Năm mới trò chuyện với GS đầu ngành chế tạo vũ khí

Ngành nghiên cứu, chế tạo vũ khí của Việt Nam cho đến nay mới có 2 người được phong giáo sư. Đó là GS.VS Trần Đại Nghĩa với nhiều đóng góp để xây dựng và phát triển ngành quân giới trong kháng chiến chống Mỹ. Nhưng GS Trần Đại Nghĩa đã đi vào cõi vĩnh hằng. 

GS chế tạo vũ khí duy nhất hiện nay của Việt Nam là GS.TS Nguyễn Xuân Anh, nguyên trưởng khoa Vũ khí, Học viện Kỹ thuật quân sự.

Bài thơ đồng đội

Nghề nghiên cứu, chế tạo vũ khí là một nghề gian khổ và nguy hiểm vì phải tiếp xúc thường xuyên với bom, đạn, thuốc nổ. "Nhiều người bảo mình yêu nghề vũ khí đến nỗi da bị hun đen, ruột thì bị mạ crôm” – GS Nguyễn Xuân Anh phấn khởi nói về nghề. Ít ai biết, ông là con của ông Nguyễn Xuân Trâm, nguyên Tổng thư ký Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới, phó Tổng thư ký Ủy ban đoàn kết nhân dân Á – Phi, Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. 

GS Xuân Anh đang trình bày những sản phẩm vũ khí của mình với nguyên TBT Nông Đức Mạnh.

GS Xuân Anh đang trình bày những sản phẩm vũ khí của mình với nguyên TBT Nông Đức Mạnh.

“Đó là buổi sáng ngày 19/4/1969, tôi đang chuẩn bị lên lớp thì anh Phan Thanh, chủ nhiệm bộ môn đạn, ghé qua chỗ ở của tôi” – GS Xuân Anh bắt đầu kể về lý do mình chọn con đường chông gai này. Hồi đó, chàng trai người Quảng Trị này (Phan Thanh) vừa kết thúc chuyến du học về nước, giảng dạy tại Học viện Kỹ thuật quân sự. Các thầy giáo ở đây ngoài giờ lên lớp còn sẵn sàng lao vào tìm hiểu, thử nghiệm các loại vũ khí.

“Xuân Anh ạ, mình chuẩn bị đi tháo đạn của Mỹ đây” – vị chủ nhiệm bộ môn đạn trẻ măng, chỉ hơn Xuân Anh vài tuổi, vui vẻ nói với đồng nghiệp. Đó là một công việc cực kỳ nguy hiểm vì đạn có thể nổ bất cứ lúc nào nhưng Phan Thanh vẫn rất bình thản, vừa nói vừa cười tạm biệt.

Một lúc sau, khi Xuân Anh còn đang đứng lớp thì “bùm”, một tiếng nổ vang trời xuất hiện. Anh lao về phía thử nghiệm vũ khí, nơi anh Phan Thanh đang làm việc. Một cảnh tượng đau lòng xảy ra. Anh Phan Thanh đã hy sinh khi tháo đạn. Ngay trước lúc ra đi, anh đã bảo đồng chí cùng làm với mình tránh ra xa, để một mình nhận hết nguy hiểm có thể xảy đến.

Đêm đó, cả trường tổ chức lễ tang. Ông Nguyễn Xuân Anh đứng túc trực cả đêm bên linh cữu người anh hùng trẻ tuổi. Nhờ có sự hy sinh đó mà chúng ta đã bóc trần thủ đoạn nham hiểm của kẻ thù: chúng đã cài loại ngòi chống tháo cực kỳ nhạy nổ vào các quả đạn.

 “Anh mất rồi, tiếng nổ xé lòng tôi/Sau chớp lửa, thân anh không còn nữa/Vĩnh biệt anh giữa mùa xuân hoa nở/Trận địa còn đây, cây cỏ vẫn xanh màu/Anh đi vào trận đánh có gì đâu/Trí tuệ người thầy và trái tim người lính/Biết hiểm nguy nhưng không hề khiếp sợ/Vẫn đùa vui, tươi trẻ, hồn nhiên/Anh ngã xuống khi việc còn dang dở/Xin hãy yên lòng, chúng tôi tiếp bước anh/Những chiến công như tim anh rộn rã/Bóng hình anh vời vợi giữa trời xanh…”

Bài thơ viết ra cũng là những suy nghĩ, thức tỉnh về sự nghiệp của mình. Nguyễn Xuân Anh nguyện sẽ toàn tâm đi theo con đường chế tạo vũ khí, để xứng đáng với những anh hùng như Phan Thanh.

Chuyên gia đầu ngành chế tạo vũ khí

Nhiều năm say mê nghiên cứu, chế tạo vũ khí, vị GS tài giỏi đã làm nên nhiều công trình giá trị như: “Nghiên cứu chế tạo thành công một số vũ khí nhẹ và đặc chủng, phù hợp với chiến trường, con người và cách đánh Việt Nam”, “ĐKB tăng tầm”, “Nghiên cứu phóng đầu phóng nổ công phá mạnh bằng động cơ tên lửa”, “Nghiên cứu chế tạo tổ hợp quốc phòng H9, H10”…Trong đó, có công trình đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ.

Sản phẩm của các đề tài trên đã giúp chúng ta tăng cường sức mạnh vũ khí, trang bị, tiết kiệm ngân sách mua sắm của nước ngoài…Trong quá trình nghiên cứu, sản xuất đã góp phần đào tạo những chuyên gia giỏi về vũ khí cho quân đội.

GS Nguyễn Xuân Anh tâm sự, với những thành tích nổi trội ấy, có lúc cấp trên cũng “gợi ý” ông chuyển sang làm quản lý với nhiều ưu đãi. Nhưng GS Xuân Anh vẫn khước từ, nhất quyết chỉ chọn con đường nghiên cứu khoa học.

 Ông nghe lời dặn của Bác rằng, làm ra vũ khí mà để giết hại người khác là việc bất nhân, nhưng làm ra vũ khí để bảo vệ đất nước thì đó lại là việc làm Đại Nghĩa. Do đó, Nguyễn Xuân Anh từ chối mọi vinh hoa để đi theo con đường Đại Nghĩa ấy.