Một thời đèn sách

Ngôi đình làng Nhạn Tái[1] cổ kính và uy nghi nằm ẩn trong bóng cây râm mát, luôn vẳng ra những tiếng ê a của trẻ thơ học chữ. Khi đã 10 tuổi, Trần Hậu lần đầu tiên cắp sách đến trường, phải cố gắng làm quen với bạn bè và chương trình lớp 2 khi “nhảy cóc” qua lớp 1. Thầy giáo Nguyễn Hữu Kim[2] là người hiền lành, luôn ân cần quan tâm và dạy dỗ Trần Hậu trong những ngày thơ ấu, và trong tâm trí Hậu, thầy Kim là người cha thứ hai trong cuộc đời mình. Khi đó, cuộc sống gia đình thật khó khăn, bố Hậu đau ốm triền miên (năm 1949 thì mất), người anh trai Trần Dung thì tham gia Trung đoàn Thủ đô, gánh nặng gia đình đặt lên đôi vai mẹ – bà Đinh Thị Tốn. Trước đây, gia đình vốn buôn bán nhỏ ở phố Hàng Đẫy[3], từ tháng 9-1940 quân Nhật tiến vào Lạng Sơn và tiến hành chiếm đóng một số tỉnh Bắc Bộ làm tình hình ngày càng bất ổn. Ngày 22-9-1940, sau khi buộc chính quyền Pháp ký hiệp ước thỏa thuận nhiều điều khoản về việc cùng cai quản Đông Dương, đến đầu tháng 10, quân Nhật tiến về Hà Nội. Trước tình hình đó, đầu năm 1941, cả gia đình bà Đinh Thị Tốn chuyển về huyện Đông Anh sống.

Thấm thoắt đã 8 năm trôi qua, chú bé Hậu vừa học hết lớp 4, lúc này Pháp đã quay trở lại miền Bắc và cho quân mở rộng vùng đánh chiếm huyện Đông Anh. Gia đình lại cùng dân làng phải chạy sang làng Thụy Lâm (thuộc huyện Đông Anh) tạm trú, đợi trời sẩm tối, Hậu cùng mẹ và sư bà chùa Nhạn Tái đi đò vượt sông Cà Lồ chạy sang chùa Hương Câu ở huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang xin ở nhờ. Hàng ngày, Hậu theo mẹ cắp chiếc thúng, trong đựng dăm ba múi bưởi, vài nải chuối ra chợ bán để có tiền sống qua ngày. Có lần, quân Pháp cho máy bay bắn phá chợ Hương Câu, mẹ con Hậu bị một phen khiếp vía, sợ bị tên bay đạn lạc. Trước tình cảnh đó, Trần Hậu và mẹ chuyển lên ở vùng Tân Cương, Thái Nguyên, một lần nữa, Trần Hậu gặp lại thầy Kim vì gia đình thầy cũng đang tản cư ở đây.

Những tháng ngày cơ cực đó vẫn luôn hằn sâu trong tâm trí PGS Trần Hậu: “Cơm không đủ no, mặc không đủ ấm, chỉ có ngô khoai, sắn ăn qua ngày”[4]. Hàng ngày, hai mẹ con phải làm nhiều nghề để kiếm sống như làm chổi sể từ cây thanh hao, đi lấy củi, mót chè, mót thóc. Có lần, ông anh Trần Dung đang đóng quân ở huyện Đại Từ, Thái Nguyên được đơn vị cho nghỉ phép 5 ngày về thăm nhà. Trời thì mưa tầm tã, nỗi nhớ mẹ và em khiến ông Dung ở trong đơn vị không khỏi lo âu. Ông liền đeo trước ngực chiếc ruột tượng đựng 10 bơ gạo được đơn vị phát, ba lô sau lưng đựng tư trang, rồi đi bộ 10 km về thăm nhà. Gian nhà tranh vốn im lắng tiếng người nay bỗng rộn ràng. Ông Dung hỏi mẹ: Nhà mình còn gạo không mẹ? Bà mẹ trả lời: Hai hôm nay, nhà mình ăn sắn con ạ?. Ông Dung liền đổ hết ruột tượng gạo vào chum cho mẹ và em. “Lúc đó tôi thấy rất sung sướng bởi thường ngày hai mẹ con chỉ có khoai sắn thay cơm, thi thoảng mới có chút gạo độn thêm vào”[5] – PGS Trần Hậu nhớ lại.

Ở nhà với mẹ và em được hai ngày thì anh trai từ giã gia đình trở về đơn vị. Trước lúc chia tay, ông Dung cũng nhường lại bộ quần áo mà đơn vị cấp cho em trai mặc, PGS Hậu vẫn nhớ: “Anh không có gì ngoài chiếc ba lô trên vai, chân đi đất, đầu trần, tôi thương anh quá mà không làm gì được. Cuối cùng, tôi đi tìm miếng gỗ đẽo tạm thành guốc để anh trai đi”[6]. Mẹ ông thì đi xuống chợ Phúc Trìu mua một 1 mét nilon với giá khoảng 4 nghìn tiền tài chính thời đó để con trai che mưa hoặc dùng để bọc ba lô khi vượt sông đi chiến dịch. Số tiền đó quá lớn với gia đình nên bà phải chắt chiu chi tiêu 5 tháng mới trả hết nợ.

 

Học sinh Trần Hậu (hàng ngồi, thứ nhất bên phải) cùng các bạn trường Ngô Quyền, Thái Nguyên, năm 1951

Năm 1951, Trần Hậu học trường Ngô Quyền ở thị xã Thái Nguyên, một thời gian thì chuyển sang học trường Lương Ngọc Quyến cách nhà khoảng 5 km đường núi, hai mẹ con ông sống khá biệt lập trong một chiếc lều tranh nằm ở chân quả đồi heo hút. Lớp học được tổ chức ban đêm, cứ 6 giờ chiều là Trần Hậu lại men theo đường núi để kịp giờ học. Học sinh phải mang theo đèn dầu để học trong khoảng ba đến bốn giờ. Trần Hậu tự chế đèn bằng cách lấy lọ mực thủy tinh để dầu, bóng đèn úp bên trên cũng là vỏ chai thủy tinh đã bỏ đáy (bằng cách nung dây thép nóng bỏng rồi cuốn quanh đáy vỏ chai). Dù thiếu thốn vật chất là vậy nhưng Trần Hậu luôn đạt thành tích cao trong học tập. Những lúc rảnh rỗi, thầy Kim thường đến động viên, thăm hỏi và cho học trò Hậu đồ dùng cá nhân, có khi là áo, quần. Phó giáo sư Trần Hậu cho biết: “Năm 1968, tôi đang là cán bộ của Bộ Nội thương có lên công tác ở vùng Bắc Sơn và Phú Lương thuộc Khu tự trị Việt Bắc[7] và gặp lại thầy Nguyễn Hữu Kim đang làm Trưởng phòng giáo dục Khu tự trị. Thầy Kim xúc động nói: Thầy không ngờ tình thầy trò của mình với Hậu lại sâu sắc như thế. Trong đời một người thầy giáo sẽ có nhiều học trò, nhưng chưa có ai gắn bó như Hậu, thậm chí, vượt quá giới hạn của thầy trò”[8].

Năm 1952, Trần Hậu được kếp nạp vào Đội thiếu nhi tháng 8 của nhà trường, ông Nguyễn Khánh – Bí thư tỉnh đoàn Thái Nguyên đã cử ông Kim Quý Đinh về trường thành lập chi đoàn thanh niên và đội thiếu nhi của trường. Chi đội được thành lập gồm hơn 30 đội viên, trong đó có các thành viên như: Đào Duy Chữ, Trần Trọng Chi… Năm 1954, Trần Hậu được kết nạp vào Đoàn thanh niên cứu quốc và tham gia dân công mở đường vận tải từ Thái Nguyên lên Tuyên Quang phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Mọi hoạt động diễn ra ban đêm vì ban ngày thường bị máy bay Pháp oanh tạc. Ngày 7-5-1954, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, trong lòng chàng trai trẻ Trần Hậu thấy rạo rực và sung sướng vì cuộc kháng chiến chống Pháp đã giành thắng lợi, mọi sinh hoạt không còn phải làm vào ban đêm. Nói lên tâm trạng ấy, ông nhớ về tác phẩm Ngày hòa bình của nhà văn Thép Mới, với những câu thơ:

Từng đoàn ô tô tung bụi chạy ngày

Cánh buồm nâu trườn lên trong nắng sớm.

Đầu năm 1955, trường chuyển ra thị xã Thái Nguyên, ngôi trường được xây dựng trên quả đồi gần ga Kép Le. Trường được dựng bằng tranh tre, bàn ghế mang từ vùng Tân Cương ra, học sinh và các thầy giáo cùng nhau xẻ đất, đắp nền để dựng lớp học. Mái lớp học được lợp bằng lá gồi, thiếu bàn học, mọi người liền đóng hai chiếc cọc xuống đất rồi đặt tấm ván lên trên.

Hà Nội ngày trở về

Khoảng tháng 6-1955, Trần Hậu học hết kỳ một của lớp 9 thì theo mẹ về Hà Nội, hai mẹ con trở về sống trong căn nhà vốn thuộc sở hữu của gia đình ông trước khi đi tản cư, ở mặt phố Sơn Tây. Thời kỳ gia đình ông tản cư rời khỏi Hà Nội, một gia đình làm nghề thợ may đã chuyển đến sống, khi anh trai Trần Dung theo Đại đoàn 308 về giải phóng thủ đô Hà Nội, tháng 10-1954, đã đến xin nhận lại căn nhà của gia đình. Sắp xếp chỗ ở cho mẹ và em trai xong, ông Dung lại theo đơn vị về đóng quân ở Lai Xá, huyện Hoài Đức.

Hà Nội lúc đó có hai hệ giáo dục là: hệ giáo dục theo chương trình của Pháp và hệ giáo dục 9 năm của nhà nước ta. Học trò Trần Hậu đang học dở hệ giáo dục 9 năm nên xin vào học trường Phổ thông cấp 2- 3 Hà Nội (nay là Trung học phổ thông Việt – Đức) vốn dành cho con em cán bộ kháng chiến. Để đủ điều kiện nhập trường, đơn vị của anh trai đã xác nhận Trần Hậu thuộc diện con em cán bộ kháng chiến. Tháng 3-1956, Trần Hậu được nhà trường tuyển chọn để cử sang Trung Quốc học đại học. Dù rất vui nhưng thương mẹ ở nhà một mình khiến ông đắn đo, nhưng bà Tốn khuyên con: “Nhà nước tạo điều kiện cho đi học thì con nên đi”[9]. Nhiều học sinh ưu tú ở các trường như: Lương Ngọc Quyến ở tỉnh Thái Nguyên; Hùng Vương ở tỉnh Phú Thọ; Ngô Sĩ Liên ở Bắc Giang; Phan Đình Phùng ở Hà Tĩnh… cũng về Hà Nội để tập trung ở khu Đông Dương học xá (nay là trường Đại học Bách khoa Hà Nội) để học tập chính trị, chỉnh huấn tư tưởng. Theo lệnh, các học sinh trường phổ thông cấp 2-3 Hà Nội, trong đó có Trần Hậu, đến tập trung tại đình Tam Khương (quận Đống Đa). Mỗi người mang một bát ăn cơm, một chiếu cá nhân và vài bộ quần áo. Tám giờ sáng, một cán bộ do Bộ Giáo dục cử đến điểm danh rồi tất cả lên tàu điện đi đến khu Đông Dương học xá. Đến nơi, học viên Trần Hậu thấy có khoảng 500 người, gồm cả học sinh miền Nam ra Bắc tập kết.

Cơ sở vật chất của khu học xá cũng đơn giản, chỉ là những dãy nhà tạm lợp lá gồi, bên trong kê chật giường hai tầng, xung quanh chằng dây thép để gia cố tránh bão. Nhớ có một lần, Hà Nội bị bão to, nhiều mái nhà bị tung nóc do gió bão mạnh. Các đoàn viên thanh niên phải trèo lên mái nhà, nắm chắc tay nhau nằm úp người giữ mái không cho gió tốc mái. Thời gian học tập tại khu Đông Dương học xá, học viên hàng ngày lên hội trường nghe giảng các vấn đề: Nhiệm vụ cách mạng Việt Nam sau khi giải phóng miền Bắc, lịch sử cách mạng Việt Nam, nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế miền Bắc, nội quy khi đi học nước ngoài… Tất cả học viên đều tập trung học tập, không biết mình sẽ được cử đi học ở nước nào.

 Tháng 7-1956 chương trình học kết thúc, ông Hà Huy Giáp – Thứ trưởng Bộ Giáo dục đến thăm và căn dặn học sinh, đại ý như sau: Nước ta còn nghèo, lại vừa trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp khiến nền kinh tế đất nước bị tàn phá, nhân dân ta còn đói khổ. Đảng, Chính phủ và nhân dân đang quyết tâm xây dựng lại đất nước, đẩy mạnh việc khôi phục miền Bắc không ngừng lớn mạnh, trở thành hậu phương vững chắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nay Đảng và Chính phủ cử các em ra nước ngoài học tập, đây vừa là nhiệm vụ, vừa là vinh dự của các em. Mong các em ra nước ngoài cố gắng học tập tu dưỡng thật tốt, sau khi về nước góp phần xây dựng quê hương[10]. Ông Hà Huy Giáp cũng rất thân tình: Các em ra đi thì nhớ Tổ quốc, nhớ quê hương, gia đình. Ở nhà, chúng tôi cũng nhớ các em nhiều lắm[11].

Trước khi sang Trung Quốc, nhà trường cho phép học viên về thăm nhà 3 ngày và dặn dò: Các em về chia tay gia đình, chỉ thông báo sẽ đi học xa, không được nói là đi nước ngoài học tập. Phải giữ bí mật như vậy, là do thực hiện theo thỏa thuận trong Hiệp định Giơnevơ về việc không được cử người Việt Nam ra nước ngoài để đào tạo…Phó giáo sư Trần Hậu nhớ lại: Trên mỗi chuyến tàu hỏa từ Việt Nam sang Trung Quốc đều có một nhân viên thuộc Ủy ban quốc tế kiểm soát đình chiến Đông Dương do ba nước Ấn Độ, Ba Lan, Canada phụ trách, họ kiểm soát sự vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân trên các ga tàu và bến xe. Ngày 15-8-1956, Trần Hậu cùng đoàn du học sinh đi tàu điện từ khu Đông Dương học xá đến phố Hàng Bài, điểm giao cắt với đường Trần Hưng Đạo thì xuống đi bộ ra ga Hàng Cỏ. Lần đầu tiên ông đi giày tây, thiếu tất nên gót chân cọ sát với thành giày khiến da chân bị bong, đau buốt ê ẩm nhưng vẫn cố gắng đi nghiêm chỉnh ra ga.

Những tháng ngày ở Trung Quốc

Trong số hơn 500 du học sinh đi học tập nước ngoài thời kỳ ấy, có khoảng 200 người sang Liên Xô và các nước Đông Âu, còn lại 354 học sinh học ở Trung Quốc. Số học viên này được học tiếng Trung ở trường Ngữ chuyên Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây một năm. Đây là trường chuyên dạy tiếng cho lưu học sinh Việt Nam, Triều Tiên do ông Trần Lượng làm Hiệu trưởng. Trong buổi đầu đón nhận sinh viên Việt Nam, lãnh đạo nhà trường nói: “Chào mừng các bạn sinh viên Việt Nam đã đến Trung Quốc học tập, các em cứ coi nơi đây như là nhà của mình”. Sau đó, sinh viên Việt Nam được phân vào 13 lớp.

Sau một năm học tiếng, khoảng tháng 9-1957, cán bộ của Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, phụ trách công tác Giáo dục, xuống lập danh sách phân sinh viên về các trường đại học theo nhu cầu của đất nước. Sau đó, bản danh sách được gửi tới Bộ Cao đẳng giáo dục Trung Quốc (nay là Bộ Giáo dục Trung Quốc) để họ duyệt, sinh viên Trần Hậu được phân về trường Đại học Kinh tế (tức Học viện Kinh tài Trung Nam) ở thành phố Vũ Hán. Sau hai tuần chờ đợi, cán bộ trường Đại học Vũ Hán đến trường Chuyên ngữ Quế Lâm để đón sinh viên Việt Nam về nhập trường. Trong 9 sinh viên về học tại trường Đại học Kinh tế, có 7 người học khoa Kinh tế thương mại gồm: Trần Hậu, Nguyễn Ngọc Chấn, Nguyễn Thị Thắm, Nguyễn Thị Liên, Phạm Công Tâm, Huỳnh Kim Thông, Nguyễn Thanh Tùng. Hai người học ở khoa Kinh tế công nghiệp là ông Trần Ngọc Trang và Nguyễn Văn Bích.

Chương trình đào tạo của khoa Kinh tế thương mại gồm: Môn cơ bản là Kinh tế chính trị học, lịch sử Trung Quốc, triết học… dành cho năm đầu đại học. Môn cơ sở bao gồm Lịch sử kinh tế Trung Quốc, Lịch sử tư tưởng kinh tế, Lịch sử Đảng Trung Quốc, Lịch sử kinh tế thế giới, Địa lý kinh tế Trung Quốc, môn Cổ văn và tiếng Nga được học trong năm thứ hai và thứ ba đại học. Năm cuối đại học, mọi người tập trung học môn chuyên ngành là: Kinh tế thương mại, Tổ chức và kỹ thuật thương mại, Phân tích hợp đồng thương mại, Kho vận thương mại… Ngoài giảng viên người Trung Quốc như thầy Hồng Hán Bình phụ trách giảng môn Kinh tế thương nghiệp nhà trường còn mời các chuyên gia Liên Xô giảng các môn như: Thống kê thương mại, Phân tích hoạt động thương mại, tiếng Nga…. Do trình độ tiếng Trung còn yếu nên ông Hậu tiếp thu bài còn chậm, Đoàn thanh niên cộng sản của nhà trường đã cử đoàn viên Trần Ngọc San giúp ông học tiếng suốt 4 năm liền.

Năm 1958, khi học năm thứ hai Đại học, sinh viên Trần Hậu có hai chuyến thực tập với khoảng thời gian một tháng ở các xí nghiệp thương nghiệp trong thành phố. Lần đầu thực tập, ông cùng bạn bè trong khoa phải làm nhiệm vụ khuân vác hàng hóa, kiểm kê sổ sách cho các xí nghiệp quốc doanh. Lần thứ hai, ông đến thực tập nghiệp vụ tại một công ty thương nghiệp ở Vũ Hán. Ngoài tiền sinh hoạt phí, sinh viên Việt Nam được nhà trường cấp 100 nhân dân tệ mỗi năm để đi tham quan du lịch, ông Hậu đã chọn đến tham quan vùng núi Lư Sơn, tỉnh Giang Tô. Năm 1959, Trung Quốc phát động phong trào Đại nhảy vọt, với chủ trương toàn dân làm gang thép. Lò luyện gang được xây dựng khắp sân trường, mỗi sinh viên phải đi kiếm gang về nấu thành các cục thép. Cùng các bạn, sinh viên Trần Hậu cũng phải đi kiếm gang từ các nơi để đóng góp cho nhà trường. Khi đó, nền kinh tế Trung Quốc dần rơi vào khủng hoảng, nhiều nhà máy phải ngừng hoạt động, mất mùa đói kém xảy ra. Vào các dịp được nghỉ học, nhiều sinh viên Việt Nam học ở Trung Quốc về thăm nhà với thể lực không tốt, xanh xao nên khi quay về trường phải chuẩn bị thêm thực phẩm mang theo. Đến ga Bằng Tường, nhân viên Trung Quốc kiểm tra hành lý, lúc mở ba lô ra, bên trong chỉ đựng đồ ăn. Năm 1959, ông Hậu về Việt Nam thăm gia đình khoảng một tháng. Trước ngày trở lại Trung Quốc, 8 giờ tối, ông nói với mẹ: “Mẹ ở nhà giữ gìn sức khỏe, con đi xa sẽ viết thư về cho mẹ”[12]. Mẹ hỏi: “Con có muốn nói gì với mẹ nữa không?”[13], khiến ông có linh cảm như đó là câu nói cuối cùng của mẹ với mình. Do nhà nghèo, nên mẹ ông cũng không chuẩn bị được đồ ăn gì cho ông mang sang Trung Quốc.

Sinh viên Trần Hậu (thứ 9, bên phải) đón Chủ tịch Hồ Chí Minh ở sân bay Vũ Hán, Trung Quốc, tháng 12-1960

Tháng 11-1960, Bác Hồ cùng một số lãnh đạo Đảng đi dự Hội nghị đại biểu các Đảng cộng sản và công nhân quốc tế lần thứ II ở thủ đô Moskva, Liên Xô. Trên đường trở về nước, đoàn dừng chân ở sân bay Vũ Hán, nhiều sinh viên Việt Nam được nhà trường thông báo đến sân bay đón đoàn. Gặp gỡ các sinh viên ở phòng chờ, Bác Hồ căn dặn: Đảng và Nhà nước cử các cháu sang đây học tập nên cố gắng học tập và tu dưỡng cho tốt. Các cháu phải đồng cam cộng khổ với bạn vì nước bạn đang gặp khó khăn[14]. Ngừng một lúc, Người hỏi: Bạn ăn cháo, các cháu ăn cơm, cháu ăn có ngon không?, bạn ăn rau ăn muối mà các cháu ăn cá ăn thịt thì ăn có ngon không?[15]. Sau buổi gặp Bác, sinh viên Việt Nam đều xin cắt ưu đãi để kham khổ cùng các bạn sinh viên Trung Quốc. Mỗi bữa, mọi người chỉ ăn một tô cháo được nấu chủ yếu là rau nên bị ốm và tiêu chảy rất nhiều. Trước tình hình đó, nhà trường phải để sinh viên Việt Nam ăn theo tiêu chuẩn như trước đây.

Năm 1961, ông Hậu đi thực tập tốt nghiệp ở thành phố Thượng Hải với thời gian thực tập hai tháng. Ông thực tập công việc xuất nhập hàng hóa, quảng cáo mặt hàng cho xí nghiệp quốc doanh. Tháng 7-1961, ông Hậu thi tốt nghiệp ba môn là Kinh tế, Tổ chức thương mại, Phân tích hoạt động kinh tế. Sau khi tốt nghiệp, về nước ông được phân về công tác ở Bộ Nội thương. “Từ đây, cuộc đời tôi bước sang một trang mới”[16].

Gấp lại cuốn album, với những bức ảnh gợi lại những ký ức một thời, cũng là lúc PGS.TS Trần Hậu kết thúc câu chuyện của mình về chặng đường gian khó một thời đèn sách của mình. Thời gian đã lùi xa, những ký ức tươi mới ngày nào trong tâm trí ông giờ cũng dần nhạt nhòa, có chuyện nhớ, chuyện quên, nhưng với ông,những tháng ngày gian khó đó chính là thử thách giúp ông trưởng thành trên con đường khoa học sau này”.

Ngô Văn Hiển


* PGS.TS Trần Hậu, sinh năm 1937, chuyên ngành Xây dựng Đảng, nguyên Giám đốc Trung tâm Công tác lý luận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

[1] Đình Nhạn Tái thuộc thôn Nhạn Tái, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội.

[2] Người thôn Nhạn Tái.

[3] Năm 1950 đổi tên thành phố Nguyễn Thái Học.

[4] [5][6] Phỏng vấn PGS.TS Trần Hậu 12-8-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[7] Nay là huyện Bắc Sơn và Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.

[8] [9] Phỏng vấn PGS.TS Trần Hậu 12-8-2016, tài liệu đã dẫn.

[10] [11] [12] [13] [14] [15] [16] Phỏng vấn PGS.TS Trần Hậu 21-9-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.