Nghiên cứu di sản các nhà khoa học – một cách thức tiếp cận lịch sử

Ở Việt Nam, những chuyển biến lớn từ đầu thế kỷ XX đến nay đều có sự tham gia quan trọng của trí thức. Đặc biệt, từ giữa thế kỷ XX trở đi, Việt Nam đã vượt qua liên tiếp hai cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập dân tộc, đưa đất nước từ đói kém vươn lên phát triển mạnh mẽ. Để có được thành quả to lớn đó, có vai trò vô cùng quan trọng của các nhà khoa học – những người đã đóng góp sức lực, trí tuệ và tâm huyết cho quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Có thể khẳng định rằng, trí thức khoa học là một phần quan trọng của lịch sử dân tộc trong gần một thế kỷ qua. Việc nghiên cứu lịch sử cuộc đời các nhà khoa học có giá trị cung cấp những hiểu biết về lịch sử dân tộc nói chung, lịch sử các ngành khoa học nói riêng.

Trải qua hơn 8 năm hoạt động, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam (DSCNKHVN) đang ngày càng định hình rõ hơn về phương pháp tiếp cận lịch sử qua nghiên cứu di sản của các nhà khoa học. Đến thời điểm hiện tại (2016), Trung tâm đã tiếp cận khoảng 1.000 nhà khoa học, tiếp nhận một khối tài liệu hiện vật đồ sộ và phong phú qua công tác nghiên cứu sưu tầm. Thành công đáng ghi nhận nhất của Trung tâm trong những năm qua là “cấp cứu” được những khối tài liệu lớn của nhiều nhà khoa học có uy tín đang bị hư hỏng, mất mát dần do điều kiện khí hậu, sự thiếu quan tâm của xã hội cũng như ý thức về di sản cuộc đời mình của chính nhà khoa học. Phương pháp tiếp cận của Trung tâm là phương pháp liên ngành, lấy cách tiếp cận lịch sử cuộc đời làm chủ đạo, kết hợp với các phương pháp nghiên cứu của nhiều ngành khác trong các lĩnh vực sử học, nhân học, xã hội học, văn hóa học… để nhận thức lịch sử. Bài viết này sẽ phân tích thêm một số đặc điểm của phương pháp tiếp cận lịch sử đang được định hình ở Trung tâm DSCNKHVN.

Lấy con người cá nhân làm đối tượng trung tâm để nghiên cứu

Con người cá nhân ở đây là các nhà khoa học có tên tuổi, nghề nghiệp nhất định, không phải là khái niệm con người chung chung. Quan điểm lấy con người làm trung tâm trong nghiên cứu lịch sử không phải là mới lạ, nhưng trong bối cảnh Việt Nam, quan điểm này vẫn có nhiều giá trị về nhận thức cũng như phương pháp luận. Trước đây, việc tiếp cận lịch sử qua cuộc đời một cá nhân thường chỉ trong trường hợp đó là một vĩ nhân, một cá nhân xuất sắc có vai trò lớn trong cộng đồng. Cách tiếp cận như vậy có nhiều giá trị, bởi các vĩ nhân thường liên quan đến nhiều sự kiện, hiện tượng của một cộng đồng. Nhưng nó cũng có những hạn chế, đặc biệt là thiếu sự tiếp cận vi mô do họ liên quan chủ yếu đến nhiều sự kiện lớn, còn những sự kiện bình thường, cuộc sống hàng ngày của họ thì ít liên quan, hoặc bị chính nhà nghiên cứu bỏ qua, hoặc có khi lại được thổi phồng lên cho “xứng tầm” với các yếu nhân. Song, lịch sử không đơn giản như vậy, lịch sử luôn phức tạp hơn mọi suy nghĩ, nhìn nhận của một con người. Vậy nên “dưới chân của những người khổng lồ vẫn là những góc khuất” mà ở đó có những sự kiện làm thay đổi lịch sử. Tiếp cận theo cách lấy nhà khoa học làm trung tâm và làm đối tượng nghiên cứu là một cách tiếp cận bổ sung cho những cách tiếp cận lịch sử đang phổ biến hiện nay. Khái niệm “nhà khoa học” ở đây được hiểu là những người hoạt động trong một lĩnh vực chuyên môn nhất định, có những công trình nghiên cứu và có ảnh hưởng nhất định trong lĩnh vực chuyên môn cũng như ngoài xã hội. Khái niệm này không bó hẹp chỉ với các nhà khoa học nổi tiếng được nhiều người biết đến hoặc có bằng cấp cao, học hàm học vị cao, nhưng cũng không mở rộng để chỉ cả giới trí thức. Điều quan trọng là họ hoạt động nghiên cứu khoa học trong một lĩnh vực cụ thể và có công trình nghiên cứu khoa học.

 

Sơ đồ phương pháp tiếp cận lịch sử cuộc đời các nhà khoa học 

   (PGS.TS Nguyễn Văn Huy đề xuất và vận dụng tại Trung tâm DSCNKHVN)

Trong sơ đồ dưới dạng mô hình hóa phương pháp tiếp cận lấy con người làm trung tâm mà PGS.TS Nguyễn Văn Huy, “kiến trúc sư” đảm trách chỉ đạo chuyên môn của Trung tâm DSCNKHVN đưa ra năm 2009, thể hiện rõ con người cá nhân vừa là một đối tượng cụ thể, vừa là một thành tố của cấu trúc hệ thống. Tiếp cận lịch sử lấy nhà khoa học làm trung tâm bao gồm cả tiếp cận lịch đại (trục dọc) và đồng đại (trục ngang). Theo tiếp cận lịch đại, cuộc đời nhà khoa học là một chuỗi các sự kiện kéo dài trong hàng chục năm, thậm chí trong một thế kỷ. Trong thời gian dài đó, họ chịu ảnh hưởng và cũng tạo ảnh hưởng đối với nhiều sự kiện lịch sử (ở các cấp độ, quy mô khác nhau) cũng như đối với các nhân vật khác. Như vậy, nghiên cứu về cuộc đời một nhà khoa học là tìm hiểu các sự kiện, nhân vật liên quan đến nhà khoa học đó trong suốt một thời đoạn lịch sử kéo dài có khi đến cả trăm năm. Còn trong tiếp cận đồng đại, cuộc đời của một nhà khoa học ở mỗi giai đoạn đều có những mối quan hệ với các sự kiện, nhân vật khác nhau. Nghiên cứu mỗi giai đoạn trong cuộc đời của một nhà khoa học là nghiên cứu về nhiều sự kiện, nhân vật có liên quan đến nhà khoa học trong giai đoạn đó. Từ tiếp cận lịch sử cuộc đời nhà khoa học đi đến tổng hợp hay tích hợp thông tin, tư liệu cả trục dọc và chiều ngang của tiến trình và phạm vi đó sẽ giúp chúng ta có một cái nhìn đa dạng và sinh động hơn về lịch sử, mà cụ thể ở đây là một phần lịch sử có liên quan đến nhà khoa học. Nói cách khác, mỗi nhà khoa học như một “trường” trong quá trình nghiên cứu lịch sử xã hội và các “trường” này luôn có quan hệ tương tác với nhau. Nghiên cứu lịch sử cuộc đời cũng là nghiên cứu sâu về mỗi “trường” và nghiên cứu mối quan hệ tương tác giữa các “trường” để tiếp cận lịch sử.

Để dễ hình dung về phương pháp này, sau đây là một số phân tích về lịch sử cuộc đời một nhà khoa học cụ thể. Cuối năm 2008, khi Trung tâm DSCNKHVN mới thành lập, chúng tôi đến tiếp xúc với GS Văn Tạo[1], lúc đó, do Trung tâm còn quá mới mẻ nên ông từ chối làm việc với chúng tôi. Một năm sau, khi công việc có những tiến triển, GS Văn Tạo chấp nhận hợp tác và trao gửi những tài liệu đầu tiên cho Trung tâm. Hơn 7 năm nghiên cứu tài liệu của GS Văn Tạo đã gợi mở ra trước mắt chúng tôi nhiều vấn đề về lịch sử xung quanh các sự kiện liên quan đến cuộc đời ông. Bám sát phương pháp tiếp cận lấy nhà khoa học làm trung tâm, theo trục dọc lịch sử cuộc đời GS Văn Tạo để tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy đó là một quá trình lịch sử kéo dài từ những thập niên đầu thế kỷ XX đến nay và sẽ còn thêm vài thập kỷ nữa qua những ảnh hưởng của ông. Như vậy, bức tranh xã hội trong khoảng một thế kỷ được thể hiện một phần qua cuộc đời GS Văn Tạo. Ông sinh ra dưới những tác động nhất định từ bối cảnh của gia đình, quê hương, sau đó được đi học rồi tham gia hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Khi Ban Văn Sử Địa được thành lập, ông được cử về làm việc, sau đó tham gia công tác nghiên cứu, giảng dạy về lịch sử qua các giai đoạn; ông vừa được chứng kiến, vừa được trải nghiệm, lại vừa trực tiếp liên quan đến nhiều sự kiện từ giữa thế kỷ XX đến nay. Bởi vậy, cuộc đời GS Văn Tạo là một chuỗi các sự kiện lớn nhỏ liên tiếp và liên quan với nhau trong nhiều thập niên liền. Mở rộng nghiên cứu theo chiều ngang, cuộc đời GS Văn Tạo cũng cho thấy những vấn đề lịch sử thông qua các giai đoạn khác nhau. Trước hết, những sự kiện lịch sử của mấy thập niên đầu thế kỷ XX đã ảnh hưởng đến chính quê hương, gia đình và qua đó tác động đến ông. Trước 1945 là thời gian ông lớn lên và đi học phổ thông, ông hiện thân là một phần của nền giáo dục thời thuộc địa Pháp. Trong kháng chiến chống Pháp, ông tham gia các hoạt động giáo dục khi mở trường trung học Phan Bội Châu ở Hải Dương, do đó ông vừa là tác nhân vừa là chứng nhân của hoạt động giáo dục trong thời kháng chiến. Từ 1954 trở đi, ông cũng vừa là tác nhân vừa là chứng nhân về quá trình xây dựng, phát triển ngành khoa học xã hội ở Việt Nam… Như vậy, ở mỗi giai đoạn, GS Văn Tạo lại trở thành một nguồn sử liệu đối với các sự kiện có liên quan hay ảnh hưởng đến ông. Khi nghiên cứu các tài liệu lịch sử cuộc đời của GS Văn Tạo, có thể nhận thức được những vấn đề lịch sử liên quan đến một con người trải qua nền giáo dục thời thuộc địa, quá trình hình thành và phát triển của ngành khoa học xã hội…, đồng thời có thể nhận thức những khía cạnh khác của cuộc sống trong từng giai đoạn khác nhau. Và nếu nghiên cứu được nhiều nhà khoa học có quan hệ với GS Văn Tạo, liên kết các thông tin về họ thì sẽ tạo ra được một nhận thức sâu rộng hơn về lịch sử và xã hội qua cuộc đời của chính họ.

