Chúng tôi gặp bà khi bắt đầu thực hiện việc nghiên cứu sưu tầm về cố GS.TS, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên. Ấn tượng đầu tiên về bà mà tất cả chúng tôi đều cảm nhận được là sự đôn hậu, hiền hòa và đặc biệt hết sức thân thiện, cởi mở. Có lẽ bà đã được thừa hưởng cả sự thông minh của người cha và sự dịu dàng, nhân hậu của người mẹ. Ngay buổi gặp đầu tiên bà đã tặng Trung tâm cuốn “Theo bước chân cha”, bà nói: phải đọc trước, nghiên cứu trước rồi mới hiểu và biết cần phải sưu tầm cái gì. Những buổi sau đó, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của bà. Cũng chính vì thế mà chúng tôi đã sưu tầm được hàng trăm bức ảnh tư liệu về cố GS Nguyễn Văn Huyên. Đặc biệt là hầu hết các bức ảnh đều được bà cung cấp thông tin hết sức chi tiết, điều mà chúng tôi rất khó làm được với gia đình nhiều nhà khoa học đã qua đời khác.
Trong quá trình làm việc, chúng tôi hết sức khâm phục và cũng học được ở bà sự cẩn thận, tỉ mỉ và cả quyết tâm tìm hỏi những gì mình còn chưa biết rõ. Chỉ để có thông tin cho một bức ảnh, bà đã phải lục tìm trên trong kho tư liệu của gia đình, trên Trung tâm lưu trữ, rồi đọc, cắt dán, chắp nối những thông tin, tìm bằng được những thông tin cho là xác thực nhất. Cũng có lẽ chính vì cách làm việc ấy mà bà đã hoàn thành cuốn sách đồ sộ “Theo bước chân cha”. Cuốn sách mà đã mất 10 năm cần mẫn, chắt chiu sưu tầm tài liệu, hồi tưởng lại những kỷ niệm xưa để viết. Và có lẽ cũng chính điều ấy đã làm nên giá trị của cuốn sách. Cuốn sách không chỉ còn dừng lại một cuốn hồi ký gia đình, mà còn là một cuốn sách có giá trị lịch sử cao.
Bà Nguyễn Kim Nữ Hạnh, sinh ngày 20 tháng 3 năm 1937 tại Hà Nội. Bà là con gái đầu lòng của cố Bộ trưởng bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên. Thủa nhỏ, bà học tại Hà Nội rồi theo gia đình đi kháng chiến tại Việt Bắc. Bà theo học tại trường Tân Trào (Tuyên Quang), rồi được cử sang Trung Quốc học tại các trường: Thiếu sinh quân, trường Thiếu nhi Việt Nam, và Khu học xá Nam Ninh. Sau đó bà theo học tại Học viện Đường sắt Thượng Hải, rồi chuyển lên học tại Học viện Đường sắt Bắc Kinh. Bà là một trong những thanh niên Việt Nam đầu tiên được đào tạo chính quy về kỹ thuật thông tin đường sắt ở nước ngoài.
Năm 1963 sau khi tốt nghiệp kỹ sư thông tin đường sắt về nước phục vụ, bà được phân công về làm công tác tại chuyên ngành Thông tin-tín hiệu thuộc Tổng cục Đường sắt cho đến khi nghỉ hưu.
Là một kỹ sư thông tin đường sắt nhưng it ai biết được trong những năm tháng khó khăn thời bao cấp, bà đã từng mở lớp trông trẻ. Bằng tình thương và sự thấu hiểu tâm tư trẻ nhỏ, bà đã biến một lớp học bình thường thành thiên đường của tuổi thơ. Một nơi mà con trẻ được chia sẻ, được giãi bày tâm tư, học và chơi sáng tạo, và đặc biệt học cách yêu thương mọi người. Những bài học tuổi thơ quý giá đó đã theo con trẻ trong suốt chặng đường trưởng thành của chúng sau này. Năm tháng trôi đi nhưng các vị phụ huynh và lớp trẻ ấy luôn luôn nhớ về bà, về những kỷ niệm và công lao dạy dỗ nên người. Từ tâm huyết với thế hệ trẻ, bà đã gửi gắm tình cảm và kinh nghiệm của mình vào tác phẩm Vòng tay mẹ. Vòng tay mẹ là những câu chuyện sống động về thế giới nội tâm trẻ thơ với những ưu tư mà người lớn khó nắm bắt được. Bà từng mong muốn cuốn sách này đến được tay nhiều bà mẹ, nhiều cô giáo để con trẻ thực sự được thấu hiểu. Tiếc thay cuốn sách chỉ in với số lượng quá ít ỏi. Sau này khi không còn trông trẻ, bà vẫn miệt mài viết tiếp cuốn Câu chuyện của người trông trẻ. Cuốn sách này chưa kịp xuất bản thì bà đã qua đời.
Một con người có trái tim nhân hậu ấy đã ra đi, để lại niềm tiếc thương và nỗi đau vô hạn cho người thân, bạn bè và cả những người không được nhiều lần trò chuyện với bà như chúng tôi. Xin được chia sẻ mất mát lớn lao này với gia đình bà và cầu chúc cho linh hồn bà được bằng an nơi bên kia thế giới.
Phạm Kim Ngân