia trưởng của đoàn chuyên gia Liên Xô, từng làm việc ở Cục bản đồ địa chất mà ông Bách đã có cơ hội hợp tác và làm việc trong một khoảng thời gian tại Việt Nam.
Sau ít phút trao đổi, GS Nicolaiev N.I yêu cầu học trò về chuẩn bị để sáng hôm sau lên đường. Phụ trách dự án này là PTS Nicolaiev P.N.- con trai của GS Nicolaiev N.I. Theo quan sát ban đầu của ông Bách, PTS Nicolaiev P.N có đôi mắt thông thái. Tìm hiểu thêm thì được biết ông Nicolaiev P.N. là chuyên gia hàng đầu về vật lý kiến tạo, địa động lực, địa chấn kiến tạo; ông vừa phát minh ra một phương pháp mới trong nghiên cứu vật lý kiến tạo để gây dựng, tái dựng các trường ứng xuất trong hệ địa vật lý và địa động lực, để từ đó đưa ra được những nhận định về biến dạng và hoạt tính kiến tạo của từng đối tượng nghiên cứu. Ông Bách chia sẻ: “Anh ấy nói với tôi rằng chúng ta sẽ đi cùng nhau, anh có mục đích hoàn thành luận án ở Liên Xô, còn tôi cố gắng hoàn thành luận án tiến sĩ khoa học về địa chất”.
Ngày hôm sau, ra sân bay đoàn còn có thêm 5 thành viên khác, trong đó có 3 sinh viên năm thứ 5 của Nga và 2 vợ chồng người Mexico, chồng là nghiên cứu sinh, vợ là sinh viên địa chất năm thứ 3. Sau khi bay đến Tbilisi, đoàn có thêm lái xe và 2 cán bộ kỹ thuật đi cùng. Đoàn di chuyển sâu vào phía Nam của dãy núi Capkaz, hướng về thung lũng của sông Ingury. Về chuyên môn, đoàn sẽ nghiên cứu theo lộ trình chi tiết những vấn đề biến dạng tân kiến tạo, biến dạng về kiến tạo trong khoảng thời gian đến đệ tứ; nghiên cứu sâu về trường ứng suất kiến tạo; phát hiện những vấn đề cơ bản để nghiên cứu về địa chấn kiến tạo, phục vụ dự báo động đất ở những vùng sẽ xây dựng công trình thủy công lớn ở Ingury.
Phương tiện đi lại của đoàn là một chiếc xe Gap. Đoàn sẽ dừng lại khảo sát ở những điểm đã định sẵn trên bản đồ của Nicolaiev P.N mang theo. Ông Lê Duy Bách kể tiếp: Sau ngày làm việc thứ 3, đoàn tiếp cận một vấn đề địa chất thú vị về mặt biến dạng của địa hình, cũng là lúc nhận thấy tôi có hiểu biết để tiến hành các đợt khảo sát chung, PTS Nicolaiev N.I nói: “Anh thử dùng ống nhòm này xem có được không?”. Tôi ồ lên vì thích thú, thật là may mắn, muốn làm quen địa hình, tôi rất cần nhìn xa hơn. Trưởng Dự án nói tiếp: “Đúng rồi, bố tôi đã giao cho tôi ống nhòm này và nói rằng cần giúp anh làm tốt việc khảo sát địa hình, địa mạo để nghiên cứu tân kiến tạo ở Capkaz. Phương pháp nghiên cứu địa hình địa mạo cũng phải tiến hành quan sát từ xa bằng những phương tiện nhất định” .
Điểm khảo sát mà đoàn hướng đến là một ngọn núi rất cao so với mực nước biển. Sau khi ô tô đưa đoàn đến độ cao khoảng 3000 mét thì hết đường ô tô. Đoàn phải tiếp tục hành trình leo lúi thêm 700 mét nữa để chinh phục ngọn núi. Tiến sĩ khoa học Lê Duy Bách nhớ: “Anh Nicolaiev P.N. yêu cầu tôi phải chú ý mấy điều: ở đây không khí loãng, cố gắng giữ nhịp thở cho tốt, phải đeo kính râm vì ánh sáng chiếu vào tuyết rất sắc, không thể coi thường. Nhưng không thể lên đến đỉnh vì càng lên cao tuyết càng dầy, không thể đi được. Chúng tôi đành quay trở về”. Đoàn khảo sát vào một ngôi làng lớn nhưng thưa dân của một dân tộc thiểu số ở Nga. Nơi đây mang đặc tính đặc biệt của thổ dân Nga cổ với những người đàn ông cao lớn, dụng cụ sinh hoạt cũng lớn hơn bình thường. Một thứ không thể thiếu ở đây là dụng cụ chứa rượu được làm từ ngà động vật. Do ngôn ngữ bất đồng nên ngay cả người Nga cũng cần phiên dịch. Đoàn không ở đây lâu và quay trở về tập trung nghiên cứu thung lũng Ingury, là nơi sẽ xây đập thủy điện cao và hồ chứa nước.
Chiếc ống nhòm – món quà của GS Nicolaiev N.I. đã giúp NCS Lê Duy Bách rất nhiều trong chuyến khảo sát thung lũng Ingury. Cũng phải nói thêm rằng, trước chuyến nghiên cứu, khảo sát này, ông Bách nhận được một chiếc địa bàn, món quà do ông Polepaiev gửi tặng, thể hiện tình cảm của thầy Polepaiev qua chuyến thực địa ở Crưm. Chiếc địa bàn và chiếc ống nhòm là hai vật dụng hữu ích, thân thiết của ông Bách trong quá trình nghiên cứu khảo sát ở Liên Xô. Sau này khi về nước, ông cũng sử dụng nó trong các chuyến khảo sát ở khắp các tỉnh của Việt Nam. Năm 1995, được con gái mua cho một chiếc địa bàn mới của Pháp, nhưng ông vẫn giữ chiếc địa bàn cũ Liên Xô như một kỷ vật quý giá. Ở thung lũng Ingury, đoàn khảo sát thực hiện nghiên cứu các đứt gẫy trong kỷ Đệ tứ (cách ngày nay khoảng 1-2 triệu năm), nhằm phát hiện được đặc điểm của các đứt gãy ở trong vùng, xác định được sự nguy hiểm của việc hình thành động đất ở trong lòng công trình thủy điện. Làm việc ở thung lũng sông Ingury khoảng 10 ngày thì đoàn kết thúc đợt khảo sát, trở về Moskva. Trong các lộ trình khảo sát, NCS Lê Duy Bách phát hiện được vài nơi có biểu hiện đứt gãy. Điều đó được ông trình bày trong luận án Phó tiến sĩ. Sau này ông Nicolaiev P.N cũng trích dẫn những tư liệu của ông Bách đưa vào luận án Tiến sĩ của mình, nhằm chứng minh hoạt tính kiến tạo và độ nguy hiểm của động đất.
Qua những chuyến thực địa đó, NCS Lê Duy Bách đã tập hợp được một khối lượng tài liệu đáng kể phục vụ viết luận án. Theo TSKH Lê Duy Bách, thì “những chuyến đi ấy giúp tôi những hiểu biết cơ bản để hoàn thành một bản luận án chất lượng. Một điểm quan trọng trong luận án là vấn đề dự báo động đất kích thích. Tôi là nghiên cứu sinh Việt Nam đầu tiên nghiên cứu đầy đủ về động đất kích thích. Kết quả luận án của tôi được một tập đoàn thủy công lớn của Liên Xô công nhận, và họ còn sử dụng nó khi sang Việt Nam để nghiên cứu về động đất kích thích”.
Từ Crưm đến Ingury, hành trình có lẽ là rất dài và khó hình dung với những người chưa đặt chân tới. Nhưng với TSKH Lê Duy Bách, nó là một phần đời của ông, là hành trình đã giúp ông nâng tầm kiến thức, nâng tầm bản thân và chiếm lĩnh sâu hơn về khoa học địa chất. Có lẽ chừng ấy cũng là đủ để ông không thể quên!
Nguyễn Thanh Hóa