Khi vận dụng phương pháp tiếp cận lịch sử cuộc đời vào nghiên cứu một nhà khoa học cụ thể, một trong những khó khăn thường gặp là liên kết các thông tin về cuộc đời nhà khoa học với bối cảnh rộng lớn hơn, như bối cảnh quốc tế, bối cảnh trong nước có liên quan đến sự kiện, nhân vật đang nghiên cứu. Đây cũng là một hạn chế lớn trong quá trình thực hiện nghiên cứu lịch sử cuộc đời các nhà khoa học mà Trung tâm DSCNKHVN đang theo đuổi. Khó khăn này xuất phát từ chỗ thông tin của đối tượng (là nhà khoa học) ở cấp vi mô, còn thông tin bối cảnh liên quan (quốc tế, trong nước) ở cấp vĩ mô, mà đó là một khoảng cách rất lớn, nếu không khai thác được các kênh thông tin liên quan để có cái nhìn bao quát thì khó nhận ra được. Ví dụ khi nghiên cứu về lịch sử cuộc đời GS Phong Lê trong ngành Văn học, có một sự kiện quan trọng được ông nói đến rất nhiều là năm 1991 ông được (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) bầu là đại biểu tham gia Đại hội toàn quốc lần thứ VII của Đảng, nhưng rồi ông không tham gia đại hội được. Đây là một sự kiện quan trọng trong cuộc đời ông, nó có liên quan đến những hoạt động nghiên cứu của ông trước đó. Nhưng muốn hiểu rõ ràng hơn thì phải đi vào phân tích bối cảnh quốc tế với sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và sự khủng hoảng của Liên Xô. Những thông tin này không trực tiếp liên quan đến cá nhân GS Phong Lê, nhưng là bối cảnh vận động của lịch sử mà Việt Nam là một phần trong sự vận động đó. Bên cạnh đó, bối cảnh trong nước cũng rất quan trọng và có ảnh hưởng nhiều đến sự kiện này, đó là quá trình thực hiện đường lối đổi mới của Đại hội Đảng lần thứ VI (1986), trong đó có nội dung đổi mới về văn học nghệ thuật… Những thông tin này ở thời gian đó vừa có tác động trực tiếp, vừa là môi trường ảnh hưởng đến sự kiện đang quan tâm về GS Phong Lê. Phân tích bối cảnh trong nước và quốc tế, mà ở đây chủ yếu là phân tích nội dung các văn bản liên quan đến bối cảnh rộng lớn có ảnh hưởng đến nhà khoa học là việc rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay, trong khi việc thu thập thông tin về quê hương, gia đình, dòng họ, trường lớp, cơ quan, bạn bè, đồng nghiệp, học trò… của nhà khoa học đã được chú trọng, thì việc sưu tầm và phân tích các thông tin về bối cảnh trong nước và quốc tế liên quan đến nhà khoa học vẫn còn hạn chế. Đây là vấn đề cần được khắc phục để đẩy mạnh chất lượng nghiên cứu ở Trung tâm DSCNKHVN.

Tiếp cận lịch sử thông qua tài liệu ghi chép, thư từ, bản thảo…

Khi coi nhà khoa học là đối tượng nghiên cứu để nhận thức lịch sử, cần có nguồn sử liệu để tiếp cận lịch sử cuộc đời của họ. Với quan điểm đó, Trung tâm DSCNKHVN đã tiếp cận nhiều nguồn tài liệu khác nhau liên quan đến cuộc đời của nhà khoa học. Trước hết là những nguồn tài liệu thành văn đã xuất bản liên quan đến bối cảnh lịch sử chung của đất nước, liên quan đến gia đình, dòng họ, đến cơ quan, trường học của họ và đến cá nhân họ. Những tài liệu này cung cấp cái nhìn khái quát về cuộc đời nhà khoa học. Cách tiếp cận của Trung tâm có nét đặc trưng kép khi vừa quan tâm tới những tài liệu chung, vừa quan tâm cả tài liệu cá nhân của mỗi nhà khoa học. Tài liệu chung ở đây được hiểu là những tài liệu đã công bố và được nhiều người biết đến; còn tài liệu riêng được hiểu là những tài liệu ở dạng chưa hoàn chỉnh, hoặc chưa được công bố và ít người biết đến. Trung tâm DSCNKHVN rất coi trọng nguồn tài liệu riêng mà các nhà khoa học lưu giữ. Nguồn tài liệu này đa dạng và phong phú, với nhiều loại khác nhau: bản thảo, sổ ghi chép, thư từ, ảnh, phim, hiện vật liên quan… Trong đó, Trung tâm đặc biệt quan tâm đến một số loại tài liệu được coi là quan trọng mang tính “sống còn” cho quá trình phát triển công tác nghiên cứu lịch sử cuộc đời các nhà khoa học, như sẽ đề cập dưới đây.

* Tài liệu ghi chép

Sau khi những cuốn sách như Nhật ký Đặng Thùy Trâm[2] hay Mãi mãi tuổi hai mươi[3] xuất hiện trên văn đàn, nhiều người đã thay đổi cách nhìn nhận về vai trò của những cuốn nhật ký của những người không nổi tiếng. Trước đó, không nhiều người biết đến Đặng Thùy Trâm, cũng chẳng mấy cơ quan chú ý sưu tầm tài liệu liên quan đến những người không nổi tiếng. Các nhà khoa học mà Trung tâm DSCNKHVN nghiên cứu là những người có ảnh hưởng nhất định trong lĩnh vực chuyên môn và liên quan đến nhiều vấn đề lịch sử, nhưng những trang viết hàng ngày của họ vẫn chưa được quan tâm đúng mức so với giá trị của nó. Nhiều nhà khoa học thường có thói quen ghi chép lại những công việc hàng ngày, những cuộc họp bàn công việc, họp chuyên môn, hay tham gia các lớp học, tập huấn, hay những cuộc trao đổi nhỏ trong quá trình làm việc. Họ cũng thường ghi chép lại suy nghĩ về cuộc sống, về những sự kiện mà họ được trải nghiệm, chứng kiến hay quan tâm. Những ghi chép của họ một phần được dùng làm tài liệu để nghiên cứu, nhưng phần lớn “tồn kho” trong thời gian dài và ít được chú ý tới. Tuy nhiên, nguồn tài liệu ghi chép này lại vô cùng quan trọng đối với sự trưởng thành, hình thành tư tưởng, quan điểm và liên quan đến quá trình nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo của nhà khoa học. Nói cách khác, đây là nguồn tài liệu quan trọng để nghiên cứu về lịch sử cuộc đời của các nhà khoa học.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy trao đổi với chuyên gia Pháp về việc lựa chọn hiện vật để trưng bày (2011)

Theo trục dọc cuộc đời nhà khoa học, các ghi chép như vậy thể hiện sự phát triển tư tưởng, tư duy, quan điểm khoa học, cũng như những sự thay đổi trong suy nghĩ, cả những khó khăn, thuận lợi trong cuộc đời nhà khoa học. Theo chiều ngang, những ghi chép này phản ánh những sự kiện trong cuộc đời nhà khoa học với các mối quan hệ xã hội trực tiếp hay gián tiếp khác. Những ghi chép này còn cho thấy điều kiện trang thiết bị của từng thời đoạn lịch sử qua chất liệu để ghi chép hay những quy định chuyên ngành về ghi chép. Với một nhà khoa học, những ghi chép cũng thể hiện quá trình lao động trí tuệ của họ để hoàn thành một công trình nghiên cứu. Nếu chỉ nhìn từ công trình nghiên cứu của họ (bài tạp chí, bài tham luận hay một cuốn sách, một chuyên luận…), chúng ta khó hình dung được quá trình nghiên cứu, lao động trí tuệ, sự thay đổi quan điểm của nhà khoa học. Còn khi nghiên cứu những ghi chép của nhà khoa học liên quan đến quá trình hoàn thành công trình đó, ta sẽ có một nhận thức sâu sắc hơn về công trình nghiên cứu cũng như về cá tính, quan điểm và đóng góp của nhà khoa học. Có thể lấy một ví dụ như sau: Trong giới nghiên cứu văn học đều biết GS Hà Minh Đức[4] có nhiều công trình nghiên cứu về nhà văn Nam Cao. Nhưng khi đọc những công trình nghiên cứu về Nam Cao của GS Hà Minh Đức thì không dễ gì hiểu được quá trình lao động công phu và kiên trì của ông. Khi GS Hà Minh Đức tặng toàn bộ tài liệu của ông cho Trung tâm DSCNKHVN, những ghi chép của ông liên quan đến nghiên cứu về Nam Cao đã giúp chúng tôi hiểu hơn về quá trình này. Với ông, nghiên cứu về Nam Cao là một quá trình kéo dài hàng chục năm, từ cuối những năm 1950 ông đã quan tâm đến vấn đề này và bắt đầu tìm tài liệu. Những ghi chép của ông từ năm 1959-1960 khi tiếp xúc với nhà văn Tô Hoài để hỏi về Nam Cao và xin tài liệu về Nam Cao còn được ông lưu giữ. Tiếp theo đó, có nhiều ghi chép liên quan đến Nam Cao khi Hà Minh Đức tiếp cận với các nhà nghiên cứu khác hay các nguồn tài liệu khác. Từ công trình đầu tiên còn sơ sài, về sau được bổ sung dày dặn, đầy đủ hơn qua những ghi chép, suy nghĩ của ông. Quá trình đó kéo dài hơn nửa thế kỷ với số lượng trang viết tay và bản thảo nhiều gấp hàng chục lần số trang đã xuất bản.

** Tài liệu thư từ

Trong bối cảnh thời chiến tranh, các nhà khoa học cũng thường phải sống xa nhà, xa quê, để tham gia công tác, hoạt động khoa học hay học tập ở nước ngoài. Nhìn chung, cuộc sống xa cách như thế là chuyện phổ biến đối với giới khoa học Việt Nam nửa sau thế kỷ XX. Trong điều kiện đó, những bức thư trao đổi với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp là một phần di sản, một loại tài liệu quan trọng liên quan đến cuộc đời nhà khoa học. Hiện nay, Trung tâm DSCNKHVN bảo quản hàng vạn bức thư của các nhà khoa học trong những khoảng thời gian và những hoàn cảnh khác nhau. Điểm chung của các bức thư là chứa đựng tâm trạng, tình cảm và suy nghĩ của cá nhân nhà khoa học hay của người gửi thư cho họ. Những bức thư thể hiện cái nhìn cá nhân nhưng sinh động và chân thật. Ví dụ hơn 200 bức thư của vợ chồng GS Văn Tạo gửi cho nhau trong thời gian ông đi học ở Liên Xô (1961-1964) đã cung cấp nhiều hiểu biết về cuộc sống của gia đình công chức ở Hà Nội đầu những năm 1960, về  tâm tư của những người đi học ở Liên Xô thời kỳ đó. Trong những lá thư gửi đi, vợ ông kể khá chi tiết về việc thuê nhà để ở, chuyện mua lương thực và thực phẩm, mua thuốc cho con,  chuyện quan hệ với đồng nghiệp ở Hà Nội… Ở chiều ngược lại, GS Văn Tạo cũng thể hiện những suy nghĩ của một người cán bộ được cử sang Liên Xô học khi mà cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa xét lại lên cao và có nguy cơ ông sẽ không được bảo vệ luận án… Vào thời điểm đó, những suy nghĩ, trăn trở của hai ông bà khó có thể nói ra với mọi người, nhưng trong thư gửi cho nhau thì họ viết thẳng thắn, chân thật, thể hiện nhiều khía cạnh cuộc sống hiện thực lúc đó.

Những bức thư cũng có thể phản ánh điều kiện đặc biệt của đất nước trong một giai đoạn lịch sử cụ thể. Ví dụ những bức thư của GS Nguyễn Thúc Tùng, một cây đại thụ của ngành quân y gửi về cho vợ trong thời gian ông công tác ở chiến trường miền Nam. Những bức thư này không được ghi tên người gửi và địa chỉ, vì sợ nếu lọt vào tay đối phương thì sẽ nguy hiểm cho cả đơn vị. Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, những bức thư viết tay ngày càng ít thấy, nhưng trước kia là hình thức liên lạc phổ biến trong toàn xã hội, đó là một nguồn tài liệu quan trọng của đất nước trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Những bức thư đang còn ở trong nhân dân cũng có nguy cơ mất mát, hư hỏng và bị hủy hoại. Việc Trung tâm DSCNKHVN lưu giữ được hàng ngàn bức thư của các nhà khoa học là một việc làm quý giá, nhưng để các thế hệ sau hiểu hơn về lịch sử thì từng đó là chưa đủ. Vẫn cần có những cơ quan, tổ chức tiếp tục sưu tầm và lưu giữ những tài liệu thư từ đang tản mác ở trong nhân dân để làm tư liệu trong nghiên cứu lịch sử.

*** Tài liệu bản thảo

Đây là loại tài liệu thể hiện rõ nhất quá trình hoàn thành một công trình nghiên cứu của nhà khoa học. Qua các bản thảo cũng cho phép nhận diện về trang thiết bị, chất liệu được sử dụng trong thời kỳ nhà khoa học thực hiện công trình nghiên cứu. Từ các bản thảo có thể hiểu được quá trình xử lý tài liệu, chỉnh sửa, bổ sung, thay đổi và hoàn thành một nghiên cứu khoa học. Có thể coi bản thảo là một loại tư liệu để tìm hiểu những thay đổi trong quá trình nghiên cứu của nhà khoa học. Tuy nhiên, từ trước tới nay, giới nghiên cứu chỉ quan tâm nhiều đến công trình khoa học đã được hoàn chỉnh, không quan tâm đến tài liệu bản thảo – sản phẩm trong quá trình nghiên cứu. Bởi bản thảo là những sản phẩm chưa hoàn chỉnh, chưa công bố và thường bị quên lãng, thậm chí vứt bỏ sau khi hoàn thành nghiên cứu và công trình được xuất bản. Nhưng khi mà việc phê phán các nghiên cứu khoa học để đạt tới những nhận thức khác ngày càng được coi trọng, buộc các nhà nghiên cứu phải đánh giá lại cả về quá trình nghiên cứu, thay vì chỉ đánh giá kết quả nghiên cứu, thì tài liệu bản thảo bắt đầu có vai trò quan trọng hơn. Lúc này, nhà nghiên cứu cần tiếp cận quá trình nghiên cứu trước đó của nhà khoa học, nhằm tìm những điểm then chốt trong quá trình nhận thức để lý giải cho những quan điểm của họ trình bày trong kết quả nghiên cứu. Việc nghiên cứu các bản thảo, từ bản đầu tiên đến bản hoàn chỉnh được đưa đi xuất bản, là một quá trình đánh giá nghiêm túc đối với lao động trí tuệ của nhà khoa học, một quá trình tiếp nối liên tục từ các nguồn dữ liệu của nhà nghiên cứu.

Một góc kho lưu trữ tài liệu giấy của Trung tâm DSCNKHVN (2016)

Trong kho tài liệu giấy của Trung tâm DSCNKHVN, hiện có hàng vạn bản thảo liên quan đến những công trình nghiên cứu của nhiều nhà khoa học ở các lĩnh vực khác nhau. Tùy theo tính chất của từng lĩnh vực mà tài liệu bản thảo có sự khác nhau: có khi chỉ là một vài bản vẽ, một số trang viết, có khi là hàng ngàn bản khác nhau được tạo ra trong quá trình nghiên cứu… Ví dụ tài liệu bản thảo liên quan đến quá trình dịch cuốn sách Xã hội cổ đại: Hay nghiên cứu các con đường đi lên của loài người từ mông muội qua dã man đến văn minh của L. H. Morgan sang tiếng Việt, do nhà dân tộc học Nguyễn Hữu Thấu (1916-2002) thực hiện với sự tham gia của một nhóm cộng tác. Họ đã tiếp xúc với các bản in bằng những ngôn ngữ khác nhau để đối chiếu trong quá trình dịch. Công trình dịch thuật này kéo dài từ đầu những năm 1970 cho đến khi ông Nguyễn Hữu Thấu qua đời vẫn chưa xuất bản được. Mãi đến năm 2012,tròn 10 năm sau khi ông qua đời, ấn phẩm dịch mới đến tay bạn đọc[5], đó là cuốn sách dày 667 trang, nhưng số lượng bản thảo do quá trình dịch thuật tạo ra và được lưu trữ tại Trung tâm DSCNKHVN, khi xếp chồng lên có lẽ cao hơn chiều cao của ông Nguyễn Hữu Thấu lúc sinh thời, và nếu so với công trình nghiên cứu này của tác giả L. H. Morgan, số trang bản thảo do quá trình dịch thuật tạo ra cũng gấp hàng chục lần, bao gồm những bản dịch viết tay, những bản in để sửa, những văn bản ghi các ý kiến trao đổi với nhau giữa những người tham gia dịch và các nhà nghiên cứu khác.

Coi di sản ký ức là một nguồn tài liệu để nghiên cứu lịch sử

Di sản ký ức là một khái niệm tương đối mới. Trên thế giới, từ cuối thế kỷ XX, UNESCO đã phát động chương trình “Ký ức thế giới” để kêu gọi toàn thể loài người cùng góp phần bảo tồn các loại tài liệu, nhất là ký ức về nhân loại. Tuy nhiên, thuật ngữ “di sản ký ức” theo cách hiểu của UNESCO là một khái niệm rộng lớn, bao hàm nhiều ý nghĩa và nhiều thể loại tài liệu, di sản khác nhau, cả vật thể và phi vật thể. Đối với Trung tâm DSCNKHVN, di sản ký ức được hiểu theo nghĩa hẹp hơn, đó là một dạng tài liệu tồn tại dưới dạng trí nhớ của mỗi người và ai cũng có những ký ức nhất định. Di sản ký ức là những dấu vết về những sự kiện hoặc nhân vật được lưu lại nhờ bộ não của con người, trong quá trình tiếp xúc, suy nghĩ hay tương tác với những người khác trong các bối cảnh khác nhau.

Với các nhà khoa học, họ là những chứng nhân của một hay một số thời kỳ lịch sử, liên quan đến quá trình hình thành, phát triển của một lĩnh vực chuyên môn, một ngành, một đơn vị, cơ quan nhất định. Ký ức cũng mang tính lịch sử, với độ đậm nhạt khác nhau tùy vào ấn tượng của nhà khoa học đối với sự kiện hay nhân vật mà họ tiếp xúc, và ký ức cũng chịu ảnh hưởng bởi thời gian tiếp xúc từ rất lâu hay chưa lâu. Nhìn chung, nhà khoa học luôn có những ký ức về bối cảnh cuộc sống qua các giai đoạn khác nhau, ký ức về trường lớp, bài vở, về thầy cô, bạn bè, về cơ quan, đồng nghiệp, về gia đình… Những ký ức đó một mặt thể hiện lịch sử qua phản chiếu của chính nhà khoa học, đồng thời ký ức cũng góp phần ảnh hưởng đến cuộc đời và sự nghiệp của nhà khoa học. Trước đây, ký ức không được coi là một nguồn tư liệu để nghiên cứu lịch sử do tính cá nhân và tính không định lượng được của nó. Nói cách khác, do khó kiểm tra, kiểm chứng  nên ký ức ít được coi trọng, thêm nữa, còn có khó khăn trong việc lưu giữ, quản lý ký ức. Nhưng khi đời sống cá nhân ngày càng được quan tâm, nhiều vấn đề xã hội được nhận thức và giải quyết qua những nghiên cứu trường hợp cụ thể, kể cả của một người, thì di sản ký ức được chú ý tới. Gần đây, vào những dịp kỷ niệm các sự kiện lịch sử, ở nhiều nơi người ta đã tìm lại những ký ức của các nhân chứng về sự kiện đó để tạo ra góc nhìn mới về sự kiện. Đó là một sự thay đổi đáng kể về nhận thức của xã hội đối với di sản ký ức.

