Một thế kỷ qua những mẩu chuyện đời

Di sản ký ức là một khái niệm mới trong lĩnh vực bảo tàng và văn hóa. Trên thế giới, từ cuối thế kỷ XX, UNESCO đã phát động chương trình Ký ức thế giới để kêu gọi toàn thể nhân loại cùng góp phần bảo tồn các loại tài liệu, nhất là ký ức của con người. Ở Việt Nam, di sản ký ức vẫn là một vấn đề mới. Di sản ký ức ở đây được hiểu đơn giản và cụ thể hơn là những ký ức về lịch sử, về xã hội còn lưu lại trong trí nhớ của con người. Với các nhà khoa học, những câu chuyện, những kỷ niệm về quê hương, gia đình, quá trình học tập, nghiên cứu khoa học và giảng dạy, những câu chuyện trong cuộc sống đời thường, về các bạn bè, đồng nghiệp… là những di sản ký ức quan trọng. Những câu chuyện này thể hiện những hiện thực khác nhau qua  nhận thức của một con người cụ thể về điều kiện, bối cảnh xã hội mà họ từng trải qua.
GS Văn Tạo[1] là một trong những nhà khoa học sớm nhận thức về di sản ký ức và chia sẻ với Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. : “Trước đây, tôi nghĩ chỉ những tài liệu giấy có giá trị, liên quan đến các nhân vật nổi tiếng thì mới lưu giữ và xem đó là tư liệu lưu trữ. Chỉ ký ức của những người nổi tiếng mới là tài liệu và họ viết hồi ký là một cách thể hiện ký ức của mình. Tuy nhiên, qua các buổi trò chuyện, phỏng vấn với Trung tâm, tôi thấy càng kể lại các câu chuyện thì càng nhớ thêm về nhiều chi tiết, câu chuyện mới liên quan. Và khi nghĩ lại thấy nó có ý nghĩa, có giá trị lớn chứ không phải như trước nay mình nghĩ”[2]. Và ông quyết định mua đài và băng về tự ghi âm những câu chuyện liên quan đến cuộc đời mình. Những lúc sức khỏe tốt, ông ngồi một mình bật đài và kể lại những câu chuyện của cuộc đời mình, từ quê hương, gia đình, thời thơ ấu, học tập và hoạt động khoa học, giảng dạy. Từ năm 2009 đến 2013, ông đã hoàn thành 118 băng ghi âm mà ông đặt tên là “Một thế kỷ qua những mẩu chuyện đời” và trao tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam lưu giữ. Như ông tâm sự: “Con người ít ai sống đến trăm tuổi để mà kể chuyện cả thế kỷ của mình. Nhưng tôi may mắn được sống đến giờ đã ngoài tám mươi tuổi, tức là 4/5 thế kỷ, lại may mắn được chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử lớn của dân tộc, được làm việc ở cơ quan đầu não về khoa học xã hội từ khi mới thành lập và có duyên được làm việc, tiếp xúc với nhiều nhân vật mà tôi nghĩ mang tầm lịch sử. Vậy nên tôi muốn kể lại những chuyện mà tôi biết, tôi nghĩ về một thế kỷ qua bằng chính những câu chuyện của cuộc đời”[3].
Một số băng chi âm trong bộ “Một thế kỷ qua những mẩu chuyện đời” của GS Văn Tạo lưu trữ tại Trung tâm

 “Một thế kỷ qua những mẩu chuyện đời” là một bộ tài liệu quý không chỉ liên quan đến cuộc đời GS Văn Tạo mà còn có nhiều thông tin liên quan đến các vấn đề lịch sử khoa học xã hội Việt Nam, về các nhân vật khác. Các tư liệu này thể hiện những câu chuyện ở những góc độ khác nhau liên quan đến nhiều vấn đề lớn của một thế kỷ thông qua lời kể của một con người, một nhân chứng. Không chỉ vậy, tác giả là một nhà sử học nên việc kể lại cũng dựa trên nhiều nguồn tài liệu khác nhau. Dù là văn nói nhưng nó giống như một cuốn tiểu thuyết đồ sộ, một bộ hồi ký bằng âm thanh của một nhà sử học. Bộ tư liệu này tạo ra một bối cảnh rộng lớn với nhiều nhân vật khác nhau chứ không đơn thuần là một bản tự thuật về tiểu sử. Trong bộ tài liệu di sản ký ức này, GS Văn Tạo đã tái hiện tình hình quê hương Hải Dương của ông trong các giai đoạn khác nhau, về cuộc đời ông, về cuộc kháng chiến, về quá trình xây dựng Ban Văn Sử Địa và Viện Sử học, về các bậc đàn anh trong khoa học như Trần Huy Liệu, Minh Tranh, Nguyễn Đổng Chi, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo… hay các vị lãnh đạo đất nước như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… Từ những câu chuyện quê hương đầu thế kỷ XX mà ông được nghe kể lại, những câu chuyện giữa thế kỷ XX mà ông được chứng kiến đến những vấn đề của đất nước đầu thế kỷ XXI mà ông suy tư, trăn trở như vấn đề Bauxite Tây Nguyên, vấn đề đãi ngộ và sử dụng trí thức hiện nay… Tất cả những câu chuyện đó được ông kể lại qua lăng kính của ký ức, của tư liệu ông sưu tầm và qua suy nghĩ của một người làm nghiên cứu lịch sử. Trong đó, nổi bật lên một số nội dung mà ta có thể điểm qua: 

Ký ức về quê hương 
Với GS Văn Tạo, quê hương là một yếu tố hình thành nên con người. Đất Tứ Kỳ quê ông cũng là vùng đất có bề dày văn hóa, có truyền thống hiếu học và cách mạng: “Sông Hồng Châu đi qua làng tôi chính là nơi thuyền chiến của Trần Hưng Đạo tập kết. Một mặt từ sông Hồng Châu xuống, một mặt từ sông Thái Bình rẽ vào cửa Luộc, kéo vào sông Hóa tức là đầu huyện Vĩnh Bảo bây giờ. Đây là nơi con voi chiến của Trần Hưng Đạo mắc lầy và chết. Người ta chôn con voi ở đấy, bộ xương sau này đem về đền Trần Hưng Đạo ở Kiếp Bạc, giờ là một di tích. Lời thề Sát Thát trên cánh tay cũng bắt đầu từ chính sông Hóa này”[4] .
Hay về truyền thống học tập của quê hương, ông cũng tự hào kể lại: “Huyện Tứ Kỳ quê tôi có 47 tiến sĩ, trạng nguyên thời phong kiến, nổi tiếng như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi ở Nam Sách, ông Nghè Tân ở Gia Lộc, rồi các ông họ Vũ ở Mộ Trạch, rồi ông Phạm Quý Thích ở Lương Đường…”[5].
Hay quê hương thời cách mạng mà ông còn nhớ qua ký ức của một cậu bé: “Lúc bấy giờ mật thám nó đi rình mò rất sâu, tôi thích đọc các câu thơ văn yêu nước nhưng không biết của ai hay ở đâu. Có lần tôi mới hỏi cô tôi rằng bà nhớ cái câu này ở đâu, bà cô tôi mới đọc:
“Nay ta hát một thiên ái quốc
 Yêu gì hơn yêu nước nhà ta.
  Trang nghiêm bốn mặt sơn hà
  Ông cha ta để cho ta lọ vàng”.
Rồi bà lại giải thích rằng, Tây nó đánh ta dã man lắm, bà lại đọc:
                                                                                        “Nó coi mình như trâu, như chó
                                                                                         Nó coi mình như cỏ như rơm
                                                                                        Trâu nuôi béo, cỏ coi rờm
                                                                                         Cỏ moi rễ cỏ, trâu làm thịt trâu”.
Tôi thấy văn thơ hay quá nên hỏi bà cô tôi thì được bà cho biết là bà học được ở bà cụ Cả Khảo, tức là chị gái ông nội tôi. Cụ Cả Khảo học được các bài thơ này qua các buổi diễn thuyết và bình văn của Đông Kinh nghĩa thục”[6].
Không chỉ nói về cách mạng hay truyền thống quê hương, GS Văn Tạo còn thể hiện lại kết cấu xã hội, đặc sắc văn hóa của quê nhà trên chiều cạnh sử học. Ông kể những câu chuyện, thiết chế xã hội ở nông thôn quê ông hay các vùng nông thôn nói chung mà ông được biết. Toàn bộ được ông tường thuật lại trong băng 2 và băng 3 với những chi tiết mang tính khảo cứu của một nhà sử học chứ không chỉ là kể lại thô sơ. Từ phong trào cách mạng trong khoảng 20 năm  từ 1926 đến 1946, những câu chuyện về chính trị rồi xã hội, tự nhiên, con người, kinh tế… của vùng quê được ông tái hiện lại qua ký ức.
“Về đặc sản vùng nước lợ nên có con rươi, con ruốc, có các thứ cá như cá he, cá đuối, trạch,…rất phong phú. Có chuyện lý thú là làng tôi có nhiều thủy sản như ốc, ếch, nhái, lươn. Ông Đồng Văn Rục, một trí thức cũ trong làng có nói với tôi rằng: trên đình người ta làm đồ thờ có long, ly, quy, phượng thì gọi là tứ linh hay có tứ linh thiên. Còn ở quê ta có tứ linh địa là: ốc, ếch, nhệch, lươn”[7]. 

Ký ức về thời đi học 
Bản thân GS Văn Tạo là một con người tự học để thành nhà nghiên cứu. Và ký ức về thời đi học của ông là ký ức của một người lỡ dở trong việc học tập ở trường lớp và phải nỗ lực, cố gắng học tập từ người khác, từ cuộc sống, từ công việc. Ông kể lại: “Năm 1939, trong kỳ thi sơ đẳng tiểu học ở Tứ Kỳ, đề thi tốt nghiệp đặt ra: Anh thấy đứa em của anh đánh một con chó kêu ăng ẳng thì anh nghĩ thế nào? Và tôi viết ý kiến của mình: Tôi thấy em tôi hành hạ con chó thì tôi thương con chó. Tôi khuyên em tôi rằng nhìn thấy người ta hành hạ ai hay tự mình hành hạ ai thì trái tim mình sẽ khô cứng và sau này sẽ thành thói quen hành hạ người khác…”[8]. Sau đó ông xuống Hải Phòng học tiếp nhưng được mấy tháng thì Nhật vào chiếm Hải Phòng nên ông phải nghỉ học về quê. Cuối năm 1941, ông lại lên Hà Nội học tiếp thì 1942 lại phải nghỉ học lần nữa vì quân Nhật vào Lạng Sơn và tình hình gay cấn khiến nhà trường phải đóng cửa. Vì không được đến trường nên ông chủ yếu học từ ông ngoại là một thầy đồ và chú là một trí thức Tây học.
Sau cách mạng, ông tiếp tục học nhưng mọi thứ đã thay đổi. Như ông nhớ: “Tháng 2-1946 tỉnh mở một lớp kinh tế nông nghiệp và hợp tác xã tín dụng, mời một ông tham tá canh nông Nguyễn Văn Mẫn về giảng. Nông nghiệp thì tôi làm bài tập bèo hoa dâu được 9-10 điểm, học toán cũng đứng đầu lớp, về kinh tế tôi nói khúc chiết, nên khi tốt nghiệp tôi được chấm là một người xuất sắc. Sau khi lớp học kết thúc, ông Lã Văn Quỳnh là cán bộ địa phương thông báo trên chiến khu Việt Bắc đang cần những thanh niên ở miền xuôi lên nhằm đào tạo cán bộ, tôi cũng chưa biết thế nào nhưng về hỏi gia đình thì cả nhà tôi nói bố tôi đã mất, tôi là con một nối dõi tông đường, đi thì nhà không tin là còn sống sót trở về nên nhất định không cho đi. Tôi cũng ốm yếu, nghĩ lên Việt Bắc khó có thể sống được nên tôi xin ở lại”[9].  

Ký ức về việc thành lập trường Trung học Phan Bội Châu 
Có thể nói GS Văn Tạo bước chân vào con đường giáo dục khá sớm. Từ năm hơn hai mươi tuổi ông đã đứng ra thành lập trường và dạy học. Trong các băng ghi âm và các buổi phỏng vấn, ông nói nhiều đến việc thành lập trường trung học mang tên Phan Bội Châu:
“Cuối 1947 tôi về huyện, đến bàn với Bí thư Huyện ủy là anh Nguyễn Văn Tuynh rằng bây giờ dân trí kém, có huấn luyện gì cũng không vào, muốn cho dân trí nâng lên thì phải mở trường dạy học. Bây giờ Pháp Nhật đánh nhau, các trường giải tán, không duy trì được lớp học. Huyện đồng ý cho tôi thành lập trường học. Thơ văn cụ Phan Bội Châu đã thấm vào đầu tôi trước đây nên tôi lấy tên trường Trung học Phan Bội Châu và xin được sử dụng cái văn chỉ hàng huyện ở ngay gần nhà tôi đang có nhiều nhà bỏ không để làm lớp học”[10].  
  Thầy trò trường Trung học Phan Bội Châu ở Tứ Kỳ, Hải Dương năm 1949 (Văn Tạo đứng thứ 2 từ trái qua phải, hàng sau)
Việc khó khăn lúc đó là mở trường rồi thì làm sao để mời được các thầy giáo và duy trì sự ổn định của trường học. Và đó là trách nhiệm của người quản lý trường. Như GS Văn Tạo kể lại: “Lúc đầu, mọi việc đều gặp nhiều khó khăn. Học sinh đến lớp nhiều nhưng lại thiếu các thầy dạy. Chú tôi Nguyễn Đức Nghiêm mới học đến đệ tứ nhưng phải đảm nhiệm dạy cả văn, sử, toán. Còn tôi chỉ học đến đệ tam nhưng phải dạy toán, lý, hóa, đôi lúc dạy cả sử, địa. Anh Trần Hữu Thu cũng giỏi và sắc sảo thì chuyên dạy văn, sử, địa và các lớp dưới. Sau đó tôi đi tìm mời các thầy khác. Đi lên làng Bằng ở Thanh Miện mời ông Văn Đạm là tú tài văn chương dạy văn rất giỏi và nói chuyện văn thơ rất hay. Tôi phải năn nỉ ông ấy để ông ấy đồng ý về dạy cho nhà trường. Ông ấy dạy văn được học sinh rất thích, và mở những lớp nói chuyện về văn học thu hút được đại chúng. Sau đó địch đánh đến thì anh ấy về Thanh Miện, tham gia Việt Minh ở đấy, bị địch bắt và hy sinh. Hay chuyến đi về Đồng Văn tìm thầy. Khi đến nơi gặp mấy ông tú, ông cử thì họ nói rằng không thể về đấy dạy cho trường được vì còn bận trau dồi để tìm việc làm ở thành thị. May là gặp được hai anh là Phong Châu và Trịnh Quyền. Anh Phong Châu rất có duyên và lại học nhạc và hát, còn anh Trịnh Quyền giỏi văn và biết tiếng Pháp, tiếng Anh. Thế là mời được hai anh về dạy văn, dạy sử cho trường…”[11].
Cũng từ trường Trung học Phan Bội Châu do Văn Tạo mở, nhiều học sinh sau này đã trưởng thành và có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực khác nhau, có một số người sau cũng thành nhà khoa học như GS.TSKH Nguyễn Cương, nguyên Phó hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội… 

Ký ức về giai đoạn lên Tây Bắc và bắt đầu sự nghiệp 
Lên Tây Bắc và được nhận vào công tác tại Ban nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học (gọi tắt là Ban Sử Địa Văn) là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời GS Văn Tạo. Trong nhiều băng ghi âm, ông đã dành nhiều thời gian để kể việc này. “Riêng tôi lên đến Việt Bắc, gặp các đồng chí lãnh đạo, các đồng chí nói trình độ như tôi đã được học và từng mở trường dạy học, biết một ít tiếng Pháp, tiếng Hán, tiếng Anh là tốt rồi. Sắp tới Đảng sẽ cử người đi nước ngoài học tập nên vẫn mong có cơ hội. Tôi về công tác thanh niên học sinh ở một số trường và tự bổ túc trình độ lớp 9 để đến lúc có điều kiện, trên gọi thì đi ra nước ngoài học”[12].
Nhưng mọi việc không được suôn sẻ, vì thành phần gia đình nên ông không được chọn đi học nước ngoài. “Lúc đó mới bắt đầu có ý kiến về các thành phần giai cấp để chuẩn bị phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất. Tôi khai là thuộc thành phần gia đình phú nông nên không được vào danh sách đi học nước ngoài. Tôi buồn lắm vì chuẩn bị vài năm đi công tác, cố gắng học để có trình độ khoa học tự nhiên nhưng cuối cùng lại nhìn các bạn bè lên đường, còn tôi thì phải ở lại. Đó là nỗi buồn man mác của một người có chí tiến thủ”[13].
Không được đi học nước ngoài là một thiệt thòi với ông, nhưng một cơ duyên khác lại đến: Cuối năm 1953, Ban Sử Địa Văn thuộc Trung ương Đảng được thành lập và tuyển một số thanh niên về làm việc cùng với các nhà nghiên cứu lão thành khác. Đầu năm 1954, Văn Tạo được nhận về Ban để làm việc. Như ông kể lại: “Từ Thái Nguyên tôi lên Ban Sử Địa Văn ở Tân Trào (Tuyên Quang), đó là bước ngoặt trong cuộc đời tôi, từ một thanh niên tham gia cách mạng trở thành một trí thức. Tôi nhận được giấy triệu tập do chị Phan Thị Phước là Chánh văn phòng Trung ương Đoàn thanh niên đưa cho và được đồng chí Nguyễn Lãm là Chủ tịch Trung ương đoàn ký. Công văn nói rằng: hiện nay Trung ương thành lập Ban Sử Địa Văn, đang cần một số thanh niên có trình độ về làm việc. Được biết đồng chí Nguyễn Xuân Đào công tác tại Đoàn thanh niên Việt Bắc là người có học vấn và từng làm công tác giáo dục. Nay ban Văn Sử Địa cần ba người, với trình độ là hết phổ thông, nếu có được ngoại ngữ gì cũng tốt, trong ba người đó trước tiên là ưu tiên lấy đồng chí Nguyễn Xuân Đào, đồng chí Đào không đi thì lấy người khác”[14].
