“Ngã rẽ” theo học ngành Y
Năm 1954, khi Vương Hùng đang học năm cuối của trường cấp III Hùng Vương, Phú Thọ, thì trường có đợt lựa chọn học sinh sang học đại học tại Liên Xô. Ngoài kết quả học tập, học sinh còn cần kèm theo bản khai lý lịch để nhà trường xét duyệt. Hùng không được nhà trường lựa chọn đi học nước ngoài, bởi trong lý lịch của ông có người chú họ thuộc thành phần tư sản đã di cư vào Nam. GS Vương Hùng coi kỷ niệm của một thời đó là bước ngoặt đầu đời của mình. Ông chia sẻ: “Nếu được chọn sang Liên Xô học, nhất định tôi sẽ xin theo học ngành khoa học tự nhiên, bởi môn Toán là thế mạnh của tôi. Nhưng ngày đó ở nước ta chỉ có 2 trường Đại học Y Dược và Sư phạm, nếu học Sư phạm, sau ra dạy học, tôi không thích. Không có sự lựa chọn nào khác, tôi dự thi trường Y Dược”.
Từ Phú Thọ, Vương Hùng đi thuyền dọc theo sông Hồng về quê nội ở Sơn Tây, sau đó bắt ô tô về Hà Nội dự thi đại học. Rời Hà Nội khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ (1946), nay được trở về nơi chốn thân quen, chàng trai hà thành Vương Hùng không dấu nổi niềm xúc động, nhất là khi về thăm ngôi nhà cũ của gia đình vẫn còn vẹn nguyên như xưa.
Là học sinh vùng kháng chiến nên điều kiện học tập kém hơn rất nhiều so với học sinh nội thành, thậm chí có những nội dung trong khi thi, Vương Hùng chưa được học. Trong số 90 đỗ vào Đại học Dược năm 1954, Vương Hùng đỗ thứ 10. Mấy ngày sau, khi bạn bè khuyên “Học Dược chán lắm, nên thi Y đi” và thế là Vương Hùng lại chuyển sang thi học dự bị trường Y. Sau khi thi đỗ, Vương Hùng học lớp dự bị gồm 3 môn Lý, Hóa, Sinh. Đến ngày 5-8-1955, Vương Hùng được ông Vũ Như Canh – thay mặt Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Khoa học ký cấp Giấy chứng nhận trúng tuyển Kỳ thi lấy chứng chỉ dự bị đại học.
"Học để cứu chữa người bệnh"
Sau khóa học dự bị, Vương Hùng vào học năm thứ nhất, trường Đại học Y Dược khoa Hà Nội, theo chương trình của Pháp. Hai năm đầu tiên, sinh viên được học các môn cơ sở như: Giải phẫu, Sinh lý học, Vi sinh, Ký sinh trùng, Giải phẫu bệnh. Từ năm thứ 3, sinh viên chủ yếu học các môn liên quan đến bệnh học, điều trị như: Dược lý học, Phẫu thuật thực hành; Lý thuyết bệnh học; Thực hành lâm sàng… Sang năm thứ 4, bắt đầu học các môn chuyên khoa, sau đó được phân học chuyên khoa từ giữa năm thứ 5 đến khi tốt nghiệp (1960).
Ngày ấy, sinh viên học theo hình thức “thầy giảng, trò ghi chép” là chính. Mua giấy ở phố Hàng Bông, Vương Hùng tự đóng thành sổ để ghi các bài giảng của các thầy trên lớp. Khóa học của ông được các thầy đầu ngành ở mỗi chuyên khoa giảng như: GS Tôn Thất Tùng, GS Đặng Văn Chung, GS Đỗ Xuân Hợp, GS Đặng Văn Ngữ… Trong bài mở đầu môn Giải phẫu, thầy Đỗ Xuân Hợp hướng dẫn phương pháp học. Trong một cuốn sổ, sinh viên Vương Hùng ghi lại rất cẩn thận: "Học có kế hoạch và trọng tâm. Học ngay, học luôn, ôn luôn bài trước, có tập thể. Học phải vẽ – đó là điều căn bản". GS Vương Hùng cho biết: "Sách giáo khoa, giáo trình ngày đó cũng rất hiếm nên các thầy thường giảng tương đối chậm để sinh viên có thể ghi chép; chúng tôi cũng phải "tốc ký" mới có thể lĩnh hội hết những kiến thức thầy giảng. Tôi thường ghi bài thầy giảng vào trang sổ bên trái, còn trang bên phải thì để trống, dành cho việc ghi bổ sung và vẽ lại hình minh họa cho bài vừa học. Nhờ cách học nghe giảng trên lớp – về đọc bổ sung – vẽ hình minh họa, giúp tôi thuộc bài ngay”. Khi học bài "Các cơ ở cổ" của môn Giải phẫu, do bị ốm, Vương Hùng phải nhờ Lê Trung một bạn học cùng tổ chép hộ bài giảng của thầy, tuy nhiên hình minh họa, ông mượn sách trên thư viện để vẽ lại.
