Nói về câu chuyện “cha truyền con nối” ông cười hiền: “Quả là phúc đức vì nghiệp làm thầy thuốc của gia đình tôi lại được tiếp nối bởi hai con. Con trai là Giáo sư, tiến sĩ – Nhà giáo Nhân dân (GS.TS – NGND) Đỗ Doãn Lợi, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. Con gái là PGS.TS Đỗ Thị Khánh Hỷ – nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Lão Khoa Việt Nam cùng con dâu, các cháu nội đều đang theo nghề y để chữa bệnh cứu người. Hạnh phúc hơn là các con đã theo được tiêu chí mà cả đời tôi và bà nhà tôi tâm niệm, làm nghề y cần nhất hai điều: Học giỏi và biết yêu thương con người”.
Người bác sĩ tự đỡ đẻ cho 4 con ruột của mình
Trong trí nhớ vô cùng minh mẫn ở tuổi 90, PGS-BS Đỗ Doãn Đại dường như chưa quên điều gì trong suốt cả chặng đường đã sống, đã chiến đấu, đã làm việc trong mấy chục năm qua của cuộc đời mình. Ông sinh năm 1926 tại Thường Tín (Hà Tây cũ), là thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu, tham gia cách mạng tại Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng. Là thanh niên cứu quốc, là người của Việt Minh đi tuyên truyền cách mạng tại các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng…, ông tham gia cướp chính quyền ở chiến khu Đông Triều, được kết nạp Đảng vào tháng 10-1945. Sau đó ông đi bộ đội, rồi được cử về làm Viện phó Viện 108.
Thời gian sau, theo chủ trương chung của Bộ Y tế, chuyển một số cán bộ cốt cán từ quân y sang dân y và ông về làm thường vụ Đảng ủy rồi Hiệu phó Trường đại học Y Hà Nội cho cụ Hồ Đắc Di, kiêm Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai trong nhiều năm liền (từ năm 1969 đến năm 1983).
GS-TS Đỗ Doãn Lợi và bố mẹ.
Ông bảo rằng, trong cuộc đời có nhiều điều may mắn, thì một trong số đó là ông đã tìm được người phụ nữ của đời mình, bà Phạm Thị Hoan, vào năm 1953, khi bà đang đưa người nhà đi đến viện điều trị. Bà là một phụ nữ xinh đẹp và dịu dàng. Mồ côi cả bố lẫn mẹ từ khi còn nhỏ, bà có sự mạnh mẽ và can đảm của người con gái Sơn Tây, tham gia đội du kích Hoàng Ngân.
Ông vừa cười vừa kể: “Nghề đối với gia đình tôi có những kỷ niệm riêng tư rất thiêng liêng, chẳng hạn là việc 4 đứa con nhà tôi sinh đều do tôi đỡ cả đấy, mà toàn tự sinh ở nhà chứ không đến viện. Thời kỳ chiến tranh, vừa đói khổ vừa chạy giặc, ấy vậy mà chúng rồi cũng lớn khôn trưởng thành cả. Cũng nhờ có bà ấy tay năm tay mười chăm nom, vừa làm việc ở Viện vừa săn sóc các con, thì tôi mới có thời gian chăm lo công tác chuyên môn cũng như lo đời sống cho các anh chị em.