  Cán bộ Ban Sử Địa Văn trên đường đi lấy nứa để xây dựng nhà ở và làm việc
ở Tân Trào, Tuyên Quang đầu 1954 (Văn Tạo cầm gậy, ngồi ngoài cùng bên phải)

Trong những năm cải cách ruộng đất, Ban Văn Sử Địa (Ban Sử Địa Văn đổi tên thành Ban Văn Sử Địa năm 1954) cho người đi về các vùng nông thôn lấy tư liệu và quan sát tình hình. Trong các băng ghi âm của mình, GS Văn Tạo có nói về những ngày đầu đi nghiên cứu, sưu tầm tư liệu trong cải cách ruộng đất ở Tây Bắc và những suy nghĩ của ông về chuyện này: “Tôi về khu Đại Từ thì người ta nói rằng là những người làm việc cho địa chủ Nguyễn Thị Năm, được Nguyễn Thị Năm cưu mang chẳng ai đấu tố bà cả, thậm chí rất biết ơn là khác. Nhưng khi chỉ định một số người mới đến làm thuê, cấy ruộng của bà Nguyễn Thị Năm thì họ đấu tố hăng lắm và họ cũng không được biết đến việc bà Năm nuôi bộ đội, giúp đỡ người nghèo… Kết quả là bà Năm bị xử, và nhiều trường hợp khác cũng tương tự như vậy. Lúc đó tôi cảm thấy có gì đó không ổn và cảm thấy ngờn ngợn vì tôi xuất thân cũng được coi là tầng lớp phú nông nhưng gia đình có làm gì hại đến ai đâu”[15].  

Ký ức về các đồng nghiệp 
Trong “Một thế kỷ qua những mẩu chuyện đời”, GS Văn Tạo dành nhiều thời gian để nói về các đồng nghiệp, các bậc đàn anh trong quá trình nghiên cứu khoa học của mình. Ông không chỉ thể hiện sự tôn trọng đối với họ mà cò kể lại những câu chuyện, những kỷ niệm về cuộc đời họ, những đánh giá về đóng góp khoa học của họ. Là một người thuộc thế hệ đầu tiên làm việc tại Ban Văn Sử Địa, được làm việc bên cạnh nhiều nhà khoa học lớn về khoa học xã hội và được chứng kiến quá trình hình thành và phát triển của ngành khoa học xã hội, những câu chuyện của GS Văn Tạo về các nhà khoa học thế hệ trước là một hệ thống tư liệu quý và sinh động.
Người GS Văn Tạo dành nhiều thời gian và tâm huyết, tình cảm để kể chuyện là GS Trần Huy Liệu[16]. Với GS Văn Tạo, GS Trần Huy Liệu vừa là người quản lý trực tiếp, vừa là người thầy, người anh đưa ông vào con đường khoa học, vừa là người đồng nghiệp chia sẻ nhiều suy tư của cuộc sống và khoa học. Trong ký ức của GS Văn Tạo: về con người, “Trần Huy Liệu tính tình vốn khảng khái, có ý kiến của mình về thực tế nhưng mà không bao giờ có tính chất cầu cạnh, nịnh bợ cấp trên để làm cái này cái khác. Ông ấy gay gắt phản đối những vấn đề mà ông cho là không đúng, sẵn sàng tranh luận với người khác cho dù đó là cấp trên hay ai cũng vậy”[17]; Về quá trình nghiên cứu khoa học: “Trần Huy Liệu được tiếp xúc với nhiều nhân vật thời kỳ cận đại, với các nhà lão thành thế hệ trước, cả Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh. Vậy nên ông ấy bám sát lịch sử cận đại từ lúc ông ấy ra đời đến lúc bước vào nghiên cứu sử học. Điều đó làm cho sách sử của ông ấy rất sinh động, ông ấy vừa có tư duy sử học nhất định nhưng vừa có thực tiễn rõ ràng”[18]. Với mọi người: “Đồng chí Trần Huy Liệu là người làm khoa học nhưng có quan điểm đại chúng, luôn luôn tiếp xúc với những người đại chúng, những anh em mới làm sử học, sinh viên, nghiên cứu sinh, những ông già thất thế không có việc làm, không tiếc giờ để tiếp ai”[19]. Ngày GS Trần Huy Liệu mất, Văn Tạo còn nhớ: “Trần Huy Liệu mất 27-7-1969, Hồ Chủ tịch không đến dự được nhưng có gửi hoa đến viếng. Riêng đối với tôi cũng như anh em bên khoa học xã hội thì đây là một cái tang lớn mà chúng tôi khóc thật sự, chứ không phải khóc giả dối, thương lắm. Thương đồng chí Trần Huy Liệu là thương một con người cho đến lúc chết đi vẫn mang cái hận xuống suối vàng, như việc nhiều người có ý kiến phê phán ông lấy vợ hai, rồi những việc không rõ ràng liên quan đến vấn đề ông tham gia vào tước ấn kiếm Bảo Đại, lại lấy con dâu Phạm Quỳnh, liên quan đến cái chết của Phạm Quỳnh. Hay là sự nghiệp nghiên cứu lịch sử của ông cũng là lỡ dở: từ hoạt động chính trị thất bại chuyển sang hoạt động khoa học, tưởng là mình sẽ thực hiện được bộ lịch sử Việt Nam hoàn chỉnh, nhưng hoài bão đó cũng không được trọn vẹn”[20] . 
Một nhà nghiên cứu khác cũng được GS Văn Tạo nhắc đến nhiều là cụ Trần Văn Giáp[21]: “Cụ Trần Văn Giáp là người cùng quê Hải Dương với tôi, tôi ở Tứ Kỳ, ông ấy ở Thanh Miện. Ông ấy là con cử nhân Trần Văn Cận – một trí thức tham gia Đông kinh nghĩa thục. Gia đình khá giả nên ông Giáp được học Tây học và Hán học. Ông từng học tại trường Sorbon danh tiếng, khi về nước làm chuyên gia ở Viện Viễn Đông bác cổ. Có thời gian ông sang làm việc tại Khu học xá Nam Ninh. Tháng 5-1956 ông Giáp về làm việc tại Ban Văn Sử Địa. Khi đó ông ấy đã cao tuổi nên tôi cứ gọi là bác. Cụ Giáp làm việc ở Viện Sử học lâu và gắn bó nhiều với tôi. Nói về Trần Văn Giáp lại là nói về một nhân vật điển hình của trí thức cuối thế kỷ XX: trí thức uyên thâm nhưng cũng gặp nhiều trắc trở”[22].
GS Văn Tạo cũng dành những tình cảm chân thành khi nói về nhà nghiên cứu Minh Tranh[23]: “Đồng chí Minh Tranh đối với tôi như một người thầy, một người anh đáng kính. Tôi với anh Minh Tranh không chỉ có tình cảm cá nhân mà còn là tình cảm khoa học. Khi tôi vào Ban Văn Sử Địa thì Trần Huy Liệu là người phụ trách nhưng người trực tiếp hướng dẫn tôi là anh Minh Tranh. Anh Minh Tranh có một tấm lòng ưu ái với cán bộ trẻ, anh ấy luôn khuyến khích tôi phải học và học nhiều, học ngoại ngữ ngoài tiếng Pháp đã biết thì học thêm chữ Nho, chữ Hán vì cần thiết cho nghiên cứu sử học. Anh ấy còn bảo tôi phải học đánh máy, làm thì phải có công cụ. Sau này thì cũng dùng máy chữ nhiều tuy rằng tôi không đánh thạo, nhưng chữ viết xấu quá nên đánh máy thuận tiện hơn”[24].
Trong bộ băng ghi âm của mình, GS Văn Tạo còn kể lại nhiều câu chuyện, kỷ niệm với hàng chục nhân vật khác, cả giới khoa học và giới chính trị. Ông kể về mười mấy buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Văn Đồng mà ông còn nhớ được, hay những câu chuyện về việc tiếp xúc với Tổng Bí thư Trường Chinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… Hay những chuyện về GS Nguyễn Đổng Chi khó khăn gian khổ khi mới ra Ban Văn Sử Địa, hay chuyện các GS Trần Văn Giàu, Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh từ Đại học Tổng hợp chuyển sang… Những câu chuyện của ông thật và sống động, là chuyện từ người được chứng kiến kể lại và kèm theo những suy tư mà có lẽ khi nhớ lại ông mới có được.  

Ký ức về quá trình hoạt động khoa học 
Phần lớn các câu chuyện trong “Một thế kỷ quả những mẩu chuyện đời” là những suy nghĩ, trăn trở cũng như những câu chuyện rất đời thường của GS Văn Tạo trong quá trình nghiên cứu khoa học. Từ khi mới lên Ban Văn Sử Địa làm việc, những nhận thức của ông về tư tưởng cách mạng khá mơ hồ. Nhưng quan trọng nhất đó là tinh thần lao động hăng say của một thanh niên dựa trên niềm tin và tinh thần yêu nước, yêu công việc: “Khi có phong trào đẩy mạnh công tác tư tưởng cho cán bộ trong ngành khoa học xã hội, là chánh văn phòng ban Văn Sử Địa nên tôi đi nghe và học tập tư tưởng tiến lên chủ nghĩa xã hội, tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc…[25]
Năm 1970, Đại hội Sử học quốc tế lần thứ 13 được tổ chức tại thủ đô Matxcova, Liên Xô. Văn Tạo cùng Mạc Đường được cử đại diện cho đoàn Sử học Việt Nam sang tham dự với tư cách là quan sát viên. Đây là lần đầu tiên Sử học Việt Nam được đến với một diễn đàn sử học mang tầm thế giới. Đó cũng là ý nguyện mà lúc còn sống GS Trần Huy Liệu luôn khao khát. Như GS Văn Tạo kể lại: “Đây là một vinh dự của chúng tôi vì chưa có đoàn đại biểu Việt Nam được tham dự Đại hội Sử học quốc tế. Lần này, dù chỉ với tư cách quan sát viên thì cũng là một bước tiến lớn. Từ những năm 1960, đồng chí Trần Huy Liệu đã nói là nhất định chúng ta phải có mặt ở Đại hội Sử học quốc tế. Nhưng rồi đại hội năm 1960 ở Ý chúng ta không tham dự được. Đại hội tiếp theo vào năm 1965 chúng ta cũng không tham dự được và đến năm 1970 mới thành hiện thực”[26].
Năm 1975, cùng với lãnh đạo Ủy ban Khoa học Xã hội, Văn Tạo cũng được tham gia tiếp quản miền Nam. Như ông kể lại: “Khi vào tiếp quản Sài Gòn, chúng tôi được vào dinh của Nguyễn Văn Thiệu thì thấy vẫn còn uy nghi lắm, đôi ngà voi rất to ở gian chính diện mà Thiệu tiếp các đại sứ nước ngoài. Dinh Độc lập quả là bề thế, do một kiến trúc sư tài năng thiết kế. Lần đầu tiên được vào được thấy sự nguy nga của thành phố Sài Gòn, dù đã bị phá hủy nhiều do chiến tranh nhưng vẫn hiểu tại sao người ta từng gọi đây là hòn ngọc Viễn Đông phồn thịnh. Đi đến Chợ Lớn, Bến Thành, các khu chợ khác thì thấy cách thức buôn bán, làm ăn của chủ nghĩa thực dân mới quả nhiên có khác. Nhớ rằng lúc bấy giờ tôi đem một ít tiền miền Bắc vào đổi lấy tiền miền Nam thì tiền miền Nam lúc bấy giờ đang mất giá, một đồng miền Bắc đổi được mấy đồng và mua rất là rẻ”[27].
Khi kể về cuộc sống gia đình, GS Văn Tạo xúc động nói về cuộc sống thời bao cấp: “Tôi nhớ bấy giờ phở có 2,5 hào 1 bát. Phải đến hàng phở đầu phố Hàn Thuyên mua được một bát về để chia cho 3 đứa con còn bố mẹ phải nhịn. Một tháng chỉ được ăn 1-2 lần. Rồi tôi được cấp phiếu 1kg thịt, nhà tôi 6 lạng, trẻ mỗi đứa 3 lạng, trừ cái phiếu của tôi là được mua 3 lạng xương, 3 lạng nạc, 4 lạng mỡ,… và các cháu được phần mua thịt nạc, nếu mua phiếu trẻ em mới được, phải ra cửa hàng bán thịt cho trẻ em và chen chúc mãi mới có thể may mắn mua được. Nên người ta có câu khôi hài nhưng cũng cảm động là “cửa hàng bán thịt trẻ em””[28].
Bộ băng ghi âm “Một thế kỷ qua những mẩu chuyện đời” của GS Văn Tạo là một khối tài liệu ký ức đồ sộ. Đó là kết quả của một quá trình thực hiện lâu dài và chuẩn bị kỹ càng. Mỗi một lần ông định ghi âm một vấn đề thì ông tìm lại những tư liệu còn lưu giữ được để xem lại những mốc thời gian và những nội dung chính nhằm trình bày sao cho chân thật. Ông cũng chọn thời gian vắng lặng nhất, khi con, cháu đi làm và đi học, một mình ngồi đối diện với đài để  tự kể và thu âm. Ông chọn loại băng cassette ghi được hai mặt để sử dụng cho dễ. Khi mệt thì dừng lại rồi khỏe lại ghi tiếp mà không ảnh hưởng đến chất lượng băng ghi. Bộ sưu tập 118 băng ghi âm hai mặt và chiếc đài ông sử dụng để thực hiện những ghi âm này được GS Văn Tạo trao tặng lại cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học lưu giữ và sử dụng là một khối di sảnquý giá. Dù trong đó có nhiều băng ghi âm chất lượng không được tốt lắm nhưng phần lớn đã được các nghiên cứu viên bóc băng và gửi lại để GS Văn Tạo hiệu đính. Hàng ngàn trang đánh máy từ những băng ghi âm đã được hiệu đính và lưu giữ tịa Trung tâm. Đây có thể coi là một bộ tài liệu ký ức độc đáo và có nhiều giá trị. Như PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc chuyên môn Trung tâm đánh giá: “Chúng tôi đánh giá rất cao sáng kiến tự thu âm lại những ký ức của GS Văn Tạo. Sáng kiến này vừa có giá trị lưu lại những tư liệu lịch sử sống động, vừa phù hợp  với những nhà khoa học  tuổi cao. Nếu sáng kiến này được áp dụng rộng rãi chắc chắn chúng ta sẽ cứu được nhiều ký ức của các nhà khoa học cao tuổi. Cho phép tôi bày tỏ sự ngưỡng mộ trước tình yêu lịch sử và trách nhiệm với các thế hệ tương lai của giáo sư Văn Tạo thông qua sáng kiến tuyệt vời này”[29]. Hay như GS.TSKH Phan Đăng Nhật, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đánh giá: “Phải có một ý chí dẻo dai, một tình yêu lịch sử và một trách nhiệm lớn lao với xã hội mới có thể làm được một điều như GS Văn Tạo vừa làm. Ngoài việc đầu tư thời gian và tâm huyết, còn cần có sự dũng cảm và dấn thân mới có thể đem hết suy tư của mình ra để lại cho người sau soi xét. Đó là nhân cách của một nhà sử học”[30]. Tất cả những giá trị và những đánh giá của các nhà khoa học cũng thể hiện một điều là Trung tâm đang đi đúng hướng khi tập trung cho việc lưu giữ di sản ký ức các nhà khoa học mà bộ băng ghi âm “Một thế kỷ qua những mẩu chuyện đời” là một ví dụ cụ thể. 

