Kính thưa PGS.TS Nguyễn Văn Huy – Giám đốc chuyên môn Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam cùng các cán bộ của Trung tâm.
Các bạn đồng nghiệp thân mến!
Tôi hết sức vui mừng được ban tổ chức cho phép tham dự “Lễ tiếp nhận Bộ sưu tập tư liệu, hiện vật của GS.TS Lê Quang Long”
Tôi biết anh Long từ năm 1949-1950, lúc còn dạy ở các trường phổ thông ở Hà Tĩnh, Sư phạm trung cấp Liên khu IV rồi cùng được cử đi học trường Sư phạm Cao cấp (SPCC) – tiền thân của trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Cùng đi Việt Bắc rồi sang Nam Ninh, Trung Quốc, ba năm cùng học một lớp, không những thế mà cùng ở chung một buồng, nằm kề sát giường nhau. Sau lúc kết thúc SPCC, chúng tôi về nước, mỗi người một việc khác nhau. Anh Long làm việc ở Nha Bình dân học vụ ở Việt Bắc, còn tôi về dạy Trường Cấp III Lam Sơn. Sau chiến thắng Địện Biên Phủ, tôi được điều về tiếp quản Hà Nội, làm việc tại Nha Giáo dục Phổ thông.
Năm 1955, trường từ Trung Quốc chuyển về Hà Nội, anh Long và tôi lại được chuyển về trường để chuẩn bị mở trường Đại học Tổng hợp và Đại học Sư phạm vào năm 1956. Chúng tôi cùng làm việc với hai thầy Đào Văn Tiến và Lê Khả Kế là thầy của chúng tôi khi học ở SPCC và một số bạn khác, trong đó có bạn Nguyễn Lân Dũng cũng có mặt hôm nay tại buổi lễ này. Tuy là hai trường, các lớp sinh viên khác nhau, nhưng chúng tôi – các thầy giáo đều dạy cho tất cả các lớp sinh viên cùng khoá của cả hai trường tại cơ sở 19 Lê Thánh Tông.
GS.TS Võ Quý tại Lễ tiếp nhận Bộ sưu tập Tư liệu hiện vật của GS.TS Lê Quang Long
Một năm sau, trường Đại học Tổng hợp và trường Đại học Sư phạm mới thực sự chia làm hai trường, anh Long được chuyển về Đại học Sư phạm còn tôi ở lại Đại học Tổng hợp. Tuy là hai trường, tôi và anh Long vẫn gặp nhau thường xuyên về chuyên môn và nhiều lần gặp bạn cùng lớp, cùng trường cho đến ngày nay.
Hôm nay, tôi xin không nói về việc anh Long đã phấn đấu cả cuộc đời để trở thành nhà Sinh lý học đầu ngành của Việt Nam, cũng không nói đến những công trình khoa học của anh Long, mà khối bản thảo đồ sộ của anh vừa được bàn giao cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã nói lên điều đó, cũng không nói đến khả năng sư phạm lúc còn dạy ở các trường phổ thông ở Hà Tinh và Nghệ An, mà học sinh thường trầm trồ thầy Long có tài vẽ hình bằng cả hai tay trên bảng, thầy Long dạy Văn thật hấp dẫn, say sưa.
Trong buổi lễ này tôi muốn nhắc lại những kỷ niệm xa xưa, cùng với anh Long, trên đường đi Việt Bắc, và khi còn là sinh viên SPCC, chúng tôi đã học tập như thế nào, trước lúc trở thành nhà khoa học.
Vài kỷ niệm về chuyến đi Việt Bắc
Năm 1951, chúng tôi, 4 anh em có các anh Lê Hải Châu, Nguyễn Văn Tiêu, Lê Quang Long và tôi, đang là giáo viên dạy các trường cấp III hay Sư phạm Trung cấp, được Sở Giáo dục Liên khu IV chọn cử đi học đại học ở Việt Bắc. Hồi ấy giao thông rất khó khăn, có thể nói đúng hơn là không có một phương tiện nào khác ngoài đi bộ.
Tất cả chúng tôi vui vẻ cùng nhau xuất phát từ Hà Tĩnh, vào một ngày đẹp trời, tháng 7 năm 1951. Hành trang rất gọn gàng: túi gạo và ống muối không thể thiếu, chiếc đèn dầu bằng lọ pênicilin, đeo lủng lẳng bên ba lô, vài bộ quần áo mỏng, không dày, không tất, đến đôi dép cho tử tế một chút để đi đường xa cũng không. Tôi chỉ có 2 đôi dép bằng lốp xe đạp để tạm đi, không áo mưa, riêng anh Tiêu cẩn thận có mang theo một chiếc áo tơi lá cọ, kiểu Hà Tĩnh. Anh Long lớn tuổi hơn chúng tôi, con quan cấp cao triều đình Huế, nhưng đã tham gia cách mạng ngay từ những ngày đầu chống giặc Pháp, nhưng trang bị để đi Việt Bắc cũng không khác gì chúng tôi, cũng thiếu thốn mọi thứ.
Để tránh máy bay Pháp thường xuyên rà thấp săn lùng dọc đường số 1, hễ thấy người là bắn, chúng tôi phải ngày nghỉ đêm đi. Trời tối mập mờ, đường lại khập khiễng, bị đào bới băm nát cùng với các với hố tránh máy bay, lại phải đi suốt đêm vừa buồn ngủ lại vừa đói bụng. Những ngày đầu mới lên đường chưa quen, thật quá vất vả. Sau ba đêm đầu, chúng tôi cũng đến được địa phận Thanh Hoá. Vào khoảng 3-4 giờ sáng, quá buồn ngủ, chúng tôi quyết định nghỉ lại để dưỡng sức. Hai bên đường chỉ là cánh đồng lúa mập mờ trong bóng tối. Gặp được một ngôi nhà nhỏ bên đường, chúng tôi sà vào xin nghỉ, nhưng nhà vắng vẻ, không một bóng người. Chúng tôi hạ trại. Đồ đạc xếp trên chíêc bàn cao, phía trong chiếc phản gỗ, nơi 4 anh em chúng tôi nằm nghỉ. Để cẩn thận, các ba lô được ngoắc vào nhau “để chống trộm”, và cẩn thận hơn, hai ba lô hai đầu bàn ngoắc vào cánh tay người ngủ cuối phản.
Vừa nằm xuống, chúng tôi đã ngủ như chết. Sáng sớm, trời đã sáng rõ chúng tôi mới tỉnh giấc. Nhìn lên bàn chúng tôi hốt hoảng, 3 chiếc ba lô không cánh mà bay, trừ ba lô của bạn Tiêu nhờ có chiếc tơi lá cồng kềnh còn sót lại. Dép để dưới gầm giường cũng không còn. Cả 4 anh em chúng tôi rất buồn bã. Không biết hỏi ai, báo cho ai, vì xung quanh chả có nhà nào cả. Đi tiếp thì không được, vì giấy tờ mất hết, cũng không còn gạo muối, trở về cũng không xong. Tình thế quá khó xử, buồn nản, chưa biết giải quyết thế nào. Khi ánh mặt trời đã chiếu sáng, chúng tôi nhìn ra cánh đồng lúa phía trước nhà, phát hiện một vệt xanh dài in trên nền lúa đẫm sương đêm chưa tan, như có ai vừa đi qua trong đêm. Một chút hy vọng lóe lên, tất cả chúng tôi liền đi theo vệt xanh trên đồng lúa. Khoảng hơn 100 mét, quá vui mừng chúng tôi nhặt được chiếc ba lô thứ nhất, đi tiếp khoảng 200 mét nữa, cả 3 chiếc ba lô đã tìm lại được, còn nguyên vẹn không mất gì cả. Thật quá may mắn, vui mừng không thể kể xiết. Đêm đến, chúng tôi lại có thể lên đường, nhưng phải đi chân không vì không còn dép nữa.
Vài ngày sau, chúng tôi đến được Đầm Đa, Hoà Bình. Tại đây có chợ đêm Đầm Đa, bán đủ mọi thứ đưa từ vùng tạm chiếm Hà Đông ra bán: đồng hồ Vi le, bút máy Forevơ, nilong che mưa, dép cao su bánh lốp đủ loại, và nhiều thứ xa xỉ khác nữa, xem sướng mắt. Nhưng chúng tôi đâu có tiền. Hai thứ mà chúng tôi rất cần để đi đường xa, không thể thiếu là tấm nilong che mưa loại xịn màu cánh gián và đôi dép lốp. Chúng tôi chọn đi chọn lại để mua được đôi vừa ý nhất và cũng phải vừa túi tiền. Tôi còn nhớ anh Long chọn đôi xịn nhất, theo chúng tôi lúc bấy giờ là đôi dép có đế dày, còn nguyên lớp bố. Anh Long chọn xong đi thử, vừa như in, thân dép hơi cong như chiếc thuyền. Đi vào êm, mà hơi có độ nhún. Tất cả chúng tôi trầm trồ khen anh Long khéo chọn. Ba chúng tôi không đủ tiền để xài hàng VIP, đành mua đôi mỏng hơn, chỉ có lớp cao su mà không có bố. Cũng tạm được, còn hơn phải đi chân không.
Chúng tôi nghỉ lại đây hai ngày hai đêm để chờ anh Long vào Hà Đông gặp người nhà trước lúc lên Việt Bắc. Chúng tôi lo lắng anh Long sẽ ở lại luôn cùng với gia đình, nhưng hết sức vui mừng là đúng giờ hẹn anh Long đã có mặt. Sau này anh Long có tâm sự với tôi, là anh quyết tâm theo kháng chiến.
Đêm hôm sau, chúng tôi lại lên đường trong đêm tối, nhưng đi thoải mái hơn nhiều, vì đã có dép. Nhưng điều đã xẩy ra hết sức bất ngờ, qua được một đêm, anh Long không thể kham nổi đôi dép xịn của mình, phải bỏ ra đi chân không vì dép quá nặng, đi lâu chân bị lớt (trớt da).
Đường lên Việt Bắc ngày càng khó đi, mà anh Long vẫn phải đi chân trần, hai bàn chân đau nhức mà không biết kêu ai. Giúp bạn lúc khó khăn, chúng tôi nẩy ra sáng kiến là lợc các lớp bố trên dép cho nhẹ bớt. Anh Long đồng ý sáng kiến trên. Nhưng bằng cách nào. Chỉ có cách vừa đi đường vừa lợc dép. Tháo hết quai ra, rửa sạch dép, rồi 4 người thay phiên nhau, lợc mỏi răng lại đổi ca. Đêm cũng như ngày, vừa đi, hai tay cầm chắc dép đưa lên miệng như kiểu thổi kèn ac mô ni ca rồi dùng răng xé từng sợi bố một. Cứ như vậy mà phải mất đến hơn hai tuần, 4 anh em chúng tôi mới hoàn thành được công trình tập thể này. Trong lúc đó anh Long vẫn phải chịu khó đi chân đất cho đến lúc gần đến an toàn khu, ở Tuyên Quang nơi trường đóng quân.
Đến đây mới biết trường đã chuyển sang Khu học xá ở Nam Ninh, Trung Quốc, chúng tôi lại tiếp tục đi thêm gần một tháng nữa mới đến được Đồng Đăng để chờ ô tô từ Trung Quốc sang đón đi Nam Ninh.
Lại một chuyện khác về anh Long. Trên đường đi một hôm anh Long bị sốt rét nặng, phải nghỉ lại. Anh Long đã từng là sinh viên trường Y, có thuốc mang theo và cả bộ ông tiêm, kim tiêm, nhưng ai tiêm cho? Vì phải tiêm mông nên không tự tiêm được. Anh Long chọn tôi làm y tá, mà chưa một lần được cầm ống tiêm. Vừa nằm rét rung anh Long vừa hướng dẫn tôi tiêm như thế nào. Tôi thì lo sợ vì đây là lần đầu tiên cầm ống tiêm, không biết có hề gì không, mà lại là tiêm mông. Anh Long động viên tôi cứ manh dạn, phóng tay. Tay rung rung rồi tôi cũng phóng kim vào mục tiêu. Kim không vào thịt mà lại cong queo. Không nản chí anh Long uốn lại kim, sát trùng rồi trao cho tôi làm lại. Tôi đã mạnh dạn hơn, phỏng thẳng tay, liền nghe một tiếng cộc mũi tiêm đã chạm mạnh vào xương hông, Anh Long lại hướng dẫn tôi kéo nhẹ ông tiêm ra, rồi bơm thuốc. Và từ đó tôi trở thành y tá thực thụ kể cả ba năm học ở SPCC.
Những ngày học tập tại Sư phạm Cao cấp (SPCC)
Ở Khu Học xá Trung ương lúc bấy giờ có hai trường Đại học là Đại học Khoa học Cơ bản (Đại học KHCB) và SPCC. Trường Đại học KHCB có 100 sinh viên phần lớn là học sinh đựơc chọn đi học; trường SPCC có 28 sinh viên, hầu hết là các thầy giáo được tuyển chọn trong cả nước, từ Liên khu V trở ra đến Việt Bắc. Tuy là hai trường nhưng cũng như là một, vì chỉ có 7 thầy giáo chính thức, là những nhà khoa học giỏi nhất được cử về dạy: là các thầy Lê Văn Thiêm kiêm Hiệu trưởng, Nguyễn Xiển, Ngụy Như Kontum, Hoàng Ngọc Cang, Nguyễn Thạc Cát, Đào Văn Tiến và Lê Khả Kế. Hai thầy phụ giảng là Nguyễn Cảnh Toàn và Dương Trọng Bái. Chỉ chừng ấy thầy phân công dạy tất cả các môn học Toán, Lý, Hoá, Sinh cho tất cả sinh viên hai trường. Về môn Sinh chỉ 8 sinh viên, trong đó có anh Long và tôi.
