Một phụ nữ Việt Nam lưu danh trong khoa học

Không dễ để lại “dấu ấn” trong khoa học

Ngày nay ở nước ta đã có hàng mấy nghìn giáo sư, phó giáo sư, hàng vạn tiến sĩ. Tuy nhiên, số người có phát minh, sáng chế để lại “dấu  ấn” rõ ràng trong khoa học và công nghệ  thì vẫn lưa thưa  như “thần tinh, thu diệp” (sao buổi sớm, lá mùa thu)!

Thật chẳng dễ gì lưu danh trong khoa học! Phải có khám phá độc đáo của riêng mình, thì mới mong được giới đồng nghiệp quốc tế biến họ tên mình thành thuật ngữ, như Ton That Tung method để chỉ phương pháp cắt gan khô của giáo sư Tôn Thất Tùng; hay Tuy’s cut (lát cắt Tụy), Tuy-type algorithm (thuật toán kiểu Tụy), Tụy’s inconsistency condition (điều kiện không tương thích Tụy)… – những thuật ngữ quen thuộc trong chuyên ngành lý thuyết tối ưu toàn cục mang tên nhà toán học Việt Nam Hoàng Tụy…

Nữ giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Thị Lê, Giải thưởng Kovalevskaya, Chủ tịch Hội Ký sinh trùng học Việt Nam, cũng là một người để lại “dấu ấn” trong môn sinh học đại cương qua các tên latin chỉ 1 giống mới, 17 loài mới và 3 loài phụ mới mà chị là người đầu tiên trên thế giới phát hiện cho khoa học, như: Dictyonograptus babeensis Nguyen, 1978: Rattus fulvescens; Platynotrema langsonensis Nguyen, 1968: Lophura nycthemera; v.v. Chữ Nguyen (không dấu) trong các thuật ngữ quốc tế ấy chính là họ Nguyễn của chị Nguyễn Thị Lê, một người con của miền nam tập kết và trưởng thành trên đất bắc.                                    

Nhà ký sinh trùng học nổi tiếng ở Đông-Nam Á

Trăng bao nhiêu tuổi trăng già?
Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non?

“Trăng già”, “núi non” – sự chơi chữ “già”, “non” rất mực ý nhị. Tuy nhiên, bên cạnh tài hoa chơi chữ, câu ca dao ấy còn cho ta thấy sự bất lực hiển nhiên của trí tuệ người xưa trước tự nhiên trường cửu! Ai mà biết nổi tuổi của “trăng già”, “núi non”!

Ngày nay, tình hình đã khác. Kiến tạo học, địa chất học giúp ta có thể tính tuổi khá chính xác cho sông, núi, biển, hồ… Và vũ trụ học cho ta biết tuổi của Mặt trăng, Mặt trời, của các thiên hà và của cả Vũ trụ bao la nơi chúng ta đang tồn tại và tư duy mải miết…

Một lần đi qua Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội, tôi chợt dừng lại ít phút bên cái tủ ảnh và tình cờ nhìn thấy tấm ảnh chụp một loài chim mới được phát hiện trên đất nước Phù Tang – một loài chim mà các nhà điểu học trên toàn thế giới chưa từng biết tới. Dưới tấm ảnh có ghi dòng chú thích: “Một sự kiện khoa học đáng chú ý”.

Đánh giá như vậy có quá đáng không?

Chắc là không! Bởi vì, sau mấy trăm năm phát triển, sinh học đại cương ngày nay đã hoàn thiện đến mức: Phát hiện được một loài động vật hay thực vật mới là điều vô cùng khó khăn!

“Chim trời, cá nước” – những thứ xưa kia tưởng chừng không ai biết chắc, thì hiện nay, đều đã được đặt tên và mô tả tỉ mỉ, rồi xếp thành nhiều thứ bậc: ngành – lớp – bộ – họ – giống – loài – loài phụ. Giờ đây, phát hiện được một loài mới – hay thậm chí một loài phụ mới – được coi như “một sự kiện khoa học đáng chú ý”. Và, theo bộ Luật quốc tế về danh pháp động vật và thực vật, nhà sinh học nào lần đầu tiên phát hiện loài mới ấy – hay loài phụ mới ấy – được quyền lấy họ của mình đặt ngay sau “đứa con” do chính mình “đẻ ra” và hiến dâng cho khoa học.

Vậy cái khó là ở chỗ nào? Chính là ở  chỗ: Phải biết rõ, nắm chắc tất cả các giống, loài đã từng được phát hiện, mô tả, đặt tên và công bố trong tất cả các sách chuyên khảo và tạp chí chuyên ngành của bất cứ nước nào trên thế giới. Phải hiểu sâu, biết rộng, nắm chắc như vậy, thì mới có cơ sở đủ tin cậy để mà so sánh với mẫu vật mình vừa phát hiện, rồi từ đó, mới dám khẳng định nó có phải là giống mới, loài mới hay không. Nếu quả quyết một cách vội vã, thì chẳng phải đợi chờ quá lâu, chỉ độ vài tháng sau, thế nào cũng bị các nhà bác học từ khắp nơi trên thế giới lên tiếng công khai và thẳng thừng bác bỏ! Trong khoa học không thể có chuyện “ù xọe”, “chín bỏ làm mười”!

 Vì những lẽ trên, nhiều nhà sinh học đại cương có uy tín ở nước ngoài đánh giá cao bản luận án tiến sĩ khoa học của chị  Nguyễn Thị Lê, coi đó là một đóng góp quan trọng cho khoa học, là công trình đầu tiên về sán lá hoàn chỉnh, có hệ thống và toàn diện ở một nước nhiệt đới trong vùng Đông-Nam Á, một tài liệu quý phục vụ giảng dạy, nghiên cứu cũng như phòng và chữa bệnh cho gia súc, gia cầm.

d

GS, TSKH Nguyễn Thị Lê trong phòng thí nghiệm ký sinh trùng học Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Trong bản luận án của mình, Nguyễn Thị Lê lần đầu tiên tìm thấy ở chim và thú Việt Nam 305 loài sán lá, trong đó có 106 loài mới đối với khu hệ sán lá Việt Nam, 91 loài tìm thấy ở vật chủ mới. Trên mẫu vật Việt Nam, chị đã phát hiện 1 giống mới (thuộc họ phụ mới), 17 loài mới và 3 loài phụ mới đối với khoa học. Mỗi con số trên đây – nhất là mấy con số trong dòng chữ ngả – thật sự là một khám phá làm phong phú thêm kho tàng sinh học đại cương ở nước ta và thế giới.

Để có được mấy con số ngắn ngủi “khô khan” đó, chị Lê đã phải lao động miệt mài trong một phần tư thế kỷ, từ khi còn là một nữ sinh viên 16 tuổi cho đến khi trở thành một tiến sĩ 26 tuổi, rồi tiến sĩ khoa học 41 tuổi, “một nhà ký sinh trùng học nổi tiếng ở Đông-Nam Á” (theo lời đánh giá của Viện Nghiên cứu Giun Sán thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô trước đây). 

Đưa tên đất, tên người Việt Nam vào khoa học

Chúng ta hãy cùng nhau đọc lướt qua bản luận án tiến sĩ khoa học của chị Lê trong nguyên văn tiếng Nga, và dừng lại ở những cái tên latin. Đầu tiên là dòng Dictyonograptus babeensis Nguyen, 1978: Rattus fulvescens.

Chữ “Nguyen” (không dấu) ở đây chính là họ Nguyễn của chị Lê. Chị là người đầu tiên trên thế giới phát hiện và mô tả loài  động vật này, do đó, theo đúng bộ Luật quốc tế về danh pháp động vật và thực vật, chị có quyền đặt tên cho loài mới đó, và họ Nguyễn của chị mãi mãi đi liền với cái tên khoa học ấy, mãi mãi “lưu danh” trong các sách giáo khoa và sách chuyên khảo về sinh học đại cương của bất cứ nước nào, ở bất cứ phương trời nào.

Nhưng trước chữ “Nguyen”, tại sao lại có chữ “babeensis”? Câu chuyện hơi dài…

Những năm ở tuổi 20 sôi nổi, với tư cách một phụ giảng trẻ, ngoài thời gian làm việc tại Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, chị Lê thường cùng một số thầy giáo trong Khoa Sinh học đi về  các địa phương, điều tra chim, thú và ký  sinh trùng. Giáo sư Đào Văn Tiến chú ý nhiều đến các loài thú nhỏ. Giảng viên Võ Quý sưu tầm các mẫu vật về chim. Còn chị Lê thì lo tìm các ký sinh trùng, các loài sán lá.

