Ngành kỹ thuật phát thanh Việt Nam – 70 năm nhìn lại (Kỳ 2)

Kỳ 2. Hòa sóng phát thanh và quá trình hiện đại hóa *

I- Buổi đầu đầy thách thức gian lao

Từ ngày 30-4-1975 ta tiếp quản hệ phát thanh vô tuyến của chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH), gồm có đài chính là Đài Quán Tre ở Sài Gòn, 3 đài cấp vùng (50 KW) ở Đà Nẵng, Quy Nhơn và Nha Trang, 4 đài cấp tỉnh ở Huế, Quảng Ngãi, Cần Thơ và Ban Mê Thuột. Ngoài ra, khi có chiến tranh biên giới phía Tây Nam, Cục trưởng Cục Kỹ thuật Phát thanh đã cử ông Huỳnh Ngọc Ấn đi xây dựng gấp một số Đài phát thanh địa phương ở các tỉnh biên giới để phục vụ chiến đấu, sử dụng những máy phát sóng cỡ 20 kW mà các nước XHCN viện trợ trước 4-1975.

Toàn bộ hệ thống phát thanh ở miền Nam từ đó được đưa vào hoạt động theo hệ thống chung của Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN), nhưng việc chuyển tải chương trình từ Hà Nội vào các đài ở phía Nam rất khó khăn do hệ tải ba hữu tuyến và hệ vi ba tiếp sức của Tổng cục Bưu điện và Bộ Tư lệnh Thông tin không đảm đương được, mà thu các làn sóng ngắn Đài TNVN ở miền Bắc rồi phát lại thì chất lượng tín hiệu rất kém. Với những bản tin quan trọng, đã từng có tình trạng phát tin đọc chậm cho các đài ở phía Nam ghi, sau đó các đài này biên tập lại thành chương trình tại chỗ và phát lên sóng. Thông thường thì kỹ thuật viên tùy theo mùa mà chọn giờ truyền sóng ngắn tốt nhất trong ngày để ghi âm và phát lại.

Ông Huỳnh Ngọc Ấn – nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam

Do hậu quả của cuộc kháng chiến chống Mỹ nên sau năm 1975, sự phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam nói chung và công nghiệp điện tử nói riêng hầu như chưa có gì. Cho đến năm 1984 (năm diễn ra Hội nghị toàn quốc ngành Phát thanh-Truyền hình Việt Nam) thì nền kinh tế nước ta vẫn còn rất khó khăn, 80% dân không có điện dùng cho sinh hoạt. Ngành phát thanh truyền hình chưa tự sản xuất được những thiết bị đơn giản nhất chứ chưa nói đến việc sản xuất các máy phát, máy ghi âm, ghi hình cho hoạt động kỹ thuật phát thanh và truyền hình.

Điều khó khăn nhất là vào cuối những năm 80, sóng Tiếng nói Việt Nam chỉ phủ được 16% lãnh thổ, chủ yếu là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh và các vùng phụ cận. Mặc dù từ năm 1976 đến 1980 Đài TNVN và Ủy ban Phát thanh truyền hình VN đã lắp đặt cho 53 đài tỉnh trên cả nước, mỗi tỉnh một máy phát sóng trung từ 1Kw đến 10Kw nhưng vì không tiếp âm được Đài TNVN nên các đài tỉnh chủ yếu đưa tin tức của địa phương.

Trong quá trình phát triển, ngành kỹ thuật phát thanh VN gặp phải 3 khó khăn lớn. Khâu sản xuất chương trình: nguồn băng từ mua của Liên Xô trước đó thì không thể tiếp tục mua được nữa do Việt Nam không có ngoại tệ để thanh toán. Các đầu từ máy ghi âm mòn, hỏng mà không có thiết bị để thay thế. Khâu truyền dẫn: từ Trung tâm sản xuất chương trình đến đài phát Mễ Trì bằng cáp ngầm; từ Mễ Trì đi 2 đài phát CK2 (Xuân Mai, Hà Tây) và VN2 (Ba Vì) dùng thiết bị sóng mét điều chế Delta DM400- do Hungari sản xuất để truyền đường thoại, hồi đó đem ghép 2 kênh thoại lại để truyền 1 kênh phát thanh. Tất cả các đài phát ở các địa phương đều phải dùng radio để tiếp âm bằng sóng ngắn nên chất lượng âm thanh xấu, tạp âm nhiều, có nhiều lúc (sáng và đêm) không bắt được sóng đài trung ương. Các máy phát do Mỹ, Trung Quốc, Liên Xô, Hungari sản xuất được khai thác trong hệ thống kỹ thuật phát thanh VN đều được dùng hết công suất, khi cũ, hỏng lại thiếu linh kiện thay thế, đặc biệt là các máy phát Mỹ ở miền Nam và máy phát Trung quốc ở đài Mễ trì. Chính vì vậy phải giảm công suất phát và giảm thời gian phát sóng trong ngày. Một khó khăn khác xuất hiện trong thời kỳ này là điện lưới quốc gia liên tục bị cắt, mà khi không cắt thì điện áp cũng không ổn định Mặc dù được cấp các loại máy nổ dự phòng nhưng dầu chạy máy nổ cũng thiếu nên rất hạn chế.

Thời kỳ 1976-1990, các phương tiện truyền thông, Đài truyền hình Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, phạm vi phủ sóng còn hẹp, số máy thu hình trong dân chủ yếu là máy cũ của Nhật, khác hệ nên phải đổi hệ mới bắt được sóng THVN. Báo chí chưa phát triển rộng rãi vì thiếu giấy in, lại khó trong khâu phát hành vì các phương tiện giao thông hạn chế. Chính phủ chỉ trông chờ vào việc phủ sóng Tiếng nói Việt Nam để thực hiện các yêu cầu tuyên truyền trong dân, trong khi đó các đài của Trung Quốc, BBC, VOA, Châu Á tự do phát sóng rất mạnh vào Việt Nam với nhiều nội dung nói xấu chế độ.

II- Hiện đại hóa phát thanh là nhu cầu cấp bách

Trước tình hình khó khăn nhiều mặt của đất nước và trước nhu cầu khẩn cấp của công tác tuyên truyền đường lối, chính sách, quan điểm của Đảng đến với toàn dân, ngày 13-6-1992, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có chỉ thị về công tác thông tin tuyên truyền. Tiếp đến ngày 26-4-1993, Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh chỉ thị cho Đài TNVN phải gấp rút nâng cao chất lượng nội dung tuyên truyền và tăng diện phủ sóng phát thanh tiếng nói Việt Nam. Ngày 14-3-1994 Thủ tướng Võ Văn Kiệt có chỉ thị về xây dựng và phát triển ngành Phát thanh truyền hình Việt Nam, trong đó nêu rõ: “Phát triển, hiện đại hóa hai ngành Phát thanh và Truyền hình là một nhiệm vụ cấp bách, không thể chậm trễ”.

Trong hoàn cảnh đất nước bị cấm vận, chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, để thực hiện được những chủ trương, nhiệm vụ trên, lãnh đạo Đài TNVN xác định phải dựa vào nội lực của Việt Nam để thực hiện các nhiệm vụ. Nội lực mà lãnh đạo Đài TNVN xác định là đội ngũ kỹ sư và cán bộ kỹ thuật đang công tác ở Đài TNVN. Nhưng để thực hiện được chỉ thị của Thủ tướng Võ Văn Kiệt là phải hiện đại hóa ngành phát thanh thì bước đi, cách làm là gì?. Đó là phải dựa vào các nhà khoa học của các trường Đại học Bách khoa, Đại học Tổng hợp Hà Nội, các giáo sư, kỹ sư của các viện nghiên cứu. Khi ấy, đầu mối để huy động lực lượng các nhà khoa học này là phải dựa vào Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam.

Từ những năm 1976-1977 (sau khi tiếp quản hệ phát thanh truyền hình ở miền Nam), Đài đã mời được ông Nguyễn Văn Ngọ, cán bộ của Đại học Bách khoa về làm cố vấn kỹ thuật cho Cục trưởng Cục kỹ thuật phát thanh. Sau đó ông Ngọ lại giúp Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Việt Nam thành lập Vụ Khoa học và Công nghệ và ông được cử làm Vụ trưởng. Lãnh đạo Đài TNVN tiếp tục mời một số nhà khoa học, như GS Phan Anh, PGS Kiều Vĩnh Khánh, GS Nguyễn Đình Ngọc, GS Trần Thúc Vân, PGS Nguyễn Cảnh Tuấn, TS Mai Liêm Trực, TS Đặng Đình Lâm, TSKH Phạm Khắc Di… tham gia cố vấn cho Đài. Từ các chuyên gia đầu ngành này, theo từng lĩnh vực chuyên môn, lãnh đạo Đài TNVN phối hợp với Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam do GS Nguyễn Văn Ngọ làm Chủ tịch đã khai thác các thế mạnh của từng chuyên gia để giải các bài toán khó cho Đài (kể từ năm 1988 trở đi).

Các chuyên gia và bộ máy quản lý Đài TNVN đã xác định các bước đi là tập trung giải quyết hiện đại hóa, nâng cao chất lượng khâu truyền dẫn tín hiệu phát thanh Đài TNVN từ 39 Bà Triệu đến tất cả các đài phát sóng phát thanh của trung ương và các tỉnh trên toàn quốc. Cách chọn bước đi là đi thẳng vào kỹ thuật số và dùng vệ tinh để truyền tín hiệu. Chủ trương nầy thực ra đã được nghiền ngẫm từ lâu, nhưng thời kỳ 1976 – 1988 nước ta vướng vào cuộc chiến tranh cứu dân tộc Campuchia khỏi nạn diệt chủng và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, kèm theo sự cấm vận do Mỹ và Trung quốc đề xướng nên chưa có điều kiện khả thi. Ngay khi chiến sự vừa mới tạm lắng, mùa hè năm 1984, Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Việt nam Trần Lâm đã cùng ông Nguyễn Văn Ngọ đón gặp Bộ trưởng Bộ Bưu điện Liên Xô và đề xuất việc truyền chương trình Truyền hình Việt Nam qua vệ tinh Gorizont (sau đó Đài THVN đã thử nghiệm, về kỹ thuật hoàn toàn suôn sẻ).

*Chọn COMSTREAM, thiết bị chuyên dụng đưa chương trình phát thanh số hóa lên vệ tinh và thu để phát lại dưới dạng analog ở các địa phương bằng máy thu RRO (Radio Receive Only) 

Đây là thiết bị kỹ thuật số dùng công nghệ xử lý dữ liệu hiện đại nén dải tần tín hiệu với hệ số nén cao, giúp tiết kiệm dung lượng đường truyền và nâng cao chất lượng tín hiệu. Vào thời điểm năm 1993, Mỹ vẫn cấm vận nước ta, do vậy muốn mua được thiết bị phải qua hai nước là Canada và Thái Lan. Hội Vô tuyến Điện tử đã cử TSKH Phạm Khắc Di làm cố vấn cho đài trong thương vụ nầy. Dải tần tín hiệu nén hẹp lại 16 lần nên giá thuê vệ tinh Palapa Indonesia chỉ 16.000 USD/năm, trong khi dùng vệ tinh Liên Xô qua trạm Hoa Sen là 340.000 USD/năm, lại là kỹ thuật analog, chất lượng kém hơn hẳn kỹ thuật số.

Tháng 2-1994, khi trạm vệ tinh nhỏ gọn đặt ngay tại 39 Bà Triệu đi vào khai thác, chất lượng và phạm vi phủ sóng quốc gia đã tăng lên rõ rệt. Thủ tướng Võ Văn Kiệt, các Phó thủ tướng, lãnh đạo các bộ ngành đến kiểm tra đều đồng tình với cách làm của Đài TNVN.

Máy thu RRO của hệ Comstream

Ngày 27-4-1994, GS Phan Anh (Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử, phụ trách khoa học kỹ thuật) cùng TSKH Lê Anh Dũng (Giám đốc Công ty AIC, Bộ Quốc phòng) bàn với lãnh đạo Đài TNVN bước đi hiện đại hóa khâu sản xuất chương trình ở Trung tâm sản xuất chương trình phát thanh Đài TNVN. Dựa vào sự phát triển công nghệ sản xuất chương trình của các nước như Australia, Pháp, Hội Vô tuyến Điện tử đã kiến nghị Đài TNVN tập trung đi thẳng vào kỹ thuật máy tính. Trước hết kỹ thuật máy tính số được áp dụng trong các khâu điều khiển hệ thống chuyển mạch đến bàn trộn số, máy ghi âm số DAT, CD, MC, dùng máy tính làm chương trình. Tiếp tục đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên, phóng viên, biên tập sử dụng thành thạo công nghệ mới, từ đó công nghệ máy tính được áp dụng vào hệ thống sản xuất chương trình phát thanh dưới dạng hệ thống. Hệ thống gồm nhiều trạm làm việc nối mạng. Các computer tại các trạm có bộ nhớ riêng, độc lập, đồng thời nối tới máy chủ trung tâm. Máy chủ trung tâm là trái tim của cả hệ thống. Đây là bước đi rất hiệu quả, nâng cao chất lượng kỹ thuật, đáp ứng nhanh tính thời sự, quản lý, cung cấp tin đa dạng, kịp thời cho các chương trình phát thanh trong nước và quốc tế.

 *Quy hoạch lại toàn bộ hệ thống phát thanh Việt Nam  

Mục tiêu quy hoạch là thiết lập tổng thể mạng lưới các đài phát sóng phát thanh và phương thức truyền dẫn tín hiệu nhằm phủ sóng đối nội (lãnh thổ Việt Nam) ở mức độ cao nhất và phủ sóng đối ngoại hiệu quả trong phạm vi yêu cầu. Để thực hiện, cần xuất phát từ việc chọn dải sóng thích hợp cho từng mục đích và đối tượng (sóng trung AM, sóng cực ngắn FM và sóng ngắn SW ở các băng tần phù hợp), đồng thời chọn cấu hình các đài phát sóng (thiết bị anten, máy phát với công suất hợp lý cho từng địa bàn phủ sóng); chọn thiết bị hiện đại, năng suất cao, chất lượng tốt và đồng bộ cho từng đài phát và cả hệ thống. GS Phan Anh được Hội Vô tuyến Điện tử cử sang giúp Đài TNVN chủ trì xây dựng quy hoạch, có sự hợp tác của tất cả các chuyên gia đầu ngành về kỹ thuật điện tử, viễn thông, kỹ thuật số. Bắt đầu từ tháng 2-1993, GS Phan Anh và nhóm của mình đã lập quy hoạch tính toán, khảo sát, tìm kiếm tài liệu về khí hậu thủy văn, địa chất trên các vùng dự kiến đặt đài phát. Mục tiêu của việc này là phủ sóng 100% lãnh thổ, 98% dân số, kể cả vùng lãnh hải, sông lớn của Việt Nam; phủ sóng Đài TNVN tới các nước Đông Nam Á, Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ và vùng Caribê.

Sau khi nhóm hoàn thành bản dự thảo quy hoạch, đem trưng cầu ý kiến lần cuối các nhà khoa học thuộc Hội Vô tuyến Điện tử, sau đó trình lên để thông qua Hội đồng Khoa học Công nghệ nhà nước do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì (thành phần chủ yếu là các chuyên gia của Hội Vô tuyến Điện tử). Sau khi Bộ thông qua về mặt khoa học công nghệ thì quy hoạch được bảo vệ trước Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các cơ quan tài chính, ngân hàng… Sau khi 3 hội đồng thông qua, ngày 28-9-1994 quy hoạch “Phủ sóng trung rải mạng trên toàn quốc” (Phân thành 2 dự án mang tên “Dự án Đài Phát sóng Nam bộ” và “Dự án Đài Phát sóng Bắc bộ”) được bảo vệ trước lãnh đạo Chính phủ, gồm Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, các bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Văn hóa Thông tin, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp, Bộ Ngư nghiệp, Tổng cục Bưu điện…

Sau khi nghe lãnh đạo Đài TNVN trình bày quy hoạch “Phủ sóng trung rải mạng trên toàn quốc”, Thủ tướng Võ Văn Kiệt kết luận: Cách làm quy hoạch này rất tốt; dựa trên cơ sở tính toán khoa học; dựa trên sự phản biện của Hội Vô tuyến Điện tử, thông qua Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Kế hoạch Đầu tư. Cách lựa chọn phương án tốt, tính toán tốt, nhất là cách đề xuất từng bước đi đảm bảo được yêu cầu mà nhà nước đề ra. Thủ tướng Chính phủ chấp nhận cho phép thông qua, và yêu cầu thực hiện quy hoạch sao cho nhanh, phải rút ngắn thời gian, vì đến năm 1995 nước ta sẽ có những thay đổi lớn trong quan hệ đối ngoại. Cái khó lúc đó là sợ kinh phí quá lớn. Thủ tướng chỉ thị chia giai đoạn để làm. Trước hết là phủ sóng vùng đồng bằng Nam bộ, đồng bằng Bắc bộ, vùng núi, các nước Đông Nam Á, Châu Á. Về mặt kinh phí thì bằng mọi cách Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính phải lo, vì đây là việc sống còn của đất nước. Đó là những kết luận quan trọng của Thủ tướng Chính phủ cho sự phát triển của ngành kỹ thuật phát thanh Việt Nam.

Từ quy hoạch đến bước triển khai là một quá trình đòi hỏi phải có kiến thức, tiếp cận được công nghệ tiên tiến của thế giới, đủ năng lực chuyên môn. Để làm được điều này, lãnh đạo Đài TNVN quyết định dựa vào Ban lãnh đạo Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam để mời các chuyên gia đầu ngành vào tất cả các khâu mời thầu, xét thầu và nghiệm thu thiết bị, đài trạm của các công trình thuộc 2 dự án đài Nam bộ và đài Bắc bộ.

*Triển khai quy hoạch 

Bước thứ nhất là thành lập hội đồng lập hồ sơ mời thầu, vì đây là đề bài quan trọng nhất. Vì vậy hồ sơ mời thầu được 14 nhà khoa học đầu ngành của Hội Vô tuyến Điện tử chủ trì; nội dung mời thầu phải đặt ra những yêu cầu chặt chẽ đối với nhà cung cấp thiết bị: thiết bị sử dụng công nghệ tiên tiến nhất; các thiết bị kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, có hiệu suất cao trong khai thác; tuổi thọ của linh kiện cao. Hội đồng mời thầu quyết định chỉ gửi hồ sơ mời thầu đến các nước G7, là những nước công nghiệp phát triển. Hồ sơ mời thầu phải đáp ứng được các câu hỏi của nhà thầu khi đọc hồ sơ… Để trả lời các câu hỏi này, ngoài các chuyên gia lĩnh vực điện tử, tin học, còn phải mời các chuyên gia thuộc Cục khí tượng thủy văn, Cục địa chất bản đồ, Cục tác chiến Bộ Quốc phòng cùng tham gia.

Về kinh tế: có các chuyên gia kinh tế, tham tán kinh tế của Bộ Ngoại thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước, Cục đấu thầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư… Suốt một năm, hội đồng xét thầu phải lần lượt làm việc với 7 nhà thầu thuộc các nước Nhật, Pháp, Anh, Mỹ, Canada. Nguyên tắc làm việc của hội đồng xét thầu là công khai, trực tiếp với nhà thầu, độc lập trong quyết định lựa chọn. Khi lựa chọn được kỹ thuật, công nghệ có thể thỏa mãn đầu bài, mới bắt đầu đàm phán về giá cả, tức là lấy công nghệ, kỹ thuật đồng bộ, hiện đại xem xét trước, sau đó mới xem xét đến giá cả.

Tháng 7-1995, Mỹ chính thức bỏ cấm vận với Việt Nam, là thời điểm chúng ta có thể tiếp cận được công nghệ, thiết bị của các nước tiên tiến. Tháng 6-1996, kết thúc đàm phán chọn thầu. Hồ sơ thầu được Cục đấu thầu và Bộ Kế hoạch Đầu tư thẩm định, Chính phủ phê duyệt. Sau đó lập tức các dự án được triển khai. Tháng 7-1997, Đài phát sóng 3500kw đặt tại Cần Thơ được khánh thành, Đài phát sóng 700kw tại Hưng Yên được khánh thành. Đó là một kỷ lục làm việc được các nước Đông Nam Á, các nhà thầu, tổ chức phát thanh truyền hình Châu Á – Thái Bình Dương ca ngợi khâm phục.

Cùng các đài phát sóng trung, các đài FM công suất từ 10 đến 20kw được lắp đặt tại các điểm cao: Tam Đảo, Núi Bà Đen, núi Hàm Rồng, núi Bà Nà… Các đài này lên sóng đã phủ sóng 90% lãnh thổ, 86% dân số, đặc biệt ngư dân làm ăn ở vùng biển Nam Việt Nam nghe tốt sóng phát thanh, nhất là khi có bão gió cả ngày, đêm. Đài TNVN đưa đầu thu kỹ thuật số và dùng vệ tinh Intelsat để đưa tín hiệu phát thanh đối ngoại qua Nga và thuê máy phát Nga phát vào Châu Âu, Mỹ và Mỹ La tinh.

Nhờ áp dụng kỹ thuật mới hiện đại, Đài TNVN đã tiến một bước dài trong phủ sóng phát thanh đối nội, đối ngoại, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã giao. Muốn đưa tiếng nói Việt Nam đến với người dân, nhất là nông thôn, miền núi, nơi kinh tế còn khó khăn… nên Cục truyền thanh đã tiến hành sản xuất các máy tăng âm 100w-600w và mua các loa nén 25w của Trung Quốc, Liên Xô và dây đồng để lập các đài truyền thanh cho các thôn xã trong toàn quốc. Thời gian hoạt động của các đài truyền thanh rất ngắn vì khi có gió, bão các cột đổ, dây đứt, mất, thế là đài ngừng hoạt động, rất tốn kém. Trong một lần làm việc với GS Phan Anh, lãnh đạo Đài TNVN nêu vấn đề tại sao ta không dùng máy phát FM công suất 10w đến 20w lắp vào các loa nén phần thu sóng FM. Nơi có điện lưới thì dùng điện, không có thì dùng ác quy cho máy phát và pin con thỏ cho đầu thu. Từ gợi ý này, GS Phan Anh đã thiết kế ra hệ thống truyền thanh không dây, vừa sử dụng tiện lợi, lâu bền…đã được đưa vào sử dụng rộng rãi, đem lại hiệu quả cao về mặt tuyên truyền…

70 năm đã trôi qua, nhìn lại những thành tựu phát triển của đất nước, không thể không khẳng định vai trò quan trọng của công tác truyền thông mà có thể nói Đài Tiếng nói Việt Nam là một bộ phận không thể thiếu, thậm chí nhiều thời kỳ giữ vai trò chủ chốt. Đó không chỉ là niềm tự hào của những cán bộ nhân viên các đài phát thanh, mà bên cạnh đó còn là các nhà khoa học kỹ thuật liên quan mà ký ức của họ chính là một phần lịch sử của ngành.

Nguyễn Thanh Hóa (thực hiện)

(Nguồn: Bài được viết dựa theo lời kể của ông Huỳnh Ngọc Ấn – nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, GS Nguyễn Văn Ngọ – nguyên Vụ trưởng Vụ KH-KT Ủy Ban PT-TH Việt nam, nguyên Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử và GS.TSKH Phan Anh – nguyên Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam).

——————

* Kỳ 1 xuất bản ngày 23-4-2015.