Thời kỳ gian khổ nhất là những năm tháng chiến tranh. Tính riêng năm 1972, Bệnh viện Bạch Mai đã trải qua 4 lần bị giặc Mỹ oanh tạc. Nhưng vượt lên đau thương và mất mát, tất cả bác sĩ, y tá, cán bộ của bệnh viện vẫn vững vàng tinh thần, bình tĩnh di chuyển và cứu chữa bệnh nhân. Thời khắc kinh hoàng nhất, đó là rạng sáng ngày 22-12-1972, 21 lần máy bay B-52 đánh phá ác liệt khu vực Vĩnh Quỳnh, Định Công, Hoàng Liệt, Tam Hiệp, Tứ Hiệp, thị trấn Văn Điển, Tương Mai và đặc biệt là Bệnh viện Bạch Mai. Tại khu vực bệnh viện, máy bay Mỹ đã ném hơn 100 quả bom đủ các cỡ, phá hủy phần lớn trung tâm y tế lớn nhất của Thủ đô. Trong chốc lát, bệnh viện thành bãi bom, gạch vụn đổ nát hoang tàn của chiến tranh hủy diệt”…
Bài học dạy con đầu đời: Tính tự lập
Trong số 4 người con của ông bà, có hai người đi theo nghề y là GS.TS-NGND Đỗ Doãn Lợi, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, Trưởng Bộ môn Tim mạch Trường đại học Y Hà Nội và con gái Đỗ Khánh Hỷ, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Lão Khoa. Hai anh em Lợi và Hỷ cũng là những người được bố cho vào học trường Nhạc viện (Nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) từ năm lên 8 tuổi. Hai anh em khăn gói quả mướp đi sơ tán cùng trường lên Việt Bắc, xa gia đình và bắt đầu một cuộc đời tự lập hoàn toàn.
GS-TS Đỗ Doãn Lợi đang siêu âm tim cho bệnh nhân.
GS Đỗ Doãn Lợi chia sẻ: “Bố tôi không biết gì về âm nhạc. Tôi nói thế vì gần như chẳng bao giờ thấy ông hát và chưa bao giờ thấy ông chơi một nhạc cụ gì. Ấy thế nhưng cụ rất thích con cái theo học nhạc. Tôi học ở Nhạc viện 6 năm, Khánh Hỷ học ở đấy 7 năm. Còn anh trai cả và cậu em út thì học Violon hệ dự thính. Sau đó vì biết mình khó thành tài trên con đường nghệ thuật, chúng tôi trở lại học văn hóa bình thường và thi vào Trường đại học Y Hà Nội. Anh cả và em út của tôi thì học Trường đại học Giao thông và Bách khoa.
Từ bé, tôi đã cảm nhận bố mẹ mình là những người làm việc rất cần cù, nghiêm túc. Bố mẹ thường bận làm việc trong bệnh viện, nên mấy anh em chúng tôi đều tự lập, từ ăn, học đến các công việc khác. Tất cả việc học hành của tôi cũng như các anh em trong nhà, bố tôi đều không can thiệp. Cụ cũng không ép, không soi việc học của con cái mà chỉ động viên, tạo điều kiện về sách vở. Trẻ con không tránh khỏi có lúc mải chơi, học kém. Nhưng trong trí nhớ của tôi, mấy anh em ít khi bị bố trách mắng, đánh đòn, chỉ thỉnh thoảng làm bố bực thì ông phệt cho cái vào mông. Từ bé, bố mẹ đã dạy chúng tôi sống nhường nhịn. Vì thế, nếu cắt một quả táo, ai là người nhận phần trước thì bao giờ cũng nhận phần nhỏ hơn, bất kể người nhận trước là anh hay em.
Nhà tôi có 4 anh em, 3 trai, 1 gái, cô em gái thứ 3 có vẻ được bố mẹ chiều hơn cả, nhưng mấy anh em chẳng bao giờ tị nạnh về điều này, coi đó là việc đương nhiên. Từ bé đến giờ, chưa bao giờ tôi thấy bố mẹ cãi nhau. Có lẽ vì vậy mà anh em chúng tôi cũng không cãi nhau, con cái không cãi lại bố mẹ. Có một quy tắc bất thành văn: Trong nhà chúng tôi, khi một người có vẻ bực, nói to… thì những người khác lảng đi. Sau đó, ai biết mình sai thì tự sửa. Hai vợ chồng tôi và cô em gái đều công tác ở Bệnh viện Bạch Mai. Nhưng khi sum họp gia đình, không bao giờ cụ hỏi về công việc của chúng tôi. Chỉ khi nào chúng tôi có điều cần hỏi thì cụ trả lời. Trả lời đúng câu hỏi và thôi không hỏi thêm gì nữa.
Cụ cũng chưa bao giờ can thiệp vào việc của chúng tôi mặc dù tôi cảm nhận rằng, cái sự định hướng nó có trong tâm thức, từ cách sống và cách làm việc của bố mẹ. Bởi vậy mà bản thân tôi, ngày thi cấp 3 tôi đỗ thủ khoa khối B (năm 1974), nhưng cả ba nguyện vọng đều xin được đi học trường Y. Tôi được Nhà nước chọn sang học tại Trường đại học Y Rostov – Liên Xô cũ (từ năm 1975 đến 1982)”.
Năm 1983, BS Đỗ Doãn Lợi trở về nước và được phân công về Viện Tim mạch Bệnh viện Bạch Mai và giảng dạy tại Trường đại học Y Hà Nội. Anh được cử đi học, thực tập ở nhiều nước: Thực tập nội trú tại Cộng hòa Pháp từ năm 1988 đến năm 1990; Thực tập khoa học tại Mỹ từ năm 1998 đến 1999. Anh đã chuyển giao thành công nhiều kỹ thuật y học tiên tiến trong điều trị bệnh đến nhiều bệnh viện trong nước.
Anh được Bộ Y tế tín nhiệm, giao giữ chức vụ Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia từ tháng 10-2013. Anh và các cộng sự của mình đã tiếp nối các bậc thầy, đồng nghiệp lớp trước, đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực, làm chủ phần lớn các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới. Viện đã làm các can thiệp tim mạch, nong các van tim, chữa bệnh động mạch vành, can thiệp tim bẩm sinh, chữa các loại rối loạn nhịp tim bằng tim mạch can thiệp với ống thông, điện cực, chữa bệnh phình động mạch chủ mà từ trước tới nay phải mổ hoặc không làm gì được; ứng dụng tế bào gốc trong tim mạch; điều trị tăng huyết áp kháng trị bằng đốt thần kinh giao cảm ở động mạch thận mà hiện nay trên thế giới cũng mới bắt đầu; thay van động mạch chủ không cần mổ; thay van hai lá qua mổ nội soi; sửa van hai lá qua đường ống thông…
Anh cũng là một tấm gương sáng trong nghiên cứu khoa học với hơn 120 công trình nghiên cứu, bài báo được đăng ở các tạp chí trong và ngoài nước. Cùng với đó là nhiều công trình nghiên cứu đoạt giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ. Anh đã hướng dẫn cho rất nhiều bác sĩ trẻ bảo vệ luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Ở cương vị là Trưởng Bộ môn Tim mạch, Trường đại học Y Hà Nội, anh đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng sự gắn kết giữa Viện – Trường.
Đây được xem là nền tảng cơ bản giữa “học đi đôi với hành”, giúp sinh viên, học viên sau đại học, giảng viên của trường, cũng như BS của Viện luôn được trau dồi kiến thức và gắn với thực hành lâm sàng… Anh đã được Đảng, Nhà nước, Bộ, ban, ngành trao tặng các phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Ba; Bằng khen Chính phủ; nhiều Bằng khen của Bộ Y tế; là GS.TS. Nhà giáo Nhân dân.
“Thầy thuốc như mẹ hiền” – Châm ngôn sống của gia đình
Hiện nay, GS.TS Đỗ Doãn Lợi được đánh giá là một chuyên gia hàng đầu chuyên sâu về lĩnh vực siêu âm tim, anh cũng là người thông thạo 3 ngoại ngữ Nga, Anh và Pháp. Anh tâm sự: “Có lẽ trong mỗi ngôn ngữ khi phát âm đều có những âm điệu, nhạc điệu nhất định. Khi đã thẩm âm được, bạn sẽ nghe được tiết tấu và nghe được phát âm tốt hơn. Có lẽ vì thế, khi học ngoại ngữ, với tai nghe âm nhạc được rèn luyện từ ngày bé, tôi có thể phát âm tốt các ngoại ngữ và nghe tiếng tim cũng rất nhạy. Vì thế, tôi và các thầy cô trong bộ môn Tim mạch đã hoàn thành một băng ghi âm tiếng tim, tiếng cọ màng tim, tiếng thổi tâm thu, tâm trương… chuẩn và rất đa dạng cho sinh viên học”.
Anh cũng khẳng định, quả tim có hệ thống thần kinh dày đặc chịu sự chi phối của các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là yếu tố tâm lý. Ở vùng đó có những bộ phận cảm ứng tiếp nhận các hormone, các hoạt chất thần kinh và những bộ phận này điều khiển làm quả tim đập nhanh lên khi có tác động tâm lý. Bởi vậy mà tâm lý khỏe đã thành công tới 50% sức khỏe của người bệnh.
Có lẽ bởi thế mà GS.TS Đỗ Doãn Lợi luôn là một người nhẹ nhàng, từ tốn, anh có giọng nói ấm và cử chỉ nhẹ nhàng khiến người đối diện cũng như các bệnh nhân cảm thấy yên lòng. Khi tôi nói ra điều này, anh cười hiền bảo, có lẽ một phần do anh may mắn được sinh ra và lớn lên trong gia đình mà cả bố mẹ đều rất hiền, luôn quý trọng những người xung quanh, không bao giờ muốn mắc nợ ai, luôn thanh thản, bình an trong tâm hồn, cái lý lẽ rất đời ấy nó ảnh hưởng rất lớn đến con cái trong gia đình. Anh còn nhớ ngày còn nhỏ, khi bố mẹ có ơn với ai đó, người ta mang quà đến biếu, mà quà chỉ là con gà, cân gạo, hay túi hoa quả… nếu bố mẹ không ở nhà thì mẹ đều dặn chúng tôi không được nhận của bất cứ ai, mà lỡ có con nào nhỡ nhận thì phải mang đến tận nơi để trả lại.
Mẹ tôi bảo, người bệnh đã nghèo, người ta lại đang ốm đau, cần bồi dưỡng thì người cần ăn gà, ăn hoa quả chính là người bệnh chứ không phải là ai khác, thời ấy ai cũng nghèo, nhưng nhận thêm cũng chẳng giàu hơn, lại thêm áy náy. Các cô chú cùng thế hệ bố mẹ tôi vẫn kể lại chuyện mẹ tôi cho tiền bệnh nhân về quê hay đi mua mía cho bệnh nhân khi họ không có người nhà trông nom và thèm ăn mía…
Bố mẹ tôi sống thanh thản và yên bình, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, nhưng bao giờ không khí gia đình cũng đầm ấm, vui vẻ. Bố mẹ tôi thường ít khi dạy chúng tôi phải thế này thế kia, nhưng qua cách sống của bố mẹ, anh em chúng tôi cứ theo gương một cách tự nhiên. “Thầy thuốc như mẹ hiền” là một câu châm ngôn sống tuyệt vời mà gia đình tôi luôn ghi nhớ và làm theo như một lẽ tự nhiên, hoàn toàn không khiên cưỡng.
Truyền thống gia đình luôn là một điều tuyệt vời giúp con người nương tựa trước mỗi thành bại của cuộc đời. Biết rõ điều đó nên gia đình PGS-BS Đỗ Doãn Đại, dù bận rộn đến mấy thì cứ mỗi tối thứ bảy đều đặn hàng chục năm nay, tuần nào các con cháu cũng quây quần bên mâm cơm của bà Hoan để cùng nhau gặp mặt, ăn uống. Ở đó chỉ có tiếng cười, niềm vui và những câu chuyện gia đình, những ký ức đẹp, những ngày kỷ niệm mà bà Hoan đã cẩn thận chép vào sổ không sót một ngày nào của 30 người con cháu trong gia đình…
Trần Hoàng Thiên Kim
Nguồn: www.antg.cand.com.vn