Ngã rẽ trên con đường nghề

 Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề “thầy đồ” ở Nghệ An, nhưng Trần Tuấn Điệp từ nhỏ đã không thích làm nghề giáo, vì thấy ông nội, ông ngoại, rồi cả cha đi dạy học mà cứ bị cái nghèo đeo đuổi. Hồi đi học, Trần Tuấn Điệp lại có khả năng viết văn hay, đặc biệt là văn tả cảnh. Các bài văn của ông thường được thầy giáo đọc trước cả lớp để làm mẫu. Trần Tuấn Điệp cũng có trí nhớ tốt, thuộc các bài thơ rất nhanh. Ông còn có khiếu vẽ đẹp, vẽ chân dung khá giống. Năm lên tám tuổi (khoảng năm 1945), ông đã vẽ nhiều chân dung Bác Hồ, ai xem cũng khen là vẽ rất giống.

Thấy con có khiếu nghệ thuật, bố mua cho ông một cây đàn măngđôlin cũ, bề mặt bị rộp lên nhưng tiếng vẫn còn tốt. Trần Tuấn Điệp say sưa tự tập và đàn hay nhiều bài như Thiên Thai, Suối Mơ… Trong những năm Kháng chiến chống Pháp, Trần Tuấn Điệp đương nhiên trở thành “nghệ sĩ nhí” độc tấu đàn cho các anh bộ đội đóng quân trong xóm nghe. Với những hoạt động đó, nhiều lúc Trần Tuấn Điệp muốn trở thành nhạc sĩ, đôi khi lại nghĩ mình có thể trở thành nhà văn!

Năm 1956, Trần Tuấn Điệp tốt nghiệp phổ thông, cũng là lúc trường Đại học Tổng hợp và trường Đại học Bách khoa mới thành lập (còn trường Đại học Y và trường Sư phạm đã có từ trước). Trần Tuấn Điệp không thích ngành Y nên không thi trường Đại học Y. Ông cũng không muốn đi dạy học nên không vào trường Sư phạm hay Tổng hợp. Cuối cùng, ông lựa chọn lĩnh vực kỹ thuật và quyết định thi vào trường Đại học Bách khoa, chuyên ngành Điện. Nghe nói ở Liên Xô có khẩu hiệu: “Chủ nghĩa cộng sản là Chính quyền xô viết cộng với điện khí hóa toàn quốc“, ông nghĩ, điện sẽ làm cho đất nước mình giàu mạnh và đăng kí vào ngành này. Khi ông học hết năm thứ ba, Chủ nhiệm Khoa Nguyễn Như Kim phân công ông học chuyên ngành Vô tuyến điện. Ông cũng thấy thích chuyên ngành này vì nghĩ đến công việc ở đài phát thanh, truyền hình và thấy hay hay vì mình sẽ đưa tiếng nói của dân tộc ra thế giới.

Trần Tuấn Điệp những tưởng thế là mình đã thực hiện được lựa chọn làm kỹ thuật, nhưng bất ngờ, đang học năm thứ tư (năm 1959), nhà trường, theo chủ trương của Nhà nước, mở rộng đào tạo từ quy mô 700-800 sinh viên lên đến 3000 sinh viên, đòi hỏi bổ sung ngay một lượng lớn giáo viên đáp ứng việc giảng dạy. PGS.TS Trần Tuấn Điệp nhớ lại: “Một hôm, có thông báo của Khoa gửi xuống, mời tôi lên để giao nhiệm vụ mới. Thầy Chủ nhiệm Khoa Nguyễn Như Kim cử tôi sang Bộ môn Toán cao cấp làm thầy giáo. Tôi rất ngỡ ngàng, chưa xác định được gì…”.

Trần Tuấn Điệp không thích trở thành giảng viên Toán, vì ông vốn không thích nghề dạy học. Hơn nữa, ông nghĩ mình học kỹ thuật, trình độ Toán chắc chắn yếu hơn các giảng viên khoa Toán (học trường Đại học Sư phạm, trường Đại học Tổng hợp, hoặc ở Trung Quốc về). Nhưng lại nghĩ “nhiệm vụ trên đã giao rồi, phải có ý thức chấp hành” nên đành chấp nhận. Thế là, con đường nghề của ông rẽ sang một hướng khác.Trần Tuấn Điệp được chuyển sang Khoa Toán, trong khi các sinh viên khóa I Vô tuyến học thêm một học kỳ rồi ra trường làm việc hoặc đi thực tập sinh ở Liên Xô.

