Nghiên cứu đầu tiên về lai kinh tế lợn ở Việt Nam

Nghề nuôi lợn đã có mặt ở nước ta từ lâu đời. Tuy nhiên, các giống lợn bản địa vốn có nhiều nhược điểm như năng suất thấp, hướng sản xuất thường là  kiêm dụng mỡ – thịt, như các giống Ỉ, Móng Cái, Mường Khương, lợn Cỏ, lợn Lang Tây Nguyên… Vì vậy, một vấn đề sớm được đặt ra cho ngành chăn nuôi lợn ở nước ta vào những năm 60 của thế kỷ trước…là làm sao để vừa nâng cao năng suất, vừa nâng cao phẩm chất thịt xẻ. Một trong những giải pháp góp phần giải quyết nhiệm vụ trên là tiến hành nghiên cứu các công thức lai giữa các giống lợn trong nước với giống lợn cao sản của nước ngoài, nhằm sử dụng ưu thế lai và vốn gen phong phú của các giống lợn bản địa.

Sau khi kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961-1965)  kết thúc, nhiều nông trường, lâm trường quốc doanh, trại thí nghiệm cây trồng và vật nuôi… trên toàn miền Bắc Việt Nam đã được khôi phục và xây dựng. Đây là cơ sở để ngành chăn nuôi lợn ở nước ta phát triển.

Cũng trong thời kỳ này, hưởng ứng phong trào đẩy mạnh các nghiên cứu khoa học phục vụ cho thực tiễn sản xuất của Ban lãnh đạo Học viện Nông Lâm[1] và Bộ Nông nghiệp[2], khoa Chăn nuôi thú y đã đề ra nhiều hướng nghiên cứu về gia súc, gia cầm. Một trong số đó là nghiên cứu tổ hợp lai lợn Đại Bạch và Móng Cái nhằm tạo giống mới có năng suất cao và chất lượng thịt tốt.

Lúc bấy giờ, ông Trần Nhơn[3] đang là chủ nhiệm bộ môn Chăn nuôi – Giống – Thụ tinh – Sản, được phân công làm chủ nhiệm đề tài này. Cán bộ thực hiện chính có Võ Trọng Hốt –  cán bộ trong bộ môn và Nguyễn Hải Quân[4]. Ngoài ra còn có sự tham gia hỗ trợ của các cán bộ trung cấp, tổ công nhân chăn nuôi lợn thuộc trại chăn nuôi Quang Trung của trường, do bà Đào Thị Mộng Thảo – vợ ông Võ Trọng Hốt làm tổ trưởng.

Để chuẩn bị cho đề tài này, trường Đại học Nông nghiệp I[5] đã cấp kinh phí để nhóm nghiên cứu mua 300 con lợn nái Móng Cái tại nông trường quốc doanh Đông Triều[6], Quảng Ninh. Phó giáo sư Võ Trọng Hốt cho biết, ông đã phải đạp xe xuống tận Quảng Ninh, để lựa chọn những con lợn mới cai sữa, với trọng lượng 10kg/con, sau đó đem về nuôi ở trại chăn nuôi Quang Trung của trường.

Đàn lợn được nhóm nghiên cứu phối hợp với công nhân trại chăn nuôi Quang Trung chăm sóc, theo dõi kỹ lưỡng. Sau khi lợn trưởng thành, Võ Trọng Hốt và các cán bộ đã tiến hành lựa chọn khoảng 100 con lợn nái Móng Cái có tố chất tốt nhất (đạt tiêu chuẩn về trọng lượng và kích thước), đồng thời liên hệ mua thêm 2 con lợn đực Đại Bạch ở Trại lợn giống Cầu Diễn[7] đem về để tiến hành lai tạo.

Trong quá trình phối giống, cán bộ Võ Trọng Hốt và nhóm thực hiện đã tiếp tục đổi mới về mặt phương pháp, từ giao phối trực tiếp (tỷ lệ: 1 lợn Đại Bạch x 50 lợn Móng Cái) chuyển sang thụ tinh nhân tạo, nhằm nâng cao chất lượng tinh trùng và chất lượng lợn con sau sinh. Kết quả của việc lai tạo liên tục qua các thế hệ lai F1, F2 là đã tạo ra giống dòng thuần, thừa hưởng tất cả những ưu điểm của bố mẹ Đại Bạch và Móng Cái.

