Một trái tim nhân ái

 


 

Giáo sư Nguyễn Tài Thu khám bệnh cho người bệnh có hoàn cảnh khó khăn.  

 

Nhân dịp ông được vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2012, chúng tôi đến gặp ông, để hiểu thêm về tình yêu cháy bỏng của một người con Hà Nội và những đóng góp lớn lao, khát khao cống hiến, đem hết cả tâm huyết, trí lực trị bệnh cứu người.

Tôi gặp GS Nguyễn Tài Thu sau chuyến công tác dài của ông ở Xin-ga-po, In-đô-nê-xi-a, Pháp. Làm Chủ tịch Hội Châm cứu Việt Nam, đồng thời là Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Châm cứu thế giới, Viện sĩ danh dự của nhiều nước, ông không chỉ bận rộn với việc chữa bệnh, giảng dạy ở trong nước, mà còn thường xuyên đi công tác ở nhiều nước trên thế giới. Có lẽ rất hiếm người như ông, tuổi đã ngoài 80, mà vẫn hăng say làm việc. Ông bảo, chính tình yêu thương, quý mến mọi người dành tặng là “thần dược” khiến ông luôn khỏe mạnh, lạc quan và quên hết những mệt nhọc trong công việc.

Duyên nghiệp đưa GS Nguyễn Tài Thu đến với nghề thầy thuốc từ những ngày chiến đấu khốc liệt trong mưa bom, lửa đạn. Năm 1947, ông là chiến sĩ quyết tử của Trung đoàn Thủ đô. Chứng kiến những người lính trẻ hy sinh, hoặc bị mất một phần cơ thể, chịu đau đớn, ông không thể cầm lòng. Sự thương cảm các thương, bệnh binh đã thắp lên trong ông ước nguyện trở thành thầy thuốc để làm vơi bớt nỗi đau con người. Năm 1952, khi đang học y khoa, sinh viên Nguyễn Tài Thu được cử sang Trung Quốc học tiếp. Và ông chọn chuyên ngành đông y, chuyên sâu châm cứu bởi suy nghĩ rất giản đơn: chi phí chữa rẻ, trong khi dân ta còn nghèo.

Mấy chục năm kiên trì học hỏi, trau dồi kiến thức bằng cả bầu nhiệt huyết và cần mẫn thực hành chuyên môn, tay nghề GS Nguyễn Tài Thu không chỉ là niềm tự hào của chuyên ngành châm cứu Việt Nam, mà còn có dấu ấn sâu đậm ở tầm vóc quốc tế. Tại cửa phòng khám bệnh của giáo sư, lúc nào cũng có rất đông người bệnh từ khắp mọi miền Tổ quốc ngồi xếp hàng, đợi vị thầy thuốc tài năng chữa trị miễn phí. Ði chữa bệnh ở bất cứ đâu, ánh mắt đau đáu trông đợi của bệnh nhân luôn là nỗi ám ảnh và động lực để ông dồn hết tâm huyết chữa bệnh. Và ông đã trở thành ân nhân của biết bao người. Từng cử chỉ ân cần chăm sóc, từng lời nói ngọt ngào dỗ dành, ánh mắt âu yếm và cả những thao tác châm cứu chính xác tuyệt vời đã đẩy lùi bệnh tật và xua tan nỗi muộn phiền, lo lắng của bệnh nhân.

Lựa được cữ tay châm đúng huyệt, nhanh khỏi cho người bệnh là cả quá trình thực nghiệm kỳ công của GS Thu. Như có phép màu, cháu bé bị liệt từ Ðác Lắc đang khóc lóc, giãy giụa trên tay mẹ, nhưng chỉ sau khi chiếc kim khẽ chạm vào là nín bặt. Gương mặt bé hồn nhiên chìm dần vào giấc ngủ. Người mẹ rơm rớm kể, may mà gặp giáo sư, chứ gia cảnh túng thiếu, không biết xoay xở thế nào. Mới tháng trước, ngay sau khi nhận được bức thư của một bà mẹ trẻ làm giáo viên gửi từ huyện Ðiện Bàn (tỉnh Quảng Nam) tha thiết muốn được giáo sư ra tay cứu giúp vì cô con gái chị năm nay đã 6 tuổi vẫn câm, điếc. Hoàn cảnh gia đình chị khó khăn, không đủ tiền ra Hà Nội chữa trị. Ông lập tức dò hỏi địa chỉ, vào tận nơi thăm khám cho cháu bé. Biết được tin ông vào, hàng trăm người đã đón ông tại sân bay Ðà Nẵng, mong có dịp nhờ ông chữa trị. Gặp cháu bé từ sáng, ông phải kiên trì nựng mãi đến chiều mới châm được mũi kim đầu tiên. Ðó chỉ là một trong muôn vàn công việc nhân ái thầm lặng hằng ngày của vị giáo sư khả kính. Việc một vị thầy thuốc hàng chục năm nay chữa bệnh miễn phí cho hàng trăm nghìn người đã khiến mọi người ưu ái tôn vinh ông những biệt danh dân dã vừa trìu mến, vừa trân trọng như “cây kim thần kỳ”, “Hoa Ðà tái thế”, “ông tiên chữa bệnh”…

Cả đời gắn bó với kim châm, phần thưởng quý giá nhất với ông là niềm vui, tin yêu từ người bệnh. Không niềm hạnh phúc nào hơn khi người câm cất tiếng gọi, người liệt đứng dậy đi lại được, người mù thấy ánh sáng, người mổ không cần thuốc mê. Và cũng từ cái tâm của vị “lương y như từ mẫu” mà biết bao cảnh đời khốn khó, bệnh tật bủa vây, gia cảnh nghèo túng được ông thương yêu, che chở và chia sẻ cho vơi bớt nỗi lo lắng, nhọc nhằn. Nhiều nhà hảo tâm, tổ chức trong và ngoài nước cũng cảm kích tấm lòng nhân ái của giáo sư đáng kính đã chung tay giúp đỡ, nuôi dưỡng, đỡ đầu các cháu tàn tật.

Ðem ánh sáng khoa học hiện đại soi rọi vào kho tàng y học dân tộc, GS Nguyễn Tài Thu đã có nhiều sáng kiến như thủy châm, điện châm, nhĩ châm, châm tê để mổ, châm kim to. Cả đời lao động miệt mài và nghiêm túc, giáo sư đã nghiên cứu và viết hơn 20 chuyên đề phổ cập, 22 đầu sách, tổng kết điều trị 52 chứng bệnh thường gặp và khó chữa. Ðã có hàng nghìn học viên trong và ngoài nước theo học ông, được truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm quý tổng kết qua hàng chục năm mày mò, nghiên cứu, học hỏi.

Bấy nhiêu năm, cốt cách người Hà Nội thanh lịch khiêm tốn, thân mật, nhã nhặn vẫn luôn đằm sâu trong nhà khoa học uyên bác ngành y. Sự đôn hậu, nụ cười truyền cảm, giọng nói thuyết phục dễ tạo cảm tình cho bất kỳ ai tiếp xúc. Là người yêu Hà Nội khôn cùng, GS Thu rất vui mừng trước đổi thay lớn lao của thành phố nghìn năm tuổi và của ngành y tế Thủ đô. Những đóng góp của ông cũng không nằm ngoài mục đích để người dân cả nước nói chung, nhất là người dân Hà Nội vơi bớt nỗi đau bệnh tật, sống khỏe mạnh, để có điều kiện cống hiến, xây dựng Thủ đô thêm giàu đẹp. Tâm nguyện cuối đời của ông là xây dựng Trường đào tạo châm cứu Nguyễn Tài Thu ngay tại quê hương ông ở xã Vân Canh (huyện Hoài Ðức, Hà Nội). Bởi chân lý sống vì người bệnh đã trở thành mệnh lệnh của trái tim, mệnh lệnh tình người của người giáo sư tài đức.

Ái Minh

Nguồn: www.baomoi.com/Home/SucKhoe/www.nhandan.org.vn/Mot-trai-tim-nhan-ai/9916627.epi#30OXEaee6lZP