Nghĩa cử cao đẹp của một Thầy giáo – một Nhà khoa học

Kính thưa GS.TS Lê Quang Long!

Kính thưa Ban lãnh đạo Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam cùng Quý vị đại biểu có mặt trong buổi lễ hôm nay!

Hôm nay Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tổ chức lễ tiếp nhận 5000 tư liệu liên quan đến cuộc đời nghiên cứu giảng dạy của GS.TS Lê Quang Long – người thầy giáo đồng thời cũng là người đồng nghiệp của tôi trong nhiều năm cùng nhau công tác tại Tổ Bộ môn Giải phẫu sinh lý Người và Động vật, Khoa Sinh vật học trường Đại học Sư phạm Hà Nội I. Trước hết cho phép tôi gửi lời chúc mừng đến Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quang Long – Chúc thầy sức khỏe, hạnh phúc và trường thọ đến bách niên. Cảm ơn Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã mời tôi và những bạn bè tôi đều là học trò của GS.TS Lê Quang Long đến dự buổi lễ long trọng đầy ý nghĩa này. Tôi xin chúc mừng quý vị đại biểu có mặt trong buổi lễ sức khỏe, hạnh phúc.

Cách đây 60 năm, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi và kết thúc bằng chiến thắng oanh liệt Điện Biên Phủ lẫy lừng năm châu bốn biển. Tôi được Bác Hồ, Đảng, Nhà nước cho tập kết ra Bắc và năm sau tôi thi vào khoa dạy học trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Người thầy đầu tiên của tôi là GS.TS Lê Quang Long, lúc bấy giờ thầy vừa trò 30 tuổi, nhanh nhẹn, hoạt bát, bao giờ thầy lên dạy cũng khoác chiếc áo blouse trắng tựa như một bác sĩ trong bệnh viện – hình ảnh đó luôn luôn là một ấn tượng đẹp đẽ trong đầu tôi. Thầy dạy chúng tôi cả lý thuyết lẫn thực hành môn động vật không xương sống, sinh lý người và động vật. Thầy tổ chức nhiều buổi nói chuyện ngoại khóa hết sức hấp dẫn. Tất cả các buổi dạy của thầy chưa bao giờ làm chúng tôi chán, đặc biệt tài vẽ minh họa trên bảng của thầy, đó là những hình vẽ minh họa về động vật và con người mà thầy đã vẽ lên bảng bằng hai tay một lúc đã khiến chúng tôi khâm phục thầy hơn. Thầy Lê Quang Long còn là người biết nhiều ngoại ngữ: Tiếng Nga, Anh, Pháp thầy rất thông thạo. Thầy học tiếng Nga trong vòng 3 tháng vậy mà đã dịch tiểu thuyết Vichia Malêép từ tiếng Nga sang tiếng Việt chỉ trong một thời gian ngắn, sách đã được xuất bản, lời văn rất bóng bẩy, thầy đã được Bộ Văn hóa trao giải thưởng.

Tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm, tôi và một số bạn đã được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Tôi được nhận về cùng bộ môn của thầy. Với tình thầy trò, thầy đã ân cần giúp tôi một cách chân tình – Thầy say sưa nghiên cứu khoa học – Thầy là người đầu tiên bảo vệ Phó Tiến sĩ ngay trong nước, mở đầu cho hệ thống đào tạo Sau đại học trong nước và ngày nay đã có nhiều người bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở nhiều cơ sở đào tạo khác nhau trong nước.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ trao tặng lại Trung tâm Di sản món quà cưới do GS.TS Lê Quang Long tặng vợ chồng ông nhân ngày cưới cách đây 48 năm

Đến nay Thầy Lê Quang Long đã đào tạo gần 70 thế hệ học sinh, sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ, các học trò của thầy đã công tác ở khắp nơi trên đất nước, ở nhiều lĩnh vực. Nhiều học trò của Thầy đã thành những nhà khoa học, nhà quản lý, những người thầy đang tiếp tục giảng dạy nhiều thế hệ khác nhau. Phong cách về một người Thầy, về tình người của Thầy đã ảnh hưởng đến rất nhều thế hệ, khó có lời nào để miêu tả một cách đầy đủ.

Hôm nay thầy Lê Quang Long ở tuổi 90, Thầy đã đem tất cả bộ sưu tập 5000 tư liệu liên quan đến việc nghiên cứu giảng dạy trong cuộc đời của Thầy tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam để lưu giữ dành cho nhiều thế hệ tương lai học tập nghiên cứu – giá trị của các tư liệu này thật vô giá. Tôi và chắc chắn tất cả các bạn tôi và các đại biểu có mặt chứng kiến sự kiện này hôm nay cũng nể phục không chỉ về mặt giá trị của nó mà cũng nể phục việc giữ gìn tư liệu của Thầy – trong khoảng thời gian hơn 70 năm qua Thầy đâu có ở một chỗ. Từ trong kháng chiến chống Pháp sang học ở Trung Quốc, về giảng dạy ở Hà Nội, đi sơ tán ở Việt Bắc, Hà Tây. Nhà ở di dời nhiều nơi vậy mà thầy đã giữ được 5000 tư liệu liên quan đến việc nghiên cứu giảng dạy của cuộc đời Thầy. Phải nói là một kỳ tích.

Mấy ngày trước đây tôi và Thầy có đến thăm nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam – Bà Nguyễn Thị Bình – và mời Bà đến tham dự buổi lễ đầy ý nghĩa này. Vì điều kiện sức khỏe Bà không đến tham dự được, Bà nhờ tôi chuyển lời chúc mừng đến GS.TS Lê Quang Long – chúc mừng nghĩa cử cao đẹp của một Thầy giáo, của một Nhà khoa học đã đem hết tâm sức cuộc đời để cống hiến, phục vụ cho sự nghiệp khoa học và phụng sự cho đất nước. Bà cũng xin chúc mừng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã tổ chức lễ tiếp nhận hiện vật của các nhà khoa học Việt Nam lưu giữ vào kho tàng tri thức khoa học làm tư liệu nghiên cứu, học tập cho nhiều thế hệ.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Nhân buổi hôm nay, tôi xin phép gửi thêm kỷ vật thứ 5001 vào bộ sưu tập 5000 tư liệu Thầy tặng cho Trung tâm. Đó là chiếc phích nước cách đây 48 năm Thầy tặng cho vợ chồng tôi trong buổi lễ thành hôn của chúng tôi. Chiếc phích nước này đã đi theo chúng tôi tới nhiều nơi trên đất nước: từ Hà Nội đi Bắc Thái rồi vào Nam ra Bắc, chúng tôi đã trân trọng gìn giữ xem nó như dây liên kết mối tình giữa thầy trò chúng tôi.

Cuối cùng một lần nữa, tôi xin chúc mừng Thầy sức khỏe, hạnh phúc, luôn luôn vui vẻ cho đến tuổi bách niên. Chúc Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tiếp tục sưu tầm lưu giữ nhiều bộ tư liệu của các nhà khoa học Việt Nam để cho nhiều thế hệ tương lai học tập.

Xin cám ơn!


PGS.TS Trần Xuân Nhĩ