Hành trình nghiên cứu, bảo tồn loài “Rồng đất”

Tháng 9-1991, Ngô Đắc Chứng bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ ngành Sinh học tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1. Ông thực hiện đề tài “Nghiên cứu đặc điểm hình thái và sinh thái của Nhông cát Leiolepis belliana (Gray, 1827) ở đồng bằng và vùng cát ven biển Thừa Thiên – Huế”, do Phó giáo sư -Tiến sĩ Trần Kiên[1] hướng dẫn. Cũng chính thầy Trần Kiên là người định hướng cho Ngô Đắc Chứng về tư duy và phương pháp nghiên cứu khoa học. Sau khi đạt học vị Phó tiến sĩ, ông tiếp tục nghiên cứu theo chuyên ngành động vật học, đặc biệt là sinh thái học các loài lưỡng cư, bò sát. Cụ thể, đối tượng của ông là các loài bò sát: Nhông cát, Thằn lằn bóng và Rồng đất. Trong số đó, Rồng đất được ông đánh giá là loài có giá trị (bảo tồn, kinh tế), nghiên cứu khó, nhưng cũng là đối tượng khoa học mà ông tâm đắc.

     

Rồng đất sinh sống trong tự nhiên (ảnh: PGS.TS Ngô Văn Bình)

Loài Rồng đất còn gọi là gọi Rồng tạng, Tò te hay Kỳ tôm có tên khoa học là Physignathus concincinus Cuvier, 1829. Loài Rồng đất phân bố ở các nước châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan và Campuchia. Tại Việt Nam, quần thể của loài Rồng đất trong tự nhiên bị suy giảm mạnh do mất sinh cảnh sống và bị săn bắt để phục vụ nhu cầu của con người. Năm 2007, Rồng đất đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam và xếp ở bậc VU (Vulnerable/sắp nguy cấp). Tại Thừa Thiên Huế, Rồng đất phân bố tại các huyện Nam Đông, A Lưới và Phong Điền. Đây  là loài bò sát bị người dân săn bắt, buôn bán và khai thác làm thực phẩm nên quần thể Rồng đất ngoài tự nhiên đã bị suy giảm số lượng một cách rõ rệt.

Từ thực tế đó, năm 2008, Ngô Đắc Chứng và cộng sự tại trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế bắt đầu chú ý đến loài Rồng đất với những khảo sát bước đầu. Ông cùng cô Bùi Thị Thúy Bắc (học viên Cao học, khoa Sinh học) tiến hành khảo sát Rồng đất tại huyện vùng núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế. Quá trình nghiên cứu thực hiện trong 14 tháng (tháng 4-2008 đến tháng 6-2009), gồm giai đoạn thực nghiệm và nghiên cứu trong điều kiện nuôi. Trước hết, là khoanh vùng quần thể sinh sống của Rồng đất tại địa bàn, tiến hành thu mẫu cá thể, chụp ảnh, đo kích thước cửa hang, vẽ bản đồ phân bổ quần thể trong môi trường tự nhiên…Tiếp đó là chọn mẫu về nghiên cứu trong điều kiện nuôi. Cô Bùi Thị Thúy Bắc ngoài việc thu mẫu Rồng đất tại huyện Nam Đông (44 con), còn chọn mẫu từ một số vùng của tỉnh Đắk Nông (31 con) để đưa về nuôi ở xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lạch, tỉnh Bến Tre. Kết quả cho thấy, tỷ lệ sinh sản trong môi trường nuôi không cao, chỉ có 6 cá thể Rồng đất sinh sản/ 75 cá thể nuôi, trung bình 1 con đẻ 1 lứa/ năm và mỗi ổ từ 4-10 trứng/con. Nghiên cứu tập trung và đặc điểm sinh trưởng và sinh sản của Rồng đất trong điều kiện nuôi, đây cũng là luận văn tốt nghiệp cao học của Bùi Thị Thúy Bắc.

Đánh dấu cá thể Rồng đất bằng kỹ thuật VIE (ảnh: PGS.TS Ngô Văn Bình)

Năm 2010, Ngô Đắc Chứng cùng nhóm cộng sự là Trần Xuân Thành[2] và Trần Hữu Khang[3], tiến hành nghiên cứu Rồng đất trong điều kiện nuôi tại hộ gia đình. Cụ thể, nhóm tiến hành xây dựng các khu chuồng trại để nuôi Rồng đất tại khu quy hoạch Kiểm Huệ, phường An Đông (TP Huế) và xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền) tỉnh Thừa Thiên Huế. Qua gần 2 năm theo dõi và đánh giá, nhóm nghiên cứu đã xuất bản tập sách Nghề nuôi Rồng đất[4] để trang bị kiến thức cho người nông dân. Trong quá trình nghiên cứu, nhóm các nhà khoa học tiến hành nuôi Rồng đất trong điều kiện tương đồng với môi trường tự nhiên. Môi trường nuôi có đầy đủ sinh cảnh: hồ nước, cành cây, đất, cát. Nhiệt độ và độ ẩm được ghi lại để theo dõi. Để có được thức ăn cho Rồng đất, nhóm nghiên cứu đi tìm, bắt các loài côn trùng gồm: dế, giun đất, sâu gạo, mối, châu chấu, nhộng… Rồng đất được theo dõi, đánh giá trong suốt thời gian nuôi, đặc biệt là vào mùa sinh sản (tỷ lệ đẻ trứng, tỷ lệ nở và sống của con non).

Năm 2016, trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế: đề tài, “Nghiên cứu hiện trạng quần thể và đề xuất giải pháp khai thác bền vững loài Rồng đất (Physignathus cocincinus cuvier, 1829) tại tỉnh Thừa Thiên Huế” đã được triển khai. Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm các nhà khoa học của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật và khoa Sinh học, trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) do TS Nguyễn Quảng Trường[5] làm Chủ nhiệm. Theo đó, mục đích của đề tài là tiến hành đánh giá, hiện trạng và cấu trúc quần thể loài Rồng đất (Physignathus cocincinus) tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Đánh giá được tác nhân đe dọa đến quần thể loài Rồng đất trong tự nhiên và đề xuất giải pháp sử dụng bền vững, xây dựng quy trình nhân nuôi loài Rồng đất quy mô hộ gia đình tại tỉnh Thừa Thiên Huế[6].

Rồng đất đực trưởng thành trong điều kiện nuôi

Đề tài được thực hiện trong phạm vi các khu vực rừng thường xanh, nơi ghi nhận Rồng đất có sự phân bố, tập trung chủ yếu ở các huyện A Lưới, Phong Điền và Nam Đông. Nghiên cứu hướng đến việc xây dựng bản đồ hiện trạng và dự báo phân bố của Rồng đất tại tỉnh Thừa Thiên Huế ở các mốc thời gian theo viễn cảnh biến đổi khí hậu đến năm 2070. Đề tài chọn việc nhân nuôi thử nghiệm Rồng đất ở huyện Phong Điền và TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế và nuôi đối chứng tại Trạm Đa dạng sinh học huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc. Nhóm các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu gồm: Nguyễn Quảng Trường (Chủ nhiệm), Nguyễn Thế Cường[7], Đặng Huy Phương[8], Ngô Đắc Chứng, Ngô Văn Bình[9], Nguyễn Văn Hoàng[10] và cộng sự. Nhóm nghiên cứu thực hiện 5 cuộc khảo sát trên địa bàn huyện Nam Đông, A Lưới và Phong Điền. Các tuyến khảo sát được thiết lập trên 14 dòng suối trong các dạng sinh cảnh rừng khác nhau để đánh giá quần thể Rồng đất. Tiêu chí đánh giá là giới tính, độ tuổi, kích thước, mật độ, dạng sinh cảnh, độ cao, phạm vi hoạt động và lựa chọn sinh cảnh sống của loài. Nghiên cứu đánh giá các nhân tố đe dọa đến Rồng đất (sinh cảnh sống, hiện trạng khai thác và sử dụng) từ đó đề xuất giải pháp bảo tồn và kiến nghị duy trì quần thể loài trong tự nhiên. Nghiên cứu ghi nhận sự phân bố của Rồng đất tập trung tại xã Hương Lộc và Thượng Lộ (huyện Nam Đông), xã Phong Xuân và Phong Mỹ (huyện Phong Điền) và xã Hương Nguyên (huyện A Lưới).

GS.TS Ngô Đắc Chứng nhớ lại, sau khi kết thúc quá trình thu mẫu, khảo sát thực địa, các cá thể Rồng đất được đưa về nhân nuôi sinh sản thử nghiệm tại 1 hộ gia đình của anh Ngô Văn Bình (phường Thủy Xuân, TP Huế), 1 chuồng nuôi tại khu quy hoạch Kiểm Huệ (phường An Đông, TP Huế) và 2 hộ gia đình tại xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền) tỉnh Thừa Thiên Huế. Cùng với đó là 2 chuồng nuôi đối chứng ở Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc để theo dõi Rồng đất. Số liệu nuôi Rồng đất được thu thập từ tháng 4-2017 đến tháng 8-2018. Tại Thừa Thiên Huế, các cơ sở nuôi Rồng đất đều sinh sản, các con non bị chết chỉ duy nhất chuồng nuôi của anh Ngô Văn Bình là thành công. Các cá thể cái Rồng đất sinh sản, duy trì thế hệ con đến F1 và F2 trong môi trường nuôi tại hộ gia đình.

Rồng đất trưởng thành trong điều kiện nuôi tại hộ gia đình (ảnh PGS.TS Ngô Văn Bình)

Từ đề tài trên, nhóm các nhà khoa học đề xuất giải pháp bảo tồn, phục hồi quần thể, kiểm soát việc săn bắt Rồng đất đặc biệt là trong mùa sinh sản. Mặc dù loài Rồng đất có tên trong Sách Đỏ Việt Nam từ năm 2007 nhưng chưa có chế tài xử phạt các đối tượng vi phạm nên các nhà khoa học kiến nghị đưa Rồng đất vào Danh mục Đỏ IUCN (Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế/International Union for Conservation of Nature and Natural Resources, IUCN) và danh sách các loài hạn chế khai thác vì mục đích thương mại. Đồng thời thực hiện chương trình tuyên tuyền, vận động để giảm thiểu việc săn bắt và sử dụng Rồng đất, đặc biệt là khu vực các huyện miền núi. Công trình của các nhà khoa học Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật và trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế cũng chỉ rõ giải pháp nhân nuôi loài Rồng đất để thay thế việc khai thác trong tự nhiên. Các cá thể trong môi trường nuôi nhốt được sinh trưởng, phát triển và sinh sản tốt. Mô hình nuôi Rồng đất quy mô hộ gia đình khi phát triển phù hợp sẽ tạo công việc, thu nhập cho người dân địa phương. Theo đó, quy trình kỹ thuật nhân nuôi Rồng đất trải qua các bước: xây dựng chuồng nuôi, chọn con giống, mật độ và tỷ lệ giới tính, kỹ thuật chăm sóc (thức ăn, vệ sinh, thú y), nhân giống (phối giống, ấp trứng, chăm sóc con non) và quản lý, phát triển trại nuôi.

Cá thể đực (ảnh A) và cá thể cái (ảnh B) trưởng thành được đánh số để theo dõi (ảnh: nhà khoa học cung cấp)

Năm 2019, đề tài khoa học “Nghiên cứu hiện trạng quần thể và đề xuất giải pháp khai thác bền vững loài Rồng đất (Physignathus cocincinus cuvier, 1829) tại tỉnh Thừa Thiên Huế” được hội đồng khoa học nghiệm thu và đánh giá cao. Sản phẩm khoa học của đề tài là công bố 2 bài báo quốc tế thuộc danh mục SCIE (Science Citation Index Expanded) của nhóm tác giả: Ngô Đắc Chứng, Nguyễn Quảng Trường, Ngô Văn Bình, Nguyễn Văn Hoàng. Nghiên cứu góp phần đào tạo NCS Nguyễn Văn Hoàng bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ (2018) với đề tài “Nghiên cứu hiện trạng sinh thái học quần thể nhằm đề xuất biện pháp bảo tồn loài Rồng đất (Physignathus cocincinus Cuvier, 1829) ở Thừa Thiên Huế”.

Từ nghiên cứu trên, các nhà quản lý và quy hoạch của tỉnh Thừa Thiên Huế có thể tham khảo số liệu của đề tài trong quá trình quy hoạch để bảo tồn đa dạng sinh học. Trên cơ sở khoa học của đề tài, cơ quan quản lý có thể xem xét, đánh giá Rồng đất ở Việt Nam để làm hồ sơ đưa vào đối tượng hạn chế khai thác vì mục đích thương mại. Quy trình kỹ thuật nuôi Rồng đất qua một lứa sinh sản, đang nuôi ở thế hệ F1.Các kỹ thuật nuôi, xây dựng chuồng trại là cơ sở để tiếp tục nuôi thử nghiệm Rồng đất ở thế hệ F2 để hoàn thiện và áp dụng cho nuôi thương phẩm.

GS.TS Ngô Đắc Chứng là một người luôn trăn trở với những hoạt động nghiên cứu, bảo tồn các loài động vật bò sát và lưỡng cư. Nhiều năm qua, ông luôn xác định làm khoa học với tinh thần phụng sự. Theo ông, muốn làm được điều đó, nhà khoa học cần phải có đam mê, và đặc biệt là mục tiêu dài hạn, chuyên tâm vào một đối tượng nghiên cứu cụ thể. Ông cũng cho rằng, nhà khoa học cần cập nhật kiến thức để theo kịp với khoa học thế giới một cách thường xuyên, chủ động, trang bị vốn ngoại ngữ cần thiết và một sự phối hợp làm việc (đồng nghiệp, học trò) một cách hợp lý.

Nguyễn Sửu

 


[1] GS.TS NGƯT Trần Kiên, nguyên Chủ nhiệm khoa Sinh học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội

[2] Th.s Trần Xuân Thành, TP Huế

[3] Th.s Trần Hữu Khang, giáo viên Sinh học tại TP Huế

[4] Ngô Đắc Chứng (chủ biên), Trần Hữu Khang, Trần Xuân Thành, Nghề nuôi Rồng đất, NXB Nông nghiệp, Hà Nội, 2012.

[5] GS.TS Nguyễn Quảng Trường, Phó viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

[6] Đề tài” Nghiên cứu hiện trạng quần thể và đề xuất giải pháp khai thác bền vững loài Rồng đất (Physignathus cocincinus cuvier, 1829) tại tỉnh Thừa Thiên Huế”, lưu trữ tại Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam, ngày 8-8-2023.

[7] TS Nguyễn Thế Cường, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

[8] Đặng Huy Phương, Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc

[9] Cố PGS.TS Ngô Văn Bình, khoa Sinh học, trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế

[10] TS Nguyễn Văn Hoàng, trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế