GS.TS Lê Quang Long
Sự nghiệp của GS Lê Quang Long gắn với những nghiên cứu chuyên sâu về sinh lý người và động vật, sinh lý trẻ em, sinh lý thực nghiệm, sinh lý ứng dụng, sinh lý thần kinh cấp cao. Đóng góp nổi bật của GS Lê Quang Long là biên soạn nhiều bộ từ điển về động thực vật. Các bộ từ điển được ông biên soạn là sách công cụ tốt cho chuyên ngành sinh học, đến nay vẫn được sử dụng, có thể kể đến như: Từ điển sinh học Nga – Việt (20.000 thuật ngữ), xuất bản năm 1962, Từ điển sinh học Nga – Việt (30.000 thuật ngữ) xuất bản năm 1976, Từ điển hoa, Từ điển cây, Từ điển cá, ông còn đồng biên soạn và hiệu đính Từ điển sinh học Anh – Việt… Nhiều công trình của ông đã được nhận giải thưởng Văn học nghệ thuật, Huy chương bạc về sách đẹp, sách hay, tiêu biểu như: Từ điển tranh về các loại củ quả, Từ điển tranh về các loại cây, Hoa cỏ đồng nội.
Trong sự nghiệp làm thầy, GS Lê Quang Long đã giảng dạy và thỉnh giảng ở 37 trường đại học, cao đẳng trong nước và ngoài nước, tham gia đào tạo từ xa ở nhiều tỉnh từ bắc đến nam. Ngoài chuyên môn sâu, ông có khả năng giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Pháp cho một số trường chuyên, trường liên kết quốc tế Pháp – Việt trên địa bàn Hà Nội. GS Lê Quang Long còn tham gia giảng dạy tại trường Đại học Antananarivo (Madagasca), thỉnh giảng ở Đại học Viêng Chăn (Lào), Đại học Phnom Pênh (Campuchia). Ông được nhà nước Campuchia tặng thưởng Huân chương Hữu nghị do những đóng góp phục hồi nền đại học Campuchia sau nạn diệt chủng thời Pôn Pốt.
Trong các thế hệ học trò của Giáo sư, nhiều người đã trở thành những nhà hoạt động chính trị, xã hội, quân sự, khoa học và giáo dục có nhiều đóng góp như: GS Nguyễn Lân Dũng, GS Tống Duy Thanh, PGS Trần Xuân Nhĩ, GS Phan Nguyên Hồng, GS Phạm Thị Trân Châu, GS Trần Kiên; GS Nguyễn Đình Giậu, PGS Lương Ngọc Toản; GS.TSKH Thái Trần Bái…
Giá chụp ảnh tự chế của GS Lê Quang Long.
GS Lê Quang Long còn tham gia nhiều hoạt động xã hội với những cương vị quan trọng như: Phó chủ tịch Hội Sinh lý Việt Nam, Ủy viên BCH Trung ương Hội các ngành sinh học Việt Nam.
Là nhà giáo và nhà khoa học, nhưng Giáo sư Long rất yêu thơ, làm nhiều thơ. Nhiều học trò còn nhớ thầy Long có biệt tài vẽ hình minh họa trên bảng bằng cả hai tay một lúc.
GS Lê Quang Long là một tấm gương làm việc cần mẫn không ngừng nghỉ. Trong số hơn 100 đầu sách, có hơn 50 cuốn sách được ông viết sau khi đã nghỉ hưu. Nay đã ở tuổi 90, ông vẫn miệt mài viết, dịch sách và tham gia hoạt động đào tạo của Khoa Sinh học.
Gần đây, GS Lê Quang Long đã trao tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam hơn 5.000 đơn vị tài liệu hiện vật. Đây là nguồn tư liệu quan trọng cho việc nghiên cứu về tiểu sử, cuộc đời GS Lê Quang Long và cũng là những tư liệu quý cho việc nghiên cứu về những bước tiến trong lĩnh vực sinh lý học ở người và động vật và về sự phát triển của ngành sinh học nói chung ở Việt Nam.
Lễ tiếp nhận bộ sưu tập tài liệu hiện vật của GS.TS Lê Quang Long được Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tổ chức ngày 21-6 tại Hà Nội.
Ngữ Thiên
Nguồn: http://www.nhandan.com.vn