Một trí tuệ, một tấm lòng

Tôi lại được diện kiến ông bà GS Trần Thanh Vân – GS Lê Kim Ngọc tại khách sạn Hải Âu bên bờ biển Quy Nhơn lộng gió trong những ngày diễn ra Gặp gỡ Việt Nam lần thứ VIII, cuộc gặp đặc biệt mời được những nhà lãnh đạo Phòng Thí nghiệm CMS của Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu ở Geneva – Thụy Sĩ sang tận nơi báo cáo chuyên sâu về sự kiện “nóng hổi” khám phá hạt Higgs gây chấn động giới khoa học thế giới.

“Bộ trưởng ngoại giao”

Gần 2 thập niên, kể từ mùa đông năm 1993 đến nay, qua 8 lần dự Gặp gỡ Việt Nam ở Hà Nội, TPHCM rồi Quy Nhơn, cũng như 7 kỳ dự Gặp gỡ Moriond, Gặp gỡ Blois trên đất Pháp, tôi luôn thấy ông bà GS làm việc bên nhau. Họ giải quyết biết bao nhiêu công việc căng thẳng, bộn bề, từ việc lớn như chuẩn bị nội dung học thuật của cuộc gặp, mời một số nhà bác học đoạt Giải Nobel tới dự, đến việc nhỏ như giữ chỗ khách sạn, hội trường, thuê xe buýt, đặt tiệc…

GS Lê Kim Ngọc cũng đang sát cánh bên chồng trong sự nghiệp lâu dài, đầy khó khăn, vất vả: Xây dựng Trung tâm Quốc tế Khoa học – Giáo dục liên ngành trên bãi biển Quy Nhơn, trung tâm đầu tiên ở châu Á kết hợp nghiên cứu khoa học với nghỉ dưỡng. Thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh và tính tình cởi mở, lịch thiệp, bà được nhiều người xem là “bộ trưởng ngoại giao” của Hội Gặp gỡ Việt Nam mà GS Trần Thanh Vân là chủ tịch. Bà thường nói vui: “Tôi chỉ là một cô thư ký của anh Vân thôi, một cô thư ký tận tụy nhưng… chẳng được trả lương!”.

Mấy ai biết K. Tran Thanh Van là nữ GS Lê Kim Ngọc? Là GS, TSKH tại Đại học Paris – Nam, do sống và làm việc từ lâu ở Pháp nên bà phải “nhập gia tùy tục”, nghĩa là cũng như mọi người con gái Âu – Mỹ, sau khi kết hôn “phải” mang họ chồng và chỉ còn “được” giữ lại cái tên thời con gái mà thôi! Hiềm một nỗi, tên Ngọc của bà quá khó đọc đối với bạn bè Âu – Mỹ nên bà đành lấy chữ lót Kim làm tên, phát âm theo giọng Vĩnh Long quê hương bà là Kiêm.

GS Lê Kim Ngọc hỏi chuyện một sinh viên khuyết tật được nhận học bổng Odon Vallet ở Huế

Vì vậy, khi xem các tạp chí sinh học hàng đầu thế giới, gặp tác giả Kiem Tran Thanh Van, hoặc K. Tran Thanh Van, có khi chỉ gọn lỏn là Mrs Tran, người đọc khó mà biết được đó chính là GS Lê Kim Ngọc.

Những năm 1970, giới trí thức Hà Nội quen đọc báo Pháp rất thích thú khi thấy liên tục xuất hiện trên các báo lớn ở Paris như Le Monde, Paris Match, Sciences et Aveni… những dòng tít chạy 4-5 cột của các bài phóng sự dài 3.000-4.000 từ, giới thiệu phát minh của bà Trần Thanh Vân, “một nữ bác học Việt Nam” làm việc tại Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp (CNRS), khám phá quy luật của quá trình nở hoa, do đó, có thể tùy ý điều khiển quá trình ấy trong ống nghiệm.

Mái tóc buông xõa đen mượt, mũi dọc dừa, áo dài lụa hoa, ngón tay thon thả bên kính hiển vi điện tử, bức ảnh người phụ nữ Việt Nam ấy chiếm cả một phần tư trang báo, dưới những dòng tít khá “giật gân” như: Khi rễ cây nở hoa, Cuộc cách mạng trong thực vật học, Bắt phong lan nở hoa theo đơn đặt hàng… Nhiều tờ báo lớn ở nước ta đã đưa tin tổng thuật hoặc dịch đăng toàn văn một số bài báo Pháp.

Thành tựu khoa học của GS Lê Kim Ngọc còn được giới thiệu trong tạp chí Nature xuất bản ở Anh, tạp chí khoa học đỉnh cao thế giới, thường in công trình của các nhà bác học đoạt Giải Nobel.

Bán thiệp Giáng sinh làm từ thiện

Sẽ thiếu sót nếu tưởng rằng GS Lê Kim Ngọc chỉ là một nhà sinh học thích tự nhốt mình trong “tháp ngà” học thuật. Bà còn là một nhà hoạt động từ thiện nồng nhiệt, đầy hiệu quả, người sáng lập và là chủ tịch tổ chức Aide à l’Enfance du Vietnam (AEVN – Giúp đỡ trẻ em Việt Nam).

Cảm thương cảnh ngộ của hàng trăm ngàn cháu bé trở nên côi cút, không chốn nương thân sau bao nhiêu năm chiến tranh đẫm máu, bà cùng chồng rất muốn cứu giúp các cháu. Nhưng bằng cách nào đây? Ông bà nhận thấy ở phương Tây, lễ Giáng sinh có ý nghĩa thân thiết trong tâm linh con người, chẳng khác nào Tết Nguyên đán ở phương Đông. Thời ấy làm gì có email, ngay ở phương Tây mà máy điện thoại cũng chưa nhiều. Dân Âu – Mỹ cần mua những tấm thiệp Giáng sinh để gửi lời chúc ngắn gọn đến bè bạn, người thân.

Thế là ông bà nảy ra ý định chọn một số bức tranh lụa mượt mà của các họa sĩ Việt kiều danh tiếng như Lê Phổ, Lê Thị Lựu, Mai Trung Thứ, Lê Văn Bình… để in trên thiệp Giáng sinh, vừa lạ mắt dễ bán vừa nhân đó giới thiệu chút ít về văn hóa Việt Nam. Rồi ông bà tự đứng bán những tấm thiệp ấy bên nhà thờ Đức Bà Paris, vào lúc đêm hôm khuya khoắt, trong tháng cuối năm lạnh cóng, tuyết rơi lả tả thấm ướt cả mái đầu, vai áo. Sau khi nghe cha đạo giảng kinh ra về, lòng người ta dễ hướng thiện, ai cũng sẵn lòng mua một vài gói thiệp để làm phúc…

Các báo Paris chụp ảnh, viết bài kể chuyện ông bà Trần Thanh Vân đứng bán thiệp Giáng sinh kiếm tiền giúp trẻ mồ côi. Nhiều người phương Tây xúc động, tình nguyện xuống đường cùng ông bà bán hàng trăm ngàn tấm thiệp, tạo thành một “phong trào” ở Pháp, về sau lan sang cả Mỹ. Bán một gói 10 tấm thiệp được 2 USD, lãi 1 USD. Chính với những đồng tiền lẻ gom được từ việc bán thiệp đó, AEVN xây Làng Trẻ em SOS Đà Lạt. Để xây cất, AEVN phải bỏ ra 1 triệu USD và để duy trì, hằng năm họ còn phải bỏ thêm 100.000 USD nữa.

Sau Làng Trẻ em SOS Đà Lạt, năm 1998, AEVN xây cất Trung tâm Bảo trợ trẻ em Thủy Xuân ở ngoại thành Huế. “Chúng tôi không phải là những nhà doanh nghiệp. Đồng tiền chúng tôi kiếm được chẳng phải là nhiều.

GS Lê Kim Ngọc, nhà khoa học trí tuệ có tấm lòng nhân ái

Tổ chức của chúng tôi cũng không phải là tổ chức chính phủ nên chẳng có thể ung dung tiêu tiền nhà nước. Bởi thế, chúng tôi chỉ có thể gom góp tiền riêng, làm vài ba việc nhỏ nhằm cứu giúp một số trẻ em bất hạnh ở nước mình. Chúng tôi làm những việc nhỏ ấy với tất cả tình thương và sự thành tâm. Tiền bạc và danh vọng có thể phút chốc tan biến như khói như sương, song tình thương và lòng nhân ái thì còn lại mãi” – GS Lê Kim Ngọc thổ lộ tại Thủy Xuân.

Ông Helmut Kutin, Chủ tịch Hiệp hội Quốc tế Các làng trẻ em SOS, cho biết: “Tổ chức AEVN là một thành viên của hiệp hội quốc tế chúng tôi. Tôi quen biết ông bà Trần ở Paris từ khi cả 3 người chúng tôi đều còn rất trẻ. Là những nhà khoa học danh tiếng ở thủ đô nước Pháp, lẽ ra sau giờ làm việc tại công sở, 2 người phải được nghỉ ngơi thoải mái. Thế nhưng, 2 nhà khoa học ấy đã tự nguyện đứng bên hè đường Paris bán từng gói thiệp Giáng sinh để gom tiền xây cất Làng Trẻ em SOS Đà Lạt và tiếp theo là Trung tâm Thủy Xuân rồi Làng Trẻ em SOS Đồng Hới…

Như các bạn thấy đấy, để xây cất được một làng trẻ em SOS, ông bà Trần và những người cùng chí hướng đã phải bán hàng triệu, hàng chục triệu tấm thiệp nhỏ nhoi. Đồng tiền kiếm được thật nhọc nhằn biết bao! Tôi muốn nhắc đi nhắc lại điều ấy để các bạn Việt Nam ở trong nước, nhất là các quan chức địa phương và những nhà thầu, hiểu thấm thía rằng họ cần phải dè sẻn như thế nào khi chi tiêu những đồng tiền nhọc nhằn gom góp ấy”.

Đầu năm học 2004-2005, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân đã tiếp ông bà Trần Thanh Vân và GS Odon Vallet tại nhà riêng ở 30 Hoàng Diệu – Hà Nội, để khích lệ ông bà Trần và người bạn Pháp trong hoạt động từ thiện, khuyến học. Tại Quảng Bình, quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cũng là quê hương của GS Trần Thanh Vân, AEVN cộng tác với Hiệp hội Quốc tế Các làng Trẻ em SOS và Hội Các làng trẻ em SOS Pháp đã khai trương Làng trẻ em SOS Đồng Hới vào cuối tháng 8-2006.

Như ân nhân, cha mẹ ruột

Tôi đã có dịp cùng ông bà Trần Thanh Vân – Lê Kim Ngọc đi thăm nhiều làng SOS ngoài Bắc, trong Nam. Mới nhất là chuyến trở lại thăm Trung tâm Bảo trợ trẻ em Thủy Xuân vào một ngày cuối thu năm 2011.

Đây là lần thứ 11 tôi đặt chân đến Thủy Xuân. Được nuôi dưỡng ở trung tâm là những trẻ mồ côi và cả một số em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bé bỏng đơn côi ngày nào, nay các em đã cứng cáp lớn khôn và bắt đầu tìm thấy hạnh phúc trên đường đời còn nhiều trắc trở.

Nhiều em vừa thi đỗ đại học, một số em đã là sinh viên. Em Bùi Văn Phố đang viết luận văn thạc sĩ vật lý ở Nhật Bản, em Hoàng Thị Anh Đào viết luận án tiến sĩ Đông phương học ở Huế… Các em đều xem ông bà GS như ân nhân, như cha mẹ ruột của mình.

Bài và ảnh: Hàm Châu

Nguồn:www.baomoi.com/Home/GiaoDuc/nld.com.vn/Mot-tri-tue-mot-tam-long/8934090.epi