Một tấm gương về học tập suốt đời

Giáo sư Nguyễn Thúc Tùng sinh năm 1916 tại Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp trường thuốc năm 1945, đất nước đang có chiến tranh ông đã xin nhập ngũ và xung phong vào chiến trường Liên khu V. Trong những năm chiến tranh, tài liệu tham khảo phục vụ cho công tác đào tạo và nghiên cứu luôn thiếu và để khắc phục khó khăn đó bác sĩ Nguyễn Thúc Tùng đã ghi chép lại những thông tin mà ông “có” được từ nhiều nguồn khác nhau vào những cuốn sổ để làm tư liệu tham khảo. Có lẽ từ đó việc đọc và ghi chép đã trở thành thói quen hàng ngày và thói quen đó đã “tích cóp” được một lượng kiến thức khá lớn giúp ích cho ông rất nhiều trong quá trình công tác và nghiên cứu khoa học của ông cho đến cuối đời.

Chiến tranh chống Pháp kết thúc, năm 1956 bác sĩ Nguyễn Thúc Tùng về công tác tại Viện Quân y 108. Trong môi trường làm việc mới, công việc đòi hỏi bác sĩ Nguyễn Thúc Tùng phải tự nỗ lực, trau dồi, bổ sung kiến thức chuyên môn để đáp ứng được yêu cầu công việc đề ra. GS.TS Nguyễn Thúc Tùng chia sẻ: “Trong lúc tôi công tác thì thì nhất định phải đọc, phải tìm hiểu tài liệu thế là tôi đọc đến đâu tôi chép lại đến đấy…”

Năm 1980, BS Nguyễn Thúc Tùng là Ủy viên Hội đồng Y học quân sự được giao nhiệm vụ: Nghiên cứu về vấn đề quản lý bệnh viện trong thời bình. Để làm tốt được công việc được giao, ngoài việc kiểm tra hàng chục bệnh viện rút ra kinh nghiệm nhằm củng cố phát triển hệ thống y tế phục vụ nhân dân một cách tốt nhất, BS Nguyễn Thúc Tùng còn phải tìm đọc rất nhiều tài liệu để bổ sung cho kiến thức của mình. GS Nguyễn Thúc Tùng cho biết: “Bắt đầu từ năm ‘80, lúc cơ chế đã mở, nguồn tài liệu của Pháp, của Thụy Sĩ, của Anh, của Mỹ của Canađa, của Áo của y học thế giới… cũng có rất nhiều”[1]. Đặc biệt là những tài liệu về chuyên ngành: “Lớp quản lý bệnh viện” của Maruk; “Tổ chức các bệnh viện các tuyển quân y Mỹ”; “Tổ chức quân y tiền tuyến của Pháp”; “Kỹ thuật quản lý bệnh viện điện tử I; II; “Bệnh viện khu vực dân y Ba Lan”; “Các chức trách ở viện”… đã giúp ông định hình và có những đóng góp hữu ích trong việc đưa ra các mô hình quản lý bệnh viện cho phù hợp trong điều kiện thời bình ở nước ta.

Đặc biệt trong thời gian này, ngoài việc tìm đọc các tài liệu nghiên cứu phục vụ cho việc quản lý bệnh viện, BS Nguyễn Thúc Tùng cũng đã đi sâu tìm hiểu ứng dụng đưa phần mềm máy tính vào việc quản lý hồ sơ, giấy tờ trong bệnh viện bởi ông đã sớm nhận thấy được sự tiện ích, hiệu quả khi đưa những ứng dụng trong công nghệ thông tin vào trong công tác quản lý. Ngoài ra, GS Nguyễn Thúc Tùng còn tham gia giảng cho các lớp tập huấn về vấn đề quản lý bệnh viện trong thời bình, từ những vấn đề về “Vệ sinh vô trùng bệnh viện”, đến “Điều trị toàn diện ở bệnh viện” và “Các chức trách ở bệnh viện”… cho các Viện trưởng.

Giáo sư Nguyễn Thúc Tùng cho biết: “Tôi về hưu năm 1990 đúng lúc phong trào đổi mới đang diễn ra, có những vấn đề về kinh tế, lịch sử, tôn giáo, triết học, khóa học lịch sử… tất cả đều có nhiều điều mới mẻ mà trước kia mình không cập nhật được”[2]. Những vấn đề về lịch sử, kinh tế, những khái niệm mà trước kia GS Nguyễn Thúc Tùng chưa có điều kiện tìm hiểu thì nay đều được Giáo sư đọc và tìm hiểu rất kỹ. Có thể nói, khi có điều kiện tiếp cận với nguồn tài liệu tham khảo phong phú GS Nguyễn Thúc Tùng đã tìm thấy một “kho” tài liệu để hiểu thêm về lịch sử thế giới như Lịch sử Hy Lạp; Lịch sử La Mã; về vấn đề Nho giáo… và cả những khái niệm mới kinh tế thị trường trong lĩnh vực kinh tế.

Tra cứu tài liệu hàng ngày là cách để
GS Nguyễn Thúc Tùng trau dồi về tư duy và trí nhớ

Không chỉ đọc và ghi chép những thông tin từ sách, báo… GS Nguyễn Thúc Tùng còn tự học thêm tiếng Đức và tiếng Trung qua các chương trình dạy tiếng nước ngoài. Ông cho biết: “Khi ti vi bắt đầu dạy các chương trình ngoại ngữ thì tôi học tiếng Đức qua ti vi… với ý định muốn mượn sách từ thư viện của Đại sứ quán Đức ở Việt Nam. Sau đó, tôi muốn học một ít tiếng Trung Quốc để xã giao, học để nói được và tôi cũng đã nói được ít”[3].

Những cuốn sổ ghi chép từ việc góp nhặt thông tin hàng ngày của bác sĩ Nguyễn Thúc Tùng ngày càng nhiều thêm và những nội dung ghi chép cũng dần phong phú hơn. Ông đọc từ các tài liệu mượn của bạn bè, đồng nghiệp hoặc được gửi tặng. Ngoài ra ông còn đến các thư viện Hà Nội, thư viện Alliance Francaise, thư viện do Đại sứ quán Đức mở tại Hà Nội… để tìm đọc và bổ sung thêm vốn kiến thức của mình. Thông tin trong quá trình đọc và học hỏi được ông ghi bằng nhiều thứ tiếng như tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Pháp. GS Nguyễn Thúc Tùng tâm sự: “Tính tôi thích nghiên cứu nắm tình hình cho nên tôi đọc rất nhiều… tôi ghi những cái gì mà tôi không hiểu, không biết hay là những gì mới lạ, do ghi chép và học tập như thế cho nên tôi cũng biết sử dụng một số kỹ thuật tương đối hiện đại chẳng hạn về điện tử… và một số thành tựu của về y học về phẫu thuật, về những khoa học có tiến bộ kỹ thuật rất nhanh chẳng hạn như khoa học vũ trụ, về gen, nano và lịch sử nữa tôi cũng học được rất nhiều… Đó cũng là cách để tôi trau dồi về tư duy và trí nhớ”[4].

Trong quá trình làm việc với GS Nguyễn Thúc Tùng được biết trải qua thời gian một số quyển sổ ghi chép của ông đến nay chỉ còn lại giữ lại được 10 cuốn sổ trong đó có 7 cuốn ghi các thông tin về nhiều lĩnh vực khác nhau và 3 cuốn sổ ghi chép tự học tiếng Đức, tiếng Trung, tiếng Anh. Trong từng cuốn sổ GS Nguyễn Thúc Tùng ghi chép rất cẩn thận, trình bày khoa học, mỗi quyển đều đánh số trang và có phần mục lục để dễ dàng cho việc tra cứu, trên trang bìa đều được đánh thứ tự số quyển. Trong số 10 cuốn sổ, đặc biệt có 2 cuốn là quà tặng GS Nguyễn Thúc Tùng trong ngày cưới từ năm 1957 và 3 cuốn là do ông tận dụng từ những tờ giấy cũ tự đóng thành quyển để ghi chép học Ngoại ngữ. Những cuốn sổ ghi chép đã được GS Nguyễn Thúc Tùng tin tưởng trao tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam trong quá trình làm việc với Trung tâm vào năm 2011.

Dù ông đã đi xa nhưng hình ảnh về vị Giáo sư có vóc người nhỏ bé luôn miệt mài học tập và nghiên cứu sẽ mãi là tấm gương sáng để cho thế hệ sau noi theo. Sưu tập những cuốn sổ ghi chép của GS Nguyễn Thúc Tùng sẽ là nguồn tư liệu quý trong nghiên cứu, khai thác về một chủ đề, một tấm gương học tập suốt đời.

Giang Thị Nhung

__________________

[1] Ghi âm phỏng vấn GS Nguyễn Thúc Tùng, 10-6-2011.

[2] Ghi âm phỏng vấn GS Nguyễn Thúc Tùng, 10-6-2011.

[3] Ghi âm phỏng vấn GS Nguyễn Thúc Tùng, 4-5-2011.

[4] Ghi âm phỏng vấn GS Nguyễn Thúc Tùng, 4-5-2011.