Các thầy đã hết sức cố gắng để giảng dạy mà chúng tôi cũng phải ra sức mà học tập, thỉnh thoảng còn được các thầy phân công cho chúng tôi chuẩn bị rồi thuyết trình một phần nào đó của môn học. Về công việc này, tôi còn nhớ anh Long hơn hẳn chúng tôi vì rất thông thạo tiếng Pháp và cả tiếng Anh.
Vào thời gian đó, Liên Xô luôn như một hình tượng mà mọi người ngưỡng mộ. Tài liệu về Liên Xô lúc ấy cũng rất ít ỏi, thường là các tờ báo ảnh và tất cả chúng tôi rất ao ước được học tiếng Nga, nhưng không có thầy mà cũng không tài liệu. Một hôm anh Hoàng Quý, cùng lớp mua được một cuốn sách học tiếng Nga qua tiếng Pháp “Le Russe pour les Francais”. Tất cả chúng tôi quyết định học tiếng Nga qua cuốn sách này. Cách học cũng hết sức độc đáo. Vì không có cách gì sao chép đựơc sách nên phải luân phiên. Bạn Hoàng Quý mua sách, được học đầu tiên, và khi học xong bài 1, thì xé ra rồi chuyển cho người tiếp theo, và cứ thế tiếp tục cho đến lúc cả lớp (27 người) học xong cả cuốn sách. Trong gần một năm bằng cách luân chuyển như vậy chúng tôi ngày học chuyên môn, tối học tiếng Nga, chúng tôi đã bắt đầu đọc được các sách tiếng Nga tương đối dễ, mà trước tiên là các sách giáo khoa phổ thông của Liên Xô mà chúng tôi tìm mua được ở các hiệu sách ở Nam Ninh. Nhận thấy nội dung các sách có nhiều điểm tiến bộ, chúng tôi quyết định dịch các sách đó ra tiếng Việt, và được các thầy hết sức khuyến khích. Nhờ thế mà trước lúc kết thúc lớp học, chúng tôi đã dịch được hầu hết các sách giáo khoa về Toán học, Vật Lý, Hoá học và Sinh học bậc phổ thông của Liên Xô, cho đến lớp 12. Ban Giám đốc Khu học xá Trung ương đã in roneo tất cả sách này làm tài liệu giảng dạy cho các trường Sư phạm và Phổ thông. Các tài liệu này cũng là cơ sở cho việc cải tiến giảng dạy các môn học này ở các trường phổ thông ở nước ta sau đó. Về phần Sinh học anh Long cũng đã góp phần quan trọng là đã dịch và hiệu đính các sách cấp III khó hơn vì nội dung chính là các thuyết khoa học mới về Sinh học vào lúc bấy giờ.
Không những thế, trong thời gian học, anh Long còn đưa ra sáng kiến là cả lớp dịch cuốn sách “Vichia Maleep ở trường và ở nhà”, rất hay ra tiếng Việt. Chúng tôi cũng đã hoàn thành sau một thời gian ngắn và đã được in ra để phổ biến. Nói là cả lớp dịch, nhưng phần chính là công của anh Long. Tài năng này đã được anh Long tiếp tục cho đến sau này.
Thật ra cả chuyến đi dài ngày lên Việt Bắc rồi ba năm học tập ở SPCC, chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ vì thế mà tất cả chúng tôi cho đến bây giờ vẫn gắn bó với nhau. Vì đã lớn tuổi, nhiều bạn đã lần lượt được điều động đi công tác xa. Số còn lại đến nay cũng đã trên 85 tuổi, anh Long là bậc đàn anh, năm nay đã 90, thế nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên gặp nhau để ôn lại chuyện cũ.
Nhân tiện đây tôi cũng xin tặng Trung tâm mấy bức ảnh, trong đó có anh Long từ lúc còn là sinh viên (chụp năm 1952) và ảnh cuối cùng (chụp đầu năm nay) trong dịp anh em chúng tôi, SPCC cùng đi Hà Giang thăm một người bạn của anh Long, trong đó là cả 4 anh em chúng tôi cùng đi lên Việt Bắc: Anh Long, anh Lê Hải Châu, anh Nguyễn Văn Tiêu và tôi.
Xin chúc tất cả các bạn và gia đình khoẻ mạnh và hạnh phúc.
GS.TS Võ Quý