Một sáng tạo trong điều trị xương di lệch

Bệnh viện 41 (tách từ Viện IV Quân khu IV) đóng tại tỉnh Quảng Bình là nơi đón nhận thương bệnh binh từ chiến trường ra. Qua nhiều trạm chuyển thương, thường phải sau hai đến ba tuần, thương binh mới được chuyển đến Bệnh viện 41. Trường hợp những thương binh bị gãy xương hở do hoả khí thì xương thường vỡ làm nhiều mảnh, được bó bột hoặc cố định bằng nẹp, nhưng không có điều kiện kiểm tra bằng X-quang. Đến tuyến bệnh viện trên, khi chụp X-quang thấy hai đầu xương di lệch nhiều, nếu không chỉnh kịp thời sẽ bị lệch vẹo, xương chậm liền, khớp giả…ảnh hưởng lớn đến chức năng đi lại, cử động khó khăn, chữa trị sẽ kéo dài nhiều năm rất tốn kém.

Trăn trở trước thực trạng những di chứng ở bệnh nhân bị gãy xương, năm 1965, trên cương vị Viện phó Viện Quân y 41 kiêm Chủ nhiệm Khoa Ngoại 1, BS Lưu Văn Thắng đã vận dụng các kiến thức học ở trường Đại học Y khoa, tham khảo sách Bệnh lý Ngoại khoa (Pathologie Chirurgicale PATEL) tiếng Pháp, Tạp chí Ngoại khoa tiếng Nga nói về phương pháp Ilizarov kéo dài xương… bằng cách xuyên đinh Kirchner qua đầu xương, để tìm ra phương hướng khắc phục tình trạng trên.

Từ nghiên cứu phương pháp Ilizarov, BS Lưu Văn Thắng đã nảy ra ý tưởng điều trị những trường hợp xương bị di lệch bằng phương pháp xuyên đinh qua đầu xương, dùng bột, máng làm nơi tựa, dùng dụng cụ đơn giản kéo đinh chỉnh di lệch, cố định bằng khoá đinh.

                                                                                                    

Bộ Dụng cụ điều trị xương di lệch – một sáng tạo của BS Lưu Văn Thắng

Từ năm 1965 đến năm 1975, phương pháp trên được ứng dụng cho 23 ca gãy xương được điều trị tại Bệnh viện 41, có kết quả tốt, trong đó có 7 trường hợp gãy hở và 16 trường hợp gãy kín. Với phương pháp tiến hành và dụng cụ đơn giản, ít gây bội nhiễm, sáng kiến của BS Lưu Văn Thắng có thể áp dụng ở những Bệnh viện tuyến cơ sở, trong điều kiện phương tiện chuyên khoa còn hạn chế.

Những kết quả ứng dụng Bộ dụng cụ trong thực tế được BS Lưu Văn Thắng báo cáo tại: Hội nghị Khoa học kỹ thuật; Các Bệnh viện Quân y: V9, V4, V5 (Ninh Bình), V17 (Đà Nẵng), V121 (Cần Thơ)…; Bệnh viện Dân Y (BV Thái Bình, BV Huế, BV Quảng Bình)… Đồng thời còn được đăng tải trên Tạp chí Y học Thực hành (Bộ Y Tế); trong Tài liệu học tập và tham khảo (Cục Quân Y).

Năm 1975, BS Lưu Văn Thắng trình bày kết quả nghiên cứu của mình với GS Tôn Thất Tùng tại Bệnh viện Việt – Đức. Sáng kiến của ông được GS Tôn Thất Tùng đánh giá cao: “Tôi đánh giá rất cao sáng kiến của BS Lưu Văn Thắng (BS Quân y Bệnh viện 41, Quân khu IV) về một phương tiện chỉnh ngoài để điều trị các xương gãy bị lệch (đặc biệt gãy xương ống). Kết quả kiểm tra rất tốt NÊN PHỔ BIẾN”.

                                                                                                            

Bản viết tay Ý kiến đánh giá của GS Tôn Thất Tùng, ngày 18-1-1975

Đồng thời GS Tôn Thất Tùng giới thiệu sáng kiến này lên Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế kiêm Cục trưởng Cục Quân Y- Thiếu tướng Vũ Văn Cẩn: “Kính gửi anh Vũ Văn Cẩn. Đây là một sáng kiến rất quý báu đối với các cán bộ xa Hà Nội. Xin anh cho khen thưởng”. Thiếu tướng Vũ Văn Cẩn xem và đánh giá: “Tôi đã kiểm tra và nhận thấy rất có giá trị, yêu cầu Cục Quân y thông qua Viện 109 xác nhận sáng kiến này, sau đó Vụ Quản lý Khoa học kỹ thuật xem xét khen thưởng và cho phổ biến ngoài dân”.[1]

Hơn 40 năm trôi qua, Bộ Dụng cụ chỉnh các xương gãy bị lệch vẫn được BS Lưu Văn Thắng lưu giữ một cách cẩn thận để làm kỷ niệm. Bộ Dụng cụ hiện gồm: Đầu kim loại ổn định và định hướng đinh Kirchner khi xuyên qua xương; Đầu khoan lắp đinh Kirchner (nhỏ) và đinh Steinman (to); Dụng cụ đo góc độ; Vòng thép không gỉ gá vào bột bó, mang khoá đinh, lắp dụng cụ chỉnh để chỉnh di lệch (khi dùng đinh Steinman); Đinh Kirchner (nhỏ) và đinh Steinman (to).

Trong dịp gặp PGS.TS Nguyễn Văn Huy – Giám đốc chuyên môn Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đang công tác tại thành phố Hồ Chí Minh, BS Lưu Văn Thắng đã trực tiếp trao tặng Bộ hiện vật trên cho Trung tâm lưu giữ, phục vụ công tác nghiên cứu di sản nhà khoa học.

 

Bác sĩ CKII Lưu Văn Thắng sinh ngày 12-12-1927 tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

1950-1958: Học và tốt nghiệp trường Đại học Y khoa Hà Nội.

1959-1961: Cục trưởng Quân y 341.

1961-1963: Viện trưởng Viện Hồng thập tự ởXiêng Khoảng, Lào.

1963-1964: Chủ nhiệm Khoa Ngoại chung, Viện 4, Quân khu IV.

1965-1975: Viện phó Viện Quân y 41, kiêm Chủ nhiệm Khoa Ngoại I.

1976-1979: Viện phó Viện Quân y 268 ở Huế.

1980-1982: Viện trưởng Viện 268.

1983-1989: Chủ nhiệm Khoa; Phòng khám, Viện Quân y 175.

1989: Nghỉ hưu

Hoàng Thị Liêm

_______________________

[1] Trích Ý kiến của GS Tôn Thất Tùng và Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế -Thiếu tướng Vũ Văn Cẩn tại trang bìa bản Báo cáo nghiên cứu khoa học "Kết quả áp dụng một phương pháp cải tiến chỉnh di lệch ngang bằng cách xuyên đinh ngoài ổ gẫy trong điều trị gẫy xương" của BS Lưu Văn Thắng và Y sĩ Nguyễn Hữu Hào.