Bấy giờ, ông Võ Trọng Hốt thường xuyên phải có mặt ở trại chăn nuôi Quang Trung, trường Đại học Nông nghiệp I để theo dõi quá trình lai tạo. Ông cho biết: Tôi cùng với nhóm công nhân ở trại thí nghiệm phải thực hiện tất cả những công việc trên. Lợn thường đẻ ban đêm, vì thế việc phải thức trực cả đêm là điều thường xuyên xảy ra[8]. Mỗi con lợn ra đời đều được các công nhân trại Quang Trung cẩn thận lau sạch, cắt rốn, đánh số trên bụng, đưa lên cân và ghi chép lại số liệu một cách chi tiết.

Năm 1970, khi lợn lai đáp ứng yêu cầu về năng suất thịt và tạo giống mới, ông Võ Trọng Hốt đã bàn bạc với ông Trần Nhơn và nhóm nghiên cứu về ý tưởng mở rộng đề tài nghiên cứu tổ hợp lai lợn Đại bạch và Móng cái theo hướng nạc và phục vụ xuất khẩu, đồng thời đề nghị đăng ký đề tài lên cấp Bộ Nông nghiệp.

Sau khi được Bộ Nông nghiệp chấp thuận, nhóm thực hiện đã suy nghĩ để thay đổi quy trình nuôi lợn, tập trung vào việc tăng cường thêm khẩu phần ăn giàu protein.

Lúc đó, với sự nhạy bén của mình, ông Võ Trọng Hốt đã chủ động đề nghị với Ban lãnh đạo trường, mượn một số máy nghiền trộn bên khoa Cơ khí để chế biến thức ăn hỗn hợp cho lợn. Đồng thời, ông và đồng nghiệp đã tìm kiếm, chuẩn bị một số nguyên liệu giàu hàm lượng protein như đậu tương, ngô…, sau đó đem rang nổ, rồi đưa vào máy nghiền trộn cùng với cám, khô dầu lạc, để tăng cường tỷ lệ protein lên 18%. Khẩu phần ăn mới này được áp dụng thử nghiệm ngay cho lợn mẹ, lợn con tập ăn và lợn đã cai sữa.

 

 Giảng viên Võ Trọng Hốt đang đo đạc lợn lai sau khi mổ tại trại thí nghiệm chăn nuôi Quang Trung,

trường Đại học Nông nghiệp I

Việc thay đổi quy trình nuôi lợn đã khiến cho nhóm nghiên cứu gặp nhiều khó khăn. Khẩu phần giàu protein khiến cho lợn ăn không tiêu, ỉa chảy hàng loạt. Lúc đó, ông Võ Trọng Hốt và đồng nghiệp phải nghiên cứu lại quy trình sản xuất thức ăn, giảm bớt thành phần các nguyên liệu chế biến. Sau nhiều lần thử nghiệm, cuối cùng, nhóm đã chế biến thành công loai thức ăn hỗn hợp khắc phục được tình trạng trên.

Nhớ lại những ngày tháng vất vả đó, PGS.TS Võ Trọng Hốt chia sẻ: Gần như ngày nào, tôi cũng phải có mặt ngoài trại chăn nuôi, nhiều đêm phải thức trắng để cùng mọi người theo dõi tình trạng lợn con[9].

Tiếp đó, ông và nhóm nghiên cứu phải đối mặt với hiện tượng lợn con thường xuyên đại tiện ra phân trắng, mỗi khi có mưa lạnh. Tình trạng này đã xảy ra liên tục, làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của lợn con.

Trong hoàn cảnh thiếu thốn, để giải quyết khó khăn trước mắt, ông Võ Trọng Hốt đã nghĩ ra cách sử dụng rơm lót lên trên nền gạch để giữ ấm cho lợn con. Về lâu dài, theo đề xuất của ông Trần Nhơn, Võ Trọng Hốt và nhóm thực hiện đã xây dựng hệ thống lò sưởi, tức là thiết kế đường ống dẫn nước nóng đi vào các ô lợn con; đồng thời ốp gỗ cho sàn gạch, để tăng cường khả năng giữ nhiệt.

Bấy giờ, để đảm bảo vấn đề kiểm dịch, khu vực lợn thí nghiệm được thực hiện chế độ vệ sinh nghiêm ngặt. Ông Võ Trọng Hốt yêu cầu mọi người không được tự tiện vào khu vực thí nghiệm, còn những cán bộ trực tiếp thí nghiệm phải dẫm chân qua nước  vôi để khử trùng.

Với tinh thần làm việc hăng say, không quản ngại khó khăn, quy trình lai kinh tế lợn theo hướng nạc đã đạt được kết quả khả quan, năng suất lợn lai 6-10 tháng tuổi đạt trọng lượng theo yêu cầu từ 80-100kg, nâng tỷ lệ nạc lên 46% (trong khi lợn nội chỉ khoảng 30%). Khi lợn đạt trọng lượng 90kg, ông Võ Trọng Hốt và nhóm nghiên cứu đã lựa chọn để mổ thí nghiệm, đo đạc, tính toán lượng nạc.

Năm 1973, có 4 đề tài nghiên cứu về lai kinh tế lợn (trong đó có đề tài do ông Trần Nhơn chù trì) được báo cáo tại Hội đồng khoa học Nhà nước. Sau 2 ngày nghe các báo cáo, ông Nghiêm Xuân Yêm, bấy giờ là Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Nông nghiệp Trung ương[10] đã quyết định để cho đề tài do ông Trần Nhơn chủ trì (đề tài duy nhất đặt vấn đề lai lợn theo hướng nạc và phục vụ xuất khẩu) về lai kinh tế lợn được nâng lên cấp Nhà nước; đồng thời yêu cầu các Vụ, Viện, Ban ngành trực thuộc Bộ Nông nghiệp cần chú ý tập trung hỗ trợ cho đề tài này.

Quyết định của ông Nghiêm Xuân Yêm đã vấp phải sự bất đồng quan điểm của nhiều cán bộ nghiên cứu, vì họ cho rằng, trong thời gian trước mắt, cần giải quyết vấn đề kinh tế, tức là tăng năng suất. Sau này, PGS.TS Võ Trọng Hốt kể lại: Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ăn chưa đủ no, nhưng ông Nghiêm Xuân Yêm đã đưa ra một quyết định thể hiện tầm nhìn chiến lược lâu dài[11].

 

Giảng viên  Võ Trọng Hốt (thứ 2, từ trái) đang giới thiệu về mô hình lai kinh tế lợn với khách tham quan,

tại trại thí nghiệm chăn nuôi Quang Trung, trường Đại học Nông nghiệp I, khoảng những năm 80

Sau khi đề tài được nâng cấp Nhà nước, số lượng lợn sử dụng lai tạo và nuôi dưỡng được tăng lên, nhưng vẫn nằm trong quy mô trại thí nghiệm Quang Trung của trường. Phó giáo sư Võ Trọng Hốt chia sẻ: Nếu như lúc trước sử dụng khoảng 30 lợn Móng Cái để phối giống, thì sau tăng lên khoảng 50 con[12].

Năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, ông Trần Nhơn được Ủy ban Nông nghiệp Trung ương điều vào làm Chủ nhiệm bộ môn Đại gia súc – Đồng cỏ, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam. Đề tài “Nghiên cứu tổ hợp lai lợn Đại bạch và Móng Cái theo hướng nạc và phục vụ xuất khẩu” được giao lại cho ông Võ Trọng Hốt chủ trì.

Với vai trò chủ trì đề tài, ông Võ Trọng Hốt tiếp tục đi sâu, tìm tòi để hoàn thiện quy trình chăm sóc lợn lai kinh tế. Những cố gắng của ông và nhóm thực hiện được thể hiện ở thành quả nghiên cứu: Khả năng tăng trọng của lợn lai cao hơn hẳn lợn Móng Cái; trọng lượng sơ sinh gấp 1,5 lần; trọng lượng cai sữa gấp gần 2 lần và trọng lượng xuất chuồng lúc 9 tháng tuổi gấp 1,5 lần trọng lượng lợn Móng Cái; phẩm chất thịt xẻ của lợn lai đạt các chỉ tiêu cơ bản như tỉ lệ nạc đạt từ 46-51%, độ dày mỡ lưng từ 3,3-3,6 cm[13].

Cùng với công tác nghiên cứu, trong khuôn khổ đề tài này, ông cũng hướng dẫn sinh viên chuyên ngành Chăn nuôi thú y từ khóa 15 đến khóa 22 của trường Đại học Nông nghiệp I thực tập ở trại Quang Trung. Sinh viên thực tập có nhiệm vụ tham gia các công tác theo dõi, ghi chép và báo cáo số liệu; tham gia công tác mổ khảo sát để kiểm tra, đánh giá năng suất.

Năm 1977, ông Võ Trọng Hốt đã thay mặt nhóm nghiên cứu báo cáo tổng kết đề tài này với Hội đồng khoa học kỹ thuật của Bộ Nông nghiệp (gồm 10 người, là cán bộ của Bộ Nông nghiệp và các cơ sở Vụ, Viện kiên quan). Báo cáo của ông được hội đồng đánh giá có tính thực tiễn cao, xếp loại xuất sắc, và chấp thuận cho nhân rộng việc lai tạo và nuôi theo hướng nạc ở nhiều nông trường miền Bắc Việt Nam.

Được sự cho phép của lãnh đạo trường Đại học Nông nghiệp I và Bộ Nông nghiệp, Võ Trọng Hốt và các cán bộ bộ môn đã bắt đầu nhân giống các thế hệ lai kinh tế giữa lợn Đại Bạch và Móng Cái, mở rộng quy mô chăn nuôi ở một số cơ sở như nông trường Thành Tô (Hải Phòng), nông trường quốc doanh Toàn Thắng (Hà Nội), nông trường Hà Tam (Gia Lai), nông trường Phước An (Đắk Lắk)…và đạt được nhiều kết quả khả quan. Nhiều đoàn cán bộ, sinh viên… đã đến trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội để tham quan, học hỏi mô hình lai kinh tế của Võ Trọng Hốt và nhóm thực hiện.

Năm 1978, lần đầu tiên nước ta được phép đào tạo tiến sĩ trong nước. Lúc bấy giờ, theo chủ trương của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, những đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước đã nghiệm thu xuất sắc, có thể được sử dụng để bảo vệ luận án Tiến sĩ. Vì thế, ông Võ Trọng Hốt sử dụng khoảng 1/3 các số liệu của đề tài trên để viết luận án.

Năm 1982, ông Võ Trọng Hốt đã bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ với đề tài “Kết quả nghiên cứu tổ hợp lai lợn Đại Bạch và Móng Cái nhằm tăng năng suất thịt và nâng cao phẩm chất thịt xẻ” tại trường Đại học Nông nghiệp I.   

Cùng với luận án này, kết quả nghiên cứu của đề tài lai kinh tế lợn giữa Đại Bạch và Móng Cái đã được công bố trên nhiều báo, tạp chí như Tạp chí Khoa học và kỹ thuật Nông nghiệp (1977, 1981, 1982); Tuyển tập các công trình nghiên cứu khoa học và kỹ thuật Nông nghiệp, Nxb Nông nghiệp, 1980…

Phó giáo sư Võ Trọng Hốt chia sẻ: Thành công đầu tiên của đề tài này cho tôi nhiều bài học kinh nghiệm, là cơ sở khoa học để tôi và đồng nghiệp tiếp tục phát triển hướng nghiên cứu về lợn lai kinh tế[14].

Phạm Ngọc Hải

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

 


(*) Nguyên Chủ nhiệm bộ môn Di truyền giống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Chăn nuôi chuyên khoa, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. 

[1] Tên gọi của Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn 1958-1963

[2] Tiền thân của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong giai đoạn 1960-1971,,

[3] Sau này là PGS Trần Nhơn, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Đại gia súc – Đồng cỏ, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam.

[4] Sau này là PGS.TS Nguyễn Hải Quân, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Di truyền – Giống, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội.

[5] Tên gọi của Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn 1967-2008

[6] Tiền thân của Công ty Cổ phần giống vật nuôi và cây trồng.

[7] Tiền thân của Công ty Cổ phần giống gia súc Hà Nội.

[8] Hỏi thông tin PGS.TS Võ Trọng Hốt, 15-12-2016, tài liệu đã dẫn.

[9] Hỏi thông tin PGS.TS Võ Trọng Hốt, 15-12-2016, tài liệu đã dẫn.

[10] Tên gọi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong giai đoạn 1971-1976.

[11] Hỏi thông tin PGS.TS Võ Trọng Hốt, 15-12-2016, tài liệu đã dẫn.

[12] Hỏi thông tin PGS.TS Võ Trọng Hốt, 15-12-2016, tài liệu đã dẫn.

[13] Số liệu tham khảo bài viết Kết quả lai lợn Đại bạch và Móng Cái, Võ Trọng Hốt, Tạp chí Khoa học và kỹ thuật Nông nghiệp, 4-1981.

[14] Hỏi thông tin PGS.TS Võ Trọng Hốt, 15-12-2016, tài liệu đã dẫn.