Năm 1962, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Y Hà Nội, Hà Huy Khôi được giữ lại làm giảng viên bộ môn Vệ sinh dịch tễ. Trong quá trình công tác tại bộ môn, ông đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu về các tài liệu y học trên thế giới và nhận thấy dinh dưỡng protein là vấn đề đang được các nước quan tâm.
Năm 1967, Hà Huy Khôi được cử đi làm nghiên cứu sinh tại Vacsava, Ba Lan. Tại đây, ông có dịp được thực hiện niềm mong ước bấy lâu là đi sâu nghiên cứu về Protein trong dinh dưỡng của người Việt
Ông đã sử dụng hỗn hợp đậu tương, lạc, men và bột sữa để bổ sung vào khẩu phần ăn của chuột và tiến hành theo dõi trên hàng trăm con chuột ở hai thế hệ. Hầu hết thời gian làm việc, ông ở phòng thí nghiệm của Viện để cùng GS.TS Maria Rakowska (sinh năm 1924, trưởng Labo về giá trị sinh học của thực phẩm) phân tích các chất đạm, đường, béo… trên mẫu chuột đã được sấy khô. Đồng thời buổi tối ông thường lên thư viện tham khảo tài liệu, tập hợp tư liệu để chuẩn bị cho luận án phó tiến sĩ. Khó khăn đầu tiên khi thực hiện đề tài là về thực phẩm. Không thể mang tất cả thực phẩm từ Việt
Với những thu hoạch sau hơn hai năm làm thực nghiệm, NCS Hà Huy Khôi tiến hành viết luận án. Trong thời gian này, ông đã viết 3 bài báo đồng tác giả với bà Maria Rakowska và được đăng trên kỷ yếu Rocz niki PZH của Viện Vệ sinh quốc gia Ba Lan, với tiêu đề: Experimental studies related to the possible improvement of nutritive value of average food of the Vietnamese; Influence of supplementation on the nutritive value and amino acid content of experimental diet; Effect of enriched diet on selected indices of assessment on the nutritional status of animals and their bones. Đây là một trong những điều kiện quan trọng để nghiên cứu sinh có thể bảo vệ luận án. Năm 1971, ông bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ tại Hội đồng khoa học, trường Đại học Y khoa Vacsava.
GS.TSKH Hà Huy Khôi tại Hội nghị Giám sát dinh dưỡng tại Nha Trang, năm 1992
Về nước công tác đúng lúc trường Đại học Y Hà Nội đi sơ tán, thiếu thốn mọi trang thiết bị dạy và học nên cả thầy và trò đều phải tự khắc phục những khó khăn. Lúc này, nhờ tích lũy được những nghiên cứu về dinh dưỡng protein thời kỳ ở Ba Lan, cùng với những tài liệu tham khảo được, Hà Huy Khôi đã cộng tác cùng thầy Chủ nhiệm khoa Vệ sinh dịch tễ Hoàng Tích Mịnh viết cuốn Vệ sinh dinh dưỡng và vệ sinh thực phẩm – đây là giáo trình đầu tiên trong đào tạo ngành Dinh dưỡng và thực phẩm. Sau khi tài liệu đã soạn thảo xong vào năm 1974, thầy Hoàng Tích Mịnh yêu cầu ông Khôi phải giảng thử nội dung tài liệu này cho sinh viên. Thầy Mịnh cũng là người góp ý chi tiết cho ông Khôi khi viết tài liệu này, với phương pháp rất đặc biệt: viết xong phần nào thì gửi đến thầy góp ý bằng bút chì với hai màu xanh, đỏ. Những chỗ gạch đỏ thể hiện sự tâm đắc của thầy, gạch xanh là đạt yêu cầu, còn những chỗ thầy Mịnh để trắng nghĩa là bình thường, cần phải bổ sung. Cách của thầy Mịnh là chấp nhận hoặc không chấp nhận chứ không trực tiếp sửa chữa, bổ sung vào bản thảo. Điều đáng mừng là chính thầy Mịnh cũng sử dụng tài liệu này để giảng bài. Đến năm 1977, Nhà xuất bản Y học ấn hành cuốn sách này, Hoàng Tích Mịnh, Hà Huy Khôi là đồng tác giả. Sách được sinh viên chuyên khoa Vệ sinh dịch tễ các trường Y dùng làm cẩm nang học tập, và là sách gối đầu giường của họ thời kỳ đó. Cuốn sách được xuất bản đã đánh dấu một giai đoạn phát triển của chuyên khoa ngành Vệ sinh dịch tễ.
Năm 1980, trong cương vị Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, GS Hà Huy Khôi được GS Từ Giấy- Viện trưởng Viện Dinh dưỡng giao làm Chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước: Đánh giá khẩu phần thực tế và tình trạng dinh dưỡng của nhân dân Việt Nam ở những vùng sinh thái khác nhau, được tiến hành từ năm 1981-1985. Đề tài này một lần nữa sử dụng những nghiên cứu về giá trị sinh học của protein. Trong đề tài này, ông cùng nhóm nghiên cứu đã đưa ra phương pháp mới đánh giá tình trạng dinh dưỡng, đó là sử dụng cùng lúc 3 chỉ tiêu: cân nặng theo tuổi, chiều cao theo tuổi và cân nặng so sánh với chiều cao, thay cho sử dụng duy nhất chỉ tiêu cân nặng theo tuổi còn hạn chế trước kia. Ông chia sẻ: Thời điểm này, vấn đề dinh dưỡng mới được quan tâm, chú ý, việc đánh giá mức độ suy dinh dưỡng chủ yếu chỉ dựa trên chỉ tiêu về cân nặng[1].
GS.TSKH Hà Huy Khôi (thứ 2, từ phải sang) tại Hội nghị năm 2002
Những số liệu được phân tích một cách khoa học để đánh giá tình trạng suy dinh dưỡng, giúp cho việc xây dựng các Chương trình can thiệp về dinh dưỡng, giúp cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, cải thiện tình trạng thấp bé nhẹ cân ở người lớn. Ngoài ra, ông còn sử dụng thang phân loại quốc tế, nghĩa là so sánh mức độ dinh dưỡng với bộ tiêu chuẩn của những đứa trẻ không bị suy dinh dưỡng. Từ đó, phương pháp này được Bộ Y tế, Viện nhi, Unicef[2] thống nhất sử dụng. Theo GS Hà Huy Khôi, những năm 1980, việc đưa ra được số liệu suy dinh dưỡng là thành công lớn của đề tài, nhằm chứng minh được với thế giới bằng căn cứ khoa học.
Từ những kết quả nghiên cứu của đề tài và các đề tài khác của Viện Dinh dưỡng do GS Từ Giấy chỉ đạo, năm 1986, Unicef đã hỗ trợ kinh phí để tổ chức Hội nghị quốc tế về Dinh dưỡng ứng dụng tại Việt Nam. Hội nghị có đông đảo đại diện các nước Châu Á, Châu Phi và các tổ chức quốc tế như: WHO, FAO, WFP tham gia. Sau đó, họ đã cho xuất bản quyển kỷ yếu, trong đó tập hợp những bài nghiên cứu tham gia Hội nghị. Hội nghị quốc tế về Dinh dưỡng ứng dụng đã mở ra những bước mới trong nghiên cứu về cải thiện tình trạng dinh dưỡng người Việt Nam.
Trên cơ sở đề tài này, ông Hà Huy Khôi đã nảy ra ý tưởng tiếp tục nghiên cứu về vấn đề dinh dưỡng làm luận án tiến sĩ với đề tài Tình trạng dinh dưỡng protein năng lượng của nhân dân ở một số vùng sinh thái của Việt Nam. Nhớ lại những năm tháng đi bộ từ Hà Tĩnh lên Việt Bắc học trung cấp y sĩ (1954), sau đó đi phục hồi tuyến đường sắt Hà Nội- Mục Nam Quan tại Đồng Mỏ, Lạng Sơn, ông Hà Huy Khôi nhận thấy rằng: Người dân địa phương ở những vùng nghèo thì gầy, nhỏ, còn người dân ở vùng đồng bằng thì có phần khá hơn[3].
Trong luận án, ông đã mở rộng nghiên cứu bằng những thực nghiệm: Thăm dò cân bằng Nitơ ở người trưởng thành ăn các khẩu phần có cơ cấu dinh dưỡng khác nhau, thay đổi các chỉ tiêu dinh dưỡng qua các chế độ ăn, đánh giá giá trị sinh học của khẩu phần ăn Việt Nam…
Được sự ủng hộ mọi mặt của GS Từ Giấy và sự cho phép của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và đào tạo năm 1990, GS Hà Huy Khôi đã bảo vệ luận án tại Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng Sau đại học, Bộ Y tế Ba Lan ở tuổi 54. GS.TSKH Hà Huy Khôi cho biết: Suy dinh dưỡng protein năng lượng là vấn đề quan tâm hàng đầu trên thế giới bấy giờ trong việc nghiên cứu dinh dưỡng. Tại các hội nghị khoa học, chương trình hành động đều tập trung vấn đề giải quyết thiếu protein năng lượng.
Kể từ đó, GS Hà Huy Khôi đã miệt mài dồn hết tâm huyết nghiên cứu về dinh dưỡng protein không chỉ muốn giúp cho người dân Việt Nam thoát khỏi tình trạng suy dinh dưỡng, mà còn hướng tới nâng cao thể lực tầm vóc con người Việt Nam.
Những công trình nghiên cứu của ông được Viện Dinh dưỡng-Hội Dinh dưỡng tuyển chọn và xuất bản thành cuốn sách có tiêu đề Hà Huy Khôi – Công trình khoa học tuyển chọn. Cuốn sách được Nhà xuất bản Y học in năm 2010 như một sự ghi nhận những đóng góp của một người thầy, một nhà khoa học chuyên ngành dinh dưỡng của Việt Nam.[4]
Phương Thúy-Hoàng Phượng
_______________