Từ những bài học trên lưng trâu
Sinh ra và lớn lên tại vùng nông thôn nghèo thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, ước mơ của Nguyễn Văn Đề thủa thiếu thời là trở thành một viên chức để thoát cảnh chạy ăn hàng ngày. Gia đình thuần nông, nên những năm học phổ thông, Nguyễn Văn Đề được đi chăn trâu với ông là một điều may mắn, bởi chỉ khi ngồi trên lưng trâu, tôi mới có thời gian để học bài[1], nếu làm những công việc phụ giúp gia đình khác thì thời gian dành cho việc học của tôi không tập trung.
Niềm vui trong ngày nhận chức danh Giáo sư tại Văn miếu Quốc Tử Giám, tháng 11-2013.
GS.TS Nguyễn Văn Đề (thứ 5 hàng trên)
Những năm tháng Mỹ mở rộng chiến tranh leo thang ra miền Bắc, ban ngày Nguyễn Văn Đề cùng cha mẹ cày, cấy để tăng gia sản xuất, đêm xuống ông phải mang đèn đã được che chụp cẩn thận để vào hầm học bài. Cuộc sống tuy khó khăn là vậy, nhưng ông đã vươn lên trong học tập và là học sinh lớp chuyên toán tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1970, Nguyễn Văn Đề là một trong sáu học sinh tham dự kỳ thi học sinh giỏi toán miền Bắc (cấp quốc gia thời bấy giờ).
Sự nỗ lực của Nguyễn Văn Đề được đền đáp, ước mơ thành hiện thực sau bao ngày miệt mài đèn sách, ông đã thi đỗ vào trường Đại học Y Hà Nội, khóa 1973-1979. Đến nay, mỗi khi nghĩ lại Nguyễn Văn Đề cũng không thể ngờ rằng chỉ với lời “rủ rê” của đám bạn cùng làng mà ông đã thi đỗ và gắn cả đời với ngành Y.
Ân nhân của người nhiễm bệnh ký sinh trùng
Theo GS.TS Nguyễn Văn Đề, khi bước vào trường Y mỗi sinh viên đều mong muốn khi ra trường sẽ được khám chữa bệnh trực tiếp cho bệnh nhân. Ít ai nghĩ sau này, mình sẽ trở thành những bác sĩ cận lâm sàng, hay nghiên cứu khoa học cơ bản, ví dụ như chuyên ngành Ký sinh trùng[2]
Năm 1978, sau khi học hết Y5, Nguyễn Văn Đề là một trong những sinh viên đạt điểm cao trong kỳ thi nội trú và được GS Đỗ Dương Thái nhận vào lớp bác sĩ nội trú đầu tiên của Bộ môn Ký sinh trùng, trường Đại học Y Hà Nội..
Thời gian đầu, Nguyễn Văn Đề khá bỡ ngỡ và chưa thực sự say mê vì cho rằng chuyên ngành Ký sinh trùng không có gì đáng phải quan tâm. Tuy nhiên, khi thực sự “dấn thân” ông mới thấy, với Việt Nam quả thật Ký sinh trùng là một vấn đề nan giải. Ông tâm sự: Tôi rất yên tâm khi nhận được sự hướng dẫn của GS Đỗ Dương Thái – một người thầy hết sức mẫu mực và là tấm gương nghề cho các học trò noi theo. Đặc biệt, trước GS Đỗ Dương Thái còn có thầy lớn về chuyên ngành Ký sinh trùng là GS Đặng Văn Ngữ, tuy không được thầy trực tiếp giảng dạy nhưng qua đồng nghiệp, tôi biết GS Ngữ là một tấm gương tuyệt vời[3].
Năm 1983, tốt nghiệp khóa bác sĩ nội trú chuyên khoa Ký sinh trùng, Nguyễn Văn Đề được GS Đỗ Dương Thái là Phó Viện trưởng Viện Sốt rét Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương nhận về công tác tại Viện. Sự kiện đánh dấu bước ngoặt khi ông quyết định lựa chọn đi sâu nghiên cứu về giun sán ký sinh trên cơ thể người. Nhiễm bệnh do ký sinh trùng vốn là căn bệnh khá phổ biến ở các nước nhiệt đới đang phát triển như nước ta. Đặc biệt, trong khám lâm sàng, bệnh do ký sinh trùng hay bị chẩn đoán nhầm với bệnh khác dẫn đến nhiều hệ lụy cho bệnh nhân, gia đình và xã hội. Trong khi đó, nếu chẩn đoán đúng nguyên nhân gây nên bệnh ký sinh trùng thì vấn đề trở nên đơn giản. Do vậy, qua thực tế ông dần cảm nhận được vai trò của chuyên ngành Ký sinh trùng với chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Niềm say mê cuốn hút ông vào những công trình nghiên cứu phục vụ sức khỏe người dân, đặc biệt vùng nông thôn, miền núi kinh tế khó khăn – nơi mà bệnh ký sinh trùng rất phổ biến.