Chuyến đó đoàn điều tra “hạ trại” ngay bên hồ Ba Bể.

Tối hôm ấy chị Lê mổ một con chuột rừng (tên khoa học là Rattus fulvescens) do chị bẫy được ở khu rừng xanh rậm rì dưới chân núi Pi-a Bi-oóc. Trong gan con chuột, chị trông thấy một chú sán lá hình thù hơi khác lạ. Ngâm vào cồn 80 độ, chị mang về Hà Nội, nhuộm, rồi lên tiêu bản, soi dưới kính hiển vi, đo kích thước. Chị biết ngay con vật bé tí ti kia thuộc giống Dictyonograptus. Giống này trên thế giới người ta chỉ mới tìm thấy 1 loài, và được mô tả lần đầu tiên ở Brazil, sau đó, chưa ai tìm thấy lại ở nơi nào khác.

Loài mà chị Lê vừa phát hiện chính là loài thứ 2 thuộc giống đó. Để ghi nhớ địa danh Ba Bể, nơi tìm thấy loài ấy, chị Lê đặt tên cho nó là: Dictyonograptus babeensis Nguyen, 1978: Rattus fulvescens. Chữ babeensis chính là biến thể của địa danh Ba Bể. Phát hiện loài mới này từ năm 1968, nhưng phải chờ 10 năm sau, đến năm 1978, khi sang Matxcơva, làm cộng tác viên cao cấp của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, có trong tay đầy đủ thông tin, chị mới dám khẳng định.

Chị Lê cũng là người đầu tiên trên thế giới tìm thấy loài thứ ba của giống nói trên ký sinh trên chuột cống, và chị đặt cho nó cái tên: Dictyonograptus vietnamensis Nguyen, 1978: Rattus rattus. Chữ vietnamensis chính là biến thể của Việt Nam.

Chị còn tìm thấy một loài mới ký sinh trên gà lôi ở Lạng Sơn, trong những năm người Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc Việt Nam, và đặt cho nó cái tên: Platynotrema langsonensis Nguyen, 1968: Lophura nycthemera. Chữ langsonensis là biến thể của Lạng Sơn.

Nếu đọc tiếp bảng tên latin, ta sẽ còn nhiều lần bắt gặp những chữ Nguyen, vietnamensis, vietnamense... Tất cả các giống, loài, loài phụ mới do chị phát hiện đều được cộng đồng sinh học quốc tế kiểm tra kỹ càng, rồi chính thức công nhận.

Những nghiên cứu cơ bản của giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Thị Lê (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) là đóng góp có giá trị vào việc phòng và chữa bệnh gia súc, gia cầm ở nước ta, và không riêng ở nước ta.

Từ một học sinh miền nam tập kết…

GS, TSKH Nguyễn Thị Lê sinh ngày 28/12/1939 tại xã Tam Nghĩa,  huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Năm lên ba, cô bé Lê khóc thét lên khi thấy cảnh binh Pháp còng tay cha mình giải khỏi nhà, đưa ra giam tại nhà tù Lao Bảo, Quảng Trị. Ít lâu sau, nghe tin ông vượt ngục, bí mật quay về Quảng Nam, tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945.

Năm 1954, sau Hiệp nghị Geneva, mới 15 tuổi, Nguyễn Thị Lê từ biệt cha mẹ, tập kết ra bắc. Cha mẹ chị ở lại trong nam, nằm bờ nằm bụi, cố giữ vững phong trào…

Theo lời dặn của cha, chị Lê hết sức phấn đầu, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, rồi luận án tiến sĩ khoa học tại Liên Xô (cũ). Chị là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được nhận học vị tiến sĩ khoa học. Trở về nước, chị được công nhận chức danh giáo sư, được bầu làm Chủ tịch Hội Ký sinh trùng học Việt Nam, và được tặng Giải thưởng Kovalevskaya.

Hàm Châu

Nguồn: bee.net.vn/channel/1984/201007/Mot-phu-nu-Viet-Nam-luu-danh-trong-khoa-hoc-1758027/