Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, PGS.TS Đoàn Trọng Huy có cơ hội được chứng kiến hai sự kiện lịch sử của Thủ đô: Lễ mít tinh Tổng khởi nghĩa ngày 19-8-1945 tại Nhà hát Lớn và Lễ Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945. Đó cũng là lần đầu tiên cậu bé 11 tuổi, lọt thỏm giữa dòng người, đã biết ngóng trông từ xa, nghe vọng từ xa hình ảnh và tiếng nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giọng cậu hòa theo những tiếng hô vang: Ủng hộ Việt Minh! Việt
Tốt nghiệp trường Sư phạm Trung cấp tại Khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc (1953), về nước ông xung phong lên Tây Bắc dạy học. Sau 5 năm công tác ở Sơn La, ông về Thủ đô học hệ tại chức tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, rồi được giữ lại trường công tác từ năm 1960. Khoảng thời gian từ năm 1956 (khi còn công tác tại Sơn La) đến năm 1960, ông có dịp được gặp Bác 3 lần tại Hà Nội trong các sự kiện: Hội nghị Thi đua toàn ngành Giáo dục, Trại hè giáo viên và tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Khó có thể tả hết nỗi hân hoan vui sướng của một công dân thanh niên, được gặp gỡ Chủ tịch nước đồng thời là lãnh tụ cách mạng nổi tiếng trên thế giới. Khi gặp Bác, tôi đã là một thầy giáo. Vì vậy còn dấy lên trong lòng một niềm tự hào chính đáng: Là một đối tượng để được Người trực tiếp dặn dò, trao gửi lời hay, ý đẹp về nghề dạy học cao quý. Tôi và các đồng nghiệp như những đại diện được tin cậy và vinh danh: “Nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”. Lời Người dặn dò: “Trường Sư phạm phải là trường mô phạm của cả nước” đã được bao thế hệ dày công xây dựng, vun đắp. Riêng với tôi, một đời theo nghề giáo chính là thực hiện lời hứa thiêng liêng với Người[1] – PGS Đoàn Trọng Huy chia sẻ. Từ những kỷ niệm và ý thức của một thầy giáo dạy văn học, giảng viên Đoàn Trọng Huy dần quan tâm, say sưa với việc nghiên cứu, giảng dạy về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và sau đó, trong ông hình thành một niềm say mê viết về Bác – một chân dung nghệ thuật cao đẹp.
PGS.TS Đoàn Trọng Huy trong một buổi làm việc với Trung tâm Di sản, 2019
Năm 1960, ông được phân công giảng dạy phần Văn học Việt Nam hiện đại trong một tổ chuyên môn chia làm 2 nhóm, nghiên cứu 2 giai đoạn: 1930-1945 và từ 1945 trở về sau (nhưng sự nghiệp của các tác gia thường là xuyên suốt). Từ công việc chuyên môn, ông bắt đầu tìm hiểu sâu về cuộc đời và sự nghiệp chính trị, đặc biệt đi sâu nghiên cứu sự nghiệp văn học, văn hoá Hồ Chí Minh. Ông đã đọc rất nhiều tác phẩm, bài báo, công trình nghiên cứu, sáng tác về Bác xuất bản trong và ngoài nước, thấy cả những ý kiến trái chiều… Hầu như tôi không để sót tư liệu nào của các Hội thảo khoa học quốc gia hoặc quốc tế về Hồ Chí Minh[2] – PGS Đoàn Trọng Huy khẳng định. Từ các Viện bảo tàng, các di tích lịch sử liên quan đến Hồ Chí Minh… hầu như đều có dấu chân ông. Tranh thủ những dịp đi làm chuyên gia, đi du lịch nước ngoài, ông đã thu thập thêm một số tư liệu như tượng Hồ Chí Minh ở Moskva (Liên Xô), đại lộ Hồ Chí Minh ở Luanda (Angola), tư liệu Nguyễn Ái Quốc[3] ở Pháp từ Đại sứ quán Việt Nam tại Paris (Pháp)…
Ông cũng tìm hiểu được nhiều câu chuyện sinh động về Bác Hồ qua những người bạn văn nghệ sĩ, những chính khách tên tuổi như Tố Hữu[4],Huy Cận[5],Nguyễn Đình Thi[6], Việt Phương[7], Hà Huy Giáp[8]… Những chuyện thú vị chưa được công bố trên sách báo, như chuyện Tố Hữu, Việt Phương cùng ăn cơm với Bác, Nguyễn Đình Thi hát cho Bác nghe, Hà Huy Giáp đi tắm suối cùng Bác… Và cả các phát hiện lý thú trên nhiều phương diện về cuộc đời của Bác (về gia đình,…); về sự nghiệp cách mạng (quan hệ quốc tế, hoạt động ngoại giao); về tầm ảnh hưởng của Bác; sự tích một số bài thơ Bác sáng tác như Mới ra tù tập leo núi, Lên núi, Cảm ơn người tặng cam…
Khoảng mười năm nay, sau khi thu thập, tích lũy “đủ vốn”, PGS Đoàn Trọng Huy tập trung viết sách. Ông bật mí: Thực ra, từ thời học Sư phạm Trung cấp ở Trung Quốc (1951), tôi đã làm thơ về Bác để dự thi và được giải thưởng trong dịp sáng tác 19-05 tại Khu học xá Trung ương. Năm 1960, tôi cũng sáng tác một bản trường ca Hồ Chí Minh có dáng dấp trường ca Lênin của Mayakovsky. Sau đó tôi mạnh dạn gửi tặng nhà thơ Tố Hữu trong buổi đầu tiếp xúc với tư cách cán bộ giảng dạy trẻ của trường Đại học Sư phạm. Nghĩ lại, thấy việc tặng thơ khác nào “múa rìu qua mắt thợ” nhưng đó là một tình cảm hồn nhiên, vô tư[9].
Ông tự nhận mình không có khiếu sáng tác mà thấy có hứng thú và thiên hướng nghiên cứu, phê bình. Khi viết về Hồ Chí Minh là một thách thức rất lớn với ông (và có lẽ với nhiều người cầm bút), bởi đã có rất nhiều tài liệu, sách báo trong nước và nước ngoài viết về Người. Viết vấn đề gì và viết như thế nào được đặt ra trước tiên. Hướng sáng tác văn xuôi đã có đại biểu xuất sắc là nhà văn Sơn Tùng, nổi tiếng với tiểu thuyết “Búp sen xanh” và “Bông sen vàng” cùng nhiều sáng tác khác. Về phương diện nghiên cứu, có đại diện ưu tú, rất đáng ngưỡng mộ là GS Hà Minh Đức với một số công trình nghiên cứu tổng hợp có giá trị về văn thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh được đánh giá cao qua các giải thưởng. Tôi chọn một hướng khác. Đó là kết hợp nghiên cứu và sáng tác. Chính vì vậy, công trình của tôi có cả nghiên cứu, phê bình tiểu luận và xen kẽ với tản văn. Lý luận kết hợp với thực tiễn cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và văn chương của Người. Có chuyện chính trị, xã hội và cả chuyện đời sống, thế sự. Mục tiêu của công trình là làm nổi bật chân dung nghệ thuật cùng với chân dung tính cách của Người. Lý luận vì vậy sẽ bớt tính hàn lâm mà tăng thêm tính thực tiễn sinh động. Chẳng hạn đồng thời với đề xuất quan điểm văn hoá là những ứng xử văn hoá thực tiễn của Người[10].
Một vấn đề hệ trọng hàng đầu nữa là quan điểm viết. Không thể nào khác là người viết phải thể hiện minh bạch lập trường, quan điểm chính trị, xã hội. Khuynh hướng chính xác nhất, thuyết phục nhất vẫn là tôn vinh đúng mức, chân thực, chính xác những vấn đề lớn lao, phi thường, đồng thời chú trọng cả những điều bình thường. Ông cũng cho rằng, khi miêu tả thể hiện con người Bác qua cuộc đời và văn thơ, đặc biệt phải nhấn mạnh phẩm chất nhân văn.
Tác phẩm "Hồ Chí Minh- Niềm thơ cao cả" của tác giả Đoàn Trọng Huy
được Giải thưởng của Ban Tuyên giáo Trung ương, năm 2018
Hồ Chi Minh – Niềm thơ cao cả là cuốn sách đầu tiên của ông viết về Bác, do Nxb. Thanh niên phát hành năm 2015 với số lượng 1000 cuốn. Sách đã đạt giải thưởng của Ban Tuyên giáo Trung ương và được in lần thứ 2 do Nxb. Văn hóa – Văn nghệ TP Hồ Chí Minh ấn hành năm 2018 với số lượng 3000 cuốn. Tiếp theo, ông lần lượt cho ra đời các công trình: Hồ Chí Minh – Hồn cách mạng, hồn thơ (Nxb. Văn hóa- Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2019), Hồ Chí Minh – Kiệt xuất một danh nhân văn hóa (Nxb. Đà Nẵng, 2020), Hồ Chí Minh – Vĩ đại một lãnh tụ cách mạng (dự kiến xuất bản trong năm 2021).
PGS Nguyễn Trọng Huy tâm sự:Viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh là cả một thách thức lớn về ý thức tư tưởng, tình cảm và nghệ thuật, phong cách viết. Nhưng tôi đã tâm niệm một ý tưởng nghiêm túc, thiêng liêng: Viết là để tỏ lòng chân thành kính yêu, ngưỡng mộ và tri ân vị lãnh tụ vĩ đại. Đó cũng chính là ngọn lửa mãnh liệt trong trái tim tôi được nhóm lên đã từ rất lâu trong đời người thầy giáo văn chương[11].
Nguyễn Điệp
*PGS.TS Đoàn Trọng Huy, chuyên ngành Văn học, nguyên Chủ nhiệm khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
[1] Theo tài liệu do PGS.TS Đoàn Trọng Huy cung cấp ngày 29-8-2021, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[2] Theo tài liệu do PGS.TS Đoàn Trọng Huy cung cấp ngày 29-8-2021, đã dẫn.
[3] Nguyễn Ái Quốc là tên Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng khi Người ở Pháp từ năm 1919.
[4] Nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt
[5] Nguyên là Bộ trưởng Bộ Canh nông và cũng là nhà thơ nổi tiếng của phong trào Thơ mới.
[6] Là một nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học và nhạc sĩ Việt