Bùi Minh Hào 

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

[1] GS Văn Tạo, sinh năm 1926 tại Tứ Kỳ, Hải Dương, nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam.
[2] Phỏng vấn GS Văn Tạo ngày 17-4-2015. Tài liệu lưu trữ Trung tâm DSCNKHVN.
[3] “Một thế kỷ qua những mẩu chuyện đời”, băng số 1.
[4] “Một thế kỷ qua những mẩu chuyện đời”, băng số 1.
[5] “Một thế kỷ qua những mẩu chuyện đời”, băng số 1.
[6] “Một thế kỷ qua những mẩu chuyện đời”, băng số 1.
[7] “Một thế kỷ qua những mẩu chuyện đời”, băng số 2.
[8] Phỏng vấn GS Văn Tạo ngày 17-4-2015. Tài liệu lưu trữ Trung tâm DSCNKHVN.
[9] Một thế kỷ qua những mẩu chuyện đời”, băng số 4.
[10] Một thế kỷ qua những mẩu chuyện đời”, băng số 4.
[11] Một thế kỷ qua những mẩu chuyện đời”, băng số 4.
[12] Một thế kỷ qua những mẩu chuyện đời”, băng số 6.
[13] Một thế kỷ qua những mẩu chuyện đời”, băng số 6.
[14] Một thế kỷ qua những mẩu chuyện đời”, băng số 6.
[15] Một thế kỷ qua những mẩu chuyện đời”, băng số 9.
[16] GS Trần Huy Liệu (1901-1969), nguyên Bộ trưởng Bộ Tuyên truyển Cổ động, nguyên Trưởng ban Văn Sử Địa, nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam.
[17] Một thế kỷ qua những mẩu chuyện đời”, băng số 20.
[18] Một thế kỷ qua những mẩu chuyện đời”, băng số 20.
[19] Một thế kỷ qua những mẩu chuyện đời”, băng số 22.
[20] Một thế kỷ qua những mẩu chuyện đời”, băng số 21.
[21] Học giả Trần Văn Giáp (1902-1973), một trong những người sáng lập Hội truyền bá quốc ngữ, cán bộ nghiên cứu của Ban Văn Sử Địa.
[22] Một thế kỷ qua những mẩu chuyện đời”, băng số 14.
[23] Nhà nghiên cứu Minh Tranh (1915-2002), tân thật là Khuất Duy Tiễn, nguyên Giám đốc nhà xuất bản Sự thật (nay là nhà xuất bản Chính trị Quốc gia).
[24] Một thế kỷ qua những mẩu chuyện đời”, băng số 14.
[25] Một thế kỷ qua những mẩu chuyện đời”, băng số 17.
[26] Một thế kỷ qua những mẩu chuyện đời”, băng số 21.
[27] Một thế kỷ qua những mẩu chuyện đời”, băng số 24.
[28] Một thế kỷ qua những mẩu chuyện đời”, băng số 28.
[29] Phát biểu của PGS.TS Nguyễn Văn Huy tại tọa đàm “Câu chuyện hành trình đến với Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam-kỷ niệm 90 năm ngày sinh GS Văn Tạo”, ngày 25-4-2015.
[30] Phát biểu của GS.TSKH Phan Đăng Nhật tại tọa đàm “Câu chuyện hành trình đến với Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam-kỷ niệm 90 năm ngày sinh GS Văn Tạo”, ngày 25-4-2015.