Kỳ 1. Tiếng nói Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến
Ngày 7-9-1945, Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) chính thức thực hiện buổi phát sóng đầu tiên. "Đây là Tiếng nói của Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà” đã vang lên một cách trang trọng, thiêng liêng. Kể từ khi ấy, Tiếng nói Việt Nam trở thành một phần không thể thiếu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
I- Ngành phát thanh Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp
*Từ chiến khu Việt Bắc…
Đây là giai đoạn khởi đầu hào hùng, từ những đài phát tín chỉ vài trăm Watt lấy được của Sở Vô tuyến điện Đông Dương (thuộc chính quyền bảo hộ) cải biên thành những máy phát thanh công suất nhỏ để phát sóng lên không gian, thông báo những sự kiện lịch sử ở cả 3 miền đất nước, và sau đó là thông tin về tình hình chiến sự trong những năm tháng kháng chiến đầu tiên. Đây cũng là thời kỳ ghi nhận dấu ấn của nhiều kỹ sư giỏi, có vai trò khai mở ngành. Đó là kỹ sư Nguyễn văn Tình, bỏ chức vụ Giám đốc Sở Vô tuyến điện Đông Dương đi theo cách mạng, cùng một lúc chỉ đạo cả việc cải tiến máy phát điện báo (máy điện báo đánh moóc) thành phát thoại (máy phát thanh) để làm ra 2 máy phát thanh đầu tiên cho Đài Tiếng nói Việt Nam ở Hà Nội, và việc sử dụng đài thu phát di động trên một xe đặc chủng để làm phương tiện vừa thông tin liên lạc vừa phát thanh cho Ủy ban Hành chính lâm thời Nam bộ. Đó là kỹ thuật viên Nguyễn Cung, trong 9 năm kháng chiến đã bảo trì, khai thác và tăng công suất những chiếc máy phát “cải biên” ban đầu để làm đài phát sóng chính cho Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau khi Thủ đô giải phóng lại xây dựng đài phát sóng Bạch Mai, ông cùng chuyên gia Liên Xô lắp đặt các đài phát sóng công suất lớn như Mễ Trì, VN-1, trở thành một tổng công trình sư kỹ thuật phát thanh được các chuyên gia nước ngoài kính nể. Đó là ông Nguyễn Văn Hay, nhà Vô tuyến nghiệp dư (Radioamateur) tham gia kháng chiến và trở thành một trong những người đặt nền móng cho ngành thông tin liên lạc – phát thanh Nam bộ…
Ngay khi Cách mạng tháng Tám thành công, ba cán bộ có trình độ kỹ thuật cao nhất ở Đài Phát tín Bạch Mai (dưới thời chính quyền Pháp) là kỹ sư Nguyễn Văn Tình (tốt nghiệp trường Đại học quốc gia Supelec ở Paris, về nước làm Giám đốc Sở Vô tuyến điện Đông Dương thuộc chính quyền bảo hộ), Đài trưởng Vô tuyến điện Ngô Thế Duông và kỹ thuật viên Nguyễn Cung, theo yêu cầu của Cách mạng, ngay lập tức, các ông đã cải tiến hai máy phát báo có công suất 200W và 500W đài Bạch Mai thành máy phát thanh. Qua đường dây trần truyền từ Ba Đình về số 4 Đinh Lễ, máy phát thanh 300 W (công suất phát thanh) đã phát đi lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945.
Lúc 11h30’ ngày 07-9-1945, buổi phát thanh đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được phát chính thức trên hai làn sóng ngắn 31m và 41m. Để mở rộng thêm vùng phủ sóng, các cán bộ kỹ thuật còn tiếp nhận các máy phát báo từ 20W đến 200W ở các đài điện báo của Pháp để cải tiến thành 3 máy phát thanh nhỏ nữa phát chương trình trên các sóng 63m, 49m và 25m.
Tổng Công trình sư Tổng cục Bưu điện Việt Nam Nguyễn Văn Tình (1910 – 1987), ông tốt nghiệp SUPELEC (Pháp), nguyên Giám đốc Sở Vô tuyến điện Đông Dương
Sau ngày toàn quốc kháng chiến (12-1946), ba ông đi theo cách mạng cùng cơ quan lên chiến khu Việt Bắc. Ông Tình và ông Duông về Sở Vô tuyến điện Trung ương (thuộc Cục Thông tin liên lạc, Bộ Quốc phòng), còn ông Nguyễn Cung phụ trách kỹ thuật chính của Đài Tiếng nói Việt Nam. Để tăng công suất phát và duy trì phát sóng liên tục trong 9 năm, ông Cung đã phải cử người đi Hồng Kong mua đèn điện tử và các phụ tùng để thay thế. Cũng phải nói thêm rằng, trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp, Đài Tiếng nói Việt Nam phải di chuyển 14 lần để tránh sự đánh phá của địch. Mỗi lần di chuyển như thế là một lần khó khăn vì phải mang toàn bộ máy móc, trang thiết bị, vật tư đến cơ sở mới.
Ngoài ra năm 1950, ở xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, Sở Vô tuyến điện Liên khu 4 cũng mua phụ tùng từ Thái Lan về lắp một đài phát sóng dự phòng cho Đài TNVN ở Việt Bắc, máy này do các ông Thái Văn Thủy và Trương Văn Thoan thiết kế và lắp ráp.
Không biết rõ công suất phát của đài là bao nhiêu, nhưng theo GS Nguyễn Văn Ngọ kể lại là vào cuối năm 1952 khi ông đi dọc đường phố chính thành phố Nongkhai (Thái lan), qua các cửa hiệu của kiều bào đều nghe được rất rõ chương trình phát thanh tiếng nói Việt Nam.
*Đến miền Nam ruột thịt
Cùng với sự ra đời của Đài tiếng nói Việt Nam ở miền Bắc, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp còn có nhiều đài phát ở miền Nam (dưới sự chỉ đạo chung của Đài Tiếng nói Việt Nam) như: Đài Tiếng nói Nam bộ ở Liên khu 5, Đài Tiếng nói Nam bộ kháng chiến ở Đồng Tháp Mười (giai đoạn 1962 -1975 có Đài Giải phóng ở Tây Ninh). Đài Tiếng nói Nam bộ phát thử đầu tiên vào ngày 1-6-1946 tại đình làng Thọ Lộc, nay thuộc địa phận thôn Thọ Lộc Đông, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, cách trung tâm tỉnh lỵ chừng 3km, về phía tây bắc. Quảng Ngãi, khi đó nằm trong vùng tự do Liên Khu 5, nơi đặt trụ sở làm việc của ông Phạm Văn Đồng (đại diện Chính phủ ở miền Nam Trung bộ) cùng nhiều cơ quan của bộ máy kháng chiến miền Nam Việt Nam, là nơi được chọn để xây dựng cơ quan báo chí, phát thanh hỗ trợ cho cuộc kháng chiến ở Nam bộ
Đến cuối tháng 7-1946 chính thức phát sóng với sự có mặt của ông Phạm Văn Bạch – Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ. Đây là đài phát thanh thứ hai của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sau Đài Tiếng nói Việt Nam. Giám đốc đầu tiên của Đài là nhà báo Nguyễn Văn Nguyễn, người mà trước Cách mạng tháng Tám từng làm thư ký tòa soạn báo L’Avant garde, cộng tác viên của các tờ Mai, La Lutte, Dân Quyền…, hai lần bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo. Tham gia lãnh đạo đài còn có nhà cách mạng Huỳnh Văn Tiểng, ủy viên Ủy ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam, trưởng ban Tuyên truyền. Cuối năm 1946, đề phòng địch tập kích, dội bom đánh phá, Đài Tiếng nói Nam bộ dời lên vùng Sơn Tân, huyện Sơn Hà, nay là xã Sơn Tân, huyện Sơn Tây. Tại Sơn Tân, Trung ương đã chỉ thị Đài Tiếng nói Nam bộ đảm nhận nhiệm vụ tạm thay thế Đài Tiếng nói Việt Nam từ ngày 7-10-1947 đến ngày 19-12-1947, khi Đài Tiếng nói Việt Nam di chuyển địa điểm.
Vào tháng 6-1947, với một máy phát 60 W, Đài Tiếng nói Nam bộ lên thêm một làn sóng xưng danh là “Đài Tiếng nói Tháp Mười, tiếng nói lưu động của bưng biền Nam bộ kháng chiến”. Hoạt động này có ảnh hưởng rất lớn trên chiến trường, khiến chỉ huy quân Pháp ở Nam bộ cho mở nhiều đợt càn quét, truy lùng “Đài Tiếng nói Tháp Mười”, không biết rằng nơi phát sóng ở tận miền Trung, cách Sài Gòn gần 1.000 cây số. Sau khi Đài Tiếng nói Nam bộ chuyển vào Bình Định, làn sóng này vẫn duy trì cho đến hết tháng 3-1949.
Đầu năm 1948, Đài Tiếng nói Nam bộ chuyển vào miền núi tỉnh Bình Định, đổi tên là Đài Tiếng nói miền Nam, mật danh “Ban Tây Sơn”, trực thuộc Liên khu ủy 5 và Ủy ban Kháng chiến Hành chính miền Nam Trung Bộ. Thời gian này ông Lý Văn Sáu làm Phó Giám đốc Đài Tiếng nói miền Nam. Từ giữa năm 1953, sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam đã mạnh lên, Đài Tiếng nói Nam bộ kháng chiến và Đài Phát thanh Sài Gòn – Chợ Lớn (Đài này được xây dựng dựa trên kinh nghiệm của Đài Tiếng nói Nam bộ kháng chiến, chính thức phát sóng ngày 25-1-1951tự do đã có chương trình ổn định, Đài Tiếng nói miền Nam giảm dần hoạt động và đến khoảng cuối năm 1953 thì dừng hẳn.
Khoảng tháng 8-1947, Xưởng Vô tuyến điện thuộc Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam bộ chuyển về đóng tại kinh Quận, xã Hậu Thạnh, quận Mộc Hóa (nay thuộc xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An). Ở đây, Xưởng được Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam bộ giao nhiệm vụ lắp ráp một đài phát thanh mang tên Đài Tiếng nói Nam bộ kháng chiến để phục vụ công tác thông tin tuyên truyền cho công cuộc kháng chiến trong giai đoạn mới.
Buổi phát sóng thử nghiệm đầu tiên của Đài này được thực hiện vào ngày 24-11-1947, sau đó được ông Trần Bửu Kiếm (Tổng thư ký Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ) cho phép chính thức lên sóng vào ngày 1-12-1947. Buổi phát sóng chính thức đầu tiên thực hiện trên chiếc ghe tam bản neo cạnh một cụm tràm bên bờ kinh Quận (nay thuộc xã Hậu Thạnh Đông- huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An). Ngay sau đó ông Nguyễn Văn Tiểng cùng nhiều cán bộ kỹ thuật và cán bộ làm chương trình được lệnh lần lượt vào Nam để tăng cường cho Đài Tiếng nói Nam bộ kháng chiến và Sở Thông tin Nam bộ.
Từ đó cho đến buổi phát sóng cuối cùng vào ngày 1-12-1954 tại U Minh, trong suốt 7 năm liền, Đài Tiếng Nói Nam bộ kháng chiến đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách ác liệt của chiến trường, thay đổi địa điểm hơn 15 lần, từ chiến khu Đồng Tháp Mười đến chiến khu U Minh để đưa tiếng nói của cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ đến với nhân dân trong cả nước và bạn bè quốc tế. Đội ngũ cán bộ, nhân viên của Đài ban đầu chỉ có 10 người, sau phát triển lên 60-70 người. Chương trình phát sóng từ mỗi ngày một buổi lên ba buổi, từ chỗ chỉ phát tiếng Việt tiến đến phát tiếng Pháp, tiếng Khơ-me, tiếng Quảng Đông, Bắc Kinh. Trong các chương trình văn hóa, văn nghệ, những giọng ca của đài về sau đã nổi tiếng trong cả nước như: Quốc Hương, Khánh Vân, Xuân Mai.
II. Ngành phát thanh Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ
Từ ngày 10-10-1954, khi Thủ đô Hà Nội được giải phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát sóng với danh xưng mới: “Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Công hoà”. Câu nói ấy trở nên rất đỗi thân thuộc với mọi tầng lớp nhân dân, đến các chiến sĩ đang công tác và chiến đấu trên mọi mặt trận. Trong thời kỳ này, Đài TNVN, với nhiều cơ sở phát sóng khác nhau, đã góp phần không nhỏ vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước.
Thời kỳ này, cán bộ kỹ thuật của Đài Tiếng nói Việt Nam từ Việt Bắc về, Đài Tiếng nói Nam bộ từ khu 5 và Đài Tiếng nói Nam bộ kháng chiến từ khu 9, Đài Phát thanh Tiếng nói Sài Gòn – Chợ Lớn ra Bắc tập kết, cùng chung tay khẩn trương lắp đặt Đài phát sóng Bạch Mai, đài phát sóng chính đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam khi mới về Hà nội.
Sau đó những chàng trai làm nghề kỹ thuật phát thanh từ miền Nam ra tập kết (người của các Đài) được phân công về các đài phát sóng của cả Đài Tiếng nói Việt Nam và Tổng cục Bưu điện. Họ vừa làm vừa học tại chức ở trường Đại học Bách khoa, tốt nghiệp kỹ sư vô tuyến điện, rồi kẻ trước người sau lại trở về phục vụ sự nghiệp giải phóng miền Nam. Có người về xây dựng Đài Phát thanh Giải phóng B ở chiến khu D, có người vào công tác tại Đài Phát thanh Giải phóng A đặt tại miền Bắc, cũng có người về Cục Kỹ thuật Phát thanh đi xây dựng những đài phát sóng dự phòng để đối phó với cuộc chiến tranh bằng không quân của Mỹ. Ở những nơi xa xôi hẻo lánh, địa hình hiểm trỏ (thuộc Hà Tây, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai) họ đã cải tạo các hang đá và lắp đặt máy phát trong đó, rồi trụ lại để bảo trì và khai thác cho đến khi kết thúc chiến tranh chống Mỹ.
1. Những cơ sở của Đài Tiếng nói Việt Nam
Đài Bạch Mai
Sau chiến thắng ở chiến dịch biên giới, Trung Quốc và một số nước trong khối xã hội chủ nghĩa đã gửi tặng Việt Nam một số máy phát thanh sóng trung và sóng ngắn công suất từ 1 đến 3 kW (do nhiều nước khác nhau sản xuất!). Nhờ đó, cuối năm 1954 khi từ Việt Bắc chuyển về Hà Nội, Đài TNVN đã quyết định khôi phục khu phát sóng cũ thời thuộc Pháp ở Cống Vọng (thường gọi là điện đài Bạch Mai) gồm 3 máy phát sóng ngắn mang từ chiến khu về, công suất theo thứ tự là 2,5KW, 1,8 KW và 500W. Sau đó, Trung Quốc viện trợ thêm cho 2 máy phát sóng ngắn loại 7,5kW và 1 máy sóng trung 1KW. Đến tháng 8 năm 1955 thì khánh thành Đài phát sóng Bạch Mai. Đây là đài phát sóng đầu tiên của Đài TNVN khi trở về Hà Nội, và cũng là đài duy nhất cho đến cuối 1958, khi đài Mễ Trì lên sóng.
Đài Mễ Trì
Năm 1956, sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông Nguyễn Cung cùng với chuyên gia Liên Xô tiến hành xây dựng Đài Mễ Trì, là một đài phát sóng phát thanh do Liên Xô viện trợ sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp thành công. Đài này có máy phát sóng trung 150 KW và máy phát sóng ngắn 50 KW, là những máy công suất lớn trong khu vực Đông Nam Á vào thời điểm đó. Sự đóng góp và ảnh hưởng của Đài phát Mễ Trì vào sự nghiệp giải phóng miền Nam rất lớn, do đó Mỹ luôn tìm cách phá hoại đài này. Vào lúc 4 giờ 59 phút ngày 19-12,-1972 ba tốp B52 (bộ đội ta đánh số là 527, 528, 529) rải một thảm bom hơn 200 quả xuống khu vực Mễ Trì, phá hỏng trạm phát sóng chính. Do Đài Tiếng nói Việt Nam, được sự giúp đỡ của các nước Xã hội chủ nghĩa đã chuẩn bị để đối phó với tình huống này nên 9 phút sau nhân dân cả nước và kiều bào ở các nước láng giềng lại tiếp tục được nghe buổi phát thanh với hô hiệu quen thuộc “Đây là Tiếng nói Việt Nam”. Thực ra đó là sóng phát nhờ trên đài Côn Minh (TQ) do một tổ phóng viên và biên tập được bố trí sẵn từ trước làm chương trình.
Sau vụ ném bom B 52 vào cuối năm 1972, Chính phủ Việt Nam nhờ các nước bè bạn giúp đỡ sớm trang bị lại một máy phát 200 kW mới ở cơ sở Mễ Trì để duy trì việc phát sóng phục vụ cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Các ông Nguyễn Văn Sinh, Nguyễn Trọng Hưởng là những người có công lớn trong việc trùng tu Đài Mễ Trì. Ông Sinh xuất thân là công nhân ở Đài Mễ Trì, cần mẫn theo học bổ túc văn hóa mỗi năm một lớp, xong lớp 10 ông thi vào học tại chức ngành Vô tuyến điện trường Đại học Bách khoa. Tiến bộ dần trong nghề nghiệp, khi có bằng kỹ sư thì cũng vừa lúc được đề bạt lên bậc Trưởng ca ở Đài Mễ Trì. Ông Hưởng cũng là kỹ sư vô tuyến điện tốt nghiệp Đại học Bách khoa, khi đó là Trưởng ban kỹ thuật của Đài. Vào thời điểm máy bay B52 của Mỹ ném bom hủy diệt, cả hai ông đều đang có mặt ở Đài. Nhờ tích cực chỉ đạo toàn Đài nhanh chóng thu dọn mặt bằng, khôi phục đường điện, đường nước, đường tín hiệu, xây dựng lại Đài, và thể hiện trình độ chuyên môn cao khi cùng chuyên gia nước bạn lắp đặt máy phát, anten cho đài sóng trung 200 kW mới, ông Hưởng được đề bạt làm trưởng Đài Mễ trì mới, ông Sinh làm Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật Phát thanh, và chẳng bao lâu sau lên làm Cục trưởng thay cho ông Lâm Thanh Nghị xin nghỉ công tác do bị bệnh nặng.
Đài CK-2
Đài CK-2 được thành lập từ tháng 8-1964, nằm trong hang Núi Vàng, giữa những dãy núi và rừng cây, thuộc địa phận xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Tây. Đây là đài phát thanh sóng ngắn thứ hai của nước ta, sau Đài Bạch Mai.Việc xây dựng đài CK-2 nhằm ứng phó với tình thế mới khi Mỹ leo thang chiến tranh, bắt đầu không kích ra miền Bắc. Đài CK-2 vì thế được đặt trong một hang núi nằm giữa những dãy núi và rừng cây, máy bay địch khó có thể oanh tạc để phá hủy. Việc xây dựng đài cũng như lắp máy hoàn toàn do các chuyên gia Việt Nam đảm nhiệm. Có một khó khăn là vị trí đặt đài không thuận tiện cho việc đưa chương trình từ Đài Bá Âm ở 39 Bà Triệu, Hà Nội đến các máy phát, đặt cáp thì khoảng cách quá xa mà địa hình phức tạp, thi công khó khăn và chi phí cao, mà truyền bằng vi ba thì giữa “Bá Âm-Đài Phát” (Studio-Transmitter) không có khoảng trống trong tầm nhìn thẳng. Trong điều kiện như vậy, chúng ta đã giải quyết tạm bằng thiết bị truyền dẫn ở băng tần UHF điều chế Delta, nhưng chất lượng tín hiệu thu được chưa đủ độ tin cậy.
Tháng 12 năm 1972, khi không quân Mỹ ném bom phá hủy đồng thời Đài Mễ Trì và Đài Bạch Mai thì Đài CK2 lập tức lên sóng phát tiếp chương trình phát thanh đối nội mà Đài Bạch Mai đang phát dở dang. Trưởng Đài đầu tiên của CK2 là ông Huỳnh Minh Châu (Sáu Châu), cán bộ kỹ thuật đã từng tham gia xây dựng Đài Tiếng nói Nam bộ kháng chiến. Các ông Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN Huỳnh Ngọc Ấn, Đào Duy Hứa cũng đã từng là trưởng Đài CK2.
Năm 1977 lãnh đạo Cục Kỹ thuật Phát thanh cho phép GS Nguyễn Văn Ngọ và Phòng Kỹ thuật của Cục thử nghiệm phương án phát lại vi ba thụ động: từ trụ sở Cục ở Triều Khúc cho búp sóng máy vi ba KTV 8000 (bước sóng 3,75 cm) dọi thẳng lên đỉnh núi Bộc Cưa (Xuân Mai, Hà Tây), ở đó dùng một trạm chuyển tiếp thụ động hắt sóng xuống Đài CK2 ở ngay chân núi. Việc truyền tín hiệu vì thế mà rất thành công.
Ngày nay, nhiệm vụ chính của Đài CK2 là phát sóng các hệ phát thanh đối nội phủ sóng khu vực miền núi phía Bắc, khu vực Hà Nội bên cạnh nhiệm vụ chính trị đặc biệt khác.
Đài VN-1
Lường trước được việc Mỹ sớm hay muộn sẽ hủy diệt Đài Mễ Trì và Đài Bạch Mai, ngoài việc xây dựng Đài CK-2, vào cuối năm 1972, ông Nguyễn Cung – Trưởng đoàn cán bộ Đài Tiếng nói Việt Nam, và công trình sư Ivanov – Trưởng đoàn cán bộ Bộ Thông tin – Truyền thông Liên Xô đã hoàn thành việc khảo sát, định vị địa điểm xây dựng một nhà máy phát sóng mới và lớn cho Đài TNVN tại thôn Lễ Khê, xã Xuân Sơn, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây, cách Hà Nội 40km, cạnh hồ Suối Hai để có nguồn nước cung cấp ổn định cho nhà máy. Công suất sóng trung của Đài là 1000 KW (lớn nhất vùng Đông Nam Á, và ngang với Đài Phát thanh Bắc Kinh thời kỳ đó). Toàn bộ khảo sát, thiết kế, thiết bị, máy móc, vật tư, kỹ thuật, chuyên gia, hậu cần đều do Liên Xô viện trợ không hoàn lại. Đài này được đặt tên là đài VN-1.
Ngày 14-5-1980, được sự ủy quyền của hai nhà nước Việt Nam và Liên Xô, lãnh đạo Đài TNVN và Đại sứ quán Liên Xô đã ký biên bản xác nhận công trình lắp đặt các thiết bị phát sóng phát thanh đã hoàn thành và sẵn sàng để đưa vào khai thác. Từ đó, Đài Phát sóng phát thanh VN-1 là một trong những cơ sở phát sóng lớn của Đài TNVN. Ngày 29-8-2009, Đài VN-1 vinh dự được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước phát lệnh phát sóng phủ sóng biển Đông. Từ đây bộ đội chiến sĩ biên giới hải đảo cùng hàng triệu ngư dân được nghe đầy đủ các chương trình của Đài TNVN với chất lượng cao.
Đài phát thanh Giải phóng
Sau khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời (1960) thì chỉ hơn một năm sau, Đài TNVN đã chuẩn bị để thành lập Đài Phát thanh Giải phóng theo sự chỉ đạo của Bộ Chính trị Trung ương Cục miền Nam. Đài Phát thanh Giải phóng (PTGP) là tiếng nói của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Đài PTGP chính thức phát sóng vào ngày 1-2-1962. Trước đòi hỏi ngày một càng cao của thực tiễn cuộc kháng chiến, Trung ương chỉ đạo Đài Tiếng nói Việt Nam lập thêm Đài PTGP A (tại Hà Nội) để tăng cường cho Đài PTGP B (ở miền Nam).
Ngày 4-4-1962, tức là chỉ hơn 2 tháng kể từ khi đài PTGP B lên sóng ở miền Nam, đài PTGP A đã lên sóng tại Hà Nội. Đài này có công suất phát đủ lớn cho cả miền Nam thu nghe với chất lượng tốt. Đài PTGP A có nhiệm vụ vừa tiếp âm PTGP B lại vừa bổ sung chương trình cho PTGP B. Vì thế, bộ phận biên tập của PTGP A (bí danh CP 90) khá lớn với hơn 400 cán bộ (chủ yếu là người miền Nam tập kết) công tác trong 14 phòng, ban, sản xuất chương trình đủ cho thời lượng phát sóng 10 tiếng/ngày. Giám đốc Đài PTGP A là ông Nguyễn Thành, sau ngày 30-4-1975 ông là Giám đốc cơ quan đại diện của Đài TNVN ở miền Nam.
Các phát thanh viên Đài PTGP A đang tác nghiệp
Trong điều kiện viễn thông của nước ta những năm 60 thì việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng mạng lưới điện đài trực tiếp nhận tin, bài và ý kiến từ miền Nam là hết sức khó khăn. Ông Đặng Trung Hiếu, Cục phó Cục Kỹ thuật Phát thanh đã mạnh dạn đề xuất dùng kỹ thuật mới, như kỹ thuật đơn biên, và đã có ý tưởng hết sức táo bạo là đặt nước ngoài chế tạo cho một đài phát đơn biên di động công suất lớn, gồm máy phát đặt trên xe, kéo theo rơ-moóc là một tháp anten telescopic (kéo lên – rút xuống được như một anten roi khổng lồ). GS Nguyễn Văn Ngọ đã được mời tham dự nghiệm thu thành phẩm và đánh giá rất cao kỹ thuật này, đáng tiếc là trên đường đưa vào cho Đài PTGP B sử dụng, hệ thống này đã bị địch ném bom phá hủy!
Đài Phát thanh Giải phóng A tuy ở miền Bắc nhưng địch cũng không bao giờ từ bỏ ý đồ tìm cách hủy diệt, từ số 6A Yên Phụ (Hà Nội) vào Nam Đàn (Nghệ An), lên Sơn Tây (Hà Nội), Lạng Sơn, rồi trở về Hà Nội, Đài PTGP A cũng phải di chuyển tránh địch chẳng khác gì Đài PTGP B ở miền Nam. Riêng đội ngũ phóng viên, nhà báo, nhân viên kỹ thuật truyền tin đã xông xáo trên khắp các chiến trường, từ B2 đến Tây Nguyên, khu 5, Trị Thiên Huế. 24 cán bộ kỹ thuật, công nhân viên, biên tập viên của đài đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Đài Phát thanh Việt Bắc
Thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, từ năm 1961, Cục Kỹ thuật Phát thanh xây dựng Đài Phát thanh Việt Bắc tại tỉnh Thái Nguyên với 1 máy phát sóng trung công suất 7,5KW và 2 máy phát sóng ngắn công suất 1KW. Đài này chính thức phát sóng ngày 3-2-1962, ngoài bản tin thời sự tiếng Việt của Đài Tiếng nói Việt Nam, hàng ngày còn có các chương trình tiếng Tày, tiếng Nùng, tiếng H’Mông cho các tỉnh vùng núi Đông Bắc Việt Nam.
Đầu năm 1977, chấp hành quyết định của Trung ương Đảng và Chính phủ về việc thành lập Đài Phát thanh Bắc Thái – là cơ quan Báo chí hoạt động độc lập dưới sự chỉ đạo của tỉnh, Cục Kỹ thuât Phát thanh đã bàn giao cho tỉnh toàn bộ cơ sở vật chất của Đài Phát thanh Việt Bắc. Ngày 2-9-1977, Đài Phát thanh Bắc Thái lên sóng chương trình phát thanh đầu tiên. Đến năm 1990 Đài đổi tên gọi Đài Phát thanh – Truyền hình Bắc Thái. Năm 1997, tỉnh Thái Nguyên được tái lập, Đài mang tên Đài Phát thanh – Truyền hình Thái Nguyên và tiếp tục phát triển cho đến ngày nay.
2. Vấn đề tiếp quản hệ thống phát thanh từ chính quyền cũ và phủ sóng đối ngoại
Từ ngày 30-4-1975, chúng ta đã tiếp quản hệ phát thanh vô tuyến Việt Nam của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, bao gồm các đài chính là Đài Sài Gòn, 3 đài cấp vùng (50 KW) ở Đà Nẵng, Quy Nhơn và Nha Trang, 4 đài cấp tỉnh ở Huế, Quảng Ngãi, Cần Thơ và Buôn Mê Thuột. Ngoài ra, khi có chiến tranh biên giới phía Tây Nam, Cục trưởng cục Kỹ thuật Phát thanh đã cử ông Huỳnh Ngọc Ấn đi xây dựng gấp một số Đài phát thanh địa phương ở các tỉnh biên giới để phục vụ chiến trường, sử dụng những máy phát sóng cỡ 20 kW mà các nước XHCN anh em viện trợ trước 4-1975.
Toàn bộ hệ thống phát thanh ở miền Nam từ đó được đưa vào hoạt động theo hệ thống chung của Đài Tiếng nói Việt Nam, nhưng việc chuyển tải chương trình từ Hà Nội vào các đài ở phía Nam rất khó khăn do hệ tải ba hữu tuyến và hệ vi ba tiếp sức của Tổng cục Bưu điện và Bộ Tư lệnh Thông tin không đảm đương được, mà thu các làn sóng ngắn Đài Tiếng nói Việt Nam ở miền Bắc rồi phát lại thì chất lượng tín hiệu rất kém. Với những bản tin quan trọng, đã từng có tình trạng phát tin đọc chậm cho các đài ở phía Nam ghi, sau đó các đài này biên tập lại thành chương trình tại chỗ và phát lên sóng. Thông thường thì kỹ thuật viên tùy theo mùa mà chọn giờ truyền sóng ngắn tốt nhất trong ngày để ghi âm và phát lại.
Về vấn đề phủ sóng đối ngoại, thời kỳ trước tháng 4-1975, với 2 đài phát là Đài Mễ Trì và Đài Bạch Mai, chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam đã vươn tới Nhật Bản, một số nước Châu Âu và Châu Phi. Nhưng vì công suất sóng ngắn của Đài Tiếng nói Việt Nam nhỏ, hơn nữa những tần số truyền sóng tốt đã bị một nước lớn “xí chỗ” hết để hạn chế phát thanh đối ngoại của Việt Nam, nên những năm diễn ra Hội nghị Paris (1968-1973) chúng ta phải sử dụng một tần số kề sát tần số dành cho điều khiển không lưu. Với việc làm này, Cục Tần số Vô tuyến điện Việt Nam đã 2 lần bị Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) cảnh báo. Đáp lại, trong Hội nghị Phát thanh sóng ngắn Châu Á – Thái Bình Dương (năm 1987) đại biểu Ủy ban Phát thanh Truyền hình Việt Nam trình bày rõ sự bất hợp lý trong phân chia tần số cho Việt Nam. Đến năm 1988, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phối hợp với Tổng cục Bưu điện để đưa vấn đề này ra Đại hội đồng ITU và đã được giải quyết.
Trải qua hai cuộc kháng chiến, Đài Tiếng nói Việt Nam đã cố gắng hoàn thành sứ mệnh của mình là góp phần bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Những vinh quang của ngành gắn liền với những sự kiện trọng đại của đất nước và gắn với những đóng góp của hàng trăm cán bộ kỹ thuật, mà lịch sử của ngành đã ghi nhận, tôn vinh.
Nguyễn Thanh Hóa (thực hiện)
(Nguồn: Bài được viết dựa theo lời kể của ông Huỳnh Ngọc Ấn – nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; GS Nguyễn Văn Ngọ – nguyên Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử) và GS.TSKH Phan Anh – nguyên Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam).