Nghĩa tình trên mảnh đất châu Phi

Chuyến xuất ngoại cuối cùng

Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Nông nghiệp (1963), ông Trần Đức Hạnh được giữ lại trường giảng dạy tại bộ môn Canh tác – khí tượng, khoa Trồng trọt. Không chỉ tích cực trong giảng dạy, giảng viên trẻ Trần Đức Hạnh còn tham gia nhiều đoàn công tác do nhà trường tổ chức, như: Đoàn cán bộ và sinh viên khắc phục hậu quả của mưa đá tại huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng (1967); Đoàn điều tra cơ bản nông nghiệp vùng Tây Nguyên (1978-1988)…

Cuối những năm 80 thế kỷ trước, PGS.TS Trần Đức Hạnh đăng ký đi làm chuyên gia giáo dục ở Algérie. Ngay trước ngày đi, ông nhận được tin một đồng nghiệp bị sát hại ở nước này. Trước tình hình an ninh bất ổn như vậy, Ban giám hiệu trường Đại học Nông nghiệp I ra quyết định tạm hoãn việc cử cán bộ sang Algérie. Sau đó, ông Hạnh lại đăng ký đi làm chuyên gia giảng dạy tại Congo, nhưng như ông kể lại: Ở Congo, nguồn nước bị nhiễm chì và bệnh sốt rét do muỗi vằn gây ra rất nguy hiểm. Con gái tôi lo lắng, nên đến gặp bác Lê Duy Thước – Hiệu trưởng nhà trường và cũng là hàng xóm của gia đình để đề nghị không cử tôi đi Congo[1].

Năm 1996, Liên hiệp quốc chủ trương xây dựng “Chương trình đặc biệt an toàn lương thực” cho các nước nghèo tại châu Á, châu Phi và Trung Đông, giao cho Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) chủ trì. Trong chương trình này, một Hiệp định ba bên giữa FAO – Sénégal – Việt Nam về vấn đề nông nghiệp được ký kết, nhằm thực hiện ba mục tiêu chủ yếu: Một là, cổ vũ tinh thần và lòng tin cho người dân châu Phi, rằng họ hoàn toàn có thể tự sản xuất được lương thực thực phẩm; hai là, đánh giá được đặc điểm của từng vùng để lựa chọn các giống cây trồng và vật nuôi phù hợp; ba là, xây dựng được các mô hình sản xuất nông nghiệp để người dân được mắt thấy, tai nghe. Tất cả những điều ấy hướng tới mục tiêu phát triển một nền sản xuất nông nghiệp vững chắc hơn ở quốc gia châu Phi này.

Tổ chức FAO tài trợ cho Sénégal 2/3 kinh phí để trả lương cho các chuyên gia nông nghiệp đến từ Việt Nam; đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, vật tư cần thiết. Về phía Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì chương trình hợp tác này. Chính phủ Sénégal đề nghị Việt Nam cử các chuyên gia có trình độ chuyên môn và ngoại ngữ sang công tác. PGS.TS Trần Đức Hạnh vẫn luôn mong muốn được sang châu Phi để trải nghiệm những điều mới lạ. Sau hai lần bị “lỡ hẹn” với mảnh đất châu Phi, nhân dịp này xét thấy mình còn khỏe mạnh và đáp ứng yêu cầu của chương trình hợp tác đầy ý nghĩa nhân văn này, và được ông bạn Ngô Thế Dân là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gợi ý, PGS Trần Đức Hạnh đăng ký ngay.

PGS.TS Trần Đức Hạnh (thứ 3 từ phải) trong buổi chiêu đãi đoàn chuyên gia

do Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn tổ chức tại Khách sạn Dragon, Hà Nội, ngày 4-1-1997

Năm 1996, Phó thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Công Tạn đã ra quyết định thành lập đoàn chuyên gia sang Sénégal gồm 70 thành viên, do PGS.TS Đinh Thế Lộc[2] làm Trưởng đoàn (thành phần khoảng 80% là kĩ sư, 20% là công nhân kỹ thuật công tác tại các cơ quan và trường đại học trực thuộc Bộ), trong đó, trường Đại học Nông nghiệp I gồm các ông, như: Trần Đức Hạnh, Văn Tất Tuyên, Phạm Tân Tiến… Ngày 4-1-1997, Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn tổ chức một buổi chiêu đãi đoàn chuyên gia tại Khách sạn Dragon (Hà Nội). Tại đây, Bộ trưởng căn dặn: Bộ tổ chức đoàn chuyên gia sang châu Phi với một niềm tin đặt vào các đồng chí, là những người thay mặt B sang giúp nước bạn – một nước mà trình độ dân trí còn hạn chế. Khi anh em sang bên đó, nếu có điều gì khó khăn hãy liên hệ với Bộ, chúng tôi sẽ giúp anh em giải quyết kịp thời. Anh em hãy giữ gìn sức khỏe và điều tất nhiên là phải đoàn kết để hỗ trợ lẫn nhau. Hôm nay, tôi xin thay mặt Bộ và Nhà nước đến tiễn anh em lên đường và chúc anh em mạnh khỏe[3].

Lúc ấy giờ, tình hình chính trị ở các nước châu Phi đã ổn định hơn, nhưng muỗi anophen vẫn là vấn nạn lớn. Ông Hạnh trấn an tinh thần vợ con: Chính phủ Sénégal và FAO sẽ đảm bảo an toàn và sức khỏe cho đoàn chuyên gia Việt Nam. Ở bên ấy, mình chú ý các biểu hiện của bệnh thì sẽ được chữa trị kịp thời. Và rồi, ông cùng các chuyên gia nông nghiệp yên tâm lên đường sang Sénégal theo tuyến hàng không từ Hà Nội, qua thủ đô Paris (Pháp), rồi tới thủ đô Dakar của nước này.

Từ Trưởng vùng tại Matam (Sénégal)

Đoàn chuyên gia Việt Nam tại Sénégal được hỗ trợ phương tiện đi lại: Trưởng đoàn được cấp một chiếc xe ô tô hãng Mitsubishi của Nhật và có lái xe người bản địa; các chuyên gia di chuyển bằng xe bán tải hoặc xe máy. Đồng thời, đoàn chuyên gia được bố trí nơi sinh hoạt chu đáo, nhà ở có điều hòa, bếp ga, tủ lạnh. Theo PGS.TS Trần Đức Hạnh, người dân Sénégal có hiểu biết nhất định về Việt Nam – một đất nước đã vươn lên mạnh mẽ sau hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ ác liệt. Khi gặp người Việt, họ thường nói câu: “Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh, Giáp, Giáp”. Những ấn tượng tốt đẹp ban đầu ấy chính là một thuận lợi cho đoàn chuyên gia nông nghiệp Việt Nam.

PGS.TS Trần Đức Hạnh cùng 9 chuyên gia khác được cử vào nhóm tiền trạm, tổ chức gặp gỡ người dân địa phương để phỏng vấn bằng bảng câu hỏi theo hướng dẫn của FAO. Ông chia sẻ thêm: Chúng tôi hỏi người dân về phương thức canh tác của họ, kết hợp khảo sát trên đồng ruộng. Chúng tôi cũng tìm hiểu kỹ lưỡng về hạt giống mà họ gieo trồng, nhắc nhở họ kỹ thuật bảo quản hạt giống. Ngoài ra, các chuyên gia tham khảo thêm báo cáo tổng quan về khí hậu sinh thái và sản xuất nông nghiệp viết bằng tiếng Pháp của Sénégal. Báo cáo này do PGS Lê Song Dự – thành viên đoàn khảo sát đầu tiên thu thập và được ông Vũ Nguyên Quyền[4] dịch sang tiếng Việt.

Đoàn chuyên gia Việt Nam tại Sénégal phải đối mặt với ba khó khăn chủ yếu:

Khí hậu, môi trường sống: Khí hậu Sénégal khá khắc nghiệt, hình thành các vùng khí hậu và sinh thái khác nhau. Vùng phía Nam giáp biển có lượng mưa khoảng 1000mm/năm. Vùng phía Bắc lại khô nóng vì gần sa mạc Sahara, lượng mưa dao động từ 400-500mm/năm, tập trung từ tháng 5 đến tháng 9. Thêm vào đó, trước vấn nạn muỗi anophen, việc bảo đảm sức khỏe cho các thành viên trong đoàn chuyên gia là một nhiệm vụ không hề đơn giản. Phó giáo sư Trần Đức Hạnh cho biết: Ở châu Phi, bệnh sốt rét có những biểu hiện khác so với ở Việt Nam. Do đó, nếu không để ý thì sẽ không được phát hiện kịp thời, dễ chuyển sang sốt rét ác tính và gây tử vong. Khoảng cách từ nơi làm việc đến các bệnh viện lại khá xa, sóng điện thoại cũng không tốt lắm.

Trình độ sản xuất nông nghiệp: Khí hậu khắc nghiệt là một nguyên nhân khiến nhiều loài thực vật và động vật ở nhiều nước châu Phi khó phát triển. Thêm nữa, kỹ thuật sản xuất và phương thức chăn nuôi của họ còn lạc hậu, nên hoạt động sản xuất không đạt hiệu quả. Ví dụ: Họ gieo mạ 30-40 ngày mới được cấy. Mạ già, cấy dảnh nhỏ, lại không đúng thời vụ thì cây lúa bị héo khô.

Khác biệt ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo: Mỗi làng chỉ có 1-2 người biết tiếng Pháp (thường là trưởng làng), còn người dân nói tiếng địa phương của họ. Trong khi đó, như ông kể: Khi gặp người dân địa phương, một số chuyên gia Việt Nam thường “cười trừ” vì không thông thạo ngôn ngữ. Họ cũng tôn sùng nhiều tôn giáo khác nhau, tín đồ Hồi giáo và Thiên Chúa giáo chiếm số lượng lớn nhất. Mỗi địa phương lại có các tập tục văn hóa riêng.

Sau khi kết thúc 3 tháng tiền trạm, do Trưởng đoàn Đinh Thế Lộc bận công tác ở trong nước, ông Tống Khiêm (cán bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) được cử sang thay. Được sự đồng ý của Sénégal và FAO, đoàn chuyên gia Việt Nam đã thực hiện chương trình ở 5 vùng sinh thái khác nhau, từ vùng mưa nhiều tới vùng mưa ít. Ông Trần Đức Hạnh được giao làm Trưởng vùng Matam, phụ trách khoảng 10 cán bộ. Matam nằm ở cực bắc của Sénégal, cách thủ đô Dakar khoảng 1000km. Ở đây, khí hậu khắc nghiệt, gia súc thường bị chết trên sa mạc do nóng và khát nước. Theo phong tục của địa phương, người dân không được chôn các loại gia súc này, nên xác chết phân hủy gây mùi hôi thối rất khó chịu.

Khó khăn là vậy, nhưng Trưởng vùng Trần Đức Hạnh cùng các chuyên gia luôn nhận thức rằng: Hoạt động của đoàn chuyên gia nông nghiệp sẽ góp phần củng cố mối quan hệ giữa Việt Nam với các quốc gia châu Phi. Vì thế, chúng tôi không dám để sơ xuất điều gì, từ làm việc đến giao tiếp. Mình tôn trọng họ và thể hiện thiện chí thì họ sẽ tin tưởng, rồi chung sức làm việc theo sự hướng dẫn của mình. Dựa vào dân là phương pháp làm việc được đoàn chuyên gia Việt Nam quán triệt.

Và trước tiên, ông làm việc cụ thể với các vị trưởng làng và nhờ họ làm phiên dịch từ tiếng Pháp, có trách nhiệm giải thích cho người dân bằng tiếng địa phương. Ông Hạnh và một số chuyên gia có trình độ ngoại ngữ khá làm cầu nối với các anh em khác trong đoàn. Bên cạnh đó, đoàn chuyên gia cũng quan tâm tới đời sống vật chất của người dân bản địa. Người dân ở đây thường uống một cốc bột sắn pha với nước, rồi làm việc cả ngày. Vì vậy, trong những lúc cần thiết, đoàn chuyên gia dùng tiền quỹ để mua bánh mì và nước Coca Cola cho người dân ăn uống. Sự sẻ chia đó khiến tinh thần họ thêm phấn chấn và sẵn sàng làm việc dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Việt Nam.

Việc tổ chức các lớp tập huấn để phổ biến khoa học kỹ thuật và phân tích cho người dân hiểu những hạn chế trong cách làm của họ là nhiệm vụ của đoàn chuyên gia. Tuy nhiên, các cụ ta có câu “Trăm nghe không bằng một thấy”, mà trong sản xuất nông nghiệp càng phải làm như thế. Đoàn chuyên gia Việt Nam cố gắng xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ở những vùng sinh thái khác nhau. Riêng tại Matam, Trưởng vùng Trần Đức Hạnh đã chỉ đạo nhóm chuyên gia xây dựng thành công hai mô hình sản xuất nông nghiệp, bao gồm:

Mô hình trồng lúa năng suất cao được triển khai tại ba làng: Diamel, Demlio, Kenlio. Tại các làng này, nguồn nước rất khan hiếm, nên việc trồng lúa phụ thuộc nhiều vào nước mưa tự nhiên. Ngoài ra, đất cấy chủ yếu là đất cát, ít phù sa, nghèo chất dinh dưỡng. Vì vậy, các chuyên gia Việt Nam tích cực khắc phục những bất lợi trên bằng cách hướng dẫn người dân làm tốt từng khâu trong quy trình kỹ thuật trồng lúa, từ gieo mạ, làm đất, cấy lúa, dẫn nước, phòng trừ sâu bệnh. Chẳng hạn: Các chuyên gia hướng dẫn người dân làm đất kỹ rồi mới gieo mạ, cấy lúa; mỗi khóm mạ tăng từ 1-2 lên 5-7 dảnh; dùng cây cỏ, tre nứa để đắp bờ, tạo mương dẫn nước; lựa chọn các giống lúa ngắn ngày… Nhờ đó, năng suất lúa tăng đáng kể, từ 1 tấn/ha lên khoảng 3-4 tấn. Kết quả tốt đẹp đó đã thuyết phục người dân Matam tin tưởng vào cách làm của chuyên gia Việt Nam và tiến hành mở rộng mô hình.

Trưởng vùng Trần Đức Hạnh (hàng trước, thứ 5 từ trái ) cùng các chuyên gia và người dân

 tham quan mô hình trồng lúa tại vùng Matam, Sénégal, ngày 22-10-1997

Trên các cánh đồng lúa ở vùng Matam, sâu bệnh rất nhiều, đặc biệt là châu chấu phá hoại mùa màng. Cánh đồng lúa của làng Demlio là một trong những vùng bị châu chấu phá hoại nặng nề, mà người dân phải “bó tay” vì không tìm ra biện pháp đối phó. PGS.TS Trần Đức Hạnh nhớ lại: Tôi chưa thấy ở đâu nhiều châu chấu như thế. Châu chấu to bằng ngón tay út, xuất hiện bất ngờ, ào ào như mưa rào, sợ thế đấy. Chỉ khoảng 10-15 phút, đàn châu chấu có thể làm xơ xác một cánh đồng.

Trước vấn nạn châu chấu, ông Hạnh và anh em trong đoàn suy nghĩ rất nhiều để giúp người dân, vì không ai có kinh nghiệm về việc này. Theo đề đạt của một kỹ sư người bản địa: Chúng tôi không có sức mà diệt châu chấu. Nó nhiều lắm, mong các ông chuyên gia tư vấn và mua giúp chúng tôi 8 chiếc bình phun thuốc trừ sâu đeo vai, thì may ra chúng tôi sẽ làm được, ông Hạnh kiến nghị lên FAO và Bộ Nông nghiệp Sénégal, và được chấp thuận mua 15 chiếc bình phun, thuốc trừ sâu và xăng tại thành phố Saint-Louis, cách Matam khoảng 700 km.

Sau đó, ông Hạnh yêu cầu cậu kỹ sư người bản địa phải chú ý quan sát, phát hiện đúng thời điểm đàn châu chấu bay về để ra quân tiêu diệt chúng. Ông kể thêm: Nếu mình phun thuốc với liều lượng cao, châu chấu chết thì lúa cũng chết. Cho nên, chúng tôi phải lùa bớt châu chấu sang một khu ruộng hoang, rồi phun thuốc với liều lượng vừa phải. Châu chấu ở ruộng hoang thì chúng tôi đánh dồn dập tứ phía. Cách làm này cho thấy hiệu quả rõ rệt, Bộ Nông nghiệp Senegal và nhân dân địa phương đều rất phấn khởi.

Mô hình nuôi lợn do ông Nguyễn Trọng Tiến (cán bộ trường Đại học Nông nghiệp I) phụ trách. Ban đầu, việc vận động người dân thay đổi phương thức chăn nuôi từ thả rông sang xây dựng chuồng trại không hề dễ dàng. Tuy nhiên, các chuyên gia Việt Nam vẫn kiên trì hướng dẫn họ xây dựng chuồng trại, chế biến sắn, ngô thành thức ăn cho vật nuôi. Nhờ đó, đàn gia súc tăng dần, lợn phát triển nhanh hơn, dịch bệnh ít hơn.

Ngoài ra, các chuyên gia Việt Nam còn hướng dẫn người dân nuôi các loại vật nuôi khác như cừu, dê, bò… trong chuồng trại hoặc có bãi nhốt. Tuy vậy, tình trạng gia súc bị chết do thiếu nước uống vẫn còn xảy ra. Đoàn chuyên gia vận động nhiều lần, một bộ phận người dân mới thay đổi nhận thức và tiến hành chôn tập trung các loại xác động vật, để hạn chế ô nhiễm môi trường.

Tới Trưởng đoàn chuyên gia Việt Nam tại đất nước Bénin

Mặc dù phụ trách vùng Matam – vùng xa nhất và khó khăn nhất của Sénégal nhưng PGS Trần Đức Hạnh cùng anh em trong nhóm chuyên gia đã hoàn thành xuất sắc các mục tiêu chương trình trong nhiệm kỳ công tác ở nước bạn. Vì vậy, đến năm 2000 khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đoàn chuyên gia nông nghiệp sang đất nước Bénin theo Hiệp định đã được ký kết giữa ba bên giữa FAO – Bénin – Việt Nam, PGS Trần Đức Hạnh lại được Bộ cử đi làm chuyên gia với trách nhiệm là Trưởng đoàn.

Khi tới quốc gia Bénin, Trưởng đoàn Trần Đức Hạnh cùng ba phó đoàn Lê Đình Quỳ, Cù Xuân Dư, Ngô Đức Dương đến làm việc với Bộ Nông nghiệp nước này để hoàn thiện các thủ tục, rồi tiếp đến các cơ quan khác như: Bộ Ngoại giao, Ngân hàng nhà nước, Bộ Y tế… Ông bảo: Mình phải làm việc đúng trình tự như vậy thì họ mới hỗ trợ mình hết sức và kịp thời, việc giao dịch tài chính mới thuận lợi. Ông trực tiếp đến bệnh viện gặp các bác sĩ để nghe họ mô tả kỹ về bệnh sốt rét, rồi về phổ biến cho anh em bằng văn bản. Đồng thời, ông đề nghị một số đồng chí trưởng vùng chưa thành thạo tiếng Pháp, cần cố gắng học nói một số câu cần thiết, có thể gọi taxi đưa anh em đi viện và trao đổi với bác sĩ. Sự nhắc nhở thường xuyên của vị Trưởng đoàn khiến các anh em chủ động hơn và không để xảy ra sự cố đáng tiếc.

Một vấn đề đặc biệt quan trọng là giữ gìn sự đoàn kết giữa các thành viên trong đoàn nhằm phát huy tối đa tiềm năng trí tuệ, tạo thành sức mạnh tập thể. Để làm được như vậy, ông Hạnh thực hiện nghiêm chỉnh, minh bạch về quỹ đoàn, những khoản nào anh em chi cho việc công thì trích quỹ trả lại đầy đủ; lắng nghe và tôn trọng ý kiến của anh em; nhắc nhở anh em hỗ trợ lẫn nhau trong công việc…

Lúc bấy giờ, tiền lương của chuyên gia Việt Nam do FAO tài trợ được tính bằng đồng đô la và gửi qua Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu. Đối với phần lương còn lại, các chuyên gia nhận bằng tiền địa phương tại nước sở tại. Khi mới bắt đầu chương trình hợp tác, Chính phủ Bénin dự định vay vốn của Ngân hàng Hồi Giáo để trả cho các chuyên gia Việt Nam. Tuy nhiên, hơn 14 tháng trôi qua mà chính phủ nước này vẫn chưa vay được tiền. Không được nhận lương, các chuyên gia sinh ra tâm lý chán nản, như PGS Trần Đức Hạnh kể: Một số anh em nghĩ rằng, chúng tôi không đủ khả năng để giải quyết việc này. Tôi và các phó đoàn đã tích cực tìm cách tháo gỡ sự việc.

Theo đề nghị của ban lãnh đạo đoàn, ông Dagba Fortuné – Điều phối viên chương trình hợp tác của Bénin đã tới từng vùng để trao đổi với các chuyên gia Việt Nam: Chúng tôi xin lỗi các chuyên gia Việt Nam. Chúng tôi không trả lương kịp thời cho các bạn vì không vay được tiền của Ngân hàng Hồi Giáo. Nay, Chính phủ Bénin đã cấp vốn ngân sách, chúng tôi đảm bảo rằng sẽ hoàn trả toàn bộ tiền lương cho các bạn. Ban lãnh đạo đoàn yêu cầu phía Bénin phải cố gắng thanh toán tiền lương sớm cho anh em. Đúng hai tháng sau, ông Dagba Fortuné đã trực tiếp đến trả đủ tiền lương của 16 tháng cho từng chuyên gia Việt Nam. Nhờ đó, các chuyên gia yên tâm làm việc và có phần áy náy: Thế mà chúng ta cứ đổ lên đầu ông Hạnh và ông Quỳ. Sao các ông ấy chẳng ca thán gì cả.

Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo đoàn giữ mối liên hệ chặt chẽ với các cơ quan hữu quan. Ba tháng một lần, đoàn chuyên gia gửi báo cáo tiến độ thực hiện chương trình hợp tác cho Bộ Nông nghiệp, Bộ Ngoại giao Bénin và FAO. Báo cáo được soạn thảo bằng tiếng Pháp, rồi được một kỹ sư người bản địa thông thạo ngoại ngữ đọc và sửa chữa lỗi chính tả trước khi gửi đi. Ngoài ra, mỗi năm một lần, các ông gửi báo cáo tổng kết cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Thông qua báo cáo, ban lãnh đạo đoàn thường xin ý kiến chỉ đạo, định hướng của lãnh đạo cấp trên.

Kinh nghiệm làm Trưởng vùng Matam (Sénégal) trong 3 năm được Trưởng đoàn Trần Đức Hạnh vận dụng triệt để tại đất nước Bénin. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông, các chuyên gia Việt Nam đã dựa vào thế mạnh của từng vùng, phát huy kinh nghiệm sản xuất của ngành nông nghiệt nước ta để hướng dẫn người dân Bénin xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp, tiêu biểu như: các mô hình nuôi cá, nuôi lợn, nuôi gà, trồng rau, chế biến thực phẩm ở vùng Torrie Borssito (vùng trũng); mô hình nuôi gà ở vùng Kandie (vùng đất cát bạc màu); mô hình trồng lúa ở vùng Glajoué (vùng cao) và vùng Dangbo (vùng ngập nước). Ông chia sẻ thêm: Ở vùng Dangbo, đất lầy đến ngang thắt lưng, cỏ dại mọc dày đặc, nên việc trồng lúa là một bài toán nan giải đối với đoàn chuyên gia, nhưng chúng tôi quyết tâm phải vượt qua[5]. Vì vậy, ông trực tiếp đến động viên người dân phá từng đám cỏ, rồi dùng cỏ và tre nứa đắp thành bờ, dần dần hình thành các thửa ruộng. Từ vùng cỏ đã biến thành cánh đồng lúa, đạt năng suất 5 tấn/ha/vụ, cao gấp 5 lần so với trước đây. 

Việc xây dựng và trình diễn các mô hình sản xuất nông nghiệp là một thành công lớn của đoàn chuyên gia Việt Nam. So với cách làm truyền thống của người dân bản địa, hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp tăng trung bình 3-4 lần; một số vùng tăng gấp 5-6 lần. Khi Trưởng đoàn Trần Đức Hạnh gửi báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thứ trưởng Ngô Thế Dân rất phấn khởi: Các anh em làm tốt đấy, Bộ rất yên tâm. Và kết quả như PGS.TS Trần Đức Hạnh từng tổng kết bằng những vần thơ:

 Đoàn chuyên gia cử đến 

Mang kinh nghiệm ông cha

 Tới vùng Sahara 

 Biến đồng hoang thành lúa

 Ngô chứa đầy trong vựa

 Sắn đậu cũng bội thu

 Cá lớn trong ao tù

 Đàn gà qua nạn dịch[6].

Nghĩa tình kẻ ở – người đi

Cuối năm 2003, Trưởng đoàn Trần Đức Hạnh xin về nước do hoàn cảnh gia đình, mẹ ông đã 90 tuổi đang bị ốm liệt giường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cử ông Nguyễn Duy Tính (cán bộ Viện Nghiên cứu nông nghiệp) sang thay. Trước khi ông về nước, Bộ Nông nghiệp Bénin đã tổ chức một cuộc gặp mặt để cảm ơn, trong không khí vui vẻ và ấm cúng.

Năm 2007, Tổng thống Cộng hòa Bénin Thomas Boni Yayi sang Việt Nam, đã đến thăm trường Đại học Nông nghiệp I và được Ban giám hiệu nhà trường đón tiếp rất trọng thể. Tại buổi gặp mặt, Ngài Tổng thống thân tình nói: Đoàn chuyên gia nông nghiệp Việt Nam sang Bénin năm 2000 cũng như những năm sau này có nhiều thành viên là cán bộ của trường. Hôm nay, tôi đến đây thăm trường và mong nhà trường cho tôi được gặp trưởng đoàn đầu tiên. Sau khi nghe Tổng thống nước bạn nói như vậy, PGS.TS Trần Đức Hạnh đứng dậy và phát biểu bằng tiếng Pháp: Chúng tôi rất vui mừng chào đón Ngài Tổng thống. Chúng tôi cảm ơn Ngài đã dành thời gian đến thăm trường. Ngài Tổng thống rất hài lòng và bảy tỏ: Các ông đã thực hiện tốt nhiệm vụ để giúp nông dân Bénin sản xuất lương thực, thực phẩm. Chúng tôi xin cảm ơn nhà trường, cảm ơn trưởng đoàn và toàn thể các vị trong đoàn.

Đối với PGS.TS Trần Đức Hạnh, những kỷ niệm về mảnh đất và con người châu Phi chan chứa nghĩa tình chưa bao giờ phai mờ trong trí nhớ. Ông khẳng định: Những việc đoàn chuyên gia nông nghiệp làm được chỉ là việc nhỏ, nhưng góp phần xây dựng mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước châu Phi. Bởi thế, chúng tôi luôn cố gắng mang hết trí lực của mình để giúp đỡ nước bạn, với một tâm tình tốt đẹp. Đó là thành tựu của tập thể đoàn chuyên gia với sự định hướng đúng đắn của FAO, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam cùng sự đoàn kết của người dân các nước bản địa.

Nguyễn Thị Hợp

______________________

* PGS.TS Trần Đức Hạnh, chuyên ngành Nông nghiệp, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Khí tượng – Sinh thái, khoa Nông học, trường Đại học Nông nghiệp I (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam). 

[1] Hỏi thông tin PGS.TS Trần Đức Hạnh, 1-11-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2] Nguyên Phó hiệu trưởng trường Đại học Nông nghiệp I.

[3] Ghi âm phỏng vấn PGS.TS Trần Đức Hạnh, 23-9-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Trọng bài, những lời chia sẻ của PGS.TS Trần Đức Hạnh đều trích dẫn từ nguồn tài liệu này.

[4] Nguyên Bí thư Đảng ủy trường Đại học Nông nghiệp I.

[5] Ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Trần Đức Hạnh, 1-11-2016, tài liệu đã dẫn.

[6] Câu lạc bộ thơ Người cao tuổi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Tâm giao, Hà Nội, tháng 3-2015, trang 75.