Một thời còn mãi

Trong buổi phỏng vấn, ghi hình do Trung tâm Di sản thực hiện sáng ngày 23-10-2014, PGS Ngô Văn Cân, nguyên Chủ nhiệm khoa Kinh tế nông nghiệp, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đã chia sẻ:

Tham gia cách mạng từ tháng 3-1945, Ngô Văn Cân (bí danh hoạt động cách mạng là Tô Châu) từng tham gia Đoàn Thanh niên cứu quốc Hà Nội, rồi làm Chính trị viên của Ủy ban khởi nghĩa khu Hồng Hà, tham gia phá kho thóc Nhật và tổng khởi nghĩa tháng Tám…Ông cũng từng trải qua các nhà tù đế quốc ở Gia Lâm, Hỏa Lò, Hải Dương, Côn Đảo, Nam Bộ.

PGS Ngô Văn Cân (trái) lật giở cuốn sổ ghi chép về hoạt động cách mạng của ông từ những năm 1950

Hòa bình lập lại năm 1954, được trả tự do, “anh lính Cụ Hồ” Ngô Văn Cân mới bắt đầu con đường học hành tại Trường Văn hóa quân đội, rồi được phân công công tác tại trường Kinh tế Tài chính (nay là trường Đại học Kinh tế Quốc dân) ngay khi trường mới thành lập. Ông trở thành một trong những cán bộ giảng dạy đầu tiên của Bộ môn Kinh tế tổ chức nông nghiệp và gắn bó với trường cho tới khi nghỉ hưu.

Nhớ lại quãng thời gian tham gia cách mạng của mình, PGS Ngô Văn Cân chia sẻ: Lúc ấy tinh thần cách mạng của chúng tôi rất cao. Cứ thấy các đơn vị khác báo cáo có thành tích là chúng tôi đứng ngồi không yên, tinh thần chiến đấu lại sôi sục. Đó cũng là quãng thời gian tôi được thử thách và rèn luyện nhiều nhất để phục vụ cho quá trình công tác sau này. Đến nay, ông vẫn không quên những bữa ăn “tạm” quả rừng chờ dân tiếp tế, không quên khoảnh khắc đau đớn khi bị tra tấn tại các nhà tù, nhưng hơn cả là niềm tự hào về tinh thần chiến đấu bảo vệ tổ quốc của đồng đội.

Có lẽ, do chưa một ngày ngơi nghỉ rèn luyện, làm việc nên sức khỏe và tinh thần của PGS Ngô Văn Cân vẫn mang dáng dấp “người lính cụ Hồ” năm nào, dù ông đã ở vào độ tuổi quá hiếm.

  

Nguyễn Thị Loan 

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam