Một tài liệu giáo khoa đặc biệt

GS.TSKH Nguyễn Mạnh Liên, nguyên là Chủ nhiệm Bộ môn Vệ sinh quân đội, Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng. Vở ghi bài giảng khi ông học tại Trường Đại học Y ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang trong khoảng thời gian 1951-1952, và được dùng làm tài liệu mang theo để học khi đi chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp.

Tháng 10-1950, Trường Đại học Y khoa Hà Nội sơ tán khai giảng lớp Y khoa khóa 1950 tại Lãng Quán, Tuyên Quang. Sinh viên lớp Đại học Y khóa 1950 (Y50) gồm 40 người, là những trí thức trẻ đến từ Trường Bưởi (sơ tán tại Phú Thọ), Trường trung học Nguyễn Thượng Hiền tại Thanh Hóa, Trường trung học Huỳnh Thúc Kháng tại Hà Tĩnh. Họ vốn là những học sinh đã từng tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền trong Cách mạng tháng Tám. Khóa học này các sinh viên được đào tạo theo phương pháp thời chiến để mau chóng bổ sung cho lực lượng quân y chiến trường. Họ được đào tạo cấp tốc theo chương trình y học thời chiến, vừa đảm bảo chương trình cơ bản 6 năm ngành đại học, vừa cải cách phù hợp với nhu cầu nhiệm vụ lúc bấy giờ. Hình thức vừa học vừa thực hành ngay trong thực tế, đảm bảo phục vụ cán bộ chiến sĩ, dân công hỏa tuyến trên trận địa.

Lớp Y50 học được 6 tháng, chủ yếu học về các môn: Cốt học, nội khoa dã chiến, học băng bó, cáng thương, vận chuyển thương binh,… thì đã lên đường đi chiến dịch. Kết thúc chiến dịch, họ lại trở về xây dựng trường lớp, tiếp tục học. Do điều kiện học tập như thế nên khi còn được học ở trường, các sinh viên đều rất chú trọng việc ghi chép: chép sách để tự học, ghi chép bài giảng của thầy để về nhà học, hoặc mang đi theo chiến dịch tranh thủ lúc rảnh rỗi để học, đặc biệt trong khi tác nghiệp cấp cứu cho thương binh, những bài giảng ghi chép được chính là cẩm nang cho họ tham khảo. Những tư liệu ghi chép được còn được dùng để dạy lại cho sinh viên khóa sau: Y52.

Vở ghi chép bài giảng năm 1952 của GS.TSKH Nguyễn Mạnh Liên

Cuốn vở mà GS Nguyễn Mạnh Liên giữ suốt hơn 60 năm qua là cuốn vở ghi bài giảng của của các thầy giáo như: bác sĩ Đỗ Xuân Hợp, GS Tôn Thất Tùng, bác sĩ Nguyễn Dương Quang, GS Đặng Văn Ngữ… Nội dung chủ yếu là các vấn đề về tim, giải phẫu, về nội khoa, về thần kinh, về cơ, mô,…. Vở được ghi khá tỉ mỉ, bên cạnh còn có những hình vẽ mô tả các bộ phận trong cơ thể người. Vở được đóng bằng loại giấy thô, đen là loại giấy do ta tự sản xuất được từ tre, nứa trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp – một trong những nhu yếu phẩm tối thiểu mà sinh viên được cấp phát thời kỳ đó. 130 trang ghi chép đều bằng tiếng Pháp trên khổ giấy 14,5x22cm. Qua 60 năm chỉ khâu đã đứt, các tờ giấy đã rời nhau, một vài tờ bắt đầu mủn, rách các góc, nhưng vẫn phẳng phiu, từng nét viết trên giấy vẫn còn rõ ràng, chứng tỏ chủ nhân của nó đã hết sức nâng niu, trân trọng giữ gìn.

Giờ đây, cuốn vở không chỉ là kỷ vật riêng của một con người, nó còn là một phần của lịch sử đào tạo y khoa, một phần của lịch sử dân tộc Việt Nam.

 

Nguyễn Thanh Hóa