Các nhà khoa học là những trí thức tiên phong trong nhiều lĩnh vực, họ tham gia vào nhiều sự kiện và tư duy nhiều về xã hội, về sự phát triển, nên di sản ký ức của họ phong phú và có nhiều giá trị về lịch sử khoa học cũng như lịch sử chung của đất nước. Các nhà khoa học thường đi tiên phong trong việc nhận thức những vấn đề xã hội, họ có tầm nhìn bao quát hơn, nhưng không phải khi nào cũng có thể trình bày hết suy nghĩ của mình để xã hội hiểu được. Bên cạnh những suy nghĩ họ đã viết ra, đã công bố, còn có những suy nghĩ, trăn trở của họ đọng lại trong trí não, chưa được bộc lộ ra ngoài. Vậy nên sưu tầm, lưu giữ và nghiên cứu di sản ký ức của các nhà khoa học là một mảng công việc được Trung tâm DSCNKHVN chú trọng ngay từ đầu và coi đây là một nhiệm vụ quan trọng lâu dài của Trung tâm. Với sự hỗ trợ của các phương tiện như máy ghi hình, ghi âm, các nghiên cứu viên hỏi chuyện các nhà khoa học và ghi lại ký ức của họ, biến những ký ức đó thành loại di sản đặc biệt và rất có giá trị để nghiên cứu. Những câu chuyện, những kỷ niệm của mỗi nhà khoa học về quê hương, gia đình, quá trình học tập, nghiên cứu khoa học và giảng dạy, cả những câu chuyện trong cuộc sống đời thường, về bạn bè, đồng nghiệp… đều được đưa về lưu trữ tại Trung tâm. Qua ký ức, nhận thức của từng con người cụ thể về điều kiện, bối cảnh xã hội và cuộc sống nhiều mặt mà họ đã trải qua, có thể tìm hiểu về những vấn đề rộng lớn. Ví dụ trường hợp GS Văn Tạo đã nói tới ở trên6: Ông dành hơn 5 năm để tự ghi âm lại lời kể về cuộc đời mình trong 118 băng với hơn 8.000 phút và trao tặng cho Trung tâm DSCNKHVN, đây là một bộ tài liệu di sản ký ức. Ông là một chứng nhân gắn liền cuộc đời mình với sự hình thành và phát triển của ngành khoa học xã hội nói chung và Viện Sử học nói riêng. Dưới con mắt của một nhà sử học, ông đã lưu lại được những ký ức qua các câu chuyện, kỷ niệm, nhận định, đánh giá về những sự kiện và nhân vật mà ông chứng kiến, tiếp xúc và khảo cứu. Bộ tài liệu này của ông có tác dụng tái hiện những câu chuyện về quê hương, về quá trình xây dựng Ban Văn – Sử – Địa và Viện Sử học, về các nhân vật lịch sử như Trần Huy Liệu, Trần Văn Giáp, Minh Tranh, Nguyễn Đổng Chi, Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh…, về những buổi làm việc với các vị lãnh đạo nhà nước như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… Nó cũng ghi lại những suy tư của GS Văn Tạo về quá trình nghiên cứu khoa học, giảng dạy, về các vấn đề lớn của đất nước mà ông quan tâm và trăn trở. Tất cả những câu chuyện, những kỷ niệm, những suy nghĩ được GS Văn Tạo đặt trong một bối cảnh rộng lớn về lịch sử, dựa trên các nguồn tài liệu mà ông thu thập, sưu tầm và lưu giữ. Vì vậy, bộ tài liệu bằng lời này có giá trị rất lớn để nghiên cứu, không chỉ về cuộc đời của một con người – một nhà khoa, mà còn chứa đựng nhiều thông tin về các vấn đề lịch sử, các nhân vật lịch sử và các sự kiện lịch sử mà tác giả được chứng kiến hay có các tài liệu liên quan. Việc GS Văn Tạo tạo ra bộ tài liệu này đã tác động mạnh đến nhận thức của nhiều nhà khoa học về di sản ký ức, đồng thời khích lệ họ hợp tác với Trung tâm DSCNKHVN trong việc bảo tồn và nghiên cứu di sản ký ức.

Bên cạnh đó, trong gần 8 năm qua, Trung tâm DSCNKHVN đã ghi âm, ghi hình về di sản ký ức của hàng trăm nhà khoa học và thu về hàng vạn phút ghi âm, ghi hình để lưu trữ và nghiên cứu. Theo đó, là quy trình chuyên môn nghiệp vụ mà các nghiên cứu viên phải tiếp tục xử lý, tác nghiệp… Có thể nói, những di sản ký ức là một tài sản vô cùng quý báu cho các thế hệ nghiên cứu và tìm hiểu về lịch sử một thời đoạn của dân tộc, của cha ông. Nhưng cũng cần phải lưu ý đến tính cá nhân của loại tài liệu này: đây là ký ức của một người cụ thể và nó có thể chưa hẳn chính xác do thời gian quá lâu hoặc trong trường hợp trí nhớ của nhà khoa học suy giảm, cho nên khi sử dụng cần có sự khảo cứu, kiểm chứng và đối chiếu nhiều nguồn tài liệu khác nhau, cũng như có sự đồng thuận của chủ sở hữu tài liệu đó.

Tổng hợp/tích hợp thông tin đa chiều để nhận thức lịch sử

Như đã nói trên, tiếp cận lịch sử cuộc đời các nhà khoa học là cách tiếp cận liên ngành, nên Trung tâm DSCNKHVN đang hướng đến phương pháp tổng hợp hay tích hợp các nguồn tài liệu, thông tin đa chiều, để có cái nhìn toàn diện hơn về đối tượng nghiên cứu. Nhà khoa học là một đối tượng nghiên cứu phức tạp thể hiện qua các mối liên hệ của họ theo trục dọc và chiều ngang. Với những nguồn tài liệu khác nhau, trong đó coi trọng nguồn tài liệu mang tính cá nhân, chưa được kiểm chứng, thì việc nghiên cứu và sử dụng lại càng phải cẩn trọng. Như đã xác định, nhà khoa học là trung tâm trong sơ đồ nghiên cứu, nhưng bản thân họ cũng là một thế giới với các mối quan hệ phức tạp và không dễ để nhận thức khách quan. Họ là một “trường” rất nhỏ khi đặt trong bối cảnh rộng lớn như đã thể hiện trên sơ đồ, từ bối cảnh quốc tế, trong nước đến bối cảnh của ngành, trường, cơ quan, gia đình… Và nhà khoa học cũng tương tác với nhiều “trường” khác trong quá trình sinh sống cũng như hoạt động chuyên môn và hoạt động xã hội. Bởi vậy, khi tiếp cận nghiên cứu lịch sử cuộc đời các nhà khoa học, Trung tâm DSCNKHVN chú trọng việc nghiên cứu cả tài liệu văn bản, cả tài liệu ký ức. Trong nghiên cứu tài liệu văn bản như các ghi chép, thư từ, bản thảo…, việc so sánh, đối chiếu nhiều nguồn với nhau là rất cần thiết để tránh sai sót. Từ tài liệu ghi chép cá nhân của nhà khoa học cũng phải được đối chiếu với ghi chép của những nhà khoa học khác có liên quan đến cùng một sự kiện hay nhân vật nào đó, hoặc đối chiếu với các tài liệu đã phổ biến. Sự đối chiếu, so sánh như vậy có giá trị tương hỗ nhau giữa các nguồn tài liệu để đi gần hơn đến sự thật lịch sử. Đối với tài liệu ký ức lại càng phải kiểm chứng nhiều hơn. Thường khi nghiên cứu về một nhà khoa học, bên cạnh tìm hiểu ký ức và tư liệu của chính nhà khoa học đó, cần phải tìm hiểu thêm qua nhiều nhà khoa học khác là học trò hay đồng nghiệp của nhà khoa học kia. Từ nhiều góc nhìn khác nhau, lịch sử cuộc đời của nhà khoa học sẽ được thể hiện rõ ràng và đầy đủ hơn. Tất nhiên, ý kiến của những người khác cũng chịu sự chi phối của cảm tính và do đó cần được xem xét kỹ lưỡng khi sử dụng làm tư liệu cho việc nghiên cứu.

Trong bước đầu nghiên cứu di sản các nhà khoa học, Trung tâm DSCNKHVN đã khá thành công trong việc sưu tầm và từng bước giới thiệu những nguồn tài liệu, những câu chuyện, kỷ niệm từ ký ức của các nhà khoa học, qua đó góp phần vào việc nhận thức một số vấn đề lịch sử, nhất là lịch sử khoa học và lịch sử ngành. Nhưng tiếp theo, để có thể phát huy hơn nữa việc nghiên cứu di sản các nhà khoa học, cần đẩy mạnh quá trình nghiên cứu sâu, tổng hợp/ tích hợp các tư liệu và thông tin đa chiều, thực hiện những chuyên đề nghiên cứu có giá trị cao nhằm góp phần nhận thức lịch sử. Trong thời gian gần đây, đã xuất hiện một số công trình nghiên cứu gây tiếng vang trong việc diễn giải lại lịch sử qua tiếp cận lịch sử cuộc đời từ các nguồn tài liệu cá nhân, đã gợi ra cho người đọc nhiều cách tiếp cận lịch sử khác nhau.  Một số tác giả đã sử dụng các tài liệu về lịch sử cuộc đời của một nhân vật và đặt nó trong bối cảnh rộng lớn với những tài liệu đa dạng về lịch sử một dân tộc, về mối quan hệ giữa các quốc gia và nhiều vấn đề liên quan được khai thác, tham khảo qua các nguồn tài liệu từ nhiều ngôn ngữ khác nhau… Từ những phương pháp tiếp cận như vậy cũng đặt ra nhiều vấn đề trong việc sử dụng các nguồn sử liệu khác nhau. Hiện nay, Trung tâm đã có được nguồn sử liệu quan trọng, việc còn lại là đem đam mê và tâm huyết cùng với những phương pháp tiếp cận hợp lý để nghiên cứu và từ đó góp phần vào việc nhận thức lịch sử.

 

Bùi Minh Hào

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

 

[1] GS Văn Tạo sinh năm 1926 tại Tứ Kỳ, Hải Dương, là nhà Sử học, nguyên Viện trưởng Viện Sử học, ông có nhiều đóng góp trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam hiện đại, cụ thể là nghiên cứu về giai cấp công nhân, về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về nạn đói năm 1945…

[2] Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội, 2005.

[3] Mãi mãi tuổi hai mươi, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2005.

[4] GS Hà Minh Đức sinh năm 1935 tại Thanh Hóa, nguyên Viện trưởng Viện Văn học, là một nhà nghiên cứu – phê bình văn học có nhiều đóng góp trong nghiên cứu văn học Việt Nam hiện đại.

[5] L. H. Morgan, Xã hội cổ đại: Hay nghiên cứu các con đường đi lên của loài người từ mông muội qua dã man đến văn minh,  Nguyễn Hữu Thấu dịch, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2012.

6 Trong bài này, các ví dụ được dẫn ra đều là những nhà khoa học thuộc lĩnh vực sử học và văn học mà tác giả đã trực tiếp nghiên cứu, nhưng nếu nhìn sang những nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác thì cũng có những điểm tương tự.