  Giảng viên trẻ Trần Tuấn Điệp, khoảng năm 1960

Trần Tuấn Điệp không thể thay đổi nhiệm vụ được giao nên chỉ có cách nỗ lực hết mình. Nhưng rồi qua các buổi thực tập giảng bài, ông thấy mình trẻ tuổi mà đứng trước sinh viên cao tuổi hơn, nhưng ăn nói khúc triết thì mọi việc cũng ổn. Dần dà, ông hiểu thêm môn Toán và thấy việc dạy Toán cũng có những điều hay để khám phá.

 Vừa chuyển sang Khoa Toán (cuối tháng 9-1959), chưa đầy một tháng sau trường Khai giảng năm học mới, Trần Tuấn Điệp không được chuẩn bị nhiều và đã phải đứng lớp. Buổi dạy đầu tiên là tiết bài tập. Ông không nhớ rõ và cũng không hiểu tại sao mình thấy tự tin, bình tĩnh. Để có được bài giảng đó, ông đã cẩn thận chuẩn bị cho bài giảng, xem các tài liệu và hỏi các giáo viên Toán khác về cách hướng dẫn cho sinh viên. PGS.TS Trần Tuấn Điệp nhớ lại: “Sau này khi giảng được lí thuyết rồi, tôi không những không sợ mà còn thèm được lên lớp, mong được lên lớp. Bất cứ đồng nghiệp nào nhờ giảng thay là tôi sẵn sàng, không ngần ngại gì cả”.

Trần Tuấn Điệp tự cố gắng và quyết tâm để theo kịp các đồng nghiệp. Ông đi nghe thêm các chuyên đề Toán do những cán bộ lâu năm dạy; miệt mài nghiền ngẫm các tài liệu, nhất là các bộ sách Toán bằng tiếng Nga (trong đó có quyển dày đến 3000 trang). Chỉ một thời gian ngắn, ông đã hòa nhập vào tập thể mới. Sau 3 năm, ông được bình chọn là giáo viên giảng dạy tốt của Khoa. Từ đó đến khi về hưu, PGS.TS Trần Tuấn Điệp vẫn luôn là cán bộ giảng dạy tốt. Hai lần, Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyên dương ông về thành tích giảng dạy (năm 1969 và 1997).

 

 PGS.TS Trần Tuấn Điệp (ngoài cùng, bên phải) và các đồng nghiệp

 trong Khoa Toán, trường Đại học Bách khoa Hà Nội

 PGS.TS Trần Tuấn Điệp cho biết: Lĩnh vực chuyên môn mà ông cảm thấy tự hào nhất vì có đóng góp nhiều, đó là Toán sơ cấp. Nguồn gốc để ông đi sâu vào Toán sơ cấp bắt nguồn từ hai cậu con trai của ông. Thường cha mẹ nào cũng mong con mình học hành giỏi giang, PGS Trần Tuấn Điệp cũng vậy, ông mong ước hai con trai mình đều học giỏi, có năng lực và bản lĩnh. Ông suy nghĩ phải dạy cho con giỏi Toán, vì trong các môn học, Toán giúp trẻ phát triển trí thông minh và khả năng tư duy. Do đó, ông đi sâu nghiên cứu Toán sơ cấp để dạy cho các con. Thời học phổ thông chỉ được học sơ qua, nhưng khi nghiên cứu sâu, ông lại khám phá nhiều điều thú vị trong đó. Ông nhận thấy mỗi mệnh đề, mỗi công thức đều có sự vận dụng linh hoạt, nhiều bài toán có nhiều cách giải khác nhau. Ông đã soạn nhiều bài toán chuyển hóa giữa các môn học như chuyển từ hình học sang đại số. Nhiều đồng nghiệp trong Khoa Toán gọi ông bằng một biệt hiệu vui nhưng cũng đầy trân trọng là “Vua bất đẳng thức” vì ông rất sành về lĩnh vực này. Khi gặp bài Toán sơ cấp khó, các đồng nghiệp đều đến hỏi ông.

 Đến nay, tuy đã về nghỉ hưu nhưng nhiều học sinh, giáo viên các tỉnh thường gọi điện đến hỏi ông cách giải các bài toán. PGS.TS Trần Tuấn Điệp vẫn nhiệt tình giảng giải, thậm chí có khi ngồi hàng giờ bên máy điện thoại để trò chuyện. Dường như, nghề dạy học đã trở thành cái nghiệp cả đời để ông gắn bó, say mê trong suốt quá trình công tác.

 

 Trần Bích Hạnh