Năm cuốn sổ ghi chép các môn học từ năm 1955-1959 của sinh viên Vương Hùng
Ngành Y cũng như nhiều ngành khác, ngoài học lý thuyết thì việc học thực hành rất quan trọng. GS Vương Hùng nhớ như in môn học đầu tiên năm thứ nhất là môn Giải phẫu bởi xen lẫn nỗi lo lắng là cả những câu chuyện vui của một thời sinh viên. GS Vương Hùng nhớ lại: "Sau khi học lý thuyết môn Giải phẫu, sinh viên chúng tôi được học thực hành tại Viện Giải phẫu. Cả lớp được chia thành nhiều tổ, học phẫu tích trên xác người đã được ngâm formol. Đây là "cửa ải" sinh viên rất sợ, nhiều người không vượt qua được. Do khéo tay nên bao giờ tôi cũng là người trong tổ được thực hành phẫu tích nhiều. Chính điều đó đã giúp ích rất nhiều cho công việc của tôi sau này khi làm về Ngoại khoa. Sinh viên ngày đó rất nghịch. Có một chuyện tôi không bao giờ quên, đó là trong giờ làm phẫu tích xác, có một anh sinh viên mang bánh mì đi ăn, nhưng khi phát hiện có mùi formol trong bánh mì, anh sinh viên này sợ quá, hóa ra đó là trò tinh nghịch của một bạn nào đó. Trong chương trình, sinh viên còn được học luân khoa, chuyên khoa tại các Bệnh viện. Thầy Nguyễn Bửu Triều là một trong những thầy để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm trí Vương Hùng. Vương Hùng được gặp thầy Triều lần đầu tiên khi thầy dạy về U xơ tiền liệt tuyến cho sinh viên năm thứ 4. Ngoài việc học lý thuyết muốn chẩn đoán chính xác được bệnh phải được thực hành, tức thăm/khám trực tiếp trên bệnh nhân. Thầy Triều khi đó vừa công tác ở Khoa Tiết niệu, Bệnh viện Việt-Đức, vừa là giảng viên của trường nên đã liên hệ và đưa khoảng 10 sinh viên của lớp về thực hành tại Khoa. Khi thực hành lâm sàng, được thầy Triều giới thiệu là các bác sĩ tương lai nên bệnh nhân sẵn lòng ủng hộ, để cho nhóm sinh viên có điều kiện thăm khám thực hành.
Học xong mỗi môn, sinh viên phải thi hết môn ngay với hình thức vấn đáp là chủ yếu. Vương Hùng có thói quen trước kỳ thi 2 ngày không ôn lại bài ông vì muốn để đầu óc được thoải mái. Khi đi thi, ông chỉ cầm theo bút, vài tờ giấy trắng và đồng hồ để căn thời gian làm bài. Môn Ký sinh trùng là môn thi đã để lại cho GS Vương Hùng một kỷ niệm đáng nhớ: "Thầy Đặng Văn Ngữ ra đề thi về vòng đời của ký sinh trùng. Tôi rất tự tin với bài thi của mình. Khi lên nộp bài, thầy Ngữ xem sau đó gạch chéo và cho điểm 0. Tôi giật mình, rồi thắc mắc với thầy: "Thưa anh[1], em nghĩ bài của em không thể được điểm 0". Thầy Ngữ nói: "Anh đáng điểm 0 vì anh không chịu nghe bài giảng của tôi, chu kỳ vòng đời sinh trùng do Brumpt nghiên cứu có nhiều điểm chưa đúng, nhưng anh vẫn trả lời theo Brumpt". Tôi trả lời thầy: "Thưa anh, em có nghe anh giảng bài, hình em vẽ là dáng dấp của Brumpt nhưng nội dung lại đúng theo anh giảng. Em ghi chép bài rất cẩn thận, anh cho phép em về lấy sổ". Thế là tôi đạp xe về nhà lấy sổ ghi chép môn Ký sinh trùng đưa thầy xem. Sau khi xem xong, thầy khen tôi vẽ đẹp và đã biết chắt lọc những gì đúng của Brumpt và bổ sung những kiến thức của thầy đã giảng. Cuối cùng, thầy cho tôi điểm 9. Tôi vẫn lưu giữ được cuốn học bạ đại học, trong đó có điểm 9 môn ký sinh trùng. Đó là một kỷ niệm rất vui".
Năm cuốn sổ ghi chép Giải phẫu bụng; Giải phẫu thần kinh; Y hóa đại cương; Bệnh học nội; Bệnh học nội cơ sở; Ký sinh trùng… do GS.TS Vương Hùng tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam được viết tay bằng nhiều màu mực trên giấy ô ly kẻ vuông và không dòng kẻ với nhiều hình vẽ minh họa đẹp mắt. Bìa của các các cuốn sổ ghi chép đã được một bệnh nhân làm nghề đóng sổ sách đóng lại như một lời cảm ơn bác sĩ Vương Hùng. Trước khi tặng Trung tâm, GS Vương Hùng vẫn tham khảo nội dung trong các cuốn sổ ghi chép trên, nhất là các hình minh họa, kết hợp với việc cập nhật các kiến thức mới, để giảng cho sinh viên ngành Y.
Đồng thời với sự giúp đỡ, hướng dẫn, truyền thụ kiến thức của thầy, thì sự nỗ lực, tự học hỏi, phương pháp học ở bản thân mỗi sinh viên cùng với sự giúp đỡ của bạn bè, là rất quan trọng. Thông qua những cuốn sổ ghi chép của GS.TS Vương Hùng, phần nào giúp chúng tôi hiểu hơn về chương trình học cũng như những yếu tố tạo nên sự thành công của khóa sinh viên Y khoa đầu tiên sau hòa bình lập lại ở miền Bắc. "Thời sinh viên, chúng tôi nhận thức là học để sau này ra công tác, cứu chữa người bệnh nên ngoài việc học thầy, chúng tôi còn học từ bạn, luôn tìm tòi, tự học hỏi" – GS.TS Vương Hùng chia sẻ.
Hoàng Thị Liêm
[1] Ngày ấy sinh viên gọi thầy bằng anh.