Công tác phòng chống các bệnh ký sinh trùng, nghiên cứu về giun sán của GS.TS Nguyễn Văn Đề không khác gì việc phòng chống bệnh Sốt rét. Các cán bộ trong ngành thường nói vui rằng, cán bộ nghiên cứu về Ký sinh trùng giống như những anh bộ đội, họ đi hết mặt trận này đến mặt trận khác. Để nghiên cứu, khám chữa bệnh, ông thường lên các vùng sâu xa, vùng dân tộc thiểu số ở Hòa Bình, Lào Cai, Lai Châu… Càng đi nhiều nơi, ông càng thấy đời sống của người dân hết sức khó khăn, dân trí thấp, ăn uống sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh nên mắc nhiều bệnh do Ký sinh trùng gây nên. Chính sự chân chất trong khó khăn của bà con vùng cao đã khiến ông nặng lòng và có cái gì đó thúc giục ông tích cực hơn trong việc nghiên cứu, khám chữa bệnh.
GS.TS Nguyễn Văn Đề trong một lần đi khám chữa bệnh cho đồng bào thiểu số tại Lào Cai
Năm 1999, trong một chuyến công tác ở Lào Cai nghiên cứu về Sán lá phổi, bác sĩ Nguyễn Văn Đề đã gặp một bệnh nhân nữ 42 tuổi, bệnh nhân đi lại khó khăn, da xanh vàng, niêm mạc nhợt nhạt, đau thượng vị, tức ngực, khó thở. Bệnh nhân đã về Hà Nội khám và vô cùng lo lắng khi được chẩn đoán là suy tim, xơ gan và loét hành tá tràng. Khi khám, ông nhận ra bệnh nhân có màu da đặc thù của người bị bệnh giun móc giai đoạn muộn, để đảm bảo tính khoa học, ông cùng với đồng nghiệp tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và quả thực khi nhìn qua kính hiển vi trứng giun móc dày đặc trong vi trường. Chỉ dùng 3 viên thuốc giun mà triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân này biến mất sau vài tuần và bệnh nhân tăng 5 kg sau 1 tháng.
Hay trong chuyến công tác tại Hà Giang, ông đã khám cho một bệnh nhân là giáo viên đã được bệnh viện tỉnh chẩn đoán là lao phổi và điều trị suốt 12 năm không đỡ. Do bị nhiễm sán lá phổi gây tổn thương phổi nên mỗi lần ho ra rất nhiều máu tươi, vì sợ bị lây truyền nên phụ huynh học sinh đề nghị cô phải đeo khẩu trang khi giảng bài, cô bị mọi người xa lánh, và sống cô đơn. Sau khi được chẩn đoán bị bệnh sán lá phổi, uống thuốc điều trị kịp thời, bệnh của cô đã khỏi hoàn toàn. Như vậy, bác sĩ Nguyễn Văn Đề không chỉ cứu sống cô, mà còn trả lại hạnh phúc và cuộc sống tươi đẹp cho một cô giáo người vùng cao.
Hai ca bệnh trên được điều trị thành công đã để lại những kỷ niệm khó quên với bác sĩ Nguyễn Văn Đề, họ là những bệnh nhân "đặc biệt" do trước đó chẩn đoán chưa đúng bệnh nên không thể chữa khỏi. Những người bệnh được cứu sống, họ không bao giờ quên công lao đó của bác sĩ Nguyễn Văn Đề. Còn với ông, đó không chỉ là niềm vui, niềm hạnh phúc mà còn là động lực để ông tiếp tục phấn đấu và gắn bó nhiều hơn nữa trong công việc của mình.
Năm 2013 là một năm đặc biệt với GS.TS Nguyễn Văn Đề, năm ông đón nhận học hàm Giáo sư chuyên ngành Y học. Bước qua tuổi 60, nhưng niềm đam mê nghiên cứu về Ký sinh trùng – một chuyên ngành chưa ra khỏi tình trạng bị “lãng quên” vẫn được ông hun đúc và dành nhiều tâm huyết để cống hiến.
Nguyễn Thị Loa
[1] Trích bản tự thuật của GS.TS Nguyễn Văn Đề, năm 2013