Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Kim Nữ Hiếu sinh ngày 6-12-1942 tại Hà Nội, quê ở làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Tuổi thơ của Nguyễn Kim Nữ Hiếu gắn với những lần sơ tán cùng gia đình từ Hà Nội lên Làng Ải, xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, rồi tỉnh Phú Thọ, tỉnh Hà Giang, sau đó lại quay về Tuyên Quang (1949) . Vì "ốm yếu" hơn so với các chị em trong gia đình nên Nữ Hiếu phần nào đó cũng được cha mẹ ưu ái hơn, quan tâm hơn.
Khoảng cuối năm 1953, cha bà là GS Nguyễn Văn Huyên [1] từ ATK (An toàn khu) về nơi gia đình đang sinh sống ở Làng Ải báo cho mẹ bà là Vi Kim Ngọc biết về chủ trương của Đảng và Chính phủ sẽ lựa chọn một số học sinh chăm ngoan, có đạo đức tốt là con em cán bộ cách mạng đi học ở Trung Quốc. Nguyễn Kim Nữ Hiếu thuộc diện được lựa chọn. Nhận được thông tin này bố mẹ bà đều ủng hộ và đồng ý cho con gái sang Trung Quốc học cho "bằng chị bằng em" và để bạo dạn hơn vì lúc nhỏ bà vốn bị lao xương, tính tình lại nhút nhát. Khi đó, Nguyễn Kim Nữ Hiếu đang học dở lớp 4 được thầy giáo Nguyễn Văn Ngọc – Hiệu trưởng trường cấp I làng Ải, ghi tên cho học lên lớp 5. Bà nghĩ bản thân không theo kịp được, nhưng nhờ sự động viên của cha mẹ và thầy giáo "thế nào em cũng theo được", bà vững tâm hơn. Sang Trung Quốc, bà theo học lớp 5 và trong suốt những năm học cấp II, bà học trường Thiếu sinh quân (sau đổi tên là Trường Thiếu nhi Việt Nam) ở Quế Lâm, mang số danh bạ 127. Mặc dù học nhảy lớp nhưng bà cũng cố gắng học cho tốt và tốt nghiệp cấp II, năm 1957.
Mùa hè năm 1957, Nữ Hiếu được nghỉ phép về Việt Nam thăm gia đình. Biết tin Khu học xá Nam Ninh sẽ giải thể vào cuối năm 1957, theo lời khuyên của cha – GS Nguyễn Văn Huyên: "Đằng nào đến tháng 12 thì tất cả đều phải quay về Việt Nam học hết vì giải tán trường. Trung Quốc đã giúp mình rồi, bây giờ hoà bình lập lại thì sẽ đưa về các gia đình", bà đã ở lại Việt Nam theo học trường Phổ thông cấp III Trưng Vương, Hà Nội. Cuốn Sổ lao động mà PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu còn giữ lại và tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, được bà ghi chép từ ngày 5-10-1958 đến ngày 28-4-1959, khi đó bà đang học lớp 9B, trường Trưng Vương.
Nhớ lại những ngày học phổ thông, PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu cho biết: Chương trình học lúc bấy giờ có môn học Lao động: gồm cả nông nghiệp (cấy lúa, vớt bèo…) và công nghiêp (khoan, rèn…). Bên cạnh đó còn có giờ lao động xã hội chủ nghĩa, đó là hình thức thi đua giữa các trường học. Địa điểm lao động do nhà trường liên hệ sau đó phân công theo từng lớp, chia nhỏ theo tổ về tham gia lao động cùng các hợp tác xã hoặc phong trào của thành phố. Hết đợt lao động mỗi tổ viên phải có báo cáo ở tổ. Hoạt động này thuộc môn học nên mỗi học sinh phải tự trang bị vở ghi chép để tiện cho giáo viên theo dõi và đánh giá kết quả lao động của mình.
Trong những ngày cùng gia đình ở Việt Bắc, Nữ Hiếu đã thấy người dân địa phương xay thóc, giã gạo nên phần nào đó đã hình dung ra được công việc. Thời gian học ở Quế Lâm, bà cũng tham gia lao động với các công việc như xây chuồng lợn, chuồng gà nên cũng không mấy lạ lẫm. Những ngày đầu tháng 10, khi bắt đầu tham gia những buổi lao động tập thể, làm những công việc của nhà nông bà thấy thích thú và nhận thức rõ ý nghĩa của lao động: "Qua ba lần lao động trên đường Cổ Ngư và một lần ở Cổ Nhuế, em thấy mình có tiến bộ rất nhiều và nhất là sau khi làm về, không thấy gì là mệt mỏi. Em nhận thấy lao động thật vất vả nhưng qua nhiều lần lao động nó đã giúp cho em nhìn thấy kết quả của lao động thật bao nhiêu công sức mới làm được cho nên ngày thấy quý sức lao động…".
Sổ lao động của PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu
Ngoài gánh đất ở đường Cổ Ngư, bà còn tham gia hăng say các công việc cuốc đất trồng rau (xu hào, tỏi, đậu) ở Ngọc Hà; Vớt bèo, cấy lúa ở Láng; Làm phân xanh tại xã Trung Hòa; Tham gia sản xuất ở Hợp tác xã Cổ Nhuế, ngoại thành Hà Nội…đều tạo cho bà những "hứng khởi" và những trải nghiệm khác nhau.
"Ngày 17-11-1958: Láng, đi lấy bùn. Ngày lao động hôm nay em thấy rất vui và phấn khởi. Lần đầu tiên làm việc này nhưng sao phấn khởi thế, em thấy hình như mình đã làm nhiều lần rồi. Hôm nay em ngâm mình xuống nước đến tận cổ, tuy trời mưa có rét nhưng không sao, em vẫn hăng hái làm. Em biết được cách vớt bùn là như thế nào cho tốt. Hôm nay thật vui vẻ, làm xong thật thoải mái".
"Vớt bèo, chuyển bèo, làm phân xanh ở Láng. Làm từ 7h đến 1h mới về đến nhà. Thấy vui vì đã vớt được nhiều bèo và ngâm nước bị đỉa cắn nhưng em đã không sợ, coi đó là một sự việc hết sức bình thường. Lần đầu tiên tiếp xúc, nhưng em đã quen và thấy rất bình thường" (Ngày 18-11-1958).
"Hôm nay toàn khối 9, 10 lại trở về xã đi cấy. Hiếu thấy phấn khởi vô cùng…Ở Hợp tác xã còn nhiều ruộng chưa cấy lắm, Hiếu muốn đem sức mình ra xây dựng cho đồng lúa hơn nữa" (Ngày 16-2-1959, tại Cổ Nhuế).
Vừa tham gia lao động, Nữ Hiếu vừa phụ trách công tác Bình dân học vụ ở Lương Yên và một số nơi trên địa bàn khu Ba Đình, đồng thời phụ trách thiếu nhi ở trường phổ thông cấp I Lương Yên. Trường Lương Yên là trường nhiều học sinh là con em gia đình lao động ở khu Lương Yên, Thanh Nhàn, đa phần các em nghèo khó, vất vả. Cho đến bây giờ, thỉnh thoảng cô trò vẫn gặp lại nhau, tình cảm thật nồng thắm. Ngoài ra, vào những ngày lễ lớn, các đơn vị quân đội tổ chức diễu hành chào mừng, cần có thêm lực lượng nữ trong đội hình, nên bà được tuyển chọn tham gia, biểu diễn mô hình thể dục uốn dẻo ở Sân vận động Hàng Đẫy, mô hình bơi lội trên xe mô tô quanh bờ hồ Hoàn Kiếm.
Nguyễn Kim Nữ Hiếu (thứ 4, từ trái sang) tham gia biểu diễn mô hình bơi lội trên xe mô tô quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, năm 1959
Sự đa dạng trong các hoạt động đã giúp Nữ Hiếu học hỏi thêm được rất nhiều điều, bà cảm thấy rất vui: "Ở nhà máy hôm nay rất phấn khởi, hôm nay không được đục nữa mà lại học gập cho những thỏi sắt con thật tròn vào. Mỗi ngày một nghề nhưng rất phấn khởi" (Ngày 6-4-1959).
Sau mỗi buổi hoặc sau từng đợt lao động, Nữ Hiếu đều dành thời gian để ghi chép lại công việc đã làm ở trong ngày; kiểm điểm về ưu khuyết chính; tâm trạng, cảm xúc sau mỗi buổi lao động; đặt mức cho cá nhân để từ đó cố gắng lao động tốt hơn ở buổi sau. Thầy Đinh Văn Nhưng – Chủ nhiệm lớp đồng thời phụ trách môn học này đã khen: "Đã xem, ghi chép cẩn thận, nên ghi diễn biến tâm trạng, có thể ghi nhận thức, nhận xét của mình”.
Ít ai nghĩ rằng với dáng người mảnh dẻ, từng phải chống chọi với bệnh tật, nhưng Nữ Hiếu lại hăng hái tham gia các phong trào do trường, lớp phát động và đều đạt những thành tích cao, quyết tâm phấn đấu đứng trong hàng ngũ của Đoàn Thanh niên. Đối với bà, đó là một thời thanh niên sôi nổi đáng nhớ, và chỉ có bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, người ta mới có thể vượt qua mọi khó khăn của bản thân để rèn luyện, phấn đấu cho lý tưởng như vậy. Đó cũng là hành trang để sau này khi ra trường, bà tiếp tục phấn đấu, đóng góp nhiều hơn cho đất nước.
Hoàng Thị Liêm
________________________
[1] GS Nguyễn Văn